Đầm Hà chuyển mình tích cực sau tái thành lập
Ngày 29/8/2001, Chính phủ ban hành Nghị định số 59/2001/NĐ-CP chia huyện Quảng Hà thành 2 huyện Đầm Hà và Hải Hà. Huyện Đầm Hà được tái lập với 9 đơn vị hành chính.
Khi đó, Đầm Hà gặp nhiều khó khăn như cư dân có đến 30% là người dân tộc thiểu số, kinh tế phát triển manh mún, tự phát, hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội thiếu thốn, không đồng bộ. Thế nhưng giờ đây, Đầm Hà đã mang một diện mạo mới, có tốc độ phát triển nhanh chóng, hấp dẫn nhà đầu tư.
Thời điểm năm 2021, khi huyện Đầm Hà tròn 20 năm tái thành lập, tổng giá trị các ngành sản xuất của địa phương đã đạt 5.650 tỷ đồng; tổng thu ngân sách nhà nước đạt 874,352 tỷ đồng, tổng chi ngân sách thực hiện là 625,416 tỷ đồng; tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 1.275 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người đạt 62,87 triệu đồng/người/năm.
Đến cuối năm 2023, các chỉ tiêu về phát triển kinh tế tiếp tục tăng trưởng nhanh chóng. Trong đó, tổng giá trị sản xuất đạt 8.351 tỷ đồng; tổng thu ngân sách nhà nước là trên 977 tỷ đồng, tổng chi ngân sách nhà nước là hơn 938 tỷ đồng. Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2024, giá trị sản xuất trên 3 lĩnh vực ước đạt 4.559 tỷ đồng, bằng 118,2% cùng kỳ 2023.
Trên địa bàn Đầm Hà có nhiều tập đoàn, công ty lớn thực hiện các dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Có thể kể đến Tập đoàn Việt Úc với dự án sản xuất tôm giống chất lượng cao với công suất 8 triệu con giống/năm. Từ năm 2019 đến nay, đơn vị đạt sản lượng mỗi năm từ 1,5 tỷ đến 1,7 tỷ con tôm giống, cung cấp cho thị trường các tỉnh phía Bắc. Bên cạnh đó còn có Hợp tác xã Bắc Việt chuyên nghiên cứu, tổ chức sản xuất giống cá biển, cung cấp từ 750.000 – 1 triệu con cá song giống/năm.
Một điểm sáng nữa tại Đầm Hà là bước chuyển dịch mạnh mẽ từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi trang trại, gia trại tập trung. Nhiều dự án chăn nuôi quy mô lớn, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ cao được triển khai trên địa bàn, như: Dự án chăn nuôi lợn công nghệ cao của Tập đoàn Mavin; khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chăn nuôi bò sữa tập trung và liên kết với người dân tại huyện Đầm Hà của Tập đoàn TH…
Theo ông Hoàng Vĩnh Khuyến – Chủ tịch UBND huyện Đầm Hà, để cơ cấu kinh tế của huyện có sự chuyển dịch mạnh mẽ theo hướng bền vững, huyện đã định hướng thành lập 4 cụm công nghiệp khi thực hiệp lập quy hoạch. Hiện cụm công nghiệp đầu tiên của huyện là Đông Đầm Hà B đã lựa chọn được nhà đầu tư và cơ bản hoàn thành thủ tục đầu tư ban đầu. Dự kiến, dự án sẽ được khởi công trong quý IV năm 2024.
Đối với lĩnh vực thương mại, dịch vụ, du lịch, Đầm Hà đang đồng hành cùng Công ty cổ phần Bảo Nguyên để hoàn thiện thủ tục đầu tư dự án khu nghỉ mát du lịch sinh thái Đảo Đá Dựng; Công ty cổ phần đầu tư xây dựng và thương mại M.K.L hoàn thiện thủ tục đầu tư dự án Khu đô thị mới hai bên đường 18A và phía Đông cầu sắt trung tâm huyện.
Đến nay, trên địa bàn huyện đã có 94 doanh nghiệp, 73 hợp tác xã, trên 1.000 hộ kinh doanh hoạt động, tạo nên một bức tranh kinh tế sôi động.
Sức bật từ hạ tầng
Với địa hình đồi núi chia cắt, phức tạp, lại xa các trung tâm kinh tế lớn của tỉnh, nên hạ tầng giao thông vốn là hạn chế lớn nhất, kéo lùi sự phát triển của địa phương. Nhưng nhờ nguồn lực lớn từ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới, hạ tầng giao thông và xã hội của huyện đã có những bước chuyển mạnh mẽ.
“Ngay khi được phê duyệt đồ án Quy hoạch xây dựng nông thôn mới, huyện Đầm Hà tập trung rà soát các hạng mục hạ tầng kinh tế-xã hội để có kế hoạch đầu tư phù hợp với điều kiện, tình hình thực tiễn của địa phương. Tổng nguồn lực đầu tư cho các nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao của huyện Đầm Hà gần 6.000 tỷ đồng, trong đó có sự đóng góp công sức, của cải vật chất rất lớn của người dân và doanh nghiệp” – ông Hoàng Vĩnh Khuyến cho biết.
Đến nay, hàng loạt các công trình như điện, đường, trường, trạm y tế, nhà văn hóa xã, thôn… được đầu tư xây dựng đồng bộ, khang trang. Toàn huyện có 383/383km đường giao thông được trải nhựa và bê tông hóa. Huyện còn dành nguồn lực đầu tư hệ thống xử lý nước thải, rác thải và hình thành các vùng sản xuất tập trung, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao về thủy sản, chăn nuôi…
Tính kết nối liên vùng của huyện Đầm Hà hiện rất tốt nhờ vị trí nằm trên trục Quốc lộ 18A; lại nằm giữa 2 khu kinh tế lớn là Móng Cái và Vân Đồn. Đầm Hà được hưởng lợi từ các tuyến đường bộ quan trọng kết nối với các trung tâm kinh tế lớn và các cửa khẩu quốc tế của tỉnh Quảng Ninh.
Trong đó, Quốc lộ 18A là tuyến đường giao thông huyết mạch nối liền các đô thị lớn của tỉnh Quảng Ninh như Hạ Long, Cẩm Phả, Móng Cái và sân bay Vân Đồn. Tuyến đường này chạy qua huyện Đầm Hà, giúp kết nối huyện với các trung tâm công nghiệp, du lịch và cảng biển lớn.
Bên cạnh đó, cao tốc Vân Đồn – Móng Cái được hoàn thành vào năm 2022 đã giúp kết nối Đầm Hà với hai đầu mối giao thương quan trọng là sân bay quốc tế Vân Đồn và cửa khẩu quốc tế Móng Cái. Cao tốc này không chỉ giúp cải thiện giao thông liên tỉnh của huyện, mà còn mở rộng cơ hội kết nối với Trung Quốc. Nhờ đó, thời gian di chuyển từ Đầm Hà đến các điểm trung tâm kinh tế trong tỉnh đã giảm đáng kể, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động xuất nhập khẩu và phát triển kinh tế.
Hơn nữa, Đầm Hà còn nằm gần các cảng biển lớn của tỉnh Quảng Ninh như cảng Cái Lân và cảng Vạn Ninh đang xây dựng tại Móng Cái. Điều này tạo thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa đến thị trường quốc tế thông qua đường biển.
“Đầm Hà không chỉ sở hữu lợi thế lớn về tính kết nối của hạ tầng giao thông, huyện còn có quỹ đất rộng, chính quyền địa phương cởi mở và rất đồng hành cùng nhà đầu tư, doanh nghiệp. Điều này được thấy rõ khi nhà đầu tư rất dễ dàng tiếp cận và nghiên cứu quy hoạch để tìm hiểu cơ hội đầu tư. Chúng tôi còn nhận được sự hướng dẫn và hỗ trợ nhiệt tình trong quá trình thực hiện các thủ tục để triển khai dự án. Đây là những điều mà khiến nhà đầu tư như chúng tôi rất yên tâm khi đầu tư vào huyện” – ông Cung Vĩnh Thành – Giám đốc Chi nhánh Quảng Ninh Công ty CP Shinec – chủ đầu tư dự án CCN Đông Đầm Hà B chia sẻ.
Trong năm 2024, huyện Đầm Hà đặt ra mục tiêu phấn đấu thu hút và triển khai thực hiện các dự án đầu tư ngoài ngân sách vào huyện, với tổng vốn đầu tư khoảng 2.200 tỷ đồng.
Các dự án này bao gồm: Cụm công nghiệp phía Đông Đầm Hà B, tổng vốn đầu tư 514 tỷ đồng; khu dân cư phía nam chợ Đầm Hà, tổng vốn đầu tư 105 tỷ đồng; khu đô thị phía nam trung tâm thị trấn Đầm Hà, tổng vốn đầu tư 986 tỷ đồng; nhà máy may và bao bì sinh học xuất khẩu tại xã Đại Bình, tổng vốn đầu tư 120 tỷ đồng; khu sản xuất, chăn nuôi tại thôn Tân Hà, xã Tân Bình, tổng vốn đầu tư 151 tỷ đồng; điểm kinh doanh tổng hợp và trưng bày sản phẩm dốc Chùa Sâu, thôn Đồng Tâm, xã Dực Yên, tổng vốn đầu tư 67 tỷ đồng; khu thương mại dịch vụ cửa ngõ phía Tây Đầm Hà tại xã Dực Yên, tổng vốn đầu tư 80 tỷ đồng…
Leave a Reply