Trợ lực để phát triển nghề nuôi chim yến: Sớm gỡ vướng để xuất khẩu yến sào vào thị trường tỷ dân (Bài 3)

Yến sào Việt Nam bị cạnh tranh khốc liệt

Công ty CP Nước giải khát Yến sào Khánh Hòa (Sanvinest, tỉnh Khánh Hòa) là 1 trong những đơn vị đầu tiên được Tổng cục Hải quan Trung Quốc cấp giấy phép cho xuất khẩu chính ngạch và cũng là đơn vị đầu tiên xuất khẩu yến sào Việt Nam qua thị trường Trung Quốc.

Tính đến nay, công ty đã xuất khẩu 5 lô hàng nước yến và yến tổ sang thị trường này với trị giá hơn 6 tỷ đồng. Dự kiến trong năm 2024, công ty sẽ xuất khẩu các sản phẩm yến sào đến thị trường Trung Quốc khoảng 10 triệu USD.

Công ty CP Nước giải khát Yến sào Khánh Hòa có hệ thống hơn 300 nhà yến, trải dài từ Đà Nẵng đến Kiên Giang, Bạc Liêu, với sản lượng hơn 30 tấn/năm. Ảnh: Đình Lâm

Công ty CP Nước giải khát Yến sào Khánh Hòa có hệ thống hơn 300 nhà yến, trải dài từ Đà Nẵng đến Kiên Giang, Bạc Liêu, với sản lượng hơn 30 tấn/năm. Ảnh: Đình Lâm

Bà Trịnh Thị Hồng Vân – Chủ tịch HĐQT Công ty Sanvinest cho biết, Trung Quốc là thị trường nhiều tiềm năng. Tuy nhiên đối tác cần có thêm thời gian xây dựng hệ thống phân phối để có kết quả doanh thu tốt hơn.

Theo Hiệp hội Yến sào Việt Nam, từ giữa cuối năm 2023 đến nửa đầu năm 2024, tổ yến sơ chế trong nước đã được xuất khẩu chính ngạch qua nhiều nước.

Tại Úc và Mỹ, đối tượng sử dụng tổ yến đa phần là người gốc Á, trong đó có cả kiều bào người Việt. Ngoại trừ Trung Quốc, số lượng tổ yến sơ chế được xuất sang các quốc gia này không đáng kể.

Ông Lê Thành Đại – Chủ tịch Hiệp hội Yến Sào Việt Nam cho biết, xuất khẩu tổ yến qua thị trường lớn nhất thế giới vẫn gặp nhiều khó khăn.

Trước hết là sự cạnh tranh từ ngành yến của các nước khu vực lân cận. Hiện tại, có 4 quốc gia được phép xuất khẩu tổ yến sang thị trường Trung Quốc, là Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Việt Nam.

Yến sào Việt Nam đang bị cạnh tranh bỡi các đối thủ lớn như Indonesia, Malaysia... Ảnh: Trần Khánh

Yến sào Việt Nam đang bị cạnh tranh bỡi các đối thủ lớn như Indonesia, Malaysia… Ảnh: Trần Khánh

Trong đó, Indonesia và Malaysia là 2 quốc gia chính xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc. 2 nước này áp đảo với sản lượng trong quý 1/2024 lần lượt là 105,4 tấn và 39,3 tấn.

Với kinh nghiệm sản xuất và xuất khẩu lâu năm, sản phẩm tổ yến sơ chế của Malaysia và Indonesia có mẫu mã bắt mắt hơn và giá thành tốt hơn. Các sản phẩm này không chỉ cạnh tranh gắt gao với tổ yến trong nước tại Trung Quốc, mà còn tại các quốc gia khác như Úc và Mỹ.

Tháo gỡ vướng mắc cho xuất khẩu yến sào Việt Nam

Theo bà Hồng Vân, việc sản xuất kinh doanh ở trong nước vẫn đang gặp không ít khó khăn khi quy hoạch vùng nuôi chim yến của các địa phương trên cả nước chưa đồng bộ.

Bà Vân chia sẻ, ở một số địa phương, như TP.HCM, Ninh Thuận, Tiền Giang, kể cả Khánh Hòa, việc xây nhà yến và nuôi chim vẫn còn tự phát, không theo quy hoạch. Việc không có cơ quan chuyên môn hướng dẫn về nuôi chim yến khiến sản lượng thu hoạch thấp, kém chất lượng.

Việc xây nhà yến và nuôi chim vẫn còn tự phát, không theo quy hoạch. Một nhà nuôi yến ở Bình Phước. Ảnh: Trần Khánh

Việc xây nhà nuôi chim yến vẫn còn tự phát, không theo quy hoạch. Ảnh: Một nhà nuôi yến ở Bình Phước. Ảnh: Trần Khánh

Quy định công tác lấy mẫu định kỳ các nhà yến 2 lần/năm cũng ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Bởi vì việc đi lấy mẫu định kỳ sẽ gia tăng chi phí và nhân công, khiến giá thành sản phẩm xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc tăng cao, khó cạnh tranh về giá đối với sản phẩm yến sào các nước Indonesia, Malaysia ,Thái Lan.

Ông Lê Thành Đại cũng cho biết, trong nước, tính pháp lý của các nhà nuôi yến, trang trại nuôi yến chưa rõ ràng. Hiện nay, ước tính hơn 80% nhà nuôi yến chưa được công nhận do vướng quy định về xây dựng khi nhà yến tồn tại trên đất thổ cư hoặc đất nông nghiệp.

Tại nhiều địa phương, các chủ nhà nuôi yến gặp khó khăn khi xin xác nhận nguồn gốc tổ yến để bán cho các doanh nghiệp xuất khẩu. Trong khi đây là bước đầu tiên để các doanh nghiệp xuất khẩu có thể xin được C/O đáp ứng thủ tục xuất khẩu.

Đối với tổ yến xuất khẩu sang Trung Quốc, việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm trong đó thể hiện mã số nhà yến, hang yến là điều bắt buộc cho mỗi lô hàng. Khó khăn hiện nay là ngành yến chưa có hướng dẫn chính thức về việc cấp mã định danh nhà yến. Mặc dù, Bộ NNPTNT đã có nhiều dự thảo cũng như tổ chức họp, lấy ý kiến của các đơn vị, doanh nghiệp nhưng cho tới nay vẫn chưa có hướng dẫn chính thức.

Hiệp hội Yến sào Việt Nam cho biết, các doanh nghiệp đang tự quản lý nhà yến của mình bằng mã số của riêng doanh nghiệp. Các mã số này đã được thông báo tới Tổng cục Hải quan Trung Quốc và được chấp thuận.

Tuy nhiên, với cách làm tạm thời như hiện nay, các mã số không đồng bộ với nhau và cơ quan quản lý cũng chưa có được cơ sở dữ liệu về nhà yến để quản lý một cách chặt chẽ hơn.

Hiệp Hội Yến Sào Việt Nam đề nghị sớm cấp mã nhà yến để phục vụ xuất khẩu. Ảnh: Trần Khánh

Hiệp Hội Yến Sào Việt Nam đề nghị sớm cấp mã nhà yến để phục vụ xuất khẩu. Ảnh: Trần Khánh

Theo Hiệp hội Yến sào Việt Nam, các nhà yến hiện đang được xem như sai mục đích xây dựng đa phần là nhà yến lâu năm và có sản lượng cao. Để đảm bảo nguồn nguyên liệu dồi dào đóng góp cho mục tiêu xuât khẩu, ngành yến sào Việt Nam rất cần sự công nhận và cho phép tồn tại các nhà yến này từ các cấp chính quyền và các sở ban ngành.

Tất nhiên, việc cho phép tồn tại này sẽ đi kèm với các biện pháp hạn chế tiếng ồn và đảm bảo môi trường sống xung quanh. Việc quan trọng và cấp thiết nữa là cấp mã nhà yến cần được chính thức và triển khai nhanh chóng, thuận tiện.

Và nếu nhà yến đã được công nhận tồn tại theo hướng dẫn Luật Chăn nuôi của Nghị định 13/2020/NĐ-CP thì chính quyền địa phương nên khuyến khích, tạo điều kiện để các chủ nhà yến chủ động xin cấp mã định danh nhà yến giống Indonesia và Malaysia. Theo Hiệp Hội Yến Sào Việt Nam, việc này sẽ giúp ích rất nhiều trong công tác quản lý nhà yến, thống kê, và xuất khẩu.

Sớm xây dựng bộ tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm yến sào Việt Nam

Cộng đồng người Hoa rất yêu chuộng yến sào Việt Nam. Xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc và các nước là động lực quan trọng để ngành yến Việt Nam phát triển.

Các bộ ngành cần sớm xây dựng bộ tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm yến sào Việt Nam; đồng thời ban hành các bộ tiêu chuẩn quốc gia về kỹ thuật nuôi chim yến và xây dựng nhà yến. Cơ quan chuyên môn hướng dẫn, hỗ trợ tập huấn cho các doanh nghiệp tìm hiểu, cập nhật pháp luật của Trung Quốc đáp ứng yêu cầu của thị trường nước sở tại.

Bà Trịnh Thị Hồng Vân – Chủ tịch HĐQT Công ty Sanvinest Khánh Hòa

Phát triển thương hiệu yến Cần Giờ

Thời gian tới, huyện Cần Giờ sẽ tập trung phát triển thương hiệu yến Cần Giờ theo hướng gia tăng giá trị và hiệu quả lâu dài. Huyện sẽ quy hoạch vùng nuôi phù hợp với điều kiện sinh thái, đăng ký cấp mã số vùng nuôi phục vụ việc truy xuất nguồn gốc.

Đồng thời huyện Cần Giờ sẽ hướng dẫn kỹ thuật nuôi chim yến cho các cơ sở, chú trọng xây dựng quy trình sản xuất khép kín, kiểm soát chuỗi cung ứng, tiêu chuẩn hóa chất lượng.

Ông Trương Tiến Triển – Phó chủ tịch UBND huyện Cần Giờ (TP.HCM)

Phát huy ưu thế tối đa yến sào Việt Nam

Lâu nay, người tiêu dùng Trung Quốc ít biết đến yến sào Việt Nam vì chủ yếu mua từ Indonesia và Malaisia. Chuyến khảo sát vừa qua của Hiệp hội ở Bình Phước và các tỉnh thành khác của Việt Nam cho thấy nguồn nguyên liệu yến sào nơi đây có tổ yến dày, sợi yến dai và chất lượng tốt. Tuy nhiên, yến sào Bình Phước cũng như của Việt Nam chưa tận dụng được ưu thế tối đa.

Hiệp hội xuất nhập khẩu tỉnh Quảng Đông muốn liên kết, hướng dẫn cho nông dân, doanh nghiệp chuẩn hóa sản phẩm theo tiêu chuẩn chất lượng. Hiệp hội cũng mong các cơ sở ở Bình Phước, và Việt Nam có thể sang Trung Quốc để tìm hiểu thị trường.

Ông Wu Shao Wei – Chủ tịch Hiệp hội Xuất nhập khẩu tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc)


Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *