Tự sự của bà Trần Tố Nga: Tôi ra tòa

Còn đúng nửa tháng nữa (22/8) là đến ngày tòa án Evry của Pháp sẽ ra phán quyết về vụ kiện của bà Trần Tố Nga – một trong những nạn nhân của chất độc da cam dioxin – đối với các Công ty hóa chất Mỹ. Chưa biết kết quả sẽ nghiêng về phía nào, nhưng chúng ta cùng hy vọng tiếng nói của chính nghĩa sẽ được dư luận chú ý.

Trước thời điểm quan trọng này, Dân Việt đăng tải loạt bài viết của bà Trần Tố Nga kể về cuộc đời hoạt động cách mạng của mình cũng như hành trình tìm kiếm công lý cho các nạn nhân chất độc da cam, một hành trình mà bà tự đánh giá là “lâu dài, đầy khó khăn, thậm chí là khốc liệt”…

Năm 1965, khi trả quyết định của Bộ Giáo dục cho tôi đi học nghiên cứu sinh ở Liên xô, tôi đã nói một câu mà bây giờ ngẫm lại thấy quá đỗi ngây thơ và lãng mạn: Hòa bình về sẽ xin Đảng cho đi học tiếp tục, còn bây giờ xin được đi miền Nam chiến đấu.

Hòa bình về, việc đi học không được nhắc tới, mà có thầy bói nói là phải từ 50 tuổi trở đi, tôi mới được ra nước ngoài, và lúc ấy sẽ đi như đi chợ. Đương nhiên là tôi không tin, nhưng thực tế diễn ra gần đúng như vậy. 

Rồi người ta cảnh báo thêm là tôi sẽ có dính líu đến pháp luật. Tôi cười vì nghĩ mình làm gì mà đụng đến pháp luật? Không tin chút nào. Vậy mà thật vì những năm cuối đời, tôi hầu như sống vì những cuộc đấu tranh pháp lý mà là pháp lý ở ngoài, ở xa đất nước của tôi.

Năm 1972 – ra tòa vì câu điện lậu

Từ năm 1972, tôi được phân công về Sài Gòn, làm giao liên nội đô. Giao liên nội đô là những người được phân công tác trong lòng địch, nói cách khác là trong vùng địch tạm chiếm đóng. Muốn như vậy, tôi phải học lại nếp sống của người Sài Gòn, mặc áo giống người Sài Gòn. Dễ mà khó dù tôi vốn là người Sài Gòn khi chưa ra miền Bắc làm học sinh miền Nam. 

Nhưng mấy mươi năm xa nhà, sống trong nhiều tập thể, giữ được những nếp sống văn minh của nhiều nền văn hóa, quay trở lại một kiểu sống khác, vẫn cứ phải tập lại thói quen mới, bỏ lại một số nếp quen thân thiết. 

Còn phải làm cho dấu dép cao su trên chân mất đi vì đó là dấu hiệu dễ phát hiện nhất, tập đi xe Honda, làm quen lại với các đường phố Sài Gòn – Chợ Lớn, những con đường quá đỗi thân thương của tuổi thơ tôi. Nhưng quan trọng hơn là phải biết các ngõ hẻm, biết nhìn thường xuyên vào gương chiếu hậu để xem có cái “đuôi” nào không để mà cắt. Bởi thế, đi vào ngõ nhỏ hẹp, những đường một chiều sẽ dễ phát hiện đuôi hơn.

Một người chú cho tôi mượn nhà để tạm trú vì không thể ở nhà ông bà ngoại luôn bị cảnh sát rình rập. Tôi phải tập làm quen với mọi tầng lớp quần chúng mà tôi tiếp xúc, từ người của xóm lao động đến các ông dân biểu, các nhà tư sản yêu nước mà tôi gọi bằng bác, bằng chú.

Tự sự của bà Trần Tố Nga: Tôi ra tòa- Ảnh 1.

Bà Trần Tố Nga năm 1968 (trái) sau trận càn Johnson City và bà Tố Nga của hôm nay. Ảnh: NVCC

Nhà của chú Ba là một căn phố mà chú đã mua cho “phòng nhì” nên có đủ tiện nghi tối thiểu, tôi có thể sống yên bình mà không để ý đến những chi tiết như điện, nước, chỉ ráng đóng tốt vai của nguời vợ có chồng đóng quân ở vùng 1 và có luôn nhân tình ở ngoài chỗ đóng quân. 

Còn trẻ mà đã bị chồng ruồng rẫy, bà con láng giềng tội nghiệp nên thương tôi nhiều. Tôi cũng phải sống sao cho xóm làng thương mà không bị nghi là “người trong bưng ra”. Nhưng thâm tâm, tôi tự hứa phải sống sao cho nếu không may bị phát hiện thì người dân cũng hiểu nhân cách của người cách mạng. Cho đến một ngày…

Ngày hôm ấy, tôi đang ngồi giặt quần áo thì cảnh sát quận 8 ập vào nhà, còng tay, bắt tôi cùng với những người hàng xóm, tống và nhà giam Thủ Đức vì tội “câu điện lậu”. Thì ra, cả xóm đã câu điện của hệ thống chung để sử dụng.

Một tuần lễ nằm trên 4 miếng gạch của phòng giam chật ních người, tôi được cho tại ngoại để hai tháng sau ra hầu tòa, phiên tòa đầu tiên trong đời. Tôi mặc chiếc áo dài màu xanh ngọc, tóc đen mượt xõa dài, bước vào phòng xử án đã chật người trong không khí rất đỗi nghiêm trang. 

Dì tôi dặn phải nhớ “kính thưa quý tòa” khi được hỏi tới. Tôi chưa kịp kính thưa thì Chánh án đã lạnh lùng phán cho “2 tháng tù treo”. Tôi còn chưa biết làm gì thì người ta ra hiệu cho tôi đi xuống. Tôi rời bục xử mà nghĩ thầm: Không nhằm nhò gì hai tháng tù treo, lần sau, sẽ không tính tháng mà tính năm. Thú vị với ý nghĩ đó, tôi bật cười thành tiếng, mặt tươi rói và bị đuổi ra ngoài vì đã quấy rối trật tự phòng xử.

Năm 1975, tòa mà không tòa

Năm 1974, tôi bị bắt khi Hiệp định Paris đã được ký, bị giam tại Tổng nha cảnh sát miền Nam. Tại thời điểm đó, tù chính trị không bị đưa xử công khai ở tòa, mà sẽ bị xử theo nguyên tắc “hai năm xét lại”, có nghĩa là không ra tòa nhưng theo quyết định của một hội đồng gì đó, tù chính trị sẽ bị giam hai năm, rồi sau hai năm sẽ xét lại xem có ở tiếp hay không, nên chúng tôi quen gọi là “án hai năm xét lại”. Cứ như thế, năm chồng năm ở tù.

Tôi không chút ngạc nhiên khi nhận phán quyết “hai năm xét lại, câu lưu Côn Đảo” mà thật mừng vì phen này, tôi sẽ được học thêu và sẽ thêu đẹp như bao người tù Côn Đảo, như mẹ, như các dì, như em Quế của tôi. Mộng mơ ấy không thành vì tình hình chiến sự bên ngoài đã đến hồi kết. 

Tôi được người thẩm vấn khuyên nên đầu hàng, khai báo để sống mà về nhà với ông bà ngoại vì trong danh sách bị thủ tiêu khi chiến sự diễn ra gần Sài Gòn có tên của tôi nằm trong số “ngoan cố”. Tôi không hoang mang vì chuyện chưa đến, chỉ có một ý nghĩ là sẽ làm như Paven trong “Thép đã tôi thế đấy” khi cách mạng về thành phố, có nghĩa là sẽ tìm đến những bàn ghi danh của cách mạng để xin tiếp tục công tác. Đương nhiên là thực tế diễn ra khác hẳn.

Hai lần, cái tòa mà không mang danh tòa ấy đã hai lần kết án tù và án tử cho tôi. May thay, ngày 30/4/1975, tôi được giải phóng, bế con ra khỏi nhà tù Tổng nha cảnh sát.

Năm 2009, một cuộc chiến pháp lý bắt đầu

Năm 2008, sau mười ngày thăm các nạn nhân da cam của tỉnh Thái Bình, trong tim, trong đầu của tôi luôn có một câu hỏi day dứt: Khi thế hệ nạn nhân thứ nhất không còn, ai sẽ lo cho các thế hệ nạn nhân tiếp sau đang sống một cuộc sống chỉ có thể gọi là tận cùng của đau khổ.

Khi nghe tin phiên tòa Công luận Quốc tế Ủng hộ nạn nhân da cam Việt Nam sẽ được mở tại Paris do Hội Luật gia Dân chủ Thế giới chủ trì, vượt qua mọi thủ tục, tôi xin được làm chứng tại tòa. Đầu tiên, tôi bị từ chối vì không ai biết tôi là ai, từ phương nào tới mà không theo một quy ước nào. Đành vậy.

Bất ngờ, hai ngày trước phiên tòa, sau một cuộc họp có biểu quyết hẳn hoi, Chủ tịch nhắn tin hỏi tôi có thể ra hầu tòa được không? Điều làm cho Ban tổ chức chấp thuận, có thể vì câu phân trần của tôi trong đơn xin: Tôi xin được nói thay cho những người không còn có thể nói và những nạn nhân không đến được nơi này. Tôi không hề nghĩ rằng điều này mở đầu cho những năm tháng dài mang bóng dáng tòa án.

Tòa án lương tâm vì nạn nhân da cam Việt Nam

Ngày 15/5/2009, tôi làm chứng trước tòa với tư cách tự nhận là nạn nhân và tự phong thay mặt nạn nhân da cam. Lần đầu tiên, tôi thực sự ra tòa mà ngây thơ không hiểu rõ ý nghĩa của một “tòa án lương tâm hay tòa án công luận” dù trước đó đã có biết về một tòa án công luận khác, tòa án công luận Bertrand Russel phản đối chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam.

Dù là người đến sau, được gọi là “nhân chứng cuối cùng” nhưng do là nhân chứng sống trực tiếp với chiến tranh, với những loạt rải chất khai quang của quân đội Mỹ, nên tôi đã có thể trả lời và miêu tả cho các thẩm phán quang cảnh thực tế mà các thẩm phán, dù rất thiện chí vẫn không hình dung được việc rải chất độc khác như thế nào với ném bom na pan và các loại bom khác. 

Trước tòa, tôi đã kể lại nhiều hoàn cảnh thương tâm của các nạn nhân da cam Việt Nam, trong đó có không ít người là bạn chiến đấu của tôi mà không nghĩ rằng buổi hầu tòa án công luận ấy là mở đầu cho “cuộc chiến đấu cuối cùng của Trần Tố Nga”. 

Tự sự của bà Trần Tố Nga: Tôi ra tòa- Ảnh 2.

Bà Trần Tố Nga trong phong xử sơ thẩm tại tòa Evry, Paris. Ảnh: NVCC

Trong phiên tòa ấy, nhiều nhân chứng đến từ Mỹ, từ Hàn Quốc, từ Úc… Chất độc da cam đâu chỉ gieo rắc đau thương cho riêng Việt Nam vì chính những người đã gieo rắc đau thương cũng trở thành nạn nhân và cũng chịu thống khổ đâu khác gì người dân Việt Nam…

Như vậy, tính đến năm 2009, tôi đa ra tòa ba lần, mỗi lần mỗi khác, lần thì án treo, lần thì án tù, án tử đều không thành và lần này với tư cách nhân chứng trước một tòa án quốc tế chỉ có quyền nhân danh công luận mà xét và luận tội kẻ gây tội ác mà không có phán quyết cụ thể có hiệu lực pháp lý.

Ngay sau phiên điều trần, nhiều nhà báo, nhà quay phim đã tiếp cận tôi, nhưng chủ yếu là ông Andre Bouny – một nhà văn – người đã từng đến Việt Nam, đã từng tiếp xúc với các nạn nhân da cam Việt Nam cùng với luật sư William Bourdon, một luật sư nổi tiếng về luật quốc tế luôn đứng về phía những người bị áp bức mà bảo vệ, đã đề nghị tôi đứng kiện các công ty Mỹ đã sản xuất chất độc da cam. 

Đã gần 70 rồi, tuổi đã xế chiều rồi, vả chăng hoạt động nghĩa tình trong mấy mươi năm qua đã giúp tôi tạm bằng lòng với cuộc sống và lời thề vì dân, vì nước của mình, nên tôi từ chối.

Một giải thích đã thuyết phục tôi thay đổi quyết định là: Nếu tôi không kiện thì thảm họa da cam mà hiện hơn ba triệu nạn nhân Việt Nam đang gánh chịu sẽ bị chìm vào bụi thời gian. Đã ba lần nạn nhân da cam Việt Nam đệ đơn kiện tại các tòa án Mỹ, ba lần bị bác bỏ. Nạn nhân da cam là những cựu chiến binh Mỹ cũng đã từng kiện và đã nhận bồi thường với điều kiện ngưng kiện. Tiền bồi thường đã hết, nhưng quyền đấu tranh cũng đã bị tước.

Hiện tại, chỉ có duy nhất tôi hội đủ các điều kiện để mở một vụ kiện quốc tế kiện các tập đoàn hóa chất đã cung cấp những loại chất khai quang trong đó có chất độc da cam trong chiến tranh Việt Nam.

Tôi hoảng hồn với con số hơn ba triệu nạn nhân da cam và tôi chấp nhận cuộc chiến đấu ngay dù luật sư cảnh báo là sẽ lâu dài, khốc liệt mà kết quả chưa lường được. Một mình tôi so với thống khổ của ba triệu con người thì tôi thật không bằng hạt bụi.

Tôi bắt đầu cuộc chiến cuối cùng của đời tôi như vậy đó.

7 năm, 19 phiên tòa thủ tục

Là người Việt Nam, tôi đã không biết gì về hệ thống pháp lý của đất nước mình, chỉ biết đi ngay, đứng thẳng, không làm phiền ai, không gây phiền nhiễu cho ai, chỉ biết làm công dân tốt và giúp cho người xung quanh sống tốt. Vậy thì làm sao tôi biết được một vụ kiện quốc tế sẽ diễn ra như thế nào? 

Tôi may mắn có những luật sư đầy tài năng có tiếng trên nền luật pháp quốc tế, những luật sư vì yêu Việt Nam mà cống hiến một phần công sức để bảo vệ tôi mà thực chất là bảo vệ cho nạn nhân da cam, giúp tôi đòi công lý mà không cần thù lao. Tôi sẽ không bao giờ nói hết được lòng biết ơn của mình đối với các luật sư của tôi.

Cứ ngỡ một việc làm không vì mình thì sẽ được chấp nhận dễ dàng, nhưng trời bắt phải trải qua thử thách, tủi nhục, xem như bước thứ nhất của cuộc chiến đấu. Hai năm dài chịu những thị phi, hiểu lầm, kể cả những xúc phạm nhân cách cay đắng nhất , như là một kẻ phản bội đất nước, không đáng được coi trọng… Tôi mất đi hai năm của cuộc đời, hai năm quý báu vì chưa già lắm, chưa có thêm nhiều bệnh.

Quyết định đi kiện từ năm 2009, mãi đến cuối năm 2011 tôi mới có điều kiện thử máu tầm soát dioxin, điều kiện khoa học tối cần thiết, tiên quyết để có thể đứng kiện. Rồi mất thêm 4 năm do những đổi thay chính sách của nhà cầm quyền Pháp, phải đến năm 2014 tôi mới có thể chính thức gửi đơn kiện tới tòa đại hình Evry, chỉ đúng 10 ngày trước khi quyền được kiện của tôi mất thời hiệu.

Lại mất hơn một năm chờ đợi, tháng 4/2014, tôi được Tòa đại hình Evry thông báo có 19 trong số 26 tập đoàn hóa dầu Mỹ đã đáp lời trình diện tòa, mỗi tập đoàn thuê hai luật sư sừng sỏ của Pháp bảo vệ cho mình. Có nghĩa là, đối đầu với ba luật sư tình nguyện bảo vệ tôi có 38 luật sư sừng sỏ được các công ty Mỹ thuê để bảo vệ cho họ.

Khi tôi nhận danh sách của 19 công ty, trong đó Monsanto, Dow Chemical, Hercules… tôi mới thực sự hiểu rằng cuộc chiến khốc liệt bắt đầu dù không bom, không đạn nhưng vẫn cứ là cuộc chiến bởi tôi sẽ phải đương đầu với những tập đoàn được thế giới liệt vào danh sách những khổng lồ của ngành hóa dầu. Tôi cũng chợt hiểu rằng tôi đã quá hồn nhiên mới có gan đương đầu với nước Mỹ dù ở cấp độ nào. Nhận thức thêm vậy thôi, trong tôi không từng có câu hỏi “tiến hay lùi”. Tôi tuổi con ngựa mà, đã lên yên thì chỉ biết phi thôi.

Lần đầu tiên, tôi chính thức tham gia một vụ kiện mang hai lần tính quốc tế, vì tôi từ Việt Nam qua Pháp đã là một lần. Tại Pháp, kiện một nước thứ ba là hai lần. Tôi đi vào vụ kiện cũng hồn nhiên như khi xin mẹ ra miền Bắc với Bác Hồ, khi khoác ba lô lên vai vượt Trường Sơn, khi bỏ đôi dép râu để đi vào chiến đấu trong lòng địch.

Tôi cám ơn Trời Phật đã cho tôi và nạn nhân da cam may mắn có được ba người luật sư tài giỏi, đầy tình thương đối với nạn nhân da cam Việt Nam, đầy quả cảm để có thể tiến hành một vụ kiện mà họ không nhận thù lao dù biết trước sẽ vô cùng khó khăn và không biết hồi kết. 

Bởi công việc chính của vụ kiện là việc của luật sư, từ nghiên cứu tài liệu, dịch thuật, viết phản biện về một vấn nạn mà các nghiên cứu khoa học thế giới, dù đã có rất nhiều tài liệu, hồ sơ, hình ảnh… nhưng chưa có kết luận chính thức, đối đầu trực diên với lực lượng luật sư đối lập đông gấp hơn 20 lần được các tập đoàn bị đơn trả tiền có lẽ không ít để họ có thể bất chấp lương tâm mà bảo vệ cho thân chủ tội phạm.

Tôi không biết ở nhà mình, các phiên tòa và việc xử án diễn ra cụ thể như thế nào nhưng vụ kiện Trần Tố Nga kiện 26 tập đoàn hóa chất Mỹ đã cung cấp chất độc da cam trong chiến tranh Việt Nam đã kéo dài hơn 6 năm ở cấp sơ thẩm, với những trao đổi , phản biện chủ yếu bằng viết, làm cho tôi càng biết ơn các luật sư của mình và một số luật sư Mỹ đã hết lòng trao đổi và cung cấp hồ sơ nghiên cứu.

Gần 7 năm với 19 phiên tòa thủ tục, mỗi phiên bị phá một cách vô lý để kéo dài thời gian cho một người đã hơn 70 tuổi, hết bị lao rồi bị tim, hết mổ cánh tay lại đến mổ ung thư, tôi thấm hiểu thế nào là một cuộc chiến cân não, chạy đua với thời gian, tuổi tác và bệnh tật, cả với lòng kiên trì và sức chịu đựng, cả lòng biết ơn và sự tu dưỡng của chính mình.

Đã có lần, phía đối phương đòi tôi bồi thường 200 Euro mỗi ngày cho mỗi tập đoàn nếu như tôi không trình được phiếu lương của Thông tấn xã Giải phóng trả cho tôi trong thời gian chiến tranh, Cũng có lần họ đề xuất hòa giải bí mật, nhận tiền và kết thúc kiện. 

Vượt qua mọi thách thức, có được sự hiểu biết và ủng hộ ngày càng nhiều của các hội đoàn Pháp và một số nước Châu Âu như Bỉ, Thụy Sĩ, cả Mỹ…, và cả lời nói đầy ân tình của một lãnh đạo đất nước “khuyên ngưng thì hóa ra mình hèn, nói đi tới thì thật xót xa khi thấy Tố Nga một mình chống lại quỹ dữ”. 

Câu nói ấy cùng với tấm lòng của mọi người đã giúp tôi vượt mọi thách thức. Và tôi tiếp tục đi tới…

(Còn nữa)


Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *