Ứng dụng công nghệ vào sản xuất tạo hiệu quả mới của nông nghiệp đô thị Đà Nẵng

Đưa khoa học công nghệ vào sản xuất

Xây dựng ngành nông nghiệp sinh thái, hiện đại, bền vững, nâng cao giá trị gia tăng gắn với du lịch và đô thị là mục tiêu quan trọng được xác định trong Chương trình hành động số 23-Ctr/TU ngày 30/11/2022 của Thành ủy Đà Nẵng về thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Ứng dụng công nghệ vào sản xuất tạo hiệu quả mới của nông nghiệp đô thị Đà Nẵng- Ảnh 1.

Vườn hoa lan rừng của chị Nguyễn Thị Thu Hiền (phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) là mô hình điểm trong phát triển nông nghiệp đô thị tại địa phương. Ảnh: T.H.

Bà Vũ Thị Bích Hậu – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) TP Đà Nẵng cho biết: “Những năm qua, ngành nông nghiệp thành phố đã đánh giá hiệu quả và hoàn thiện các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn trên địa bàn thành phố theo hướng ưu tiên cơ chế, chính sách về đất đai, tín dụng; hỗ trợ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp phục vụ du lịch.

Đồng thời, hỗ trợ phát triển giống phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp, nông thôn; khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; hỗ trợ phát triển hợp tác xã, làng nghề, sản phẩm OCOP và chính sách phát triển hoa, cây cảnh theo hướng đô thị, sinh thái”.

Ứng dụng công nghệ vào sản xuất tạo hiệu quả mới của nông nghiệp đô thị Đà Nẵng- Ảnh 2.

Mô hình hoa lan rừng của chị Hiền cho lãi hơn 1 tỷ đồng/năm. Ảnh: T.H.

Ứng dụng công nghệ vào sản xuất tạo hiệu quả mới của nông nghiệp đô thị Đà Nẵng- Ảnh 3.

Sở NN&PTNT đã tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để sớm đưa vào hoạt động các vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại các xã Hòa Phong, Hòa Khương, Hòa Phú (huyện Hòa Vang) và đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất trồng trọt, cấp mã số vùng trồng cho các vùng chuyên canh, sản xuất nông nghiệp tập trung.

Bên cạnh đó, rà soát lại quỹ đất nông nghiệp để hình thành khu vực chăn nuôi tập trung, đảm bảo các yêu cầu về môi trường, an toàn dịch bệnh. Đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp, trang trại chăn nuôi theo hướng hữu cơ, thân thiện môi trường; liên kết chăn nuôi theo chuỗi giá trị sản phẩm; hình thành các cơ sở sản xuất giống phục vụ tái cơ cấu con vật nuôi.

Phát triển nông nghiệp đô thị gắn với du lịch

Bà Hậu cho hay, trên lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, Sở NN&PTNT TP Đà Nẵng thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản, phát triển khai thác bền vững và chống khai thác hải sản bất hợp pháp; đẩy mạnh phát triển khai thác xa bờ gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo quốc gia.

Ứng dụng công nghệ vào sản xuất tạo hiệu quả mới của nông nghiệp đô thị Đà Nẵng- Ảnh 4.

Khu du lịch sinh thái kết hợp phát triển nông nghiệp Banarita Glamping Farm (xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng). Ảnh: Cường Hoàng.

Ứng dụng công nghệ vào sản xuất tạo hiệu quả mới của nông nghiệp đô thị Đà Nẵng- Ảnh 5.

Bình quân mỗi tháng, Banarita Glamping Farm đón từ 2.000-3.000 lượt khách. Ảnh: Cường Hoàng.

Nhiều vùng nuôi trồng thủy sản theo hướng hiện đại, an toàn sinh học cũng được đầu tư, hoàn thiện hạ tầng, định hướng phát triển kết hợp du lịch sinh thái. Ngoài ra, tại âu thuyền và cảng cá Thọ Quang cũng được quan tâm đầu tư, hoàn thiện theo hướng trung tâm dịch vụ nghề cá lớn của khu vực kết hợp phát triển du lịch.

Đặc biệt chú trọng công tác bảo vệ môi trường sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học, chất lượng giống lâm nghiệp để phục vụ trồng rừng gỗ lớn, khai thác hiệu quả dịch vụ môi trường rừng để phát triển du lịch xanh.

Ứng dụng công nghệ vào sản xuất tạo hiệu quả mới của nông nghiệp đô thị Đà Nẵng- Ảnh 6.

Ứng dụng công nghệ cao vào mô hình trồng hoa treo chậu mini của anh Thái Văn Công (phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) đem lại hiệu quả cao. Ảnh: T.H.

Hiện nay, trên địa bàn TP Đà Nẵng có nhiều mô hình nông nghiệp đô thị phát triển tốt, cho hiệu quả kinh tế cao như: mô hình trồng hoa cây cảnh của ông Lê Văn Khoa (quận Hải Châu), trồng rau ứng dụng công nghệ cao của anh Hồ Văn Liệu (quận Cẩm Lệ), trồng hoa lan các loại, trồng nấm linh chi và đông trùng hạ thảo của anh Nguyễn Văn Nhi (huyện Hòa Vang), dưa lưới và rau ăn lá Afarm….

Mô hình trồng hoa treo chậu mini của anh Thái Văn Công (phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu) là một trong những mô hình tiêu biểu về phát triển nông nghiệp đô thị, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của TP Đà Nẵng.

Ứng dụng công nghệ vào sản xuất tạo hiệu quả mới của nông nghiệp đô thị Đà Nẵng- Ảnh 7.

Mô hình trồng hoa treo chậu mini đã giúp anh Công thu lãi từ 300-500 triệu đồng/năm. Ảnh: T.H.

Anh Công chia sẻ: “Được Sở NN&PTNT TP Đà Nẵng hỗ trợ kỹ thuật tiên tiến để ứng dụng công nghệ cao vào thực hiện mô hình sản xuất hoa treo mini, tôi mạnh dạn cải tạo đất dự án đang chờ giải tỏa để đầu tư màng phủ chống cỏ dại, hệ thống mái che, tưới nước nhỏ giọt nhằm chủ động thích ứng với điều kiện khí hậu khắc nghiệt của miền Trung.

Hiện nay, vườn hoa của tôi rộng hơn 5.000m2, với khoảng 40.000 chậu hoa treo và hoa trang trí các loại được sản xuất gối đầu quanh năm. Từ đó, gia đình tôi có thu nhập hơn 300 triệu đồng, tạo việc làm cho 10 nhân công là lao động tại địa phương với mức lương trung bình 6-7 triệu đồng/người/tháng”.

Để phát triển nền nông nghiệp đô thị theo đúng định hướng đề ra, Sở NN&PTNT TP Đà Nẵng sẽ tiếp tục thu hút nguồn lực đầu tư phát triển nông nghiệp; đổi mới tổ chức sản xuất, thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp; thúc đẩy hợp tác liên kết, phát triển chuỗi giá trị; nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp tiên tiến, cho hiệu quả kinh tế cao….“. Bà Vũ Thị Bích Hậu – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP Đà Nẵng nhấn mạnh.


Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *