Thấy gì từ việc Việt Nam chi tỷ đô nhập khẩu gạo?

Còn nhớ, cách đây chưa lâu, một bản tin của Reuters khiến nhiều người làm trong ngành sản xuất, chế biến gạo chú ý: “Việt Nam – quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới lần đầu tiên mua gạo từ đối thủ Ấn Độ sau khi giá gạo tăng cao nhất trong 9 năm qua”.

Theo Reuters, các thương nhân Ấn Độ đã ký hợp đồng xuất khẩu 70.000 tấn gạo 100% tấm với các doanh nghiệp Việt Nam cho các lô hàng tháng 1 – 2/2021 với giá khoảng 310 USD/tấn theo phương thức giao hàng tự do (FOB). 

Khi đó, Chủ tịch Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo của Ấn Độ đã nói với Reuters rằng: “Đây là lần đầu tiên chúng tôi xuất khẩu được gạo sang Việt Nam. Sự chênh lệch giá quá lớn giữa Ấn Độ và Việt Nam là nguyên nhân chính”. Thời điểm đó, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam ở mức khoảng 500 USD/tấn sau khi các nước tăng tốc thu mua dự trữ trong bối cảnh dịch Covid-19.

Và chỉ trong 3 tháng đầu năm 2021, khi người Ấn vui mững vì bán được những hạt gạo đầu tiên sang một trong những cường quốc xuất khẩu gạo của thế giới, sản lượng gạo xuất khẩu của Ấn Độ sang Việt Nam đã đạt gần 247.000 tấn, trị giá 74,8 triệu USD, tăng đột biến hơn 3.250 lần về lượng và tăng gần hơn 554 lần về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. 

Thấy gì từ việc Việt Nam chi tỷ đô nhập khẩu gạo?- Ảnh 1.

Là nước xuất khẩu gạo hàng đầu nhưng 6 tháng đầu năm 2024, Việt Nam vẫn chi 670 triệu USD để nhập khẩu gạo. Ảnh: Báo Cần Thơ

Những năm sau đó, Việt Nam vẫn duy trì một lượng gạo nhập khẩu nhất định. Báo cáo của Bộ NNPTNT cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2024, nước ta phải chi ra khoảng 670 triệu USD để nhập khẩu gạo; năm 2023, con số này là gần 860 triệu USD. Việt Nam chủ yếu nhập khẩu gạo Campuchia và Ấn Độ. 

Với nhiều người, việc một nước xuất khẩu gạo hàng đầu như Việt Nam với sản lượng xuất khẩu 7 triệu tấn lại phải nhập khẩu gạo có điều gì đó bất thường. Nhưng thực tế, ngành sản xuất lúa gạo của Việt Nam đã và đang làm tốt song song hai nhiệm vụ, đảm bảo an ninh lương thực và dư lượng lớn gạo để xuất khẩu.

Việt Nam nhập khẩu gạo để làm gì? 

Trên thực tế, quá trình chuyển dịch cơ cấu giống của ngành lúa gạo những năm qua đã tạo ra sự thiếu hụt một lượng gạo đáng kể phục vụ nhu cầu chế biến bún, bánh và làm thức ăn chăn nuôi, khi các loại gạo chất lượng cao ngày càng chiếm tỷ lệ lớn, gây ra thiếu hụt nguyên liệu gạo phục vụ chế biến. Chưa kể, giá gạo Việt Nam cũng ngày càng cao, nên doanh nghiệp phải tìm những nguồn có giá hợp lý hơn.

Chuyên gia của Hiệp hội Lương thực Việt Nam đánh giá, nhu cầu gạo thấp cấp trong nước ngày càng lớn, trong khi Việt Nam đang theo đuổi chương trình cơ cấu lại ngành lúa gạo theo hướng tăng diện tích các giống lúa chất lượng cao, việc tìm nguồn hàng mới cũng là điều dễ hiểu. 

Dòng gạo được sản xuất phổ biến và năng suất tốt tại Ấn Độ, nhưng giá thấp, tương tự như lúa IR50404 được Việt Nam trồng nhiều trước đây. Việc bán gạo giá trị cao và nhập khẩu gạo nguyên liệu về chế biến là có lợi về mặt kinh tế.

Đáng chú ý, doanh nghiệp không chỉ nhập khẩu gạo cấp thấp từ Ấn Độ mà còn nhập cả lúa gạo chất lượng cao từ nước này và Campuchia để xuất khẩu sang nước thứ ba. Do lợi thế vị trí địa lý và uy tín cao trên thị trường quốc tế, Việt Nam trở thành thị trường nhập khẩu lúa lớn nhất và thị trường nhập khẩu gạo lớn thứ hai của Campuchia sau Trung Quốc.

Còn nhớ khoảng năm 2015, trong cơ cấu giống lúa của Việt Nam, diện tích trồng dòng gạo IR50404 vẫn chiếm tỷ lệ lớn nhờ năng suất cao, chống chịu sâu bệnh tốt. Nhưng vì bị đánh giá là gạo phẩm cấp thấp nên giá gạo của Việt Nam khi đó vẫn thua gạo Thái Lan một bậc. 

Sự thay đổi diễn ra khi Bộ NNPTNT khuyến cáo các địa phương tăng diện tích trồng lúa chất lượng cao. Và lúc này, nghịch lý lại xuất hiện: Việt Nam phải nhập khẩu gạo. Và thực tế do nhu cầu rất lớn nên có những thời điểm giá lúa IR50404 ở ĐBSCL không thua kém các loại gạo thơm là mấy.

Thấy gì từ việc Việt Nam chi tỷ đô nhập khẩu gạo?- Ảnh 2.

Tác giả bài viết, nhà báo Phạm Anh Thơ. Ảnh: DV

Trong một cuộc trò chuyện với Dân Việt, ông Nguyễn Quang Hòa, Giám đốc Công ty TNHH gạo Dương Vũ (Thủ Thừa, Long An) thừa nhận một thực tế, tại thời điểm năm 2021, việc Việt Nam nhập số lượng lớn gạo từ Ấn Độ đã ít nhiều ảnh hưởng đến thị trường kinh doanh, xuất khẩu lúa gạo. 

“Gạo Ấn Độ nhập về tăng đột biến khiến nhiều doanh nghiệp như chúng tôi không bán được gạo” – ông Hòa chia sẻ. Và khi Việt Nam nhập khẩu quá nhiều gạo Ấn Độ, những thương nhân nước ngoài đang mua gạo của Việt Nam dễ hình thành suy nghĩ: Mua gạo từ Ấn Độ cho rẻ thay vì mua gạo từ Việt Nam.

Trên thực tế, Bộ Công Thương từng có động thái “siết” nhập khẩu gạo giá rẻ, khi năm 2022 lấy ý kiến về dự thảo sửa đổi Nghị định 107/2018 kinh doanh xuất khẩu gạo với điểm mới là thêm quy định quản lý nhập khẩu lúa gạo, nhất là gạo giá rẻ từ các thị trường.

Lý do là việc nhập khẩu gạo giá thấp quá nhiều, không được quản lý đầy đủ khiến cơ quan quản lý lo ngại ảnh hưởng tới sản xuất trong nước và gián tiếp ảnh hưởng tới an ninh lương thực. 

Ở khía cạnh sản xuất, rõ ràng nhu cầu gạo cho chế biến bún, bánh, thức ăn chăn nuôi trong nước là rất lớn; nhưng ngược lại chiến lược phát triển của ngành hàng lúa gạo là hướng đến tăng chất lượng hạt gạo Việt bằng các giống chất lượng cao, phục vụ xuất khẩu.

Do đó, nên chăng Bộ NNPTNT, Cục Trồng trọt và các địa phương cũng cần tính đến một lượng nhất định diện tích các loại lúa chuyên phục vụ cho công tác chế biến, để đảm bảo hài hòa lợi ích của doanh nghiệp và nông dân.

Theo các doanh nghiệp, việc nhập khẩu gạo phục vụ chế biến là điều dễ hiểu trong hoạt động thương mại. Việc cần làm lúc này là tiếp tục giám sát chặt việc nhập khẩu gạo, nhất là về nguồn gốc, xuất xứ của hạt gạo, bởi như đại diện một doanh nghiệp nhập khẩu gạo từng thừa nhận: “Gạo Việt và gạo Ấn Độ thì không dễ để phân biệt như xe ô tô Toyota với BMW”. 

Và sau tất cả, giữ trọn vẹn uy tín, danh tiếng của hạt gạo Việt mới là điều quan trọng nhất.


Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *