CLIP: Ông Phạm Thành Lộc (sinh năm 1981, huyện Củ Chi, TP HCM) là Nông dân Việt Nam xuất sắc 2024, thạc sĩ hóa học này đã tự bỏ tiền tỷ để nghiên cứu, sáng chế máy làm thảo dược. Video: Quang Sung
Là Thạc sĩ tốt nghiệp ngành hóa học, nhưng ông bén duyên với nông nghiệp từ rất sớm. Năm 2015, ông nghiên cứu thành công mô hình trồng rau khí canh trụ đứng, gần như độc quyền lúc bấy giờ. Sản xuất hiệu quả, đến năm 2018 ông quyết định thành lập công ty, thế nhưng dịch Covid-19 ập đến công ty ông buộc phải dừng hoạt động.
Trong những ngày tháng cùng toàn dân TP.HCM chống dịch, ông lại một lần nữa bén duyên với nông nghiệp. Nhưng lần này ông trong vai trò người nghiên cứu, chế tạo và bán sản phẩm từ nông sản.
Bỏ tiền tỷ để nghiên cứu, sáng chế máy làm thảo dược
Ông Lộc được nhiều người biết đến với mô hình chế biến thảo dược bằng công nghệ nano emulsion – siêu âm.
“Năm 2021, hưởng ứng cuộc kêu gọi của TP.HCM về chống dịch Covid-19 và cũng giai đoạn đó, củ gừng bà con trồng không bán được, phải kêu gọi giải cứu. Từ đó, tôi đã bắt tay nghiên cứu những sản phẩm chế biến từ thảo dược, trước tiên là từ củ gừng”, ông Lộc chia sẻ.
Đối với ông Lộc, xuất thân từ chuyên ngành hóa học nên những công việc liên quan đến chưng cất, chiết xuất không khó với ông. Thế nhưng, ông trăn trở làm thế nào để tận dụng tối đa dược tính từ cây gừng, giúp người dùng có hiệu quả nhanh chóng.
Sau thời gian dài học hỏi, tìm hiểu ông Lộc nhận thấy công nghệ nano có thể khiến các hạt thảo dược tồn tại dưới 300 nanomet, do đó rất dễ thẩm thấu. Tuy nhiên, tại Việt Nam lúc này công nghệ này còn thô sơ, năng suất khiêm tốn, không đủ để làm thương mại. Ông Lộc tự bắt tay vào nghiên cứu, sau khoảng 2 năm ông đã hoàn thành công trình của mình.
“Nhập nguyên máy từ nước ngoài về thì giá cao, mình khởi nghiệp không đủ tiền nên mình phải nghiên cứu chế tạo”, ông Lộc bộc bạch.
Năm 2021, ông Phạm Thành Lộc được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng độc quyền giải pháp hữu ích “Máy trồng thực vật khí canh và quy trình trồng trọt theo phương pháp khí canh sử dụng máy này”.
Năm 2021, ông được UBND TP.HCM tặng bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc được công nhận có “Sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu cấp thành phố năm 2020”.
Năm 2022, ông được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen vì Đã có thành tích xuất sắc, là nông dân tiêu biểu trong sản xuất kinh doanh giỏi trên địa bàn TP.HCM.
Năm 2022, ông Lộc được Văn phòng Sáng chế và Nhãn hiệu Hoa Kỳ (United States Patent and Trademark Office, viết tắt là: USPTO) cấp bằng bảo hộ độc quyền sáng chế cho giải pháp “Tinh dầu xua muỗi đa chức năng và phương pháp chế tạo nó”.
Năm 2022 – 2023, ông Lộc được Sở Khoa học Công nghệ TP.HCM cấp kinh phí tài trợ và nghiệm thu thành công công trình nghiên cứu “Hoàn thiện Quy trình công nghệ nano hóa hỗn hợp tinh gừng và một số dược liệu được chiết xuất bằng công nghệ CO2 lỏng siêu tới hạn làm nguyên liệu sản xuất các sản phẩm bảo vệ sức khỏe”.
Công nghệ do ông Lộc nghiên cứu có nhiều điểm vượt trội so với một số sản phẩm khác. Trong 1 phút, công nghệ này có thể sản xuất 5 lít hoạt chất thảo dược dưới dạng nano. Hơn nữa, không cần phải châm nguyên liệu sau mỗi mẻ sản xuất. Ông Lộc đã lập trình, chỉ việc đổ nguyên liệu vào bồn chứa và cho máy chạy tự động. Thậm chí, có thể điều khiển từ xa thông qua điện thoại thông minh.
Từ một người chỉ có chuyên môn về hóa học, ông Lộc đã phải học thêm cơ khí, điện tử, lập trình… để có thể hoàn thành “đứa con tinh thần” đầy tâm huyết.
“Để có được cái máy này, tôi đã “lột xác” cho nó 4 – 5 lần. Mỗi lần bị lỗi phải tháo ra làm lại, có chi tiết phải cắt bỏ. Kinh phí bỏ ra nghiên cứu máy móc 3 – 4 tỷ”, ông Lộc chia sẻ.
Từ chiếc máy này, ông Lộc đã sản xuất ra các sản phẩm, như: xịt miệng thảo dược, tinh dầu xông hơi, dầu xoa bóp, xịt khẩu trang đều dưới dạng nano.
Dân kỹ thuật nên bán hàng chưa giỏi
Hiện, ông Lộc đang tự sản xuất và bán các sản phẩm ra thị trường với thương hiệu “SAGUCHA” (PV – sả gừng chanh). Nhờ sử dụng công nghệ nano nên các sản phẩm này thẩm thấu tốt, có tác dụng nhanh chóng.
Theo ông Lộc, phần lớn những khách hàng của ông sau khi sử dụng đều hài lòng và tiếp tục mua hàng. “Những khách có vấn đề về xương khớp, sau khi sử dụng sản phẩm của mình thì 70 – 80% quay lại mua hàng”, ông Lộc thổ lộ.
Sản phẩm ông Lộc hiện chỉ phân phối phần lớn cho các đại lý. Thỉnh thoảng, ông cũng đưa sản phẩm tham gia xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh, nhằm mở rộng khách hàng, tìm kiếm đối tác. Nhờ sản xuất các sản phẩm nano thảo dược, mỗi năm ông thu lợi nhuận khoảng 500 triệu đồng.
Ông Lộc thừa nhận, những sản phẩm của ông vẫn chưa được biết đến rộng rãi trên thị trường. Do đó, ông phải giảm công suất sản xuất xuống thấp hơn với công suất vốn có của máy.
“Mình là dân kỹ thuật nên bán hàng cũng chưa giỏi. Gặp khách hàng, mình cứ nói về quy trình sản xuất, kỹ thuật máy móc khô khan, trong khi người mua họ muốn nghe về công dụng, câu chuyện của sản phẩm thì mình lại ít không nói”, ông Lộc cười.
Ngày chúng tôi đến gặp ông Lộc, ông đang bận mở rộng xưởng sản xuất, đồ đạc còn ngổn ngang. Ông cho biết, sắp tới ông sẽ mở riêng một khu sản xuất khép kín và đóng gói tự động, mọi thứ sẽ hướng đến tự động hóa. Một số máy móc, công nghệ khác cũng được ông Lộc nghiên cứu để sản xuất thêm nhiều sản phẩm từ thảo dược.
“Tôi đang ấp ủ làm các sản phẩm chăm sóc sắc đẹp từ thảo dược, hoặc có thể là nước hoa cũng từ các loại thảo dược thuần tự nhiên. Tuy nhiên, cần có thời gian nghiên cứu, xây dựng nhà sản xuất và đặc biệt là chờ tín hiệu tốt từ thị trường”, ông Lộc tiết lộ.
Trò chuyện với ông Lộc, ngoài việc sản xuất giỏi chúng tôi còn biết ông thường xuyên tham gia các hoạt động ở địa phương. Ông vừa là là Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nông dân xã Tân Thạnh Đông, Ủy viên Ban Thường vụ Hội Nông dân huyện Củ Chi và Ủy viên Ban chấp hành Hội nông dân TP.HCM.
Ông Lộc cũng là thành viên Câu Lạc bộ Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi của xã và là thành viên Hội đồng tư vấn khoa học kỹ thuật của thành phố.
Ông Lộc được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tuyên dương là Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2024.
Nói về những mong muốn trong thời gian tới anh Phạm Thành Lộc chia sẻ, thời gian qua chính quyền đã có rất nhiều chính sách, nhiều nỗ lực để xây dựng các sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu. Tuy nhiên đối với ngành dược liệu, nguồn gốc nông sản thường xuyên bị đánh tráo.
“Dưới vai trò là hội viên nông dân, vừa trực tiếp sản xuất kinh doanh tôi rất mong Nhà nước có thêm nhiều hoạt động chấn chỉnh, làm trong sạch thị trường. Đánh mạnh hàng gian hàng giả, đội lốt, trốn thuế… để bảo vệ người sản xuất và người tiêu dùng”, ông Lộc mong muốn.
Theo ông Lộc, nông dân luôn mong muốn có nhiều kỹ thuật, công nghệ, bí quyết chế biến sau thu hoạch. Việc này giúp bảo quản nông sản được lâu, đồng thời tạo ra được nhiều sản phẩm nâng cao giá trị nông sản.
“Rất mong Nhà nước có thêm nhiều chương trình ưu đãi, thúc đẩy các nhà khoa học, các viện trường, các doanh nghiệp nghiên cứu thêm nhiều công nghệ chế biến mới, dễ dàng tiếp cận để doanh nghiệp vừa, nhỏ, hợp tác xã và nông hộ có thể tiếp cận được”, ông Lộc nói.
Leave a Reply