Mạo danh ngân hàng lừa đảo người dân xác thực sinh trắc học
Từ ngày 1/7/2024, theo Quyết định 2345/QĐ-NHNN, các giao dịch chuyển tiền qua tài khoản, nạp tiền vào ví điện tử với giá trị từ 10 triệu đồng/lần hoặc dưới 10 triệu đồng/lần nhưng tổng số tiền các giao dịch trong ngày từ 20 triệu đồng trở lên, thì lần chuyển tiếp theo trong ngày đó phải thực hiện xác thực bằng sinh trắc học.
Việc thực hiện xác thực sinh trắc học trong giao dịch chuyển tiền tài khoản ngân hàng nhằm gia tăng tính bảo mật, hạn chế tình trạng tiền trong tài khoản của người dân “không cánh mà bay” khi bị các đối tượng xấu chiếm đoạt quyền sở hữu điện thoại hoặc có thông tin cá nhân.
Trong ngày đầu tiên bắt buộc áp dụng sinh học với các giao dịch trên 10 triệu đồng/lần, tình trạng người dân gặp khó trong việc xác thực đã được ghi nhận ở nhiều hệ thống ngân hàng. Ngoài nguyên nhân nhiều người cùng xác thực dẫn đến hệ thống quá tải thì việc không có thiết bị thông minh có thể nhận diện NFC trên Căn cước công dân (CCCD) cũng khiến nhiều người vẫn chưa xác thực sinh trắc học.
Theo chia sẻ của chị Quỳnh Anh (Cầu Giấy, Hà Nội), hiện điện thoại chị đời cũ nên vẫn chưa xác thực sinh trắc học qua ứng dụng ngân hàng được và chưa có thời gian ra điểm giao dịch. Tuy nhiên, không hiểu vì sao có người biết để gọi điện để cập nhật.
“Hôm nay, tôi đang đi làm thì nhận được cuộc điện thoại của người tự xưng là nhân viên ngân hàng phụ trách việc cập nhật sinh trắc học trên ứng dụng mới có thể chuyển tiền được”, chị Quỳnh Anh kể lại.
Ban đầu, chị này cũng tin tưởng bởi đúng là tài khoản của mình chưa cập nhật sinh trắc học và nhân viên gọi điện đọc đúng thông tin càng khiến chị tin hơn.
Chiêu thức lừa đảo xác thực sinh trắc học tài khoản ngân hàng. Ảnh NVCC.
Sau khi trao đổi qua điện thoại, người này đã kết bạn Zalo để tiếp tục hỗ trợ khách hàng cập nhật dữ liệu. Đáng chú ý, người giả danh nhân viên ngân hàng yêu cầu khách hàng cung cấp ảnh chụp CCCD để hỗ trợ xác thực.
“Họ hỗ trợ, trao đổi đúng thông tin và nhiệt tình nên tôi khá tin tưởng. Tuy nhiên, đến đoạn bắt gửi ảnh chụp CCCD là tôi thấy nghi ngờ. Trước đây khi mở tài khoản ngân hàng đã cung cấp CCCD rồi mà giờ họ lại đòi ảnh chụp khiến tôi nghi ngờ”, chị Quỳnh Anh chia sẻ.
Sau khi không được cung cấp CCCD, người gia danh nhân viên ngân hàng này đã chăn liên lạc.
Chiêu thức lừa đảo cũ, nhưng người dân dễ sa “bẫy”
Theo chuyên gia an ninh mạng, các đối tượng vẫn lợi dụng những sự việc như trên để lừa đảo người dân. Trước đây, các đối tượng lừa đảo giả danh công dan để gọi điện để người dân kích hoạt tài khoản định danh điện tử và giờ là xác thực sinh trắc học.
Đối tượng người già, người dân ở vùng nông thôn ít hiểu biết về công nghệ thường sẽ được nhắm tới. Các đối tượng giả danh nhân viên ngân hàng sẽ thao túng tâm lý người dân khi gọi điện nói chuyện, cung cấp một số thông tin cơ bản, khi “con mồi” đã say, việc lừa đảo sẽ được tiến hành một cách chuyên nghiệp.
Chia sẻ với Dân Viêt, ông Ngô Minh Hiếu (Hiếu PC) – chuyên viên an ninh mạng và điều tra số tại Trung tâm Giám sát An toàn thông tin Việt Nam (NCSC) cho biết, các thủ đoạn lừa đảo trên không gian mạng ngày càng có xu hướng tăng. Các đối tượng xấu hướng đến người dân người già hoặc ít hiểu biết vể công nghệ để dễ dàng lừa đảo hơn.
Do đó, người dân phải tự bảo vệ bản thân, cảnh giác với bất cứ cuộc gọi mạo danh công an, luật sư hay cơ quan chức năng. Đồng thời, không để lộ thông tin cá nhân cũng là biện pháp tự bảo vệ chính mình.
“Người dân cần tránh chia sẻ thông tin cá nhân nhạy cảm như số tài khoản ngân hàng, số thẻ tín dụng, CCCD hoặc mật khẩu với bất kỳ ai trừ khi bạn đã xác định chắc chắn rằng đó là một nguồn đáng tin cậy và an toàn. Các công ty đáng tin cậy thường không yêu cầu bạn cung cấp những thông tin này qua email, gọi điện hoặc tin nhắn”, ông Hiếu chia sẻ.
Được biết, việc xác thực sinh trắc học buộc chính chủ phải thực hiện trực tiếp trên điện thoại hoặc tại các điểm giao dịch của ngân hàng. Do đó, hoàn toàn không thể thực hiện từ xa và ngân hàng cũng không gọi điện đến khách hàng để hỗ trợ thực hiện xác thực sinh trắc học khuôn mặt.
Chính vì vậy, người dân cần hết sức cảnh giác khi nhận các cuộc điện thoại yêu cầu cung cấp CCCD để hỗ trợ xác thực sinh trắc học để tránh bị lừa đảo thông tin cá nhân hay lừa tiền qua những thông tin cung cấp cho các đối tượng xấu.
Leave a Reply