Trong thời kỳ của mình, giai đoạn 2011 – 2024, Bộ Chính trị có hai Nghị quyết lớn về kinh tế do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành là Nghị quyết 10/NQ-TW về kinh tế tư nhân tại Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII và Nghị quyết số 50/NQ-TW về thu hút FDI. Riêng Nghị quyết 10/NQ-TW về kinh tế tư nhân được các chuyên gia đánh giá là thay đổi tư duy nhận thức, hành động của cả hệ thống chính trị.
“Đột phá” về sách lược đối với kinh tế tư nhân
Trao đổi với PV Dân Việt, GS Võ Đại Lược, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế và Chính trị thế giới nói: Phải làm rõ bối cảnh vì sao Đảng đưa ra hai quyết sách quan trọng về kinh tế tư nhân và định hướng thu hút FDI? Đó là đòi hỏi từ thực tiễn khách quan và đột phá tư duy chiến lược để thay đổi nhận thức của cả hệ thống chính trị, thực hiện khát vọng kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng của đất nước.
Nghị quyết số 10/NQ-TW được ban hành năm 2017 về kinh tế tư nhân thực chất là sự thay đổi từ tư duy nhận thức, đến hành động của cả hệ thống chính trị. Kết quả của nhiều năm chúng ta ban hành các Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư và thực tiễn của đất nước. Thời điểm thai nghén và ra đời là sự đấu tranh thay đổi giữa cũ – mới trong hệ thống và những tư tưởng cải cách đã được đưa ra.
Theo GS Lược, phải nói từ những năm 2000 khi chúng ta ban hành Luật Doanh nghiệp, chúng ta thừa nhận cơ chế thị trường, thừa nhận doanh nghiệp tư nhân nên Việt Nam xây dưng được những lớp lớp doanh nhân, doanh nghiệp. Năm 2017 để thống nhất nhận thức của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 10 cụ thể hoá vai trò nòng cốt, trụ cột của kinh tế tư nhân đối với kinh tế Việt Nam.
“Nghị quyết 10 là đột phá của những đột phá về kinh tế tư nhân mà chúng ta đã nhận ra từ thực tiễn, là sự thừa nhận của Đảng về vai trò, vị thế lớn lao mà doanh nghiệp tư nhân đối với lịch sử dân tộc. Tuy nhiên, chúng ta cần có cuộc cải cách, “Đổi mới lần thứ 2″ cho nền kinh tế để đẩy nhanh quá trình hiện thực hoá khát vọng đó của Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị và tâm huyết của người đứng đầu Đảng là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng”, GS Võ Đại Lược bình luận.
Theo ông Lược, những đổi mới mang tính bước ngoặt đối với kinh tế tư nhân đã có, còn hiện thực hoá khát vọng thì chúng ta cần cố gắng hơn nữa để có ngày càng nhiều hơn tầng lớp doanh nghiệp tư nhân mới, lớn mạnh, hùng cường.
Trao đổi với PV Dân Việt mới đây, TS Nguyễn Đình Cung, chuyên gia kinh tế, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) đánh giá Nghị quyết 10 về phát triển Kinh tế tư nhân là bước đột phá trong tư duy về kinh tế tư nhân Việt Nam.
“Những thay đổi về luật pháp, tư duy chính trị đã làm thay đổi tạo ra khu vực kinh tế tư nhân ngày càng lớn mạnh, từ chỗ không có gì, đến nay chúng ta có gần 1 triệu doanh nghiệp hoạt động, mục tiêu 1,5-2 triệu doanh nghiệp. Tôi cho rằng mục tiêu này cần thiết, bởi “có lượng mới có chất”, ông Cung nói.
Và “phải nói rằng, kinh tế tư nhân len lỏi vào tất cả những vùng miền kinh tế quốc gia, cung cấp tất cả các loại dịch vụ, hàng hoá phục vụ cho người dân. Không thể hình dung được nếu thiếu kinh tế tư nhân, cuộc sống của chúng ta sẽ ra sao!?”, ông Cung nêu.
Theo ông Cung, muốn phát triển, trở nên hùng cường, nền kinh tế có thể cạnh tranh với nước ngoài, phải dựa vào doanh nghiệp tư nhân trong nước. Nếu thiếu đi, nền kinh tế tư nhân, kinh tế Việt Nam sẽ không bền vững.
TS Cung nhấn mạnh: “Doanh nghiệp FDI họ đến rồi họ lại đi, bài toán của họ là lợi nhuận. Bên cạnh việc chào đón FDI, nhưng cần phải rạch ròi là FDI vào Việt Nam không phải để xây dựng Việt Nam hùng cường, mà phải là tư nhân trong nước! Chúng ta bắt buộc phải xây dựng đội ngũ doanh nhân trong nước hùng mạnh”. Cũng theo ông Cung, hiện nay chúng ta đã có đội ngũ doanh nghiệp tư nhân mạnh so với trước, nhưng so với mong muốn, tiềm lực và so với khu vực, chúng ta còn thấp và thua xa.
Di sản lớn để lại là sự thừa nhận vai trò quan trọng của kinh tế tư nhân
Trao đổi với PV Dân Việt, GS Nguyễn Mại, Chủ tịch Hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) cho rằng: Nội dung Nghị quyết 10 tập trung khuyến khích mạnh mẽ phát triển kinh tế tư nhân, khuyến khích doanh nghiệp vừa và nhỏ, trở thành doanh nghiệp lớn với nhiều chính sách hỗ trợ, làm chủ kinh tế Việt Nam và vươn ra thế giới.
“Từ năm 1999 đến những năm 2005, 2010 khi chúng ta thừa nhận kinh tế tư nhân là một trong những thành phần kinh tế chủ yếu của đất nước, lớp thế hệ doanh nghiệp, doanh nhân đã phát triển nhanh”, ông Mại nói.
Cũng theo ông Mại, trước 2000, chúng ta chưa có tập đoàn kinh tế tư nhân nào lớn mạnh, nhưng sau này chúng ta ngày càng có nhiều doanh nghiệp tư nhân hơn. Sau năm 2005, tốc độ tăng doanh nghiệp nhanh hơn là khoảng 50.000 doanh nghiệp/năm; từ 2011 đến bây giờ, mỗi năm có gần 120.000 đến 130.000 doanh nghiệp lập mới/năm. Đến nay, cả nước có gần 1 triệu doanh nghiệp, chủ yếu doanh nghiệp tư nhân (3.000 doanh nghiệp Nhà nước, 40.000 doanh nghiệp FDI), còn lại là doanh nghiệp tư nhân.
“Phải nói quy mô doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ và lớn cũng đều tăng. Trong tất cả lĩnh vực, kinh tế tư nhân tham gia mạnh mẽ vào nền kinh tế. Nếu trước đây công trình lớn của Việt Nam là dựa vào nước ngoài ODA, FDI, hiện nay thì hầu hết là kinh tế trong nước, tư nhân trong nước đủ sức làm các công trình mà trước đây vốn dĩ chỉ thuộc về tư nhân”, ông Mại nói.
Theo ông Mại, các dự án đô thị lớn, sản xuất ô tô của Vingroup, sân bay Vân Đồn của Sungroup, hàng loạt doanh nghiệp trong nước tập trung xây dựng hệ thống các công trình cầu đường, các tuyến đường cao tốc ở Bình Dương, Quảng Ninh, đường cao tốc Bắc – Nam phía đông hiện đang hoàn thành… là kết tinh từ chủ trương phát triển kinh tế tư nhân của Đảng, Chính phủ từ mấy thập kỷ qua.
“Tại sao tôi nói Nghị quyết 10 về kinh tế tư nhân là bước đột phá trong phát triển kinh tế. Bởi trước đây, chúng ta Luật hoá quan điểm kinh tế tư nhân như một động lực trong phát triển, song phải đến năm 2017 khi Nghị quyết được ban hành, chúng ta mới đột phá đến tư duy, nhận thức của cả hệ thống, của Đảng viên, của cán bộ….”, GS Nguyễn Mại nói.
Theo GS Mại, tất nhiên, từ nhận thức đến hành động là cả một quá trình thay đổi. “Có được nhận thức đúng đắn về kinh tế tư nhân mà Đảng, Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 10 cũng xuất phát từ thực tiễn và từ vai trò của kinh tế tư nhân. Kinh tế tư nhân trải qua quá trình phát triển, đóng góp đi lên từ thực tế, và từ thực tế nó được khuyến khích, coi trọng và được đứng trong vai trò lịch sử “trở thành động lực” và “động lực quan trọng” của nền kinh tế.
Với Nghị quyết số 10 về kinh tế tư nhân, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã để lại cho chúng ta một di sản, một nhận thức về kinh tế tư nhân cực kỳ quan trọng mà chúng ta hiện nay có nhiệm vụ kế thừa và phát huy hơn nữa di sản ấy!”, GS Nguyễn Mại nói.
Theo ông Mại, cần nuôi dưỡng, hỗ trợ hơn nữa doanh nghiệp dân tộc, để họ phát triển thành những doanh nghiệp lớn, đại doanh nghiệp trực tiếp xây dựng Việt Nam hùng cường như mục tiêu mà Đại hội Đảng lần thứ XIII đề ra năm 2030 nước ta trở thành nước công nghiệp hiện đại, có thu nhập trung bình cao; năm 2045, kỷ niệm 100 năm ngày lập nước, đất nước ta trở thành nước phát triển, có thu nhập cao.
“Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã để lại cho chúng ta một di sản về Nghị quyết 10 với những mong muốn, hoài bão lớn. Chưa bao giờ chúng ta có cơ hội vươn lên, vượt qua và thực hiện khát vọng của dân tộc như hiện nay. Vậy nên, những hạn chế từ thực tiễn, hành động thời gian qua là vấn đề cần quan tâm, thay đổi để biến khát vọng của một dân tộc được hiện thực hoá nhanh hơn, sớm hơn”, GS Mại nói.
Leave a Reply