Trồng sầu riêng VietGAP ở Bình Thuận, nông dân thu lợi nhuận từ 1-1,7 tỷ/ha

Ngày 16/3/2023 Sở Nông nghiệp và PTNT Bình Thuận đã ban hành công văn số 709/SNN-TTBVTV về việc phát triển bền vững cây sầu riêng trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, Trung tâm Khuyến nông Bình Thuận đã chuyển giao thành công 29 ha sầu riêng đạt tiêu chuẩn VietGAP theo chuỗi tại vùng sầu riêng trọng điểm xã Đa Kai, huyện Đức Linh, nhằm mục đích chuyển giao tiến bộ kỹ thuật theo tiêu chuẩn VietGAP hướng an toàn theo liên kết chuỗi thích ứng với biến đổi khí hậu; tăng hiệu quả kinh tế so với sản xuất thông thường từ 15-20%.

Qua mô hình nhằm tuyên truyền vận động nông dân thay đổi nhận thức, tập quán canh tác của bà con; đồng thời nhân rộng mô hình thâm canh sầu riêng theo tiêu chuẩn VietGAP hằng năm tại các vùng sầu riêng trọng điểm của tỉnh. 

Kết quả mô hình đạt được rất tích cực; mẫu mã trái đẹp, chất lượng đạt an toàn thực phẩm và được cấp chứng nhận VietGAP cho sản phẩm quả tươi; lợi nhuận thu được từ trên 730 triệu đến khoảng 1 tỷ đồng/ha tùy theo loại sầu riêng.

Phát huy thắng lợi đó, năm 2023 Trung tâm tiếp tục chuyển giao 40 ha tại xã Đa Mi, huyện Hàm Thuận Bắc (tỉnh Bình Thuận), đây được xem là Thủ phủ cây sầu riêng tỉnh Bình Thuận. 

Toàn huyện có diện tích khoảng 1.308 ha, trong đó diện tích thu hoạch gần 1.000 ha, với năng suất từ 20 – 25 tấn/ha. Tại đây, sầu riêng trồng tập trung tại 4 xã là Đông Tiến, Đông Giang, La Dạ, Đa Mi. 

Trên địa bàn huyện có 2 đơn vị liên kết sản xuất lớn: Hợp tác xã Sản xuất – Kinh doanh – Dịch vụ – Nông nghiệp Đa Mi – Thôn La Dày và Hợp tác xã Sản xuất – Kinh doanh – Dịch vụ – Nông nghiệp tổng hợp Đa Mi – Thôn Đa Guri, xã Đa Mi.

Trồng sầu riêng VietGAP ở Bình Thuận, nông dân một xã lời 1,7 tỷ/ha, ra ngõ đụng tỷ phú nông dân- Ảnh 1.

Ông Ngô Thái Sơn – Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Khuyến nông Bình Thuận tham quan mô hình trồng sầu riêng VietGAP.

Được biết, mô hình tại xã Đa Mi được chuyển giao thông qua Hợp tác xã Sản xuất – Kinh doanh – Dịch vụ – Nông nghiệp Đa Mi, xã viên tham gia mô hình được hỗ trợ 40% vật tư, 100 % kinh phí tư vấn, chứng nhận VietGAP và 200.000 tem truy xuất nguồn gốc. 

Sau gần một năm thực hiện, từ tháng 8/2023 đến tháng 6/2024, mô hình đã khẳng định được tính giá trị, kết quả đạt hơn mong đợi. 

Mặc dù thời tiết nắng nóng những tháng đầu năm thiếu nguồn nước tưới, gây khô hạn diện rộng đã ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất thu hoạch; tuy nhiên, với sự tâm huyết và nỗ lực sản xuất đã đem lại thành quả tốt đẹp; năng suất đạt từ 15 – 30 tấn/ha, trung bình 22 tấn/ha, được Tổ chức chứng nhận FAO cấp giấy chứng nhận VietGAP cho sản phẩm quả tươi với mã số CN: FAO-VG-TT-60-24-02 cấp ngày 24/6/2024 hiệu lực đến 24/6/2027. 

Sản phẩm được hợp tác xã Sản xuất – Kinh doanh – Dịch vụ nông nghiệp Đa Mi thu mua theo giá thị trường: đối với giống Ri6 trung bình 55.000 đồng/kg, giống Monthon giá 85.000 đồng/kg; lợi nhuận thu được từ 1 tỷ đến trên 1,7 tỷ đồng/ha, tùy thuộc từng loại giống. Hiệu quả kinh tế tăng hơn ngoài mô hình 55 triệu/ha, đồng nghĩa tăng khoảng 15%, như vậy mô hình đạt mục tiêu đề ra ban đầu từ 15-20% so với sản xuất thông thường.

Qua mô hình đã giúp hợp tác xã Sản xuất – Kinh doanh – Dịch vụ nông nghiệp Đa Mi chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất, tiến tới ký kết hợp đồng với đối tác có nhu cầu đặt hàng trong và ngoài tỉnh.

Thông qua hội thảo diễn ra giữa tháng 7/2024 đã minh chứng rằng, việc áp dụng mô hình theo quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP) đã đem lại nhiều kết quả tích cực; giúp nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm nông sản, tăng hiệu quả sản xuất và thu nhập cho người nông dân; các hộ sản xuất bước đầu tiệm cận ghi sổ nhật ký bằng hình thức nhật ký điện tử trên ứng dụng phần mềm (App) Nông nghiệp số Bình Thuận và tiến tới truy xuất nguồn gốc quét mã QR code…

Cũng tại hội thảo, mấu chốt vấn đề được đại biểu thấu hiểu và thống nhất cao là việc sản xuất trái cây an toàn nói chung và cây trồng khác nói riêng, hiện nay đã và đang được nhiều nhà doanh nghiệp tích cực hưởng ứng để phục vụ nhu cầu xuất khẩu theo đường chính ngạch. 

Để làm được điều này, các hộ nông dân phải hợp tác với nhau, liên kết cùng phát triển, qua đó dễ dàng quản lý được quy trình sản xuất sạch và an toàn, không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và nước ngoài. 

Thông qua việc liên kết hợp tác với doanh nghiệp từ khâu đầu vào đến đầu ra sẽ giúp nông dân hạ giá thành sản xuất, tăng giá bán nông sản, thu lợi nhuận cao hơn trên cùng một diện tích canh tác, do đó nhiều hộ nông dân đã vươn lên làm giàu chính đáng.

Lãnh đạo UBND xã Đa Mi chia sẻ, dù giá cả sầu riêng luôn tăng và duy trì ở mức ổn định, nhưng để đảm bảo đầu ra và nâng cao giá trị trái sầu riêng, những năm gần đây UBND xã Đa Mi chủ động phối hợp ngành chức năng của tỉnh và huyện xem xét, rà soát, đồng thời cấp mã số vùng trồng cho Hợp tác xã sản xuất – kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Đa Mi với diện tích sầu riêng 33,5 ha và Công ty TNHH sản xuất thương mại dịch vụ A Hùng với diện tích sầu riêng 40 ha. 

Đây là cơ sở pháp lý để sầu riêng Đa Mi xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc theo con đường chính ngạch. 

Ngoài ra, UBND xã còn chỉ đạo các tổ chức đoàn thể vận động, định hướng cho đoàn viên, hội viên và nhân dân chủ động lựa chọn các giống sầu riêng mới, chất lượng cao để sản xuất thay dần các giống cũ, giúp bà con hướng đến mục tiêu sản xuất sầu riêng theo tiêu chuẩn VietGAP nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng khó tính của thị trường tiêu thụ…


Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *