Nghi vấn ông Vương Tấn Việt (Thượng tọa Thích Chân Quang) dùng bằng cấp 3 giả học đại học
Thời gian vừa qua, dư luận vô cùng bất ngờ trước nghi vấn ông Vương Tấn Việt (Thượng tọa Thích Chân Quang) dùng bằng cấp 3 giả học đại học. Ông Vương Tấn Việt (Thượng tọa Thích Chân Quang) không có tên trong danh sách dự thi và bảng ghi tên, ghi điểm trong kỳ thi tốt nghiệp bổ túc văn hóa cấp 3 năm 1989 của Sở GDĐT TP.HCM. Ông Việt cũng không có tên trong danh sách cấp bằng tốt nghiệp cấp 3 bổ túc văn hóa khóa ngày 6/6/1989 của Sở GDĐT TP.HCM.
Sau đó, ông Việt lần lượt học tiếp lên các trường đại học. Cụ thể là cử nhân ngành Tiếng Anh tại Trường Đại học Ngoại ngữ, nay là Trường Đại học Hà Nội, văn bằng 2 vừa học vừa làm ngành Luật tại Trường Đại học Luật Hà Nội, bằng Tiến sĩ tại Trường Đại học Luật Hà Nội và bằng Tiến sĩ ngành Luật Hiến pháp – Hành chính Trường Đại học Luật Hà Nội; Tiến sĩ ngành Tôn giáo học Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.
Câu hỏi đặt ra là quy trình các trường đại học xét duyệt hồ sơ ra sao, việc sử dụng bằng cấp 3 giả có bị phát hiện và phương án xử lý thế nào? Trách nhiệm của các trường đại học đến đâu?
Thực tế việc cung cấp bằng cấp 3 cho các trường và chịu trách nhiệm về tính chính xác của bằng cấp thuộc về thí sinh. Nếu thí sinh đăng ký học hệ cử nhân, các trường sẽ yêu cầu bằng cấp 3. Còn khi học thạc sĩ, tiến sĩ, các trường sẽ yêu cầu bằng đại học hoặc bằng thạc sĩ.
Theo thông tin từ Trường Đại học Hà Nội, trong Quy chế tuyển sinh đại học nêu rõ: Trách nhiệm của thí sinh là tìm hiểu kỹ thông tin tuyển sinh của trường; Cung cấp đầy đủ, đúng thời hạn và chịu trách nhiệm về tính chính xác của các thông tin trong hồ sơ dự tuyển, hồ sơ nhập học; Nộp lệ phí tuyển sinh theo quy định.
Còn theo Trường Đại học Luật Hà Nội, xét tuyển và trúng tuyển với người dự tuyển đào tạo trình độ Tiến sĩ tại Trường áp dụng Điều 5 Thông tư số 08/2017/TT-BGDĐT ngày 4/4/2017 và Điều 6 Quyết định 261/QĐ-ĐHLHN, phải đáp ứng các điều kiện sau: Có bằng loại giỏi; Là tác giả của 1 bài báo hoặc báo cáo khoa học liên quan; Là công dân Việt Nam có một trong những văn bằng, chứng chỉ minh chứng năng lực ngoại ngữ.
Tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, Nhà trường căn cứ trên các văn bản pháp lý của Bộ GDĐT và Đại học Quốc gia Hà Nội, trong đó có Hướng dẫn số 556/HD-ĐHQGHN ngày 27/2/2023 về thực hiện công tác tuyển sinh sau đại học năm 2023 của Đại học Quốc gia Hà Nội.
Cụ thể như hồ sơ ứng tuyển của ông Vương Tấn Việt có đầy đủ các văn bản theo yêu cầu của thông báo tuyển sinh. Trong đó, bằng cấp cụ thể của ông Vương Tấn Việt như sau: Bằng cử nhân ngành Luật của Trường Đại học Luật Hà Nội cấp năm 2019 (kèm bảng điểm) có công chứng; Bằng tốt nghiệp đại học ngành tiếng Anh của Trường Đại học Hà Nội, hệ đào tạo từ xa, năm 2001 (bản sao từ sổ gốc có xác nhận của Hiệu trưởng Trường Đại học Hà Nội); Bằng tiến sĩ ngành Luật của Trường Đại học Luật Hà Nội cấp năm 2022 (kèm bảng điểm các học phần bổ sung chương trình đào tạo trình độ thạc sĩ) có công chứng.
Ông Vương Tấn Việt nộp một số bài báo khoa học đăng trên Tạp chí Dân chủ và Pháp luật, một số bài khoa học in trong Kỷ yếu Hội thảo khoa học trong nước, quốc tế, và có một số công trình về lĩnh vực tôn giáo học do NXB Tôn giáo ấn hành, trong đó có Giáo trình Thiền học, Thiền Meditation, Khí công là nền tảng của Thiền.
Trước khi Hội đồng chuyên môn thẩm định xem xét về chuyên môn của ứng viên, Nhà trường tiến hành xem xét thẩm định điều kiện ứng tuyển.
Rất khó để kiểm tra hết bằng cấp 3 của các thí sinh trúng tuyển
Liên quan đến quy trình xét tuyển đại học, ThS Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông, Trường Đại học Công thương TP.HCM cho hay: “Quy trình tuyển sinh của Trường hiện nay rất chắc chắn, chặt chẽ. Chúng tôi phải kiểm tra bằng cấp của thí sinh qua 2-3 bước rồi mới đi đến quyết định cuối cùng.
Hồ sơ nhập học của thí sinh yêu cầu cần có bản chính thức của bằng tốt nghiệp THPT, nếu hệ đại học. Nếu bằng thạc sĩ và tiến sĩ thì có bằng đại học, thạc sĩ bản chính thức và giấy xác nhận của cơ quan nơi công tác. Người xác nhận bằng cấp cũng phải là người có tính kỹ càng, có kinh nghiệm lâu năm. Nếu thí sinh sử dụng bằng cấp 3 giả mà để lọt, tôi nghĩ có thể do yếu tố chủ quan nào đó từ phía các trường đại học”.
Ths.LS Trịnh Hữu Chung, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Gia Định, cho biết: “Theo quy định, thí sinh phải cung cấp hồ sơ và đảm bảo tính trung thực các giấy tờ, bằng cấp của mình. Trường đại học không có trách nhiệm phải thanh tra bằng cấp, trừ trường hợp có nghi ngờ dấu hiệu bất thường. Bởi vì cùng một lúc có vài nghìn thí sinh, thậm chí có trường vài chục nghìn thí sinh trúng tuyển, nhà trường không thể xác minh hết được.
Hiện nay một số trường vẫn yêu cầu xác minh thông tin, tuy nhiên gây phiền hà, phức tạp cho thí sinh. Các em có thể về trường, về địa phương xác minh nhưng điều này lại thêm thủ tục, thêm giấy tờ gây mất thời gian, tiền bạc cho thí sinh”.
Ths.LS Trịnh Hữu Chung nói thêm: “Nếu trường nghi ngờ và phát hiện ra sinh viên sử dụng bằng cấp 3 giả sẽ hủy kết quả học tập, không công nhận văn bằng. Do vậy, thí sinh hãy đảm bảo tính trung thực, đừng để hủy hoại cả một quá trình học tập. Ngoài ra, nếu có hành vi gian lận, sinh viên cũng phải chấp nhận quyết định cao nhất của pháp luật về tội giả mạo giấy tờ, chữ ký của các tổ chức.
Sắp tới chúng ta có sổ học bạ điện tử, tôi nghĩ đây là hướng tốt. Điểm số có trên hệ thống quốc gia, các trường sẽ dễ kiểm tra hơn”.
TS. Phạm Hiệp, đồng trưởng nhóm nghiên cứu Đổi mới Giáo dục ở Hà Nội cũng cho rằng: “Một trường có rất nhiều thí sinh nên không thể nào kiểm tra hết được thông tin vì một khi muốn làm giả thì rất tinh vi. Nhà trường cũng không thể đủ kinh tế và năng lực để gửi công văn về các địa phương kiểm tra từng người. Chúng ta yêu cầu tính trung thực của thí sinh, cần có chế tài mạnh để xử phạt và nên có một công cụ mạnh để có thể kiểm tra thông tin được ngay, tuy nhiên, vấn đề chuyển đổi số cần thời gian mới thực hiện được”.
Leave a Reply