Án mạng đau lòng – vợ van xin, chồng nói “muộn rồi”
Như Dân Việt đã thông tin: Ngày 9/8, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Lắk đã ra quyết định tạm giữ hình sự đối tượng dùng dao đâm chết vợ do mâu thuẫn, cãi vã sau khi đi nhậu về.
Đối tượng dùng dao đâm vợ tử vong là Hoàng Thanh Bình (62 tuổi), trú tại xã Tân Hòa, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk. Nạn nhân trong vụ án này là Lê Thị Thu (62 tuổi).
Đối tượng Hoàng Thanh Bình (dùng dao dâm vợ tử vong sau cuộc nhậu) tại Công an tỉnh Đắk Lắk.
Theo điều tra ban đầu, khoảng 10 giờ ngày 8/8, Bình đến nhà một người quen ở cùng xã tổ chức ăn nhậu.
Đến khoảng 11 giờ 40 phút cùng ngày, sau khi một mình uống hết hơn nửa lít rượu thì Bình đi về nhà và xảy ra mâu thuẫn, cãi nhau với vợ.
Do tức giận vì bị vợ dùng lời lẻ mắng nhiết thậm tệ và sẵn có men rượu trong người nên Bình đã vào phòng ngủ lấy một con dao nhọn rồi đuổi theo vợ ra khu vực vườn tiêu của gia đình.
Tại đây, bà Thu bị vấp ngã nằm ngửa xuống đất nên Bình đã lao đến dùng dao đâm một nhát trúng vào vùng ngực.
Bị đâm, bà Thu liền giằng co, van xin tha nhưng Bình nói “giờ xin muộn rồi” và tiếp tục vung dao đâm liên tiếp nhiều nhát vào người nạn nhân.
Gây án xong, Bình vứt dao ra sau nhà bếp, thay chiếc áo dính máu rồi đến nhà người thân kể lại sự việc.
Sau đó, Bình đi bộ đến Công an huyện Buôn Đôn đầu thú và khai báo hành vi phạm tội (dùng dao đâm vợ tử vong) của mình.
“Lúc đó tôi uống hơn nửa lít rượu rồi, về nhà bị bà ấy chửi nên bực tức mà ra tay sát hại. Bình thường tôi uống về chỉ nằm ngủ không quậy phá, giá như bà ấy đừng chửi tôi và giá như tôi không uống rượu thì đâu đến nỗi thế này, tôi ân hận quá”, đối tượng Bình nói.
Đối tượng Hoàng Thanh Bình khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội (dùng dao đâm vợ tử vong sau cuộc nhậu).
Kết quả khám nghiệm tử thi, bà Thu bị 12 vết thương trên người.
Bước đầu, Công an xác định nguyên nhân bà Thu tử vong là do bị đa vết thương thủng phổi, thủng gan gây mất máu.
Công an tỉnh Đắk Lắk đang tiếp tục điều tra, làm rõ để xử lý theo quy định.
Cựu Chủ tịch Coma lĩnh án trong vụ chuyển nhượng khu VP6 Linh Đàm cho ông Lê Thanh Thản
Như Dân Việt đã thông tin: Chiều 9/8, TAND TP.Hà Nội tuyên phạt 2 cựu lãnh đạo Công ty cổ phần Coma 18 gồm Lê Huy Lân (SN 1962), cựu Tổng giám đốc và Nguyễn Xuân Phong (SN 1968), cựu Phó Tổng giám đốc lần lượt 8 năm vfà 5 năm tù về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.
Trong vụ án, ông Lê Văn Khương (SN 1955), cựu Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Cơ khí xây dựng (Coma) bị phạt 3 năm tù treo về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Tòa án cho rằng họ có sai phạm trong việc chuyển nhượng dự án VP6 Linh Đàm từ Coma 18 cho Doanh nghiệp tư nhân xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên của ông Lê Thanh Thản. Tuy nhiên, đến nay hậu quả vụ án đã được khắc phục.
Nhóm 3 người hầu tòa với cáo buộc chuyển nhượng sai dự án VP6 Linh Đàm.
Theo cáo trạng, Công ty cổ phần Coma 18 được thành lập và hoạt động từ năm 2005; bị cáo Lân làm Tổng giám đốc. Vốn điều lệ doanh nghiệp là hơn 134 tỷ đồng, trong đó Nhà nước chiếm 51% do Tổng công ty Cơ khí xây dựng (Coma) giữ cổ phần.
Năm 1994, Thủ tướng có quyết định giao 184ha đất cho Công ty phát triển nhà và đô thị thuộc Bộ Xây dựng (nay là Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị – HUD) làm chủ đầu tư dự án Khu dịch vụ tổng hợp và nhà ở hồ Linh Đàm.
Năm 2000, Ủy ban nhân dân TP.Hà Nội có quyết định phê duyệt chi tiết dự án Khu dịch vụ tổng hợp và nhà ở hồ Linh Đàm (VP6 Linh Đàm), tỷ lệ 1/500, trong đó lô đất VP6 Linh Đàm có chức năng là tòa nhà thương mại dịch vụ và văn phòng cho thuê.
Cáo buộc thể hiện, năm 2010, HUD ký hợp đồng chuyển giao hạ tầng lô đất VP6 cho Coma 18 để thực hiện dự án. Hợp đồng nêu rõ không được chuyển giao lô đất, chuyển nhượng quyền sử dụng lô đất cho bên thứ ba trong thời gian thực hiện. UBND TP.Hà Nội cũng chấp thuận đề xuất xây dựng tại lô đất này.
Năm 2013, do thị trường bất động sản khó khăn nên bị cáo Lân ký tờ trình 409 gửi Tổng công ty, xin chuyển nhượng dự án trên. Bị cáo Khương và các thành viên trong Hội đồng thành viên đã chấp thuận cho Coma 18 được chuyển nhượng dự án hoặc hợp tác kinh doanh.
Các thành viên Hội đồng quản trị Coma đều đồng ý chuyển nhượng dự án cho Doanh nghiệp tư nhân xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên với mức giá không dưới 12,9 tỷ đồng.
Tháng 7/2013, Coma 18 và Doanh nghiệp tư nhân xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên ký hợp đồng hợp tác kinh doanh. Nội dung, công ty của ông Lê Thanh Thản góp 95% tổng mức đầu tư dự án, tương đương hơn 12,3 tỷ đồng và được hưởng 100% kết quả kinh doanh.
Hợp đồng quy định, Doanh nghiệp tư nhân xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên có trách nhiệm kê khai, nộp các khoản thuế. Ngày 26/7/2013, Coma 18 có giấy ủy quyền cho Doanh nghiệp tư nhân xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên thực hiện dự án.
Tuy nhiên, Doanh nghiệp tư nhân xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên tổ chức xây dựng dự án sai quy hoạch được phê duyệt, xây tăng từ 25 lên 37 tầng (từ 138 lên 840 căn hộ, tăng 702 căn), tăng 630m2 đất xây dựng.
Tháng 4/2015, tòa nhà được đưa vào sử dụng. Doanh nghiệp tư nhân xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên xuất hóa đơn GTGT, thu tiền của khách hàng.
Năm 2016, Thanh tra Hà Nội ra kết luận, tạm tính tiền sử dụng đất của dự án VP6 Linh Đàm là hơn 74,8 tỷ đồng. Năm 2023, Sở Tài nguyên Môi trường ra kết luận giám định cho thấy, hành vi của nhóm lãnh đạo Coma 18 khi giao đất cho Doanh nghiệp tư nhân xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên gây thiệt hại hơn 64,3 tỷ đồng.
Doanh nghiệp tư nhân xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên đã nộp thay 64 tỷ đồng trong số thiệt hại trên và có quan điểm sẽ nộp nốt 300 triệu đồng nếu “cơ quan điều tra có yêu cầu”.
Quá trình điều tra, ông Lê Thanh Thản khai không thỏa thuận với bị cáo Lê Huy Lân về việc Công ty Coma 18 nhận khu đất VP6 Linh Đàm để chuyển lại cho Doanh nghiệp tư nhân xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên.
Ông Thản cho hay không thúc đẩy, tác động khiến Coma 18 chuyển nhượng dự án; việc này do bị cáo Lân chủ động đến liên hệ, xin ký hợp đồng. Do chưa có cơ sở xác định vai trò đồng phạm của ông Thản trong vụ án nên cơ quan điều tra tách tài liệu để làm rõ sau.
Ngoài vụ việc trên, ông Lê Thanh Thản còn là bị can trong vụ “Lừa dối khách hàng” xảy ra tại dự án CT6C Kiến Hưng (Hà Đông, Hà Nội), đã hầu tòa hồi tháng 8/2023 nhưng phải trả hồ sơ, yêu cầu điều tra bổ sung.
Bắt giám đốc lừa 6 chiếc xe mang đi bán
Như Dân Việt đã thông tin: Ngày 9/8, Công an TP.Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, cho biết đơn vị đã bắt giám đốc một công ty xây dựng ở Gia Lai đến Đắk Lắk lừa 6 chiếc xe mang đi bán điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Đối tượng này là Trần Hữu Phước (32 tuổi), trú tại thị trấn Đắk Đoa, huyện Đắk Đoa, tỉnh Gia Lai.
Công an TP.Buôn Ma Thuột đã bắt giữ Trần Hữu Phước (giám đốc từ Gia Lai đến Đắk Lắk) lừa 6 chiếc xe mang đi bán.
Theo điều tra ban đầu, Phước là Giám đốc một công ty xây dựng ở tỉnh Gia Lai. Do cờ bạc nợ nần và làm ăn thua lỗ nên khoảng đầu năm 2023, Phước đến TP.Buôn Ma Thuột tìm cách chiếm đoạt tài sản của người khác để lấy tiền tiêu xài.
Mục đích mà Phước nhắm đến là những cơ sở cho thuê xe dịch vụ. Theo đó, Phước lên mạng xã hội Facebook tìm các cơ sở cho thuê xe máy rồi lấy số điện thoại, điện thoả thuận việc thuê xe.
Sau đó, Phước đến ký hợp đồng thuê và nhận xe. Xe máy sau khi thuê được, Phước liền chụp hình rồi đăng rao bán trên mạng xã hội Facebook để lấy tiền tiêu xài và trả nợ.
Với thủ đoạn đó, Phước đã chiếm đoạt 6 chiếc máy của 3 cơ sở kinh doanh tại TP.Buôn Ma Thuột.
Đến ngày 23/1/2024, Công an TP.Buôn Ma Thuột đã ra quyết định khởi tố Trần Hữu Phước về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Tuy nhiên, thời điểm này, Phước đã bỏ trốn khỏi địa phương nên bị cơ quan công an ra quyết định truy nã.
Đến ngày 8/8, Đội cảnh sát hình sự Công an TP.Buôn Ma Thuột đã bắt giữ thành công Trần Hữu Phước khi đang lẩn trốn và làm thợ hồ tại TP.Cam Ranh, tỉnh Khánh Hoà.
Được biết, Phước cũng đang bị Công an huyện Đắk Đoa, tỉnh Gia Lai truy nã cùng về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Cựu Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã nộp đủ 2,25 triệu USD phải thi hành án
Như Dân Việt đã đưa tin, trong đại án Việt Á, ngày 17/5, Toà án nhân dân Cấp cao tại Hà Nội đã tuyên án phúc thẩm với 11 bị cáo có kháng cáo trong vụ án đưa – nhận hối lộ, vi phạm đấu thầu xảy ra tại Công ty Việt Á và một số bộ, ngành, địa phương.
Trong vụ án này, cựu Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long bị xác định nhận hối lộ 2,25 triệu USD của Phan Quốc Việt – Chủ tịch Công ty Việt Á, rồi tạo điều kiện cho Công ty Việt Á thực hiện hành vi vi phạm. Ông Nguyễn Thanh Long bị phạt 18 năm tù, bị cáo này cũng kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.
Tại toà phúc thẩm, Hội đồng xét xử thấy có căn cứ nên chấp nhận một phần kháng cáo, giảm án cho bị cáo Nguyễn Thanh Long để cựu Bộ trưởng “yên tâm cải tạo”, sớm trở về xã hội, sửa chữa lỗi lầm.
Cựu Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã thực hiện xong phần án dân sự, nộp đủ 2,25 triệu USD và tiền án phí. Ảnh: Dân Việt
Theo đó, tòa tuyên ông Nguyễn Thanh Long được giảm từ 18 năm tù xuống còn 17 năm tù. Về dân sự, ông Long phải nộp 2,25 triệu USD (hơn 51 tỷ đồng) sung công quỹ Nhà nước.
Với ông Chu Ngọc Anh – cựu Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, ông bị toà sơ thẩm tuyên phạt 3 năm tù về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”. Ông Chu Ngọc Anh không kháng cáo. Về dân sự, ông này bị buộc phải nộp trên 4,6 tỷ đồng để sung công quỹ và 200.000 đồng án phí sơ thẩm.
Ở diễn biến mới nhất, thông tin từ Cục Thi hành án dân sự TP.Hà Nội, cả 2 ông Nguyễn Thanh Long và ông Chu Ngọc Anh đã nộp đủ số tiền phải thi hành án, họ đã thực hiện xong phần án dân sự.
Về tài sản của 2 bị cáo này bị kê biên, phong toả trong giai đoạn điều tra, truy tố, Cục Thi hành án dân sự Hà Nội đang tiếp tục trao đổi với toà án để giải quyết các vấn đề liên quan.
Về diễn biến vụ án, án phúc thẩm xác định, Phan Quốc Việt đã thông đồng với nhiều người tại Học viện Quân Y, Bộ Khoa học Công nghệ, Bộ Y tế để chiếm đoạt quyền sở hữu kit test Covid-19.
Sau đó Phan Quốc Việt bán kit test với giá cao tại 19 tỉnh thành và nhiều cơ quan, tổ chức, gây thiệt hại 1.235 tỷ đồng, gồm 402 tỷ đồng của nhà nước. Do đó, bị cáo Phan Quốc Việt bị tòa sơ thẩm phạt 29 năm tù, bị cáo kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.
Toà phúc thẩm xác định, Phan Quốc Việt giữ vai trò tổ chức, thực hiện chuỗi sai phạm và hưởng lợi số tiền đặc biệt lớn. Việt được ghi nhận là người “có đóng góp” trong việc đẩy lùi dịch bệnh tại một số địa phương.
Tuy nhiên, bị cáo này có tình tiết tăng nặng là lợi dụng dịch bệnh để phạm tội và phạm tội nhiều lần. Bản án 14 năm tù vì vi phạm đấu thầu và 15 năm tù vì đưa hối lộ, tổng 29 năm tù cấp sơ thẩm đã tuyên cho Phan Quốc Việt là đúng tính chất, mức độ hành vi phạm tội, không thể giảm hơn nên cấp phúc thẩm bác kháng cáo xin giảm nhẹ của Việt.
Bắt giữ 3 đối tượng làm giả chứng minh nhân dân để lập tài khoản ngân hàng đem bán
Như Dân Việt đã thông tin: Ngày 9/8, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an Thừa Thiên Huế cho biết, cơ quan này đã phối hợp Phòng Cảnh sát hình sự khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt giữ 3 đối tượng có hành vi sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức được quy định tại Điều 341 Bộ luật Hình sự.
Các đối tượng bị bắt giữ gồm Trần Đình Hoàn (SN 1990), Nguyễn Đình Đoàn (SN 1988) và Trần Hoàng Sơn (SN 1991, cùng trú tại tỉnh Quảng Trị).
3 đối tượng làm giả chứng minh nhân dân để lập tài khoản ngân hàng đem bán nhằm thu lợi bất chính bị cơ quan công an khởi tố, bắt tạm giam. Ảnh: Đình Hồng
Theo hồ sơ vụ án, đối tượng Trần Đình Hoàn thông qua dịch vụ tìm kiếm bạn bè qua Zalo kết bạn với một tài khoản không rõ danh tính. Người này trao đổi cần mua tài khoản ngân hàng với 1 bộ gồm 6 tài khoản giá 6 triệu đồng. Hoàn bàn bạc với Sơn và Đoàn và được hai người này đồng ý với giá 5 triệu/6 tài khoản/người.
Hoàn yêu cầu Đoàn và Sơn chụp ảnh thẻ để đi làm giấy chứng minh nhân dân giả, dán ảnh thẻ của Đoàn, Sơn. Sau đó Hoàn gửi thông tin cho tài khoản quen qua mạng để làm chứng minh nhân dân.
Với ảnh thẻ của mình, Đoàn đã lập 2 chứng minh nhân dân giả và mở được 7 tài khoản ngân hàng. Ảnh thẻ của Sơn được dùng lập 2 chứng minh nhân dân giả và mở được 6 tài khoản ngân hàng.
Tiếp đó, các đối tượng còn chỉnh sửa ảnh thẻ để tạo khuôn mặt khác so với ban đầu nhằm tiếp tục làm chứng minh nhân dân giả để tạo tài khoản ngân hàng.
Quá trình thu thập tài liệu chứng cứ, lực lượng công an xác định Hoàn là đối tượng tổ chức cầm đầu, còn Đoàn, Sơn có vai trò đồng phạm, giúp sức cho Hoàn làm giả 4 chứng minh nhân dân, mở thành công 13 tài khoản ngân hàng.
Ngoài mở tài khoản ngân hàng tại Huế, các đối tượng còn vào các tỉnh Quảng Nam, Đà Nẵng mở tài khoản ngân hàng bán lại để thu lợi bất chính.
Leave a Reply