Tham gia kinh tế Hợp tác xã, nông dân Ninh Thuận hết lo điều này

Trước đây, nhiều sản phẩm nông nghiệp làm ra thường lâm cảnh được mùa mất giá theo thương lái. Nhưng với việc thành lập và đi vào hoạt động các HTX, nông dân đã từng bước chủ động được quá trình từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Sản phẩm nông nghiệp làm ra được thu mua với giá cả ổn định, giúp nhiều nông dân thoát nghèo để vươn lên làm giàu.

HTX là điểm tựa giúp nông dân thoát nghèo

Xã An Hải là địa phương thuần nông của huyện Ninh Phước và cũng là vùng trồng rau an toàn lớn nhất ở Ninh Thuận với 300ha. Ở đây, vai trò điều hành, tổ chức sản xuất của các HTX được thể hiện một cách rõ nét. Điển hình nhất là Hợp tác xã dịch vụ tổng hợp Tuấn Tú, đây là đầu mối và cũng là điểm tựa giúp nông dân trồng măng tây thoát nghèo bền vững.

Tham gia kinh tế Hợp tác xã, nông dân Ninh Thuận không còn lo được mùa mất giá- Ảnh 1.

Cảnh thu mua măng tây của xã viên diễn ra nhộn nhịp mỗi sáng ở HTX Tuấn Tú. Ảnh: Thái Sơn Ngọc

Ông Từ Văn Hay, Phó Giám đốc HTX dịch vụ tổng hợp Tuấn Tú cho biết, trước đây các sản phẩm nông nghiệp làm ra giá cả rất bấp bênh, luôn phụ thuộc vào thương lái nên đời sống nông dân địa phương gặp nhiều khó khăn.

Khoảng năm 2010, xuất phát từ chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cây măng tây xanh bắt đầu bén rễ và được nông dân địa phương chọn làm cây “giảm nghèo”. Thời điểm đó, măng tây xanh dù có giá trị kinh tế cao nhưng đầu ra không ổn định, giá bán phụ thuộc vào thương lái.

Để giải bài toán đầu ra cho cây măng tây xanh, chính quyền địa phương đã vận động thành lập HTX dịch vụ tổng hợp Tuấn Tú với 13 thành viên. Năm đầu tiên hoạt động, HTX vừa thu mua măng tây cho xã viên, vừa là đầu mối liên kết với một số doanh nghiệp địa phương để tiêu thụ sản phẩm cho HTX.

Tham gia kinh tế Hợp tác xã, nông dân Ninh Thuận không còn lo được mùa mất giá- Ảnh 2.

Hiện nay mỗi ngày HTX Tuấn Tú thu mua hàng trăm kilogam măng tây của thành viên. Ảnh: Đức Cường

Sản phẩm măng tây luôn được HTX thu mua với giá cả ổn định 50.000 đồng/kg. Đến nay, số thành viên HTX đã nâng lên 84 người với tổng diện tích trồng măng tây xanh hơn 55 ha, trung bình mỗi ngày, HTX thu mua từ 2-3 tạ măng tây xanh của thành viên.

“Trước đây thành viên HTX đa phần hộ nghèo khó khăn, nhưng hiện nay trong 84 thành viên HTX không có thành viên nào thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo ở địa phương…”, ông Hay cho biết.

Đơn cử như trường hợp của xã viên Thị Số (người Chăm thôn Tuấn Tú), năm 2020 gia đình chị được HTX hỗ trợ giống và phân thuốc để trồng 1 sào măng tây xanh. Sau hơn 3 năm trồng măng tây, đến nay gia đình chị Số đã vươn lên thoát nghèo, trở thành hộ gia đình khá giả ở địa phương.

Tham gia kinh tế Hợp tác xã, nông dân Ninh Thuận không còn lo được mùa mất giá- Ảnh 3.

Xã viên HTX Tuấn Tú thoát nghèo và vươn lên làm giàu nhờ cây măng tây xanh. Ảnh: Đức Cường

“Gia đình đã mở rộng diện tích lên hơn 2 sào (2.000 mét vuông), mỗi ngày cắt bán 8 – 10kg măng tây xanh đem về nguồn thu 400.000 – 500.000 đồng/ngày…”, chị Số phấn khởi nói.

Thay đổi tư duy sản xuất của nông dân

Trước đây khi nhắc đến nghề muối thì diêm dân các xã ven biển Ninh Thuận đều lắc đầu ngao ngán vì hạt muối làm ra luôn lâm cảnh được mùa mất giá theo thương lái. Tuy nhiên, đối với diêm dân ở Hợp tác xã Sản xuất – kinh doanh – dịch Vụ muối Khánh Nhơn (HTX muối Khánh Nhơn) ở xã Nhơn Hải, huyện Ninh Hải (Ninh Thuận) thì mọi chuyện đã khác. Diêm dân nơi đây có hộ thoát nghèo, có hộ đã vươn lên làm giàu từ nghề muối truyền thống ở địa phương.

Tham gia kinh tế Hợp tác xã, nông dân Ninh Thuận không còn lo được mùa mất giá- Ảnh 4.

Xã viên HTX muối Khánh Nhơn hăng hái lao động sản xuất trên đồng muối. Ảnh: Đức Cường

Nhớ lại những ngày đầu mới thành lập HTX vào tháng 12/2018, ông Trần Thanh, Giám đốc HTX muối Khánh Nhơn cho biết, năm đầu tiên hoạt động với số vốn chỉ 800 triệu đồng, HTX vừa thu mua muối cho xã viên, vừa liên kết với một số vựa muối và doanh nghiệp địa phương để tiêu thụ sản phẩm cho HTX.

Nhờ nguồn cung ổn định và chất lượng hạt muối luôn đảm bảo nên ngày càng có nhiều đơn hàng tìm đến với HTX muối Khánh Nhơn, sản lượng muối được ký kết hợp đồng cũng vì thế ngày càng tăng. Có thời điểm, không có muối để cung cấp cho doanh nghiệp.

“Trong vụ muối năm đó (năm 2019), sản lượng muối đầu ra của HTX đạt hơn 1.750 tấn, doanh thu đạt được gần 1,5 tỷ đồng…”, ông Trần Thanh, Giám đốc HTX muối Khánh Nhơn cho hay.

Tham gia kinh tế Hợp tác xã, nông dân Ninh Thuận không còn lo được mùa mất giá- Ảnh 5.

Diêm dân Nguyễn Văn Thành, thành viên HTX muối Khánh Nhơn ở Ninh Thuận. Ảnh: Đức Cường

Diêm dân Nguyễn Văn Thành, thành viên HTX muối Khánh Nhơn cho hay, trước đây khi chưa có HTX muối thì thương lái mua giá bao nhiêu thì chúng tôi bán bấy nhiêu chứ không có nhiều lựa chọn. Có lúc giá muối rẻ bèo thì gọi mãi không ai đến mua, để mặc diêm dân sống chết với hạt muối

“Lúc đó, diêm dân mạnh ai nấy làm còn hiện nay HTX cũng thường xuyên vận động diêm dân thay đổi tư duy sản xuất để nâng cao chất lượng hạt muối qua mỗi vụ. Mỗi diêm dân xã viên cũng đều có kế hoạch sản xuất bài bản ngay từ đầu vụ để luân phiên thu hoạch, tránh việc thu đồng loạt để đảm bảo sản lượng đầu ra ổn định cung cấp cho bạn hàng của HTX…”, diêm dân Thành cho hay.

Xây dựng HTX kiểu mẫu ở Ninh Thuận

Theo UBND tỉnh Ninh Thuận, từ đầu năm 2024 đến nay toàn tỉnh thành lập mới 7 HTX, nâng tổng số HTX trên địa bàn lên 126 HTX với tổng vốn điều lệ hơn 250 tỷ đồng. Đa số HTX đều khẳng định được vai trò và chất lượng hoạt động.

Tham gia kinh tế Hợp tác xã, nông dân Ninh Thuận không còn lo được mùa mất giá- Ảnh 6.

Nông dân HTX Thái Ái là một trong những HTX tiêu biểu chuyên canh cây nho lớn nhất Ninh Thuận. Ảnh: Đức Cường

Doanh thu bình quân của HTX năm 2024 ước đạt trên 2,3 tỷ đồng/HTX, tăng 0,21%. Lợi nhuận bình quân ước đạt 233 triệu đồng/HTX, tăng 1,30% so với năm 2023. Trong đó doanh thu đối với các thành viên ước đạt 1,8 tỷ đồng/năm, tăng 1,11% so, thu nhập bình quân của lao động thường xuyên trong HTX ước đạt 61 triệu đồng/người, tăng 1,67% so với năm 2023.

Ông Trịnh Minh Hoàng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết, trong thời gian tới tỉnh tiếp tục khuyến khích phát triển kinh tế tập thể, trong đó chú trong phát triển kinh tế tập thể trong các ngành nghề, lĩnh vực có tiềm năng và thế mạnh của địa phương.

Tham gia kinh tế Hợp tác xã, nông dân Ninh Thuận không còn lo được mùa mất giá- Ảnh 7.

Nho là sản phẩm nông nghiệp đặc thù ở Ninh Thuận. Ảnh: Đức Cường

Ninh Thuận cũng ưu tiên xây dựng các mô hình HTX gắn với chuỗi giá trị, liên kết các HTX và các thành phần kinh tế khác, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao và xây dựng nông thôn mới,…

Song song đó, địa phương cũng sẽ hỗ trợ phát triển các mô hình HTX hoạt động có hiệu quả, nhiều thành viên để định hướng xây dựng HTX kiểu mẫu để nhân rộng.


Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *