Siêu bão Yagi đổ bộ: Người dân Hà Nội đổ xô tích trữ thực phẩm

Tại các siêu thị, các chợ truyền thống ở một số nơi trên địa bàn thành phố Hà Nội, nhiều mặt hàng khan hiếm, hết sớm. Trong đó, mặt hàng được mua gom nhiều nhất là mỳ ăn liền, mỳ gạo, gạo, thịt lợn, rau củ quả, đèn pin, áo mưa, ủng…

Tại siêu thị MM Mega Market Thăng Long (đường Phạm Văn Đồng), sáng 6/9, nhiều khách đến mua sắm dù thời điểm mới sáng sớm. Một nhân viên thu ngân ở đây cho biết, số lượng khách tới mua sắm thực phẩm từ 5 giờ chiều qua đến nay, tăng đột biến. Đáng nói, nhiều người tranh thủ mua gom nhiều đồ do cảnh báo bão lớn, hoặc nguồn cung hàng hóa có thể khan hiếm do bão đổ bộ vào đất liền.

Siêu bão Yagi (bão số 3): Người dân Hà Nội đã ùn ùn tích trữ thực phẩm - Ảnh 1.

Một tiểu thương buôn bán thịt lợn tại Cổ Nhuế báo hết hàng từ 9 giờ sáng do người dân đổ xô mua thịt tích trữ phòng bão

Tại một đại siêu thị khác là Big C Thăng Long, lượng khách tăng cao từ chiều hôm qua cho đến nay. Mặt hàng được khách chọn là rau, củ quả và thực phẩm tươi sống.

Ông Nguyễn Minh Tuấn, Giám đốc siêu thị Big C Thăng Long cho biết, sản lượng hàng hóa tới thời điểm này tăng 100% so với ngày thường.

“Chúng tôi đã yêu cầu trung tâm thu mua làm việc với các nhà cung cấp để đảm bảo đủ hàng hóa thiết yếu cho người dân. Nguồn cung đủ, thoải mái để người dân mua sắm”, ông Tuấn cho biết.

Siêu bão Yagi (bão số 3): Người dân Hà Nội đã ùn ùn tích trữ thực phẩm - Ảnh 2.

Tại siêu thị BigC Thăng Long, người dân ùn ùn mua hàng ngay trong buổi sáng ngày 6/9.

Nhiều siêu thị khác tại Hà Nội đã lên kế hoạch cung ứng để đối phó với bão và nhu cầu mua hàng đang gia tăng lớn của người dân. Cụ thể, chuỗi siêu thị Winmart của Masan group đã lên kế hoạch để đảm bảo đầy đủ hàng hóa, thực phẩm thiết yếu, thực phẩm khô dự trữ.

Để đáp ứng lượng khách mua hàng tăng mạnh và tránh việc người dân đổ xô mua hàng vào thời điểm cục bộ, Masan group cho biết: Chuỗi siêu thị WinMart vẫn duy trì thời gian hoạt động bình thường trong các trung tâm thương mại từ 8h sáng đến 22h và các siêu thị WinMart nằm ngoài trung tâm thương mại mở cửa từ 7h sáng đến 22h hàng ngày.

Tương tự, siêu thị AEON khu vực phía Bắc cũng cho biết, sức mua của khách hàng trong ngày hôm qua đến sáng nay đã tăng mạnh so với ngày thường. Hàng hóa được mua nhiều chủ yếu là thực phẩm thiết yếu rau củ quả, cá thịt, mì tôm, gạo… Đặc biệt đối với AEON Hải Phòng, do vị trí gần biển chịu ảnh hưởng nhiều từ bão nên sức mua tăng khoảng 20% so với ngày thường.

Siêu bão Yagi (bão số 3): Người dân Hà Nội đã ùn ùn tích trữ thực phẩm - Ảnh 3.

Hàng hóa được mua nhiều nhất là rau xanh, các loại quả như bí đao, bí đỏ để được lâu ngày, sữa, mỳ tôm

Ngoài các mặt hàng thực phẩm thiết yếu, các siêu thị, trung tâm thương mại cho biết, người dân còn tăng mua đèn pin, áo mưa, ủng, đồ đựng thực phẩm sử dụng một lần để phòng trường hợp mất điện, mất nước.

Tại các chợ truyền thống, nhiều người dân cho biết từ sáng sớm lượng người đi mua đồ ăn, thực phẩm đã tăng đột biến. Thậm chí, có thời điểm sau 9 giờ sáng, nhiều quầy hàng đã hết thịt lợn, trứng, cá biển.

Ghi nhận tại chợ dân sinh 212 (phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm) vào thời điểm 9 giờ sáng, nhiều sạp hàng bán rau, thịt lợn và tôm,… đã hết hàng.

Tại chợ Cổ Nhuế, phường Cổ Nhuế 2, Bắc Từ Liêm, nhiều thương lái báo hết hàng, hẹn khách sau 14 giờ cùng ngày. Nhiều người đặt tiền trước do lo ngại hết thực phẩm.

Siêu bão Yagi (bão số 3): Người dân Hà Nội đã ùn ùn tích trữ thực phẩm - Ảnh 4.

Nhiều siêu thị tại Hà Nội thông báo đảm bảo lượng hàng hóa, người dân hạn chế đổ xô mua tích trữ

Thực tế, lượng thực phẩm như rau xanh, gạo, thịt hay cá cung ứng không thiếu, nhưng do người dân đổ xô đi mua tại một thời điểm nhất định, nên cung ứng hàng hóa trở nên kham hiếm. Nhiều tiểu thương cho biết, hàng hóa sẵn có, mong bà con bình tĩnh và không nên đổ xô tích trữ, gây khan hiếm hàng hóa, khiến nhiều đối tượng xấu tăng giá, trục lợi và gây bất ổn thị trường.

Chị Thanh, tiểu thương tại chợ Cổ Nhuế cho biết, hàng hóa vẫn đủ cung ứng như bình thường, do nhu cầu khách lớn, lại đổ xô đi mua theo tâm lý đám đông nên hết sớm.

“Tôi đảm bảo ngày mai hàng hóa vẫn có, khách thoải mái mua”, mà Thanh nói.

Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương vừa có báo cáo về việc bảo đảm nguồn cung hàng hóa trên địa bàn một số địa phương phía Bắc chịu ảnh hưởng của bão số 3 năm 2024. Trong đó, theo báo cáo nhanh của một số doanh nghiệp phân phối như Coop, BRG mart, Wincommerce, Central Retail, Mega Market, Lotte mart, Aeon mart… lượng khách đến mua hàng từ tối ngày 05/9/2024 có tăng nhưng hiện nguồn cung hàng hóa tại các điểm bán hàng của các siêu thị vẫn đáp ứng tốt nhu cầu.

Theo chỉ đạo của Bộ Công Thương và đánh giá nhu cầu mua hàng của người dân khi mưa bão lớn, các doanh nghiệp đã chủ động tăng lượng dự trữ hàng hóa gấp 2-3 lần so với trước.

Đến nay, qua báo cáo sơ bộ của các Sở Công Thương và các doanh nghiệp phân phối, tình hình thị trường hàng hóa tại các địa phương chịu ảnh hưởng của bão số 3 cơ bản vẫn ổn định, sức mua các hàng hóa thực phẩm tươi sống và mỳ gói, nước uống có tăng nhưng nguồn cung vẫn cơ bản đáp ứng tốt nhu cầu.


Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *