Gần 20 bác sĩ, điều dưỡng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh ở các chuyên khoa đã nỗ lực “chạy đua” với thời gian để phẫu thuật cứu sống nam bệnh nhân trẻ bị sốc đa chấn thương, chấn thương ngực vỡ tim, vết lóc da đầu và hàm mặt phức tạp, dập bàn chân trái, thoát “cửa tử.
Bệnh nhân là em Đ.H.S (19 tuổi) ở thành phố Hạ Long, bị tai nạn giao thông nguy kịch được người dân đưa vào Bệnh viện Bãi Cháy (Quảng Ninh) xử trí cấp cứu. Bệnh nhân trong tình trạng sốc đa chấn thương, đặt dẫn lưu màng phổi và màng tim ra nhiều máu.
Bác sĩ Bệnh viện Bãi Cháy đã liên hệ với bác sĩ Bệnh viện Quảng Ninh, khẩn trương hội chẩn và chuyển thẳng bệnh nhân đến Bệnh viện Quảng Ninh, nơi có chuyên khoa sâu về tim mạch để được phẫu thuật cấp cứu xử trí các tổn thương tim kịp thời.
Ngay sau khi nhận được thông tin, lãnh đạo Bệnh viện kích hoạt quy trình “báo động đỏ” toàn viện và nhanh chóng chỉ đạo tập trung mọi lực lượng cứu sống người bệnh. Các ê kíp được huy động, chuẩn bị sẵn sàng để ứng cứu.
Ngay khi đến nơi, bệnh nhân được chụp cắt lớp vi tính toàn thân đánh giá tổn thương và chuyển mổ khẩn cấp. Trong thời gian ngắn trước đó, phòng mổ tim đã sẵn sàng với đầy đủ nhân lực và vật lực.
Gần 20 y bác sĩ, điều dưỡng ở các chuyên khoa: Cấp cứu, hồi sức, phẫu thuật ngoại lồng ngực, tim phổi máy, gây mê, chấn thương chỉnh hình, thần kinh sọ não… có mặt để hỗ trợ cuộc mổ.
Bệnh nhân được hội chẩn nhanh ngay trên bàn mổ với vết thương lớn vùng ngực ngang xương ức, vết lóc da đầu và hàm mặt phức tạp, tổn thương dập nát bàn chân trái, vết thương phần mềm nhiều nơi. Nghiêm trọng nhất là chấn thương ngực gây vỡ tim, kíp mổ tim hở tiến hành bộc lộ vết thương vùng ngực đánh giá tổn thương gãy xương ức vùng trước tim, khoang màng tim có hơn 200ml máu loãng lẫn máu cục.
Phẫu thuật viên cẩn trọng bơm rửa làm sạch khoang màng tim, phát hiện tổn thương vỡ lớn ở tiểu nhĩ trái đang chảy máu thông với khoang màng phổi.
Các phẫu thuật viên nhanh chóng xử trí khâu phục hồi tim vỡ, lấy máu cục màng phổi, và đặt dẫn lưu.
Sau xử trí tim đập đều, không còn chảy máu, bệnh nhân được đóng ngực.
Bệnh nhân tiếp tục đánh giá các tổn thương khác vùng đầu, hàm mặt và các chi. Kíp phẫu thuật thần kinh sọ não tiếp tục làm sạch và xử trí các vết thương lóc da, chảy máu vùng đầu và hàm mặt phức tạp.
Kíp mổ khoa Chấn thương chỉnh hình xử trí các vết thương thấu khớp gối trái, gãy rời ngón bàn chân trái và chấn thương cổ tay. Sau 3 giờ phẫu thuật với tổng gần 3 lít máu truyền hồi sức, ca mổ thành công.
Sau cuộc mổ cấp cứu, bệnh nhân thoát khỏi cơn nguy kịch, được tiếp tục theo dõi, chăm sóc và điều trị tại khoa Hồi sức tích cực – Thận nhân tạo.
Sau 4 ngày điều trị, bệnh nhân được rút ống nội khí quản, tự thở tốt, tỉnh táo, mạch huyết áp ổn định, đã nói chuyện được.
Bác sĩ Phạm Việt Hùng, Trưởng khoa Ngoại, Bệnh viện Quảng Ninh, bác sĩ trực tiếp xử trí vết thương tim cho biết: “Để cấp cứu thành công trường hợp vỡ tim nguy kịch như thế này, quan trọng nhất là yếu tố thời gian và hướng xử lý đúng.
Vỡ tim còn sống khi vào đến viện thường là do cục máu đông bít tạm thời cầm máu, bệnh nhân sẽ tử vong nhanh do mất máu và chèn ép tim.
Chúng tôi đã phối hợp rất nhanh giữa hai bệnh viện để bệnh nhân được mổ nhanh nhất, chuẩn bị tối đa, sãn sàng các phương tiện mổ tim hở trong thới gian bệnh nhân chuyển đến thì mọi thứ đã sẵn sàng, chưa đầy 10 phút người bệnh được chụp cắt lớp vi tính toàn thân và chuyển thẳng phòng mổ.
Cho đến đến khi lên bàn mổ, danh tính người bệnh còn chưa được xác định. Tất cả ê kíp được huy động, gần 20 y bác sĩ cùng chạy đua cứu người bệnh.
Các phương án được chuẩn bị kể cả tim phổi máy, dự phòng các nguy cơ mất máu trong quá trình phẫu thuật, bệnh nhân được hồi sức, truyền bổ sung máu liên tục do vậy ca phẫu thuật diễn ra rất an toàn dù tổn thương nặng và phức tạp.
Để cứu bệnh nhân chấn thương tim thì các thao tác phải thật nhanh và chính xác thì mới có cơ hội cấp cứu thành công. May mắn tổn thương vỡ tiểu nhĩ trái với kinh nghiệm mổ tim nhiều năm chúng tôi có thể khâu lại mà không cần sự hỗ trợ của máy tim phổi nhân tạo”.
Theo bác sĩ Hùng, trong những tình huống cấp cứu khẩn cấp, việc phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng giữa các chuyên khoa, tiếp nhận cấp cứu nhanh chóng, xử trí tổn thương chính xác chính là yếu tố quan trọng để ca mổ diễn ra thành công, giúp bảo toàn tính mạng, mang lại cơ hội sống lần nữa cho người bệnh.
Cùng với đó là giai đoạn hồi sức tích cực sau mổ để người bệnh có thể hồi phục tốt nhất.
“Rối loạn đông máu, nguy cơ nhiễm trùng sau mổ là một khó khăn đối với bệnh nhân sốc mất máu kèm nhiều tổn thương phức tạp.
Bệnh nhân được truyền dịch, kiểm soát tình trạng rối loạn, đồng thời tiến hành kháng sinh toàn thân, chăm sóc vết thương, phối hợp các biện pháp điều trị nội khoa để nâng cao thể trạng.
Người bệnh được nằm ở bệnh phòng riêng và theo dõi sát diễn biến, các chỉ số sinh tồn. Bệnh nhân đến nay đã hồi phục tốt”, bác sĩ Nguyễn Thị Dung, khoa Hồi sức tích cực – Thận nhân tạo (Bệnh viện Quảng Ninh) cho biết thêm.
Leave a Reply