Tình trạng săn bắt, buôn bán trái phép chim hoang dã vẫn tái diễn, nhất là vào mùa chim di cư (từ tháng 9 hằng năm).
Vì vậy, ngành chuyên môn cũng như chính quyền các địa phương nỗ lực thực hiện đồng bộ các giải pháp để bảo vệ các loài chim hoang dã, chim di cư trước nguy cơ tuyệt chủng.
Theo tài liệu “Các loài chim hoang dã nghiêm cấm hoặc hạn chế quảng cáo và mua bán” của Trung tâm Giáo dục thiên nhiên, cả nước hiện có khoảng 264 loài chim hoang dã và di cư có nguy cơ tuyệt chủng, cần được bảo vệ.
Đối với tỉnh Quảng Ngãi, trong số 53 loài động vật quý hiếm được Sách Đỏ Việt Nam (1992) ghi nhận ở các bậc khác nhau thì có 14 loài chim, mức độ quý hiếm tương đối cao so với nhiều vùng đa dạng sinh học trong cả nước.
Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh (Sở NN&PTNT) Phạm Duy Hưng cho biết, tình trạng săn bắt, tiêu thụ các loài chim hoang dã và các loài chim di cư vẫn còn diễn ra, nhất là tại các bãi bồi ven sông, hoặc vùng đất ngập nước ven biển.
Điều này không chỉ ảnh hưởng tiêu cực đến đa dạng sinh học, môi trường, mà còn tiềm ẩn nguy cơ về dịch bệnh cho con người và sinh vật.
Các loài chim hoang dã, chim di cư tạo nên những giá trị thiên nhiên quan trọng, góp phần bảo tồn hệ sinh thái và đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường và sức khỏe con người. Ảnh: T.PHONG
Ngăn chặn việc săn bắt, buôn bán chim hoang dã và các loài chim di cư vẫn còn gặp nhiều khó khăn do địa bàn rộng, lực lượng mỏng, phương tiện và công cụ thiếu, chế tài chưa đủ mạnh để xử lý các đối tượng vi phạm.
Trong khi đó, tình trạng buôn bán, tiêu thụ trái phép động vật hoang dã nói chung, chim hoang dã nói riêng ngày càng phức tạp, khi phần lớn các giao dịch được đưa lên không gian mạng.
Để bảo vệ các loài chim hoang dã, chim di cư, Quảng Ngãi đã ban hành Công văn số 5545/UBND-KTN ngày 3/11/2023 về việc tăng cường thực hiện Chỉ thị số 04/CT-TTg 17/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để bảo tồn các loài chim hoang dã, di cư tại Việt Nam.
Trong đó, tập trung tuyên truyền đến người dân không tham gia săn bắt, mua, bán, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ, tàng trữ, quảng cáo các loài chim hoang dã, di cư trái pháp luật; đồng thời chủ động đấu tranh, tố giác những hành vi vi phạm pháp luật về quản lý, bảo vệ động vật hoang dã…
“Qua công tác tuyên truyền, ý thức trách nhiệm về quản lý, bảo vệ động vật hoang dã nói chung và các loài chim nói riêng của nhân dân đã được nâng lên.
Nhiều người dân, hoặc chủ nhà hàng, quán ăn, chủ hộ nuôi, buôn bán chim cảnh… đã tự nguyện gỡ bỏ quảng cáo về mua bán chim trên mạng xã hội (Zalo, Facebook…), thả động vật hoang dã về môi trường tự nhiên”, ông Hưng nói.
Bài học từ bàu Cái Cá
Những năm qua, rừng ngập mặn bàu Cá Cái, xã Bình Thuận (huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi), được nhiều loài chim di cư như cò, vạc và các loài chim nước tìm về trú ngụ, nhất là thời điểm cuối thu, đầu đông.
Chủ tịch UBND xã Bình Thuận (huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) Đỗ Minh Huấn cho biết, xã đẩy mạnh tuyên truyền người dân chung tay bảo vệ và tuyệt đối không săn bắn, bẫy, bắt các loài chim hoang dã, chim di cư và động vật hoang dã khác.
Nhờ đó, số lượng cò đến trú ngụ, tìm kiếm thức ăn và làm tổ ở bàu Cá Cái ngày càng tăng, góp phần gìn giữ hệ sinh thái rừng, phát triển nguồn lợi thủy sản.
Leave a Reply