Xử lý dự án sai phạm và “gỡ” vướng dự án sạch hoặc “có thể khắc phục được”
Đồng thời, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an rà soát, phân loại dự án không có vi phạm pháp luật về hình sự hoặc các dự án có sai phạm nhưng có thể khắc phục được để tiếp tục triển khai, xem xét, nghiên cứu đề xuất xử lý để tránh lãng phí tài sản của nhà nước, doanh nghiệp, người dân.
Lãnh đạo Chính phủ yêu cầu Bộ Công an hoàn tất việc này và báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30 tháng 8 năm 2024.
Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo số 396/TB-VPCP về kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại Hội nghị trực tuyến với các địa phương về việc ban hành bổ sung, cập nhật Kế hoạch thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Với yêu cầu sàng lọc các dự án nói trên, đây là bước mở cho các dự án “sạch” nhằm gỡ vướng cho các dự án nói trên đã, đang bị nghẽn bởi thời gian khá dài liên quan đến việc bị thanh tra dấu hiệu vi phạm.
Về chiến lược ngành điện tại Hội nghị trực tuyến với địa phương, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, việc ban hành bổ sung, cập nhật Kế hoạch thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là hết sức cần thiết, bảo đảm tính tổng thể, khả thi, hiệu quả và đồng bộ với Quy hoạch điện VIII đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Theo báo cáo của các địa phương tại Hội nghị trực tuyến nói trên, Văn phòng Chính phủ khẳng định các địa phương đã cơ bản gửi đầy đủ các văn bản theo yêu cầu đến Bộ Công Thương. Tuy nhiên một số địa phương như Thái Nguyên, Khánh Hòa, Kon Tum, An Giang, Bình Dương kiến nghị về việc bổ sung dự án điện gió, pin tích trữ điện mặt trời; nâng công suất dự án điện rác, sinh khối…
Tuy nhiên, các dự án điện có liên quan đến kết luận thanh tra, điều tra hiện chưa được các địa phương và Bộ Công Thương phối hợp rà soát kỹ để xử lý.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương, các tỉnh Đắk Lắk, Ninh Thuận, Bà Rịa – Vũng Tàu khẩn trương rà soát, bổ sung các thông tin, tài liệu liên quan đối với 07 Dự án điện gió trong việc khắc phục những vi phạm do Thanh tra Chính phủ nêu, phù hợp với 9 tiêu chí của Bộ Công Thương, trên cơ sở đó gửi Bộ Công Thương trước ngày 25 tháng 8 năm 2024 để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Phó Thủ tướng giao Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Công an để rà soát kỹ 154 dự án điện mặt trời, trong đó có phân loại những dự án vướng mắc về mặt pháp lý, dự án có vướng mắc về pháp lý nhưng có thể khắc phục được những vi phạm, sai phạm theo kết luận của thanh tra, kiểm tra, điều tra và phù hợp với 9 tiêu chí thì xem xét, nghiên cứu đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét theo quy định pháp luật.
Đối với các dự án điện gió và thủy điện nhỏ (trong kết luận 1027/KL-TTCP), Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương phối hợp với Thanh tra Chính phủ tiếp tục rà soát kỹ, trường hợp không có vướng mắc hay vi phạm về mặt pháp lý mà chỉ được nêu tên trong kết luận là triển khai chậm do các yếu tố khách quan.
Lãnh đạo Chính phủ yêu cầu các dự án này đã và đang khắc phục những vi phạm, sai phạm theo kết luận thanh tra và có tài liệu gửi Bộ Công Thương về những vấn đề đã được khắc phục, Bộ Công Thương phải tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét theo đúng quy định pháp luật, tránh lãng phí nguồn lực đầu tư của doanh nghiệp, đáp ứng yêu cầu phát triển của địa phương.
Bộ Công Thương cần chủ trì, phối hợp với các địa phương rà soát các dự án điện mặt trời, điện gió có hệ thống pin lưu trữ, điện rác, điện sinh khối… xem xét tổng hợp, đề xuất bổ sung theo đúng quy định các dự án đầy đủ tiêu chí, phù hợp với quy mô công suất đã phân bổ cho các địa phương, bảo đảm tính khả thi.
Bộ Công Thương được yêu cầu rà soát, xử lý kiến nghị của tỉnh Thanh Hóa về phương án đấu nối; Dự án điện Công Thanh (chuyển đổi nhiên liệu từ than sang LNG) đảm bảo phù hợp với Quy hoạch được duyệt. Tỉnh Quảng Nam về cập nhật lại thông tin, số liệu (loại bỏ 2 dự án đã triển khai, bổ sung 3 dự án mới và tăng công suất 0,7 MW); tỉnh Ninh Bình về di dời nhà máy nhiệt điện ra khỏi thành phố Ninh Bình.
Đối với các dự án điện gió chồng lấn với khu vực quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ TN&MT, Bộ Xây dựng và các cơ quan liên quan đề xuất hướng xử lý bảo đảm theo đúng quy định pháp luật, bảo đảm hài hòa lợi ích phát triển của địa phương, các doanh nghiệp, nhà đầu tư có liên quan.
Về việc điều chuyển quy mô công suất điện sinh khối còn dư thừa của khu vực Nam Bộ (tỉnh An Giang), Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương nghiên cứu đề xuất của tỉnh và căn cứ Quy hoạch được duyệt để có đề xuất cụ thể bảo đảm chặt chẽ, đúng quy định pháp luật, công khai, minh bạch, không để tình trạng xin cho đối với từng dự án, từng địa phương.
Về các dự án nguồn điện đề xuất mới sử dụng nhiệt dư, khí lò cao, các sản phẩm phụ của dây chuyền công nghệ trong các cơ sở công nghiệp, Phó Thủ tướng yêu cầu theo chức năng nhiệm vụ được giao nghiên cứu, rà soát, điều chỉnh, cập nhật nguồn điện này vào Quy hoạch điện VIII trong kỳ quy hoạch tới trên cơ sở cân đối tổng thể nguồn, tình hình thực hiện, tiến độ triển khai các loại hình nguồn điện, đảm bảo tuân thủ theo đúng quy định của Luật Quy hoạch và quy định pháp luật khác có liên quan.
Bộ Công Thương được yêu cầu phải rà soát quy định của pháp luật về quy hoạch, quy định của pháp luật có liên quan và chịu trách nhiệm toàn diện trước Thủ tướng Chính phủ, trước pháp luật về các nội dung đề xuất, kiến nghị về việc bổ sung, cập nhật Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 27 tháng 8 năm 2024.
Leave a Reply