Khoá tu mùa hè bao nhiêu tiền?
Mới đây, thông tin từ Công an TP.Hà Nội cho biết, một nạn nhân tên H. đã sập bẫy khoá tu mùa hè và bị chiếm đoạt 2,8 tỷ đồng. Cụ thể, khi nghiên cứu các khóa tu mùa hè cho con, chị H. có kết nối với tài khoản Facebook “Tu Sinh Mùa Hè” để đăng ký. Đối tượng đưa chị H. vào nhóm trên mạng xã hội Telegram và yêu cầu mua vật phẩm phong thủy nhằm tăng tương tác cho công ty vật phẩm phong thủy, vì họ là nhà tài trợ chính cho khóa tu.
Chị H đã bị chiếm đoạt 2,8 tỷ đồng khi nghiên cứu các khoá tu mùa hè cho con. Công an TP.Hà Nội cảnh báo tới người dân biết thủ đoạn này. Ảnh: CAHN
Khi mua vật phẩm, sau 3 – 5 phút công ty sẽ hoàn lại tiền phụ huynh sẽ mua. Sau nhiều lần mua và được hoàn lại tiền vật phẩm, chị H. được yêu cầu chuyển số tiền lớn hơn với lý do: sai thao tác, không chụp ảnh vật phẩm, phải hoàn thành thao tác, hoàn thành điểm tín nhiệm. Chỉ trong vòng 2 ngày, chị H. đã bị các đối tượng chiếm đoạt 2,8 tỷ đồng.
Không chỉ mất tiền vì bị lừa đảo, qua vụ việc, chuyên gia cũng cảnh báo tới phụ huynh khi chọn khóa tu cho con khi mùa hè đang sắp đến gần, nhu cầu đăng ký cho con tham gia các khóa tu tăng mạnh.
Chia sẻ với PV báo Dân Việt, PGS.TS Phạm Ngọc Trung, Giảng viên cao cấp, nguyên Trưởng khoa Khoa Văn hóa và Phát triển, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, cho hay: “Khóa tu là một hình thức sinh hoạt cộng đồng dành cho thanh thiếu niên trong chùa, cũng tương tự như các khóa học do công an, quân đội, đoàn thanh niên tổ chức vào dịp hè. Thời gian gần đây, các khóa tu được nhiều phụ huynh lựa chọn vì con em nghỉ học 2-3 tháng, bố mẹ bận đi làm, khó quản lý nên thường đăng ký cho con tham gia.
Khóa tu ở chùa khác với các tổ chức khác là các em được sinh hoạt trong chùa, nghe các nhà sư truyền giáo và tham gia các hoạt động đặc thù trong tổ chức tôn giáo. Các em được tập trung ăn, ngủ, sinh hoạt theo quy định”.
Chi phí khoá tu mùa hè bao nhiêu tiền là vấn đề nhiều phụ huynh quan tâm. Theo PGS.TS Phạm Ngọc Trung, nếu khóa tu thời gian 1 tuần thì chi phí dưới 1 triệu đồng, từ 2-3 tuần, chi phí lên tới vài triệu đồng. Số tiền này bao gồm ăn, ở, tụng kinh, nghe giảng kinh, trồng cây, làm vườn, giao lưu tham quan hệ thống chùa chiền trong vùng để mở rộng hiểu biết, giao lưu và hiểu triết lý sống, có thể có những phát sinh khác như đi dã ngoại thêm, sinh hoạt đá bóng, bơi lội..
Có nên cho trẻ học khoá tu mùa hè không?
PGS.TS Phạm Ngọc Trung cho hay: “Gửi con tham gia sinh hoạt hè khiến gia đình nào cũng có những lo lắng nhất định khi khóa tu lại tập hợp những em không biết nhau nên dễ xảy ra mâu thuẫn. Các em đa dạng ở nơi sống, độ tuổi khác nhau, tính cách, nhu cầu tâm sinh lý cũng khác nhau nên dẫn đến tình trạng bắt nạt, bạo lực cho các em nhỏ. Các đơn vị tổ chức mặc dù có lưu ý tuy nhiên không thể quản lý hết được vì các vụ việc thường xảy ra bất ngờ và khó kiểm soát”.
Tư vấn cho phụ huynh, PGS Trung nói: “Phụ huynh cần tìm hiểu nội dung, thành phần, thời gian, địa điểm, chi phí xem có phù hợp với nội dung mình đề ra rồi lựa chọn. Phụ huynh cũng có thể đòi hỏi điều kiện tốt nhất cho con như chỉ cho phép chung độ tuổi với nhau, ăn uống, sinh hoạt đảm bảo, đông người quản lý. Càng yêu cầu cao thì chi phí càng cao.
Nếu không cho con tham gia khóa tu hè, phụ huynh có thể gửi con tham gia các hoạt động khác như học kỳ trong quân đội, học kỳ công an… Các khóa học này có ưu điểm là có kỷ luật, kinh nghiệm, điều kiện bài bản, chuyên nghiệp hơn.
Dù tham gia khóa tu mùa hè hay ở nơi nào, phụ huynh cũng cần lưu ý thêm về sức khỏe và an toàn của con. Mùa hè nóng bức, mưa nắng bất chợt, các em dễ bị say nắng, cảm lạnh, dễ xảy ra tai nạn thương tích trong quá trình sinh hoạt, vui chơi cũng như thương tích cho bạn xung quanh. Cần sàng lọc các thành viên tham gia khóa tu, những em có tâm trạng đặc biệt phải có nhóm riêng chứ không nên sắp xếp chung theo cộng đồng”.
Năm 2023, dư luận bàng hoàng trước khoa tu ở chùa Cự Đà. Tài khoản G.N.N đăng tải bài viết có nội dung cảnh báo các bậc phụ huynh về việc cho con theo khóa tu nhưng có “trải nghiệm kinh hoàng”. Cụ thể, gia đình đăng ký khóa tu mùa hè 5 ngày cho con tại chùa Cự Đà để con trải nghiệm. Ban tổ chức quy định không được liên lạc hay gọi điện thoại để các con khỏi nhớ nhà.
“Đến ngày thứ 5, tôi tới đón con thì sốc bởi nhìn con quần áo, người ngợm bẩn thỉu, hôi hám, chân tay muỗi đốt chi chít. Hỏi ra mới biết là ở chùa đông lắm, tắm sau là hết nước nên con không tắm được”, tài khoản này viết.
Sau đó, chị G.N.N phát hiện tay trái của con bị sưng to chỗ khủy tay và tay bất thường nên hỏi. Con chị cho biết ở chùa đã xảy ra xô xát và bị bạn dùng ghế gỗ đập vào đầu và tay. Ban tổ chức đã đưa con chị G.N.N đi khám và bó cánh tay ở bệnh viện trên địa bàn quận Hà Đông, Hà Nội, nhưng không thông tin về vụ việc này cho chị.
Ngay sau khi vụ việc này xảy ra, các khóa tu hè cũng đã tạm dừng để kiểm tra điều kiện. Hai sự cố về lừa đảo và trải nghiệm kinh hoàng khóa tu hè cũng là bài học để phụ huynh cẩn trọng hơn khi tìm hiểu, đăng ký cho con tham gia sinh hoạt vào mùa hè này.
Leave a Reply