Cụ thể, theo Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam được Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng thông qua ngày 19 tháng 1 năm 2011, Tổng Bí thư là Bí thư Quân ủy Trung ương.
Quân uỷ Trung ương do Bộ Chính trị chỉ định, gồm một số Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương công tác trong Quân đội và một số Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương công tác ngoài Quân đội, đặt dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương mà thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Thường trực Ban Bí thư Lương Cường. Ảnh VGP
Quân uỷ Trung ương nghiên cứu đề xuất để Ban Chấp hành Trung ương quyết định những vấn đề về đường lối, nhiệm vụ quân sự và quốc phòng; lãnh đạo mọi mặt trong Quân đội.
Cách đây hơn 12 năm, tại Hội nghị Trung ương 5 khóa XI (tháng 5/2012), Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã quyết định chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị do Tổng Bí thư làm Trưởng Ban để chỉ đạo toàn diện công tác phòng, chống tham nhũng trên phạm vi cả nước. Thực hiện chủ trương này, ngày 01/02/2013, Ban Chỉ đạo đã chính thức được thành lập và bắt đầu triển khai các hoạt động, với thành phần gồm những cán bộ lãnh đạo chủ chốt ở các cơ quan có liên quan của Đảng và Nhà nước.
Năm 2021, Ban Chỉ đạo này được bổ sung thêm chức năng phòng, chống tiêu cực, với tên gọi mới là Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Năm 2013, khi Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được thành lập và hoạt động, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (1944 -2024) đảm nhiệm chức Trưởng Ban Chỉ đạo trong 11 năm qua.
Sau khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã bầu Chủ tịch nước Tô Lâm giữ chức Tổng Bí thư.
Phát biểu tại buổi họp báo quốc tế hôm nay, tân Tổng Bí thư Tô Lâm đã trả lời nhiều câu hỏi của báo giới về nhiều nội dung quan trọng, tron đó có công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Tổng Bí thư đã khẳng định: “Chúng ta sẽ tiếp tục công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực không ngừng, không nghỉ, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai, với tinh thần xử lý một vụ, cảnh tỉnh cả vùng”.
Tân Tổng Bí thư cũng cho biết, thời gian tới sẽ tập trung phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trước hết là ở các cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Đẩy lùi tham nhũng vặt bằng nhiều giải pháp. Mở rộng phòng chống tham nhũng, tiêu cực ngoài khu vực Nhà nước, góp phần làm trong sạch nội bộ Đảng, bộ máy Nhà nước.
“Nay được sự tin tưởng của Đảng, sự tín nhiệm của nhân dân, tôi được bầu giữ chức Tổng Bí thư, đồng thời giao luôn trọng trách làm Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Tôi tin công tác này chúng ta sẽ tiếp tục được phát huy. Rất mong được sự đồng tình, ủng hộ của các đồng chí, của cả hệ thống chính trị, đặc biệt sự giám sát của nhân dân, sự đồng tình ủng hộ của nhân dân để công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thành công”, Tổng Bí thư Tô Lâm bày tỏ.
Hiện nay các cơ quan chức năng đang tập trung chuẩn bị đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025-2030, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng. Theo thông lệ Tổng Bí thư đảm nhiệm trọng trách Trưởng Tiểu ban Văn kiện và Trưởng Tiểu ban Nhân sự của Đại hội.
Leave a Reply