Sức mạnh đại đoàn kết toàn dân làm nên những thắng lợi vĩ đại

Những ngày này, dường như trong mỗi người Việt Nam đều bừng lên khí thế sục sôi, lòng tự hào và tự tôn dân tộc của 79 năm về trước khi toàn dân dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ nhất tề đứng lên làm nên cuộc cách mạng chưa từng có trong lịch sử Việt Nam và khu vực Đông Nam châu Á – Cách mạng tháng Tám năm 1945 và Ngày Quốc khánh 2/9.

Đưa đời sống ấm no cho nhân dân

Sự trường tồn vĩnh cửu của Cách mạng tháng Tám, dấu ấn lịch sử không thể phai mờ của Ngày Độc lập 2/9 chính là tinh thần bất diệt của cuộc cách mạng diễn ra vào mùa thu 79 năm trước. Ở đó, có dấu ấn tinh thần sẵn sàng hy sinh vì sự nghiệp cách mạng vẻ vang được Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh, từ rất sớm đã đưa ra và cổ vũ những thanh niên yêu nước Việt Nam trong tác phẩm Đường cách mệnh: “Chúng ta đã hy sinh làm cách mệnh, thì nên làm cho đến nơi, nghĩa là làm sao cách mệnh rồi thì quyền giao cho dân chúng số nhiều, chớ để trong tay một bọn ít người. Thế mới khỏi hy sinh nhiều lần, thế dân chúng mới hạnh phúc”.

gop/“Chúng ta có sự đoàn kết của toàn dân…” - Ảnh 1.

Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mở ra kỷ nguyên mới cho lịch sử dân tộc. Ảnh: Tư liệu

Đây chính là cuộc cách mạng sâu sắc, toàn diện, triệt để nhất của cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa mà Đảng ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân ta lựa chọn. Đúng như Người đã khẳng định: “Cách mạng xã hội chủ nghĩa là nhằm xóa bỏ mọi chế độ người bóc lột người ở nước ta, nhằm đưa lại đời sống ấm no cho nhân dân ta. Đó là cuộc cách mạng vĩ đại và vẻ vang nhất trong lịch sử loài người, nhưng đồng thời cũng là cuộc cách mạng gay go, phức tạp và khó khăn nhất”. Cách mạng tháng Tám là mẫu mực của một cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa.

Đó là tinh thần quyết đem tất cả sức mạnh tinh thần và vật chất, chấp nhận hy sinh để bảo vệ quyền tự do và độc lập. Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời ngày 2/9/1945 sau khi Bác Hồ trịnh trọng đọc Tuyên ngôn độc lập: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thực đã thành một nước tự do và độc lập. Toàn thể dân Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”. Tuyên ngôn Độc lập là áng văn lập quốc vĩ đại, là văn kiện có giá trị cao về tư tưởng, lý luận của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tuyên ngôn trước toàn thế giới về kỷ nguyên độc lập của dân tộc Việt Nam, đồng thời thể hiện rõ thiện chí hòa bình và quyết tâm sắt đá của nhân dân ta quyết bảo vệ nền độc lập mới giành lại được sau hơn 80 năm phải sống dưới ách cai trị của đế quốc xâm lược.

Cách mạng tháng Tám là mẫu mực của việc sử dụng bạo lực cách mạng: Kết hợp chặt chẽ lực lượng chính trị với lực lượng vũ trang; kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang, lấy đấu tranh chính trị làm chính tiến hành cuộc Tổng khởi nghĩa toàn dân giành chính quyền trọn vẹn, nhanh gọn và tổn thất xương máu ở mức tối thiểu. Nhưng trong Chỉ thị của Ban Chấp hành Trung ương về kháng chiến kiến quốc, ngày 25/11/1945, Đảng ta đã khẳng định: “Ở Đông Dương, tháng Tám vừa rồi, nhờ được những điều kiện đặc biệt thuận tiện nên cuộc Cách mạng tháng Tám vừa rồi tương đối dễ thắng lợi. Nhưng việc giành chính quyền càng dễ bao nhiêu thì việc giữ chính quyền càng khó bấy nhiêu”.

gop/“Chúng ta có sự đoàn kết của toàn dân…” - Ảnh 2.

Ngày 19/8/1945, tại quảng trường Nhà hát Lớn, hàng vạn người dân Thủ đô dự lễ mít tinh chào mừng Ủy ban Quân quản. Ảnh: T.L

Với tinh thần của Cách mạng tháng Tám, chúng ta đã bảo vệ được chính quyền non trẻ trong lúc vận mệnh dân tộc ở thế “Ngàn cân treo sợi tóc” khi: “Chính phủ Dân chủ Cộng hòa mới thành lập đã phải đối phó với một tình thế vô cùng phức tạp không phải chỉ đối phó với Pháp mà thôi, lại còn Anh, Tàu can thiệp vào nội chính của ta nữa. Chính quyền mới giành phải đối phó với ba việc khó khăn: 1. Chống thực dân Pháp xâm lược, 2. Trừ nạn đói; 3. Xử trí với bọn Đại Việt, Việt Nam Quốc dân đảng, Nguyễn Hải Thần đã dựa vào thế lực quân Tưởng, nhập cục thành một khối…, đối lập với Chính phủ, tham dự chính quyền”.

Đó là tính chất quốc tế, là kết quả của sự kết hợp tinh hoa của các cuộc cách mạng có ý nghĩa thời đại trước đó mà Cách mạng tháng Tám đem lại. Về vấn đề này, trong Thư gửi đồng bào toàn quốc nhân dịp Kỷ niệm Cách mạng tháng Tám, ngày 19/8/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết:

“Cách mạng tháng Tám đã giải phóng đồng bào ta ra khỏi chế độ quân chủ chuyên chế và xiềng xích thực dân.

Cách mạng tháng Tám đã xây dựng cho nhân dân ta cái nền tảng Dân chủ Cộng hòa và thống nhất độc lập.

Noi gương Cách mạng 1776 của Mỹ, Cách mạng tháng Tám tranh tự chủ chống ngoại xâm.

Cũng như Cách mạng 1789 của Pháp, Cách mạng tháng Tám thực hành lý tưởng: Bình đẳng, Tự do, Bác ái.

Theo gót Cách mạng 1911 của Tàu, Cách mạng tháng Tám thực hiện chủ nghĩa: Dân tộc, dân quyền, dân sinh.

Nay cuộc trường kỳ kháng chiến phải tiếp tục cái nhiệm vụ vẻ vang của Cách mạng tháng Tám: Phải làm cho nền Dân chủ Cộng hòa chắc chắn, phải làm cho quyền thống nhất độc lập vững vàng”.

Đồng thời, Người khẳng định: “Chúng ta đã thắng lợi trong cuộc cách mạng, thì chúng ta quyết sẽ thắng lợi trong cuộc kháng chiến. Dù địch có những vũ khí tối tân, hùng binh ác tướng, nhưng chúng ta lại có những thứ vũ khí mạnh mẽ hơn, bền bỉ hơn chúng. Chúng ta có cái chí quật cường không núng của dân tộc, chúng ta có sự đoàn kết của toàn dân. Chúng ta có cái lòng hy sinh cảm tử của chiến sĩ ở tiền tuyến. Chúng ta có cái sức kiên quyết nhẫn nại của đồng bào ở hậu phương. Đó là những vũ khí luôn luôn chiến thắng quân thù, chứ không lực lượng nào chiến thắng được những vũ khí đó. Đành biết rằng từ đây đi đến cuộc toàn thắng, chúng ta còn phải kinh qua nhiều nỗi khó khăn. Nhưng chúng ta giàu lòng yêu nước, thì chúng ta quyết cứu được nước. Chúng ta dám trả cái giá cho thắng lợi, thì chúng ta nhất định thắng lợi. Tinh thần Cách mạng tháng Tám muôn năm!”.

Niềm tin của nhân dân

Tinh thần Cách mạng tháng Tám đã không ngừng cổ vũ cho toàn dân tộc ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, ngày càng vĩ đại hơn. Đúng như khẳng định của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Trải qua 39 năm đấu tranh oanh liệt, làm Cách mạng tháng Tám thành công, kháng chiến lần thứ nhất thắng lợi và ngày nay vừa chiến đấu chống Mỹ, cứu nước, vừa xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, nhân dân ta tin tưởng rằng: Đảng ta lãnh đạo rất sáng suốt đã đưa dân tộc ta tiến lên không ngừng từ thắng lợi này đến thắng lợi khác”.

Tinh thần Cách mạng tháng Tám cổ vũ thúc đẩy chúng ta tiến hành công cuộc đổi mới và giành được những thắng lợi to lớn, có ý nghĩa lịch sử, như trong Văn kiện Đại hội XIII, Đảng ta nhấn mạnh: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Những thành tựu đó là sản phẩm kết tinh sức sáng tạo, là kết quả của cả một quá trình nỗ lực phấn đấu bền bỉ, liên tục qua nhiều nhiệm kỳ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta; tiếp tục khẳng định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của chúng ta là đúng đắn, phù hợp với quy luật khách quan, với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại; đường lối đổi mới của Đảng ta là đúng đắn, sáng tạo; sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam” (5).

gop/“Chúng ta có sự đoàn kết của toàn dân…” - Ảnh 3.

NTNN/Dân Việt

“Chúng ta có cái chí quật cường không núng của dân tộc, chúng ta có sự đoàn kết của toàn dân. Chúng ta có cái lòng hy sinh cảm tử của chiến sĩ ở tiền tuyến. Chúng ta có cái sức kiên quyết nhẫn nại của đồng bào ở hậu phương. Đó là những vũ khí luôn luôn chiến thắng quân thù”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh

Những ngày tháng Tám lịch sử này, trong lúc toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta vừa trải qua đau thương và mất mát không có gì có thể bù đắp được, đó là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng – Người Cộng sản chân chính, nhà cách mạng xuất sắc của Đảng ta từ trần; song chúng ta đã biến đau thương thành hành động cách mạng, đoàn kết một lòng thực hiện những di nguyện của cố Tổng Bí thư. Toàn dân tộc ta đã và đang bừng lên với khí thế, tinh thần của 79 năm về trước khi Cờ đỏ sao vàng – Biểu tượng thiêng liêng đặc biệt của dân tộc Việt Nam đã rợp từ phố phường đến làng quê, khắp các công trường, đơn vị sản xuất, kinh doanh… làm rạng rỡ Việt Nam, tạo động lực tinh thần để Đảng, toàn dân và toàn quân ta ra sức thi đua thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII và từng bước hiện thực hóa mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2030, tầm nhìn 2045 mà Đảng ta đã xác định.

Cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945 đã để lại nhiều bài học quý báu cho Đảng và nhân dân ta trong tiến trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong đó, đặc biệt là bài học về xây dựng đường lối chính trị và công tác tư tưởng tạo sự gắn kết, đoàn kết giữa các tầng lớp trong xã hội. Có thể nói công tác tư tưởng của Đảng trong cao trào giải phóng dân tộc rất thành công, trước hết là khơi gợi tinh thần yêu nước mạnh mẽ, nêu cao ngọn cờ dân tộc, cho nên ở những thời điểm lịch sử quan trọng công tác tư tưởng càng phải được chú trọng. Bài học từ Cách mạng tháng 8 cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị”.

PGS – TS Nguyễn Trọng Phúc – nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng,Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh

“Chính Quốc dân Đại hội Tân Trào lúc đó, mặc dù chưa có điều kiện tập hợp hết tất cả các đại diện tầng lớp dân chúng, nhưng cơ bản đã đại diện cho nhân dân Việt Nam những người yêu nước cách mạng để quyết định vấn đề hệ trọng nhất đối với cả đất nước. Đó là phát động Tổng khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân. Đó là quyết định lịch sử… Đồng thời, việc xây dựng lực lượng được xác định trên cơ sở tập hợp sức mạnh tổng hợp không phân biệt giai cấp, thành phần, tôn giáo từ nông dân, công nhân đến trí thức, trong một tổ chức thống nhất là Mặt trận Việt Nam Độc lập Đồng Minh hay có tên gọi tắt là Mặt trận Việt Minh là một quyết định quan trọng và chính xác”.

PGS – TS Vũ Quang Đạo – nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam

Diệu Linh (ghi))


Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *