Ở nơi này của Bình Định có một đầm nước ngọt tự nhiên đẹp như phim, đang hút khách du lịch

Nói như thế là bởi cả hệ thống chính trị ở huyện này tha thiết muốn phát huy tiềm năng, lợi thế nhiều cảnh đẹp tự nhiên của cả biển đầm, núi non, sản vật… Dù kinh tế du lịch ở huyện Phù Mỹ chưa phải là nhiều nhưng những gì đã có đủ khiến niềm hưng phấn lan tỏa rộng khắp.

Phát huy chất nguyên sơ, riêng có

Một trong những “chấm son” của Phù Mỹ trong biến tiềm năng thành lợi thế phát triển là việc xuất hiện khu Camping Đầm Trà Ổ ở thôn Chánh Khoan Đông, xã Mỹ Lợi, do anh Nguyễn Quang Tường làm chủ. 

Anh Tường cho biết, đầm Trà Ổ là đầm nước ngọt rộng nhất tỉnh Bình Định, cảnh quan đẹp, gắn liền với đời sống của người dân ven đầm. 

Được sự động viên, hỗ trợ của chính quyền, năm 2017 tôi lên ý tưởng và từng bước xây dựng khu camping phục vụ du khách, đối tượng thu hút đầu tiên là những người ưa thích trải nghiệm, khám phá. Cùng với đó tôi còn kết nối với một số DN hoạt động trong lĩnh vực lữ hành để đưa khách về đây.

Đầm Trà Ổ là một điểm đến rất đẹp, đó là điều đã được khẳng định. Ở đây du khách có thể ngắm bình minh, hoàng hôn trong không gian huyền ảo, đẹp đến mê hoặc lòng người. 

Không chỉ theo thuyền lướt trên mặt đầm, luồn lách qua những khóm cây ven đầm, xuyên qua cánh đồng lát, đầm sen, súng trổ hoa rực rỡ… du khách còn được trải nghiệm thả lờ, lưới bắt tôm, cá như một người dân quê thực thụ và thưởng thức đặc sản chỉ có ở đầm này – chình mun.

Người ta đang kéo đến đầm Trà Ổ đầm nước ngọt tự nhiên có cá chình mun đặc sản Bình Định- Ảnh 2.

Nhiều du khách ghé tham quan khu Camping Đầm Trà Ổ, đầm nước ngọt tự nhiên nổi tiếng ở huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định. Ảnh: T. TRỌN.

Từ cuộc sống mưu sinh trên đầm, hằng ngày tiếp xúc với chiếc thuyền nhỏ, con nước đầm đã hình thành hội đua thuyền rộn ràng mỗi năm, vào dịp Tết của ngư dân các địa phương ven đầm.

Hội đua thuyền là dịp để ngư dân thể hiện khả năng cầm lái, chèo chống của mình trong dòng nước. Hoạt động vừa mang tính chất là giải thể thao, ẩn sâu trong đó là một giá trị văn hóa, tâm linh, thể hiện sự khát khao chinh phục những khó khăn để vươn lên trong cuộc sống của ngư dân. 

Từ sự sôi nổi, lớn mạnh của hoạt động đua thuyền trên đầm Trà Ổ của các địa phương, huyện Phù Mỹ đã hình thành giải đấu để các xã có thể thi thố với nhau vào mỗi dịp Tết, sau khi các giải địa phương đã tổ chức xong. Và đây cũng là một nét đẹp đang dần được du khách để ý nhiều hơn.

Dịch vụ tốt là điều hiển nhiên, không chỉ có vậy, phát hiện du khách bắt đầu đến với mình, không chỉ cán bộ các xã ven đầm mà cả lãnh đạo huyện cũng thường xuyên động viên, kêu gọi người dân địa phương ứng xử tốt với khách phương xa, đặc biệt là với những quán ăn mà điển hình là bún tôm, bún rạm. 

Chị Sáu, chủ một quán bún bình dân ở Mỹ Châu kể: Một tô bún giá chỉ 8.000- 10.000 đồng, nhưng nó ngon ngọt để khiến người ta gọi tô ăn thêm. 

Mười lần như chục ai cũng gọi thêm, bắt giá lên có lẽ họ cũng chịu. Nhưng ở đây không ai làm thế. Tự chúng tôi đã thế và hơn nữa mấy ảnh ở xã thỉnh thoảng cũng nhắc chừng, phải làm sao để họ còn quay lại và giới thiệu để bạn bè, người thân tìm về với quê mình…

Làm sao để du khách quay lại

Hóa ra không chỉ chính quyền xã, huyện; các DN tìm cách giải bài toán “làm sao để du khách quay lại” mà sau một thời gian ngắn tích cực vận động, cả người dân ở nhiều xã cũng đã thấm thía với lợi ích to lớn khi đón nhiều du khách.

Chuyện ở làng bí đao khổng lồ Chánh Trạch, xã Mỹ Thọ là một điển hình. Những trái bí đao khổng lồ nặng tới 40 – 60 kg/trái, treo lủng lẳng trên giàn thu hút sự tò mò của rất nhiều du khách. 

Từ tháng 4 – 6 âm lịch hằng năm cả làng không lúc nào ngơi khách. Du khách tận tay ôm lấy trái bí còn treo trên giàn để chụp ảnh lưu niệm, rồi uống nước chiết từ thân cây bí; họ thích thú chia sẻ ngay với bạn bè, người thân và mua về làm quà.

Nhưng điều khiến du khách thích nhất là gì? Bà Trần Thị Lan, chủ một hộ trồng bí đao xã Mỹ Thọ tiết lộ: Ai cũng nghĩ họ thích nhất là được ngắm bí đao khổng lồ. 

Họ thích thật đấy nhưng sau nhiều lần hỏi thăm tôi cũng như bà con ở đây rất bất ngờ, rằng điều khiến họ thích nhất là cả Chánh Trạch đi đâu cũng thấy người dân cười thân thiện, hỏi cái gì dân cũng vui vẻ trả lời, vô nhà này không ưng thì sang nhà khác ai cũng vồn vã chỉ bày; đường làng sạch sẽ, khung cảnh trong làng tươi vui… khiến ai cũng dễ chịu.

Người ta đang kéo đến đầm Trà Ổ đầm nước ngọt tự nhiên có cá chình mun đặc sản Bình Định- Ảnh 4.

Một góc Gành Mỹ An, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định. Ảnh: GIA BẢO.

Không chỉ ở Trà Ổ, Chánh Trạch mới thế, những dấu hiệu tích cực như thế, còn có thể kể tới nhiều điểm đến khác như: Mũi Vi Rồng, hải đăng Hòn Nước, Hòn Đụn, Hòn Tranh, Bãi Bàng, làng chài Tân Phụng, gành Mỹ An, Hố Đá Bàn, chùa Thiên Sanh, hồ Đá Trải, hồ Suối Sổ… 

Về thăm Phù Mỹ, du khách còn có thể đến thăm các làng nghề như: Làng chiếu cói Mỹ Thắng, làng gốm thị trấn Phù Mỹ, làng thảm xơ dừa Mỹ Lợi, làng đan tre Mỹ Tài;… Và đặc biệt là những lễ hội cầu ngư trải dài từ tháng 2 đến tháng 6 âm lịch hằng năm với nhiều nét độc đáo của cộng đồng ngư dân làng biển…

Thật ra khắp đất nước này người dân ở đâu có lẽ cũng thế, nhưng từ những điểm son như Chánh Trạch không thể không tin rằng điều đó có công sức rất lớn của chính quyền, các hội, đoàn thể như cái cách mà công chức, viên chức xã Mỹ Thọ đã làm. 

Một lãnh đạo huyện Phù Mỹ (đề nghị không nêu tên) tâm tình: Nói về lợi thế, mức độ đặc sắc, điều kiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật Phù Mỹ khó có thể so sánh, theo kịp với An Nhơn, Tuy Phước, Hoài Nhơn, Tây Sơn. Nhưng nếu tính ở mức độ chân thành, thái đội thân thiện của người dân, làng xóm phong quang, tươi đẹp thì người dân Phù Mỹ hoàn toàn có thể thi đua được. 

Chúng tôi vẫn thường động viên nhân dân như thế. Làm được chuyện nào hay, tốt dù nhỏ đến mấy chúng ta phải giữ lấy ngay và nâng cao nó lên. 

Trà Ổ hút khách vì có phong cảnh đẹp, nhưng du khách quay lại Trà Ổ cũng còn vì những người bán bún tôm, rạm dễ thương, đáng mến đấy!

“Làm sao để bà con giàu lên từ du lịch là công chuyện của mình”

Phù Mỹ chưa có được nhiều đoàn khách lớn nhưng những đoàn cỡ vừa và những nhóm du khách tự phát thì ngày càng đông. 

Anh Nguyễn Quang Tường chia sẻ, tôi vẫn liên tục đầu tư cho Capmping Đầm Trà Ổ để phục vụ du khách tốt hơn; lượng khách biết và tìm đến đây ngày càng nhiều và điều khiến tôi rất vui là luôn được chính quyền ủng hộ.

Ông Đặng Kim Tuyến, cán bộ phụ trách TDTT Trung tâm VH-TT-TT huyện Phù Mỹ (tỉnh Bình Định) cho biết: Tôi phụ trách mảng thể thao của huyện đã gần 40 năm, giải đua thuyền huyện tổ chức trên đầm Trà Ổ nay đã thành một giải đấu đặc biệt, thu hút hàng chục nghìn khán giả khắp nơi trông ngóng mỗi dịp tết đến xuân về, sự kiện này hoàn toàn có thể phát huy vào du lịch. Và chúng tôi ai cũng sẵn lòng làm mọi thứ để tăng sức thu hút cho cuộc đua.

Người ta đang kéo đến đầm Trà Ổ đầm nước ngọt tự nhiên có cá chình mun đặc sản Bình Định- Ảnh 7.

Chiếc cầu tre bắc qua đầm Trà Ổ nối thôn Hòa Tân (xã Mỹ Đức) với thôn 11 (xã Mỹ Thắng) là một điểm đến được nhiều người check-in ở huyện Phù Mỹ (tỉnh Bình Định). Ảnh: NGUYỄN VĂN QUỐC.

Sự ủng hộ của chính quyền và cả các hội, đoàn thể tạo ra động lực, hiệu quả bất ngờ. Ông Võ Tánh, người dân Chánh Trạch 2, xã Mỹ Thọ cho hay, từ gợi ý của xã chúng tôi vừa duy trì phục vụ du khách tham quan làng bí đao, vừa mạnh dạn giới thiệu để họ trải nghiệm thực tế tại các vườn dưa lê, dưa hấu, các loại nông sản canh tác theo hướng hữu cơ, thân thiện với môi trường. Đến giờ đoàn du khách nào cũng thích trải nghiệm nông sản sạch.

Đưa tôi đi thăm khắp các nơi trong xã mà theo mình là có tiềm năng trở thành điểm đến du lịch, ông Trương Ngọc Hoàng, Bí thư Đảng ủy xã Mỹ Thọ tâm tình: Hiện nay người dân cũng như cả DN hoạt động trong lĩnh vực du lịch ở Mỹ Thọ chỉ mới ở quy mô nhỏ, đơn giản. 

Chúng tôi đang động viên bà con liên kết với nhà đầu tư đủ tiềm lực để kết nối phát triển du lịch địa phương; chủ động và sáng tạo để chế biến sản phẩm từ nông sản địa phương, trong đó có bí đao (nước bí đao, trà bí đao) và các sản phẩm OCOP như Nếp 3 tháng, rượu Mỹ Thọ,… để vừa gắn kết phát triển du lịch vừa bảo tồn và phát huy làng nghề. Chúng tôi suy nghĩ và coi việc làm sao để bà con giàu lên từ du lịch là công chuyện của mình.

Có tâm tư tương tự ông Trương Ngọc Hoàng, ông Nguyễn Ngọc Đắc, Trưởng Phòng VH-TT huyện Phù Mỹ (tỉnh Bình Định) chia sẻ: Chúng tôi tăng cường truyền thông để nâng cao ý thức của bà con; du lịch phát triển thì ai cũng có lợi, người liên quan trực tiếp hưởng lợi sớm, người ở xa xa hơn thì hưởng sau. Đến nay có thể thấy bà con hưởng ứng tốt lắm. 

Cùng với đó chúng tôi tìm cách phát huy tốt hơn các hoạt động như lễ hội cầu ngư, biểu diễn bài chòi dân gian, lễ hội đua thuyền… Những nội dung này chắc chắn sẽ phục vụ tốt cho du lịch.


Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *