Với 15.000 m2 diện tích vườn đồi, trước khi trồng cây sâm Nam, gia đình anh Trưởng, xã Liên Chung, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang trồng cây vải thiều, rồi chuyển đổi sang trồng thanh long nhưng hiệu quả kinh tế mang lại không cao.
Đến năm 2019, nhận thấy giống sâm núi Dành là loại cây dược liệu quý lâu đời của địa phương có tiềm năng phát triển cho hiệu quả kinh tế cao, nên gia đình anh đã chuyển sang trồng loại sâm này.
Từ vài chục gốc sâm núi Dành ban đầu đến nay gia đình anh Nguyễn Quý Trưởng, thôn Lãnh Tranh 1, xã Liên Chung, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang mở rộng diện tích trồng sâm lên hơn 1ha.
Theo anh Trưởng, theo đúng chu kỳ thì thu hoạch củ sâm phải mất thời gian 5 năm. Tuy nhiên trong khoảng thời gian đó, mỗi năm đều cho một vụ thu hoạch hoa sâm Nam núi Dành.
Cây sâm Nam núi Dành trồng sau gần 1 năm bắt đầu ra hoa. Vụ hoa sâm kéo dài từ cuối tháng 8 đến giữa tháng 10.
Cây sâm nam đạt 4 tuổi trở lên sẽ cho năng suất khoảng 40kg hoa khô/sào. Hoa sâm khô có giá bán dao động từ 0,8 – 1 triệu đồng/kg tùy chất lượng sản phẩm.
Từ bán nụ hoa sâm Nam núi Dành giúp gia đình anh Nguyễn Quý Trưởng thu về hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Vườn sâm Nam núi Dành của gia đình anh Nguyễn Quý Trưởng, thôn Lãnh Tranh 1, xã Liên Chung, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang. Cây sâm núi Dành sau khi trồng đến khi thu hoạch củ là 5 năm, trong thời gian 5 năm đó, người trồng sâm hái hoa để bán. Anh Trưởng còn nuôi gà thảo dược.
Để nụ sâm đạt chất lượng tốt nhất thì phải thu hái theo phương pháp thủ công vào buổi sáng sớm. Sau đó được chế biến bằng nhiệt, phơi hoặc sấy bằng lò quay ngay khi hoa còn tươi cho tới khi hoa đạt độ ẩm tổi thiểu khoảng 13%, anh Trưởng chia sẻ.
Theo kết quả nghiên cứu, trong củ và hoa sâm có chứa các chất gồm saponin, flavonoid, acid hữu cơ, acid amin, saccharid.
Hàm lượng saponin của cây sâm Nam núi Dành tương đương sâm Hàn Quốc và bằng 30% sâm Ngọc Linh của tỉnh Quảng Nam.
Tuổi của cây sâm càng cao thì hàm lượng các chất này càng cao, cho giá trị kinh tế cao hơn. Saponin trong sâm có tác dụng cung cấp nhiều dưỡng chất quý cho cơ thể như axit amin, vitamin, khoáng chất, dầu thơm… giúp tăng cường sinh lực, tăng khả năng miễn dịch, chống oxy hóa, ngăn ngừa lão hóa; làm long đờm, chữa ho; làm tăng tính thấm của tế bào trong cơ thể, tăng khả năng tiêu hóa và hấp thu dưỡng chất; chống viêm, kháng khuẩn, kháng nấm…
Sâm nam núi Dành là loại dược liệu quý cho sức khỏe con người nên ngày càng được thị trường ưa chuộng, đây là cơ sở giúp sâm nam là loại cây trồng đang và sẽ mang lại giá trị kinh tế cao cho gia đình anh Trưởng nói riêng và người dân huyện Tân Yên nói chung trong những năm tiếp theo.
Bên cạnh trồng sâm, cuối năm 2021, qua cán bộ khuyến nông xã Liên Chung, gia đình anh Trưởng được tiếp cận và đã mạnh dạn áp dụng mô hình nuôi gà thảo dược bằng sâm nam núi dành với quy mô từ 1.000- 2.000 con/lứa, giống gà mía số 1 của công ty Dabaco.
Kỹ thuật chăn nuôi gà bằng thảo dược không mấy khác biệt so với chăn nuôi gà nói chúng. Điểm khác biệt đó là nguồn nước uống cho gà từ cây sâm nam núi Dành.
Tận dụng thân, lá, rễ của cây sâm, anh Trưởng đun nước pha cho gà uống cả ngày. Gà được nuôi bằng uống nước sâm có sức đề kháng tốt, ít bị bệnh. Do đó, gia đình anh Trưởng hầu như không phải dùng đến kháng sinh nên tiết kiệm được chi phí đầu tư.
Hơn nữa, chất lượng thịt gà thơm ngon, được thị trường ưa chuộng, giá bán buôn tại chuồng 90.000 đồng/kg, cao hơn từ 10.000 đồng – 12.000 đồng/kg so với nuôi theo phương pháp thông thường. Mỗi năm, gia đình anh duy trì 2 lứa gà.
Theo tính toán của anh Trưởng, cứ 1.000 gà nuôi theo phương pháp thảo dược xuất bán cho thu lãi 40- 50 triệu đồng sau khoảng hơn 4 tháng nuôi.
Mô hình kết hợp giữa trồng sâm và nuôi gà bằng sâm không chỉ giúp gia đình anh Trưởng, xã Liên Chung, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang có thu nhập cao mà còn mở ra hướng đi mới cho người chăn nuôi, qua đó nâng cao chất lượng sản phẩm, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân.
Leave a Reply