Sứ mệnh, Phật pháp và buổi thiền trà cùng tỷ phú Bill Gates

Nghệ nhân trà, Nhà báo Hoàng Anh Sướng: Sứ mệnh, Phật pháp và buổi thiền trà cùng tỷ phú Bill Gates- Ảnh 1.

Buổi thiền trà trên núi Bàn Cờ của anh ngày 6/3 vừa qua, không chỉ nhiều người Việt mà có lẽ rất nhiều người trên thế giới cùng quan tâm bởi người “trải nghiệm” là Tỷ phú Bill Gates nổi tiếng và bạn gái Paula Hurd của ông. Đầu đuôi vụ này thế nào, thưa anh?

– Có một đơn vị quốc tế chuyên tổ chức chương trình khám phá, trải nghiệm cho giới siêu giàu trên thế giới. Họ mời tôi tổ chức buổi tiệc trà cho tỷ phú Bill Gates khi ông sang Việt Nam. Trợ lý của ông làm việc với công ty này và đưa ra chương trình chi tiết: ở Việt Nam mấy ngày? Ngày đầu tiên ăn uống gì, ở đâu, gặp những ai?… Họ đề xuất tôi tổ chức buổi “thiền trà”.

Vì tính chất đặc biệt của sự kiện này nên trước đó 2 ngày, 2 trợ lý của ông Bill Gates đã tới Hà Nội, đến tận nhà tôi để trao đổi cụ thể, chi tiết. Buổi thiền trà sẽ diễn ra như thế nào, trong bao lâu? Tôi sẽ chia sẻ những điều gì với ông Bill Gates và bà Paula Hurd? Sẽ mời họ thưởng thức những loại trà gì? Pha bằng bộ đồ trà nào?… Họ tìm hiểu rất chi tiết.

Lần này có gì khác biệt so với hàng ngàn các cuộc thiền trà mà anh từng thực hiện trước đây không, với không ít vị nguyên thủ và người nổi tiếng khác?

– Các trợ lý của ông Bill Gates đề nghị tôi trong buổi thiền trà sẽ pha bằng bộ đồ trà cổ, truyền thống của tầng lớp phong lưu quyền quý thời xưa ở Việt Nam gồm hỏa lò, cấp siêu đồng, than hoa, ấm pha trà, thuyền trà, chén tống, chén quân, khay trạm khảm… Những trà cụ cổ này tôi vẫn thường dùng để pha mời các nguyên thủ quốc gia thưởng thức khi đến thăm Việt Nam.

Nghệ nhân trà, Nhà báo Hoàng Anh Sướng: Sứ mệnh, Phật pháp và buổi thiền trà cùng tỷ phú Bill Gates- Ảnh 2.

Là người làm trà và yêu trà Việt Nam, tôi luôn ý thức giữ gìn, quảng bá bản sắc văn hóa trà Việt. Vì thế, suốt hơn 20 năm qua, trong bất cứ buổi thiền trà với bất kỳ vị khách quốc tế nào, tôi luôn tâm niệm một điều: phải giới thiệu những sản phẩm trà thuần Việt đặc sắc nhất. Vì thế, trong buổi thiền trà trên đỉnh núi Bàn Cờ vừa qua, tôi đã pha mời ông Bill Gates và bà Paula Hurd thưởng thức 2 đặc sản trà nổi tiếng. Đó là trà ướp sen Hồ Tây và trà Shan tuyết cổ thụ.

Trà ướp sen là một vật phẩm quý giá, xưa kia chỉ dành cho vua chúa và những gia đình quyền quý. Ướp trà sen là một nghề, hơn thế là một nghệ thuật lắm công phu. Khi ướp, tôi chỉ dùng sen của Hồ Tây. Rải một lớp trà mỏng rồi một lớp gạo sen mỏng, rồi lại một lớp trà, một lớp gạo sen… Cứ thế cho đến khi hết trà, hết gạo. Sau cùng, phủ một lớp giấy bản. Thời gian ướp tùy thuộc vào độ ẩm của gạo sen nhiều hay ít, thường từ 18 – 24 giờ. Sau đó, đem sàng để loại bỏ những hạt gạo sen.

Trà được cho vào một chiếc túi bằng giấy chống ẩm để giữ lấy cả hương sen lẫn hương trà rồi sấy cho đến khi cánh trà khô, hương sen quyện vào trà thì bỏ ra. Lại ướp lần sen thứ hai, thứ ba, thậm chí thứ tư, thứ năm… tùy thuộc vào sở thích của người uống trà đậm hay nhạt. Hương sen càng quyện vào cánh trà, càng ướp nhiều thì trà càng thơm. Trung bình, mỗi kg trà ướp cần từ 1000 – 1200 bông sen. Cho nên, không phải ngẫu nhiên, mỗi kg trà sen được đổi bằng 2 – 3 chỉ vàng mà người sành trà vẫn nao nức tìm mua bằng được.

Điều đặc biệt là từ xưa đến nay, không có một quốc gia nào trên thế giới có thể ướp được trà sen như người Việt Nam chúng ta. Ngay ở Hà Nội hiện nay cũng chỉ có khoảng 5-6 người ướp được loại trà này. Đây là niềm tự hào rất lớn của những người làm trà Việt Nam với các cường quốc trà trên thế giới. Đó cũng là lý do vì sao tôi mời ông Bill Gates và bà Paula Hurd thưởng thức loại trà này.

Với bề dày hơn 20 năm, tôi đã tổ chức quá nhiều buổi thiền trà, trong đó có những buổi đặc biệt quan trọng cho một số nguyên thủ quốc gia, các trà sư nổi tiếng của Nhật Bản, Trung Quốc nên tôi không hề cảm thấy căng thẳng, lo âu gì và việc chuẩn bị cũng rất nhanh chóng. Vì khung cảnh thiên nhiên trên đỉnh núi Bàn Cờ quá đẹp nên tôi và các cộng sự chỉ việc kê một bộ bàn ghế trường kỷ cổ mượn ở một ngôi chùa, trên đó, cùng với việc bày đặt các trà cụ là một bình hoa nhỏ, không gian thưởng trà đã trở nên vô cùng đẹp đẽ. Và để góp thêm năng lượng bình an cho buổi thiền trà, chúng tôi có mời một sư cô đến tham dự cùng.

Nghệ nhân trà, Nhà báo Hoàng Anh Sướng: Sứ mệnh, Phật pháp và buổi thiền trà cùng tỷ phú Bill Gates- Ảnh 3.

Đi nửa vòng trái đất đến Việt Nam để tìm sự yên tĩnh qua buổi thiền trà như thế, vị tỷ phú đã có những chia sẻ gì với anh?

– Vì theo lịch book của trợ lý ông Bill Gates, buổi thiền trà chỉ diễn ra trong vòng 1 tiếng, hơn thế, ông Bill Gates và bà Paula Hurd đến là để tìm hiểu về văn hóa trà Việt Nam nên tôi nói là chính. Tôi nói về lịch sử trà Việt Nam, về truyền thống uống trà lâu đời của người Việt. Về nghệ thuật ướp trà hoa sen, nghệ thuật pha trà và thưởng trà cầu kỳ, tinh tế của tầng lớp phong lưu quyền quý xưa. Từ cách chọn ấm, chọn chén, chọn nước, cách đun lửa, cách pha, cách cầm chén, cách thưởng thức… Thỉnh thoảng ông bà cũng đặt câu hỏi, hay bày tỏ sự ngạc nhiên, thích thú. Ví như, ngay sau khi kết thúc thời gian thiền, ông Bill Gates sốt sắng hỏi tôi: “Tôi đã từng đến Thái Lan và đã thưởng thức trà Thái Lan. Tôi muốn hỏi anh là trà Thái Lan có sớm hơn hay muộn hơn trà Việt Nam?”. Hay khi nghe tôi nói rằng: Ở Việt Nam có rất nhiều các loại trà khác nhau, bà Paula Hurd liền hỏi: “Vậy anh thích nhất loại trà nào?”.

Nghệ nhân trà, Nhà báo Hoàng Anh Sướng: Sứ mệnh, Phật pháp và buổi thiền trà cùng tỷ phú Bill Gates- Ảnh 4.

Tôi đặc biệt thích thú mỗi khi ông Bill Gates và Paula Hurd bày tỏ sự ngạc nhiên hay đùa vui. Sau khi nghe tôi chia sẻ về nghệ thuật ướp trà sen cầu kỳ, tinh tế, công phu của người Hà Nội, ông bà ồ lên ngạc nhiên. Bà Paula Hurd bảo: “Bây giờ tôi mới hiểu vì sao trà sen lại quý như vậy. Và vì sao loại trà này ngày xưa ở Việt Nam lại chỉ dành cho các bậc vua chúa”. Quay sang ông Bill Gates, bà đùa: “Em với anh bây giờ trở thành ông hoàng, bà chúa rồi đấy”. Cả hai cười rất tươi. Hay khi tôi hướng dẫn cách thưởng trà: “Ngụm trà đầu tiên, chúng ta ngậm trong miệng khoảng 5-6 giây. Sau đó, mím môi và nuốt khẽ khàng ngụm trà này. Nếu chúng ta ngậm ngụm trà khoảng 5-6 giây thì hương thơm của trà sẽ xông lên não bộ và chúng ta sẽ cảm nhận rất rõ hương thơm của nó. Còn than ôi, nếu ực 100% thì chúng ta sẽ không kịp cảm nhận bất cứ một cái gì. Kiểu uống trà ực 100% ấy, người Việt Nam gọi là “ngưu ẩm”, tức là trâu ngựa uống. Thưởng trà là một thú tao nhã nên phải nhấp từng ngụm nhỏ nhẹ. Nói đến đây, ông Bill Gates nhìn bà Paula Hurd cười bảo: “Hóa ra, từ trước đến nay, chúng ta toàn uống trà theo kiểu ngưu ẩm à?”. Cả hai cùng cười. Tôi cũng cười theo.

Tôi được biết anh đã có hơn 20 năm làm trà và truyền bá văn hóa trà Việt Nam ở nhiều tỉnh thành trong nước và quốc tế. Thông điệp anh muốn gửi gắm qua cuộc thiền trà đặc biệt này là gì?

– Qua buổi thiền trà, bên cạnh việc giới thiệu vẻ đẹp của văn hóa trà Việt Nam, tôi còn muốn gửi đến ông Bill Gates và bà Paula Hurd thông điệp về tình thương và hạnh phúc. Tôi bảo: “Thế hệ 7X người Việt như chúng tôi phải trải qua một thời kỳ dài đói ăn và đói mặc. Bây giờ, kinh tế phát triển hơn, nhiều người thừa ăn, thừa mặc. Nhưng người Việt hiện nay (mà không chỉ riêng người Việt) đang phải đối diện với một nạn “đói” cũng rất đáng sợ. Đó là đói hiểu và đói thương. Nhiều người bây giờ rất cô đơn. Nhiều khi về ngôi nhà mình, ngồi cạnh chồng mình, vợ mình, con mình mà cứ thấy cô đơn.

Uống trà chính là một cách để kết nối. Uống trà độc ẩm (một mình) là cách để trở về với chính mình, để hiểu mình là ai? Khi hiểu mình là ai, mình sẽ nhận ra một điều: trong mình có rất nhiều hạt giống tốt nhưng trong mình cũng có những hạt giống xấu. Trong mình có nhiều phẩm chất hay nhưng trong mình cũng có những hạt giống dở. Nhìn sâu vào bên trong nữa, mình còn thấy: những điều hay, dở, tốt, xấu ấy không phải tự nhiên có mà nhiều khi, mình được (bị) kế thừa từ ông bà, cha mẹ, tổ tiên. Đó là một sự thật chúng ta phải chấp nhận. Và khi chấp nhận sự thật ấy, có nghĩa là, chúng ta cũng phải chấp nhận những điều hay, điều dở ở người thân mình. Vì họ cũng như mình mà.

Hiểu mình chính là nền tảng để hiểu người. Không hiểu mình thì sẽ không bao giờ hiểu được người khác. Và để giúp mình hiểu hơn người khác, người Việt chúng tôi còn có cách uống trà thứ 2, đó là đối ẩm hay còn gọi là song ẩm, tức là 2 người uống. Người Việt thường thưởng trà trong không gian yên tĩnh. Trà, với người Việt Nam, không chỉ là một thức uống mà còn là phương thức để tu tâm dưỡng tính. Không có thức uống nào dạy dỗ con người nhiều như trà. Trà dạy cho chúng ta sự sạch sẽ, ngăn nắp. Trà dạy cho chúng ta lòng kiên nhẫn. Trà dạy cho chúng ta sự khiêm nhường.

Khi thân tâm mình thanh tịnh, chúng ta sẽ phát hiện ra một điều: Hạnh phúc đích thực không phụ thuộc nhiều vào tiền bạc, địa vị, danh vọng, quyền bính. Hạnh phúc đích thực chỉ có khi ta có một cái tâm an, trong đó, chứa đầy hiểu hiết và thương yêu”.

Nghệ nhân trà, Nhà báo Hoàng Anh Sướng: Sứ mệnh, Phật pháp và buổi thiền trà cùng tỷ phú Bill Gates- Ảnh 5.

Anh cũng từng tổ chức hàng ngàn buổi thiền trà cho đủ các tầng lớp từ các nhà lãnh đạo trên thế giới, đến các doanh nhân, văn nghệ sĩ, trí thức… trong và ngoài nước. Buổi nào làm anh ấn tượng nhất?

– Với tôi, một trong những buổi trình diễn trà để lại nhiều ấn tượng, cảm xúc nhất chính là tiệc trà tiếp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cuối năm 2017 và đặc biệt là buổi dâng trà cho Nhật Hoàng và Hoàng hậu vào sáng ngày 3/3/2017 tại nhà khách Văn phòng trung ương Đảng. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và phu nhân đã tổ chức bữa tiệc trà tiếp đón Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam. Tôi vinh dự được pha trà và dâng trà các vị khách quý.

Bữa tiệc trà hôm đó chỉ kéo dài chừng 30 phút nhưng tôi đã phải chuẩn bị cho buổi trình diễn trà vô cùng kỹ càng, công phu. Hồi hộp, lo âu, căng thẳng. Nhưng khi Đức Vua cùng Hoàng hậu xuất hiện, tiến về phía bàn trà, nụ cười trìu mến, thân thiện cùng cái bắt tay nồng ấm của

Ngài khiến những lo âu, căng thẳng trong tôi chợt tan biến.

Trong bữa tiệc trà sáng hôm ấy, tôi đã dâng mời Vua Nhật, Hoàng hậu, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và phu nhân cùng quan khách hai nước thưởng thức 2 đặc sản trà nổi tiếng của Việt Nam: Trà Tân Cương thượng hạng (chỉ hái một đọt non trên cùng), vùng trà xanh nổi tiếng nhất của tỉnh Thái Nguyên và Trà Sen Tây Hồ (do chính bàn tay tôi tẩm ướp theo phong cách truyền thống). Các vị đã uống cạn những chén trà với vẻ thích thú và liên tục ban tặng những lời khen.

Tôi chợt ngộ ra một điều, chỉ có trà mới đem lại cho buổi gặp gỡ giữa hai người đứng đầu hai quốc gia – Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Nhật Hoàng, không khí tươi mát, ấm áp, an lành đến như vậy. Chỉ có trà mới mang một bậc đế vương từ nước Nhật xa xôi đến với một người dân bình thường ở Việt Nam là tôi một cách gần gũi, thân mật đến như vậy. Một chén trà nhỏ mà chứa đựng biết bao năng lượng của bình an, tình thương mến. Một chén trà nhỏ mà bắc cả một nhịp cầu yêu thương, hòa bình gắn kết giữa hai quốc gia.

Nghệ nhân trà, Nhà báo Hoàng Anh Sướng: Sứ mệnh, Phật pháp và buổi thiền trà cùng tỷ phú Bill Gates- Ảnh 6.

Anh vừa nhắc đến Nhật Hoàng và ông Tập Cận Bình – những người đến từ 2 nôi trà nổi tiếng Nhật Bản và Trung Quốc. Vậy nghệ thuật thưởng trà Việt Nam có gì khác so với 2 chiếc nôi trà ấy? Và bằng chứng nào để anh khẳng định, Việt Nam là một trong những nơi phát tích đầu tiên của cây chè thế giới?

– Để chứng minh Việt Nam chúng ta là một chiếc nôi trà cổ của thế giới, tôi xin đưa ra 4 bằng chứng sau. Bằng chứng thứ nhất, Việt Nam có rất nhiều cánh rừng trà cổ thụ bạt ngàn trên núi, tuổi đời vài trăm năm ở Suối Giàng (Văn Chấn, Yên Bái), Hoàng Su Phì (Hà Giang), Tà Xùa (Sơn La), Tủa Chùa (Lai Châu). Đặc biệt ở Suối Giàng có khoảng 40.000 cây, trong đó, đã từng có những cây trà cao 8m, đường kính 3 người ôm không xuể. Đây là một minh chứng sống động nhất để chứng minh Việt Nam chúng ta là một chiếc nôi trà cổ của thế giới. Bởi những cây trà cao, to như thế, trên thế giới, có thể đếm trên đầu ngón tay.

Bằng chứng thứ 2, năm 1968, một đoàn khảo cứu của Ủy ban khoa học xã hội đã phát hiện những lá trà và thân cây trà hóa thạch ở Phú Thọ (Đất tổ Vua Hùng). Khi phân tích, người ta kết luận cây trà xuất hiện từ thời đồ đá Sơn Vi, cách đây khoảng 10 vạn năm.

Bằng chứng thứ 3, Việt Nam đã và đang sở hữu một cách uống trà có thể nói độc nhất vô nhị, không quốc gia nào có. Đó chính là bát chè tươi giản dị ở chốn quê. Một điều hiển nhiên là cách đây vài trăm năm, khi kỹ thuật sao tẩm trà chưa phát triển như hiện nay, khởi thủy của loài người là uống chè tươi giản dị như vậy đó.

Bằng chứng thứ 4, bằng văn bản, đó là câu kệ nổi tiếng của thiền sư Viên Chiếu đời Lý ở thế kỷ thứ 11. “Tặng quân thiên lý viễn/Tiếu bả nhất âu trà”. Tạm dịch: “Tặng người ngàn dặm cách xa / Cười dâng chỉ một âu trà thế thôi”. Qua câu thơ này, chúng ta thấy rằng, phong tục uống trà đã phát triển quá rộng rãi ở Việt Nam từ rất lâu rồi.

Nghệ nhân trà, Nhà báo Hoàng Anh Sướng: Sứ mệnh, Phật pháp và buổi thiền trà cùng tỷ phú Bill Gates- Ảnh 7.

Như anh chia sẻ, tôi hiểu rằng Việt Nam từng là cái nôi của văn hoá trà. Nhưng chúng ta chưa biết nâng cấp lên thành thứ tuyệt đỉnh như Nhật Bản hay Trung Hoa đã làm?

– Đúng vậy. Lý do thì nhiều lắm. Chiến tranh liên miên. Suốt cả một thời kỳ dài, chúng ta phải đối diện với cái đói, cái nghèo. Cái ăn, cái mặc không đủ, đầu tắt mặt tối suốt ngày, điều kiện, thời gian đâu mà thưởng trà. Rồi có thời, do nhận thức sai lầm, chúng ta đã bài trừ văn hóa của tầng lớp phong kiến, tư sản, trong đó có nghệ thuật thường trà của tầng lớp vua chúa, phong lưu. Vì thế, văn hóa trà bị mai một đi ít nhiều.

Nghệ nhân trà, Nhà báo Hoàng Anh Sướng: Sứ mệnh, Phật pháp và buổi thiền trà cùng tỷ phú Bill Gates- Ảnh 8.

Không chỉ là một nhà báo, nghệ nhân trà, anh còn là một Phật tử thuần thành, đã viết nhiều sách về Phật pháp nhiệm màu và được nhiều người biết đến là học trò của thiền sư Thích Nhất Hạnh. Vy con đường anh đến với đạo Phật như thế nào?

– Thiền sư Thích Nhất Hạnh chính là người thầy đầu tiên đưa tôi đến với đạo Phật. Cho đến tận bây giờ, tôi vẫn nghĩ, cuộc gặp gỡ với thiền sư Thích Nhất Hạnh trong chuyến hoằng dương đạo Phật dọc nước Mỹ vào tháng 9/2013 là một trong những bước ngoặt lớn nhất của đời tôi.

Năm 2013, tôi được Thiền sư Thích Nhất Hạnh mời đi Mỹ cùng thầy trong chuyến hoằng Pháp đạo Phật dọc nước Mỹ. Suốt gần 3 tháng theo chân thầy, tôi đã nhiều lần tận mắt chứng kiến sức ảnh hưởng to lớn của thầy, sự kính trọng, ngưỡng mộ và lòng biết ơn của đủ các tầng lớp người trong xã hội Mỹ dành cho thầy.

Và tôi thấy khả năng “đặc biệt” của các nhà tâm linh cũng không giúp cho họ giải quyết được những nỗi khổ, niềm đau của chính họ.

Nghệ nhân trà, Nhà báo Hoàng Anh Sướng: Sứ mệnh, Phật pháp và buổi thiền trà cùng tỷ phú Bill Gates- Ảnh 9.

Hạnh ngộ Thiền sư Thích Nhất Hạnh, điều gì đã thay đổi trong con người anh?

– Suốt 3 tháng được nghe pháp, học giáo lý, thực hành chánh niệm cùng thầy, màn vô minh giống như màn sương mù che lấp bao năm dần tan, tôi nhìn mọi vật, mọi sự đúng hơn. Trái tim dần rộng mở yêu thương. Những sân hận giảm dần. Lòng bao dung hơn, độ lượng hơn với đời… Ba tháng sống bên cạnh thầy là những ngày tháng hạnh phúc nhất trong cuộc đời tôi. Chính ngài, bằng trí tuệ tuyệt vời và trái tim yêu thương của một đấng giác ngộ đã mở cánh cửa kho tàng tuệ giác của Đạo Phật, trao truyền cho tôi những pháp môn thật quý để chế tác khổ đau thành hạnh phúc, chế tác bùn thành sen.

Tôi hiểu, một trong những thứ quan trọng nhất mà chúng ta cần tích lũy, bồi đắp hàng ngày, đó là trí tuệ, tuệ giác. Bởi có trí tuệ sáng suốt, chúng ta sẽ không có những định kiến, tà kiến, không có những hành động, lời nói, quyết định sai lầm. Là một Phật tử, tôi cũng hiểu, điều quan trọng hơn nữa mà chúng ta cần bồi đắp hàng ngày, đó chính là tình yêu thương trong trái tim mỗi người. Có trái tim đầy ắp tình yêu thương, chúng ta sẽ không hờn trách, oán giận, không bon chen, đố kỵ, hận thù. Chúng ta dễ cảm thông, tha thứ, bao dung, độ lượng với mọi người. Và nếu như tôi, nếu như mọi người có hai “báu vật” ấy trong đời: trí tuệ sáng suốt và trái tim yêu thương, xã hội này sẽ đẹp đẽ biết bao.

Nghệ nhân trà, Nhà báo Hoàng Anh Sướng: Sứ mệnh, Phật pháp và buổi thiền trà cùng tỷ phú Bill Gates- Ảnh 10.

Phóng sự là thể loại gắn bó với ngòi bút của anh. Anh viết báo và in sách (bán rất chạy, được hâm mộ trên diện rộng) bao năm qua. Vậy, anh thấy điểm gì hay ở thể loại này? Và anh đóng góp công sức vào đó ra sao?

– Tôi xuất thân là người học văn nên ngay từ khi bước chân vào nghề báo, tôi đã chọn viết phóng sự – một thể tài giao thoa giữa báo chí và văn học. Tôi chọn phóng sự bởi đây là một thể tài hấp dẫn, giúp tôi khai thác sâu, chi tiết về một con người, một vấn đề nào đó với bút pháp thể hiện sống động, linh hoạt, đậm chất văn chương. 28 năm làm báo, tôi đã làm những thiên phóng sự, in dài kỳ trên báo kéo dài tới vài năm.

Anh có thể kể cụ thể hơn: Phóng sự mà anh nói đăng cả năm liên tiếp trên báo là xê-ri bài gì? Và những phóng sự này đã in thành những quyển sách nào, chúng đã lan tỏa ra sao?

– Một trong những thiên phóng sự tôi tâm đắc nhất, được bạn đọc đón nhận nồng nhiệt nhất là “Nhân quả và Phật pháp nhiệm màu”. Sau này, tôi đã in thành bộ sách 3 tập cùng tên. Rất nhiều người tâm sự, bộ sách này đã khiến họ sợ và tin vào luật nhân quả. Nó buộc họ phải tỉnh thức và sống tử tế hơn.

Có một doanh nhân ở phía Nam, đầu tư hàng chục tỷ đồng để mở trang trại nuôi cá sấu và lợn. Công việc đang làm ăn thuận lợi. Thế mà đọc xong cuốn Nhân quả và Phật pháp nhiệm màu tập 1, vị doanh nhân ấy đã quyết định đóng cửa trang trại, hơn thế, còn phát nguyện ăn chay trường. Nhiều người, trong quá khứ, đã từng nạo phá thai. Nay, nghiệp trổ ra, thân thì bệnh tật, tâm thì bất an, luôn sống trong tâm trạng dày vò, day dứt, khổ đau, sợ hãi. Nhờ loạt bài phóng sự về nghiệp báo nạo phá thai của tôi mà họ giác ngộ, bình thản đón nhận quả xấu… Rất nhiều tổ chức thiện nguyện trong nước và quốc tế đã xin bản quyền các loạt bài này, in và phát miễn phí cả triệu bản tới nhiều nơi.

Nghệ nhân trà, Nhà báo Hoàng Anh Sướng: Sứ mệnh, Phật pháp và buổi thiền trà cùng tỷ phú Bill Gates- Ảnh 11.

Sau khi in những bài báo, cuốn sách đó, anh còn đi nhiều nơi, tổ chức các buổi nói chuyện, chia sẻ xoay quanh chủ đề về đạo Phật, ứng dụng đạo Phật vào cuộc đời?

– Vâng! Tôi là học trò của thiền sư Thích Nhất Hạnh, vì vậy, tôi phát tâm nguyện đi theo con đường của thầy, con đường phụng sự xã hội. Tôi may mắn được làm nhiều nghề khác nhau: nhà báo, nghệ nhân trà, diễn giả… nên tôi có nhiều điều kiện, phương tiện thiện xảo để giúp đời. Những bài báo, những cuốn sách, những buổi chia sẻ và những buổi thiền trà… Dù với hình thức nào tôi cũng hướng đến việc mang những hiểu biết, thương yêu để giúp mọi người bớt khổ, có thêm bình an và hạnh phúc. Từ nhiều năm nay, ngôi nhà của tôi ở Hà Nội cũng trở thành nơi trị liệu khổ đau cho rất nhiều người. Tôi làm việc này hoàn toàn miễn phí.

Chân thành cảm ơn anh Hoàng Anh Sướng, với cuộc trò chuyện thú vị.


Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *