Vì sao ngành Tâm lý học vẫn mơ hồ, xa lạ với nhiều bạn trẻ?

img

Ứng dụng kiến thức từ bộ môn Tâm lý góp phần cải thiện sức khoẻ tinh thần, nâng cao chất lượng đời sống. Nguồn: CLB Sinh viên Tâm lý

Tuy nhiên, nhiều người vẫn chưa hiểu được các khía cạnh ứng dụng đa dạng của ngành Tâm lý học vào thực tiễn đời sống và các lĩnh vực nghề nghiệp. Bởi vậy, họ cảm thấy cơ hội việc làm của ngành học này không nhiều và tương đối mơ hồ.

Không chỉ là “bác sĩ cảm xúc”

Tâm lý học là một ngành đang nhận được rất nhiều sự quan tâm, đặc biệt là từ giới trẻ. Ngành này vốn đã phát triển mạnh ở các nước phương Tây. Tuy nhiên tại Việt Nam, Tâm lý học mới chỉ phát triển khoảng vài chục năm trở lại đây, vẫn còn là lĩnh vực nghề nghiệp mơ hồ, xa lạ với một số bạn trẻ và các bậc phụ huynh. Nhiều ý kiến cho rằng đây vẫn là ngành học mới, cơ hội nghề nghiệp chưa nhiều.

Theo TS Lê Thị Mai Liên – Trưởng nhóm nghiên cứu Tâm lý ứng dụng, Phó trưởng khoa Tâm lý học, Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, ĐHQG TPHCM, Tâm lý học là ngành khoa học chuyên nghiên cứu về các lĩnh vực hiện tượng liên quan đến tâm lý, nội tâm của con người. Các vấn đề về tâm lý bao gồm hành vi, tinh thần, tư tưởng, lối suy nghĩ và cảm xúc của con người.

Tâm lý học sẽ đi sâu vào khai thác, làm rõ bản chất con người thông qua việc nghiên cứu và đánh giá những ảnh hưởng của môi trường cũng như yếu tố ngoại cảnh đến tâm lý con người. Không chỉ dừng ở việc nghiên cứu, ngành Tâm lý học còn giải thích chuyên sâu quá trình suy nghĩ, cách thực hiện và lý luận những hành vi đó.

Chị Trần Thị Tùng Lâm (26 tuổi, quận Cầu Giấy, Hà Nội) là một trong số những người có niềm đam mê mãnh liệt với bộ môn Tâm lý học. Ngay từ khi còn nhỏ, chị Lâm đã thích xem những bộ phim, chương trình khoa học liên quan đến phân tích hành vi cũng như tâm lý của con người. Tuy nhiên khi đó, ngành Tâm lý học chưa thật sự phổ biến ở Việt Nam vì vậy Tùng Lâm chưa có nhiều hiểu biết về bộ môn tâm lý.

“Ngày bé tôi chỉ nghĩ đơn giản, học Tâm lý học ra sẽ làm bác sĩ tâm lý. Mãi đến khi lớn, dành nhiều thời gian để tìm hiểu về bộ môn này, tôi mới biết thì ra cơ hội việc làm của ngành không chỉ gắn liền với nghề ‘bác sĩ cảm xúc’ như nhiều người vẫn lầm tưởng. Thậm chí, để được làm bác sĩ tâm lý, học ngành Tâm lý học là chưa đủ, còn phải học chuyên sâu về y khoa”, chị Lâm chia sẻ.

Chị Tùng Lâm cho biết: “Năm lớp 12, tôi bày tỏ nguyện vọng muốn theo học ngành Tâm lý học chuyên sâu song không nhận được sự ủng hộ từ cha mẹ. Lý do giống như nhiều bậc phụ huynh, bố mẹ tôi chưa hiểu được các khía cạnh ứng dụng đa dạng của ngành Tâm lý học vào thực tiễn đời sống và các lĩnh vực nghề nghiệp khác. Họ cảm thấy cơ hội việc làm của ngành học này mơ hồ và không ổn định”.

Ngành nghề gắn liền với đời sống

Không muốn trái lời bố mẹ, Tùng Lâm đành tạm gác giấc mơ theo đuổi bộ môn Tâm lý học để học một ngành khác. Tuy nhiên niềm đam mê vẫn âm ỉ nuôi dưỡng hoài bão của cô gái trẻ. Vì vậy năm 2020, sau khi tốt nghiệp đại học, Tùng Lâm quyết định đăng ký học văn bằng hai, chọn học bộ môn Tâm lý học tại Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội).

Theo đánh giá của Tùng Lâm thì cơ hội việc làm của ngành này rộng mở hơn rất nhiều so với suy nghĩ của nhiều người, đặc biệt là trong xã hội hiện đại.

“Thời điểm tôi theo học ngành này cũng là lúc đại dịch Covid-19 bùng phát, khi đó tôi càng cảm nhận rõ hơn sự cần thiết của ngành học. Tâm lý học có vai trò quan trọng hỗ trợ và chăm sóc tâm lý, giúp con người ứng phó với căng thẳng và khủng hoảng, cải thiện chất lượng cuộc sống của mỗi người. Đồng thời, có một tâm lý ổn định sẽ giảm thiểu ảnh hưởng xấu đến tình trạng sức khỏe tinh thần. Điều này giúp hạn chế được sự bất ổn sức khỏe thể lý và tăng cường khả năng phục hồi sức khỏe tinh thần nhanh chóng”, chị Lâm tự hào cho biết.

Theo TS Lê Thị Mai Liên, những năm gần đây, bộ môn tâm lý học đã dần trở nên phổ biến trong hoạt động giáo dục, đào tạo tại các trường đại học, được đưa vào chương trình giảng dạy của nhiều trường học ở Việt Nam. Các chuyên ngành đào tạo hoặc định hướng đào tạo chính bao gồm: Tâm lý học giáo dục, Tâm lý học phát triển trẻ em và vị thành niên, Tâm lý học xã hội, Tâm lý học đường/Tham vấn học đường, Tham vấn tâm lý, Tâm lý học lâm sàng, Tâm lý học tổ chức nhân sự, Tâm lý học quản trị kinh doanh.

Các lĩnh vực mà sinh viên Tâm lý học có thể phát triển nghề nghiệp như: Tham vấn tâm lý, giảng dạy tâm lý, giảng dạy kỹ năng sống, kỹ năng xã hội cảm xúc, tâm lý nhân sự, nghiên cứu khoa học, can thiệp và trị liệu tâm lý cho trẻ em, huấn luyện sức khỏe tinh thần, trị liệu tâm lý, tham vấn hướng nghiệp. Ngoài ra, với sự phát triển của các lĩnh vực ứng dụng của tâm lý học, có thể sẽ mở ra nhiều cơ hội mới cho sinh viên Tâm lý học trong tương lai.

Về mảng doanh nghiệp, các nhà tâm lý nhân sự có thể ứng dụng kiến thức trong hỗ trợ tâm lý cho nhân viên, quản lý các vấn đề căng thẳng, giảm áp lực xung đột trong công việc và mối quan hệ. Bên cạnh đó, xây dựng đội ngũ nhân lực, tuyển dụng và chiêu mộ nhân tài, đào tạo nhân sự, phát triển động lực làm việc và định hướng ngành nghề, kể cả nghiên cứu khảo sát về bầu không khí làm việc và tư vấn cải thiện môi trường làm việc phù hợp cho nhân viên.

Theo các chuyên gia, ngành tâm lý học cũng đóng vai trò quan trọng trong việc nghiên cứu, đánh giá tác động của đại dịch Covid-19 đến tâm lý và sức khỏe tâm thần của người dân Việt Nam. Điều này giúp cải thiện chất lượng các chương trình hỗ trợ tâm lý cho người dân, tăng cường sự hiểu biết về tâm lý con người trong một tình huống khó khăn như đại dịch. Người làm chuyên môn có thể sử dụng những kiến thức nghiên cứu này để hỗ trợ tâm lý sau đại dịch hoặc trong các tình huống nghịch cảnh tương tự.


Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *