Sinh viên kêu cứu: Trường ĐH Sư phạm Nghệ thuật Trung ương yêu cầu đóng tiền nhưng không dạy mà còn gây khó?

Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương: Sinh viên đóng tiền nhưng không dạy?

Ngày đầu tháng 7, dư luận bất ngờ với hình ảnh một số sinh viên Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương căng băng rôn đứng trước cổng Bộ GDĐT “kêu cứu”.

Sinh viên kêu cứu: Trường ĐH Sư phạm Nghệ thuật Trung ương yêu cầu đóng tiền nhưng không dạy mà còn gây khó?- Ảnh 1.

Sinh viên đứng trước cổng Bộ GDĐT kêu cứu. Ảnh: CMH

Sau đó, phản ánh đến PV báo Dân Việt, nhóm sinh viên lớp K8 Thanh nhạc, khoa Piano và Thanh nhạc, Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương cho biết, hiện rất hoang mang, lo lắng khi trường không cho thi học phần “Chương trình biểu diễn nghệ thuật tốt nghiệp”. 

Sinh viên kêu cứu: Trường ĐH Sư phạm Nghệ thuật Trung ương yêu cầu đóng tiền nhưng không dạy mà còn gây khó?- Ảnh 2.

Sinh viên Trường ĐH Sư phạm Nghệ thuật TW kêu cứu. Ảnh: Website trường

Đại diện nhóm sinh viên cho hay: “Chúng em hiện là sinh viên năm cuối của trường. Chúng em đều là những sinh viên có hạnh kiểm tốt, ý thức kỷ luật tốt, đã hoàn thành số tín chỉ tích luỹ đủ điều kiện thi tốt nghiệp. Tuy nhiên, đến học phần “Chương trình biểu diễn nghệ thuật tốt nghiệp”, chúng em nhận thấy có 14 tín chỉ nhưng lại không có lịch học hay giảng viên hướng dẫn. Trên hệ thống trang tín chỉ ghi rõ số tín chỉ là 14 nhưng số tiết là 0, học phần này cũng không được đăng ký từ đầu kỳ 2. Vậy nên tập thể lớp đã làm đơn đề nghị giải trình về vấn đề này gửi lên nhà trường.

Sinh viên kêu cứu: Trường ĐH Sư phạm Nghệ thuật Trung ương yêu cầu đóng tiền nhưng không dạy mà còn gây khó?- Ảnh 3.

Không học tiết nào nhưng sinh viên phải đóng hơn 5 triệu đồng cho 14 tín chỉ. Ảnh: SVCC

Chúng em gửi đơn vào ngày 28/5, sau nhiều ngày trường vẫn chưa giải quyết. Ngày 6/6, chúng em nhận tin nhắn từ văn phòng khoa về việc lên đăng ký học phần tốt nghiệp dưới hình thức làm đơn đăng ký bổ sung và hoàn tất học phí 14 tín chỉ 5.096.000 đồng để được thi. Thời hạn là từ 7/6-11/6.

Ngày 25/6, lại một lần nữa chúng em nhận được tin nhắn zalo thông báo đăng ký học phần tốt nghiệp trên nhóm lớp từ văn phòng khoa. Tuy nhiên thông báo này không đề cập đến thời hạn.

Chiều ngày 26/6, chúng em lên làm đơn đăng ký, phòng đào tạo báo phần mềm lỗi và hẹn chúng em sáng hôm sau quay lại. Sáng 27/6, chúng em quay lại thì các thầy cô phòng đào tạo thông báo rằng có chỉ đạo từ cấp trên dừng việc đăng ký thi từ chiều 26/6.

Ngày 28/6, chúng em được triệu tập họp với sự có mặt của Ban chủ nhiệm khoa, Ban giám hiệu, chủ trì cuộc họp là thầy Lê Vinh Hưng – Phó hiệu trưởng phụ trách nhà trường (hiện nay trường không có hiệu trưởng). Thầy Hưng có kết luận rằng, những ai đã thông suốt, đồng ý với giải thích của nhà trường thì cho đăng ký thi. Những bạn nào chưa thông suốt thì dừng việc đăng ký thi và mời phụ huynh lên làm việc. Khi phụ huynh lên làm việc với nhà trường, chính phụ huynh cũng không hiểu với cách giải thích của nhà trường nên đã đề nghị giải trình bằng văn bản. Đến nay, phụ huynh chưa nhận được phản hồi bằng văn bản của nhà trường. Trong khi đó, sinh viên phải làm bản tường trình có nội dung “đã thông suốt, đã hiểu, đồng ý với giải thích của nhà trường, đồng thời không có thắc mắc gì” thì mới được xét cho đăng ký và đóng tiền thi.

Như vậy nhà trường đang gây khó dễ làm ảnh hưởng đến quyền thi cử của chúng em trong khi chúng em cần giải thích rõ về việc vì sao đóng hơn 5 triệu đồng mà hoàn toàn không được học.

Ở cuộc họp cuối cùng, thầy Hưng giải thích, trong chương trình đào tạo của nhà trường, 14 tín chỉ này là hoàn toàn tự học 100%, không có giờ lên lớp. Khoản tiền này để nhà trường chi trả cho cơ sở vật chất, vệ sinh, chi cho giáo viên… và để bù cho các học phần khác. Như vậy, nhà trường đang gây khó dễ làm ảnh hưởng đến quyền thi cử của chúng em trong khi chúng em cần giải thích rõ về việc vì sao đóng hơn 5 triệu đồng mà hoàn toàn không được học”.

Sinh viên kêu cứu: Trường ĐH Sư phạm Nghệ thuật Trung ương yêu cầu đóng tiền nhưng không dạy mà còn gây khó?- Ảnh 4.
Sinh viên kêu cứu: Trường ĐH Sư phạm Nghệ thuật Trung ương yêu cầu đóng tiền nhưng không dạy mà còn gây khó?- Ảnh 5.

Tất cả các môn đều thông báo từ đầu kỳ nhưng riêng học phần “Chương trình biểu diễn nghệ thuật tốt nghiệp” thì không có trong thông báo. Ảnh: SVCC

Nhóm sinh viên cho biết thêm: “Nhà trường đã họp rất nhiều lần với sinh viên và đưa ra 4 câu trả lời khác nhau từ Trưởng khoa Khoa piano – thanh nhạc, Trưởng phòng đào tạo – Phó hiệu trưởng phụ trách. Tất cả đều không thống nhất nên phụ huynh và sinh viên đề nghị trả lời bằng văn bản nhưng phía nhà trường chưa trả lời và không nói rõ khi nào trả lời nên dẫn đến việc các sinh viên chưa được thoả đáng và chưa được xét duyệt cho thi.

Nhà trường không tập trung vào giải quyết việc thi cho sinh viên và không trả lời bằng văn bản lại tổ chức các cuộc họp gấp, hỏi xem ai là người viết đơn, ai là người gửi đơn và có những lời lẽ mạnh liên quan tới việc kỷ luật… gây hoang mang tâm lý rất nhiều cho sinh viên”.

Yêu cầu sinh viên viết tường trình nhận lỗi sai mới cho thi?

“Hiện tại, nhà trường yêu cầu chúng em phải làm bản tường trình mới xét duyệt cho đăng ký thi và nộp học phí. Do quá lo lắng về vấn đề thời gian thi để kịp nhận bằng tốt nghiệp đúng dự kiến đã sắp xếp nên nhiều bạn đã chấp nhận viết bản tường trình để có thể được thi, kịp thời tốt nghiệp đúng hạn và lấy bằng phục vụ cho công việc.

Bản tường trình của bạn nào có nội dung viết “Đã hiểu, đã thấy những giải trình của của nhà trường là hợp lý, thoả đáng” thì được nhà trường xét duyệt và cho thi. Bạn nào còn thắc mắc, chưa thông suốt thì chưa được thi, bao giờ thông suốt thì thi. Bằng chứng là có những bạn không làm tường trình theo ý của nhà trường thì hiện tại vẫn bị dừng không được đăng ký thi, không được đóng học phí.

Trong cuộc họp giữa phụ huynh với nhà trường, phụ huynh có hỏi các con có làm gì sai không? Các thầy cô đồng loạt nói là “các con không sai”. Vậy, nếu sinh viên không sai thì tại sao nhà trường lại bắt chúng em làm bản tường trình. Thậm chí nhà trường còn soạn sẵn đơn có nội dung nhận lỗi bắt sinh viên ký để rút đơn gửi Bộ GDĐT?

Một sinh viên khác cũng cho hay: “Chúng em đã gửi đơn kiến nghị lên Bộ GDĐT nhưng không nhận được phản hồi. Lo sợ bị ảnh hưởng đến tốt nghiệp, chúng em đã lên Bộ GDĐT để kêu cứu. Bộ trả lời là “trả về trường giải quyết”. 

Chúng em lúc đó tưởng ngất xỉu luôn ở cổng Bộ vì hoảng sợ, lo lắng không biết phải làm sao, không biết phải cầu cứu ở đâu. Có bạn khi nghe như vậy đã rất hoảng. Từ hôm đó đến nay, tinh thần của bạn ấy suy sụp, có những đêm 3 giờ sáng không ngủ được lại gọi cho em. Chúng em đã phải động viên tinh thần cho nhau rất nhiều. Thậm chí cả gia đình bạn cũng phải lặn lội lên Hà Nội đưa bạn về quê để ổn định tinh thần”.

Liên quan đến lời cầu cứu của sinh viên, ngày 9/7, PV báo Dân Việt đã gửi Công văn tới Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương. PGS. TS. Lê Vinh Hưng, Phó Hiệu trưởng phụ trách của trường xác nhận “đã nhận công văn và sẽ trả lời”. Sau đó, ngày 12/7, ông Đỗ Anh Tuấn, phòng Truyền thông của trường đã liên hệ hẹn gặp nhưng sau đó cả 2 lần đều báo bận công tác. PV cho biết, có thể phỏng vấn qua điện thoại nhưng ông Tuấn từ chối “Việc này phải trao đổi trực tiếp”.

Ngày 22/7, PV liên lạc với nhà trường về việc trả lời bằng Công văn sau khi không thống nhất được lịch gặp trực tiếp nhưng đến nay đã 23 ngày (kể từ ngày gửi công văn tới trường) chúng tôi vẫn chưa nhận được phản hồi. 

Được biết, sau khi hoãn thi, ngày 16-17/7 vừa qua, trường đã tổ chức thi học phần “Chương trình biểu diễn nghệ thuật tốt nghiệp” cho một số sinh viên đồng ý đóng tiền 14 tín chỉ. Một số sinh viên còn lại vô cùng hoang mang, lo lắng khi không có trong danh sách được dự thi, đồng nghĩa với việc các em sẽ bị hoãn nhận bằng tốt nghiệp, bỏ lỡ nhiều cơ hội việc làm sau này.

Trao đổi với PV báo Dân Việt, một giảng viên Thanh nhạc của Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung Ương nêu quan điểm: “Nếu trường giải thích là phần tự học thì không học không được phép thu tiền của sinh viên. Trong khi đó, học phần “Chương trình biểu diễn nghệ thuật tốt nghiệp” lại đóng nhiều tiền nhất. Việc sinh viên thắc mắc thì trường cần trả lời thỏa đáng thay vì dồn ép, hoãn thi của các em”.


Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *