Vì sao các CLB Việt Nam cứ bị kiện lên FIFA là… thua và nộp tiền?

FIFA cấm bóng đá Việt Nam: Tất cả chỉ vì… tiền!

Như Dân Việt đã đưa tin, vừa qua, FIFA đã cấm bóng đá Việt Nam, cụ thể là CLB Khánh Hòa bị FIFA cấm đăng ký cầu thủ 3 kỳ chuyển nhượng liên tiếp.

Nghĩa là giai đoạn 1 (từ 15/8 đến 15/10/2024) và giai đoạn 2 (từ 20/1/2025 đến 12/32025) chuyển nhượng mùa giải 2024/2025, Khánh Hòa không được tham gia. Tiếp đó, lệnh cấm này tiếp tục kéo dài sang kỳ chuyển nhượng thứ 3, nghĩa là giai đoạn 1 mùa giải 2025/2026.

FIFA cấm bóng đá Việt Nam: Chuyện đâu của riêng Khánh Hòa - Ảnh 1.

Khánh Hòa bị FIFA cấm đăng ký cầu thủ 3 kỳ chuyển nhượng liên tiếp do bị Mamadou Guirassy kiện. Ảnh: VPF

Lý do dẫn đến sự việc này là do CLB Khánh Hòa bị ngoại binh Mamadou Guirassy kiện lên FIFA. Theo chân sút mang hai dòng máu Pháp và Guinea này, CLB Khánh Hòa phải đền bù cho anh 3 tháng lương do đơn phương chấm dứt hợp đồng trước thời hạn.

Số tiền là 26 nghìn USD (khoảng 650 triệu đồng) cộng với lãi suất thời gian “nợ tiền”. Vấn đề nằm ở chỗ, Khánh Hòa không phải là trường hợp đầu tiên thua kiện cầu thủ nước ngoài do những khúc mắc tài chính.

Trước Khánh Hòa, Than Quảng Ninh (đội bóng đã bị giải thể từ tháng 8/2021) do không có khả năng chỉ trả khoảng 60-70 tỷ đồng tiền lương, thưởng, phí lót tay cho cầu thủ cả nội và ngoại binh. Các cầu thủ nước ngoài đã khiếu nại lên FIFA, nhưng không thể đòi được tiền từ CLB do Công ty TNHH một thành viên Bóng đá Quảng Ninh (doanh nghiệp quản lý đội bóng) đã tuyên bố phá sản. 

Sau đó, Than Quảng Ninh đã bị FIFA cấm đăng ký cầu thủ từ ngày 31/5/2023.

Quá khứ xa hơn một chút, bóng đá Việt Nam nhiều lần mất tiền vì bị HLV, cầu thủ ngoại kiện lên FIFA. Đầu tháng 2/2021, HLV Fabio Lopez đã tuyên bố thắng kiện Thanh Hóa. Và đội bóng xứ Thanh sẽ phải đền bù 200 nghìn USD cho HLV người Italia.

HLV Lopez tới Việt Nam theo lời mời của bầu Đệ của Thanh Hóa thời điểm đó với bản hợp đồng hai năm (từ tháng 11/2019 đến tháng 11/2021 với mức lương khoảng 11 nghìn USD/tháng). Tuy nhiên, sau trận thua Quảng Nam 1-2 ở vòng 3 V.League 2020 hôm 6/6/2020 HLV Fabio Lopez đã bị sa thải.

Đột ngột mất việc mà không được trả đồng nào, HLV Lopez làm việc với Công ty luật SILA ở châu Âu. Ngày 2/2/2021, FIFA ra phán quyết yêu cầu Thanh Hoá sẽ phải trả cho Lopez cùng trợ lý đồng hương khoảng 200.000 USD (khoảng 4,6 tỷ đồng thời điểm đó).

Cũng trong tháng 2/2021, Thanh Hóa bị FIFA xử thua kiện ngoại binh người Senegal Idrissa Sega Cisse và phải đền bù 58.420 USD cho cầu thủ này cộng với 19.750 USD án phí cho Tòa án trọng tài thể thao quốc tế (CAS).

Trước đó, tháng 7/2019, CLB bóng đá Hải Phòng đã thua kiện chân sút người Jamaica Errol Stevens khi FIFA ra phán quyết phải đền bù cho Stevens số tiền 200 nghìn USD vì đã vi phạm hợp đồng ký kết giữa 2 bên.

Năm 2011, Navibank Sài Gòn từng chấp nhận chi đền bù 80 nghìn USD cho chân sút người Mexico Francois Edene vì lý do tương tự; hay Sài Gòn Xuân Thành phải trả cho Huỳnh Kesley 20 nghìn USD năm 2013.

“Xa xôi” nhất, chính VFF là những người phải “trả học phí” đầu tiên sau vụ kiện của HLV người Pháp Letard cách đây 19 năm.

Đầu năm 2005, VFF đã thua kiện HLV Letard và phải chấp nhận đền bù cho ông thầy người pháp số tiền 197.800 USD theo phán quyết của CAS vì đã đơn phương chấm dứt hợp đồng với lý do không chính đáng.

Câu chuyện bắt nguồn từ thời điểm năm 2002, trong quá trình chuẩn bị cho SEA Games 22 tổ chức tại Việt Nam, VFF đã ký hợp đồng với HLV Letard.

Sau 5 tháng làm việc, HLV Letard đã bộc lộ một số điểm chưa tích cực theo đánh giá của VFF từ việc tuyển chọn cầu thủ, ĐT Olympic Việt Nam thi đấu giao hữu thất bại, đặc biệt tại LG Cup.

Trước thực tế đó, VFF đã quyết định chấm dứt hợp đồng trước thời hạn, đàm phán với HLV Letard để đền bù 3 tháng lương cộng các phụ phí khác vào khoảng 35 nghìn USD.

Tuy nhiên, HLV Letard đã không đồng ý và kiện lên Ủy ban tư cách cầu thủ của FIFA. Ngày 25/2/2003, Uỷ ban tư cách cầu thủ của FIFA đã ra phán quyết: VFF bồi thường cho HLV Letard 35.000 USD (lương tháng, tiền nhà, vé máy bay – theo phụ lục 2 của hợp đồng). VFF đã chuyển số tiền này vào tài khoản luật sư của HLV Letard – người được ông uỷ quyền làm việc với VFF.

Nhưng HLV Letard vẫn không chịu phán quyết đó, tiếp tục kiện lên CAS. Đến ngày 30/9/2004, CAS đã gửi phán quyết tới VFF khẳng định: VFF buộc phải bồi thường cho HLV Letard 197.800 USD vì đã đơn phương chấm dứt hợp đồng với lý do không chính đáng. 

Hạn để nộp phạt là ngày 10/1/2005, nếu không sẽ cấm ĐT Việt Nam thi đấu các giải quốc tế.


Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *