Bản quyền Ngoại hạng Anh 2024/2025: Chuyện không phải của riêng một giải đấu!
Không chỉ là chuyện bản quyền Ngoại hạng Anh 2024/2025 mà trước mỗi mùa giải mới hoặc các sự kiện thể thao lớn như AFF Cup, EURO, World Cup, SEA Games, ASIAD, Olympic, người hâm mộ luôn thấp thỏm chờ đợi có được xem trực tiếp qua “sóng sạch” của VTV với các kênh quảng bá.
Lý do là những năm qua, giá bản quyền các giải đấu lớn đã leo thang với cấp số nhân và là “bài toán nan giải” với các nhà đài, trong đó có chính VTV trong việc cân đối thu (phần lớn từ việc bán quảng cáo) – chi.
Hai Đại hội lớn gần đây nhất là ASIAD 19 tại Hàng Châu (Trung Quốc) năm 2023 và mới đây là Olympic Paris 2024, không có nhà đài nào tại Việt Nam có bản quyền do không thể chấp nhận đi mua và chịu lỗ!
Lập tức, những cái tên như “xoilac”, “thapcam” trở nên quen thuộc với các khán giả. Những người có nhu cầu theo dõi màn thể hiện của các VĐV Thể thao Việt Nam bất đắc dĩ phải xem… lậu!
Tương tự như cách đây 6 năm, tại ASIAD 2018, người hâm mộ đã phải “cảm ơn” xoilac vì qua đó mới được xem Olympic Việt Nam dưới thời HLV Park Hang-seo thi đấu vòng bảng.
Phải đến khi Olympic Việt Nam có mặt ở vòng 1/8, Đài tiếng nói Việt Nam (VOV) mới đàm phán mua được bản quyền ASIAD 2018 với giá dưới 1,5 triệu USD nhờ sự giúp đỡ của hai doanh nghiệp lớn là Vingroup và Viettell; qua đó giúp người dân được xem trực tiếp thay vì phải xem qua các kênh lậu!
Có nghĩa là với đông đảo người hâm mộ, việc phải xem các trận đấu qua các kênh lậu là điều bất đắc dĩ. Chẳng có mấy ai xem lậu làm gì nếu các trận đấu, giải đấu thể thao được phát trên kênh quảng bá của VTV (?!).
Trong thời buổi kinh tế thị trường, nhiều gia đình cũng đều cố gắng “xác định” một phần chi phí cứng hàng tháng để là khách hàng một nhà đài quen thuộc là VTVcab hoặc VTC, SCTV, K+, Viettel hay FPT… Nghĩa là họ cũng xác định bỏ tiền để được xem thể thao chứ không chờ đợi được xem miễn phí như xưa!
Nhưng người dân cố gắng bao nhiêu thì dường như vẫn là… chưa đủ với các nhà đài. Mỗi đơn vị, nhà đài khi mới xuất hiện trên thị trường đều “dốc hầu bao” quyết tâm có bản quyền một giải đấu nào đó để vừa quảng cáo, thể hiện vị thế, vừa thu hút thuê bao.
Câu chuyện đáng nhớ nhất là trường hợp của K+ (liên doanh giữa VTV với Canal Plus của Pháp) khi mới xuất hiện năm 2009 đã “phá giá” mua bản quyền Ngoại hạng Anh 2010-2013 với giá 13 triệu USD – một con số cực “khủng” lúc ấy!
Trước đó, giai đoạn 2007-2010, VTC “khẳng định vị thế” khi mua bản quyền Ngoại hạng Anh với giá 4 triệu USD, cao gấp đôi giai đoạn 2004-2007.
Không dừng ở đó, K+ tiếp tục khiến tất cả ngỡ ngàng khi “bất chấp” tất cả, sở hữu bản quyền Ngoại hạng Anh 2013-2016 với giá khoảng 41 triệu USD và số tiền để họ có bản quyền Ngoại hạng Anh 2016-2019 là 46 triệu USD…
Muốn xem Ngoại hạng Anh, người dân chắc chắn phải là thuê bao của K+. Những người trước đó đã là thuê bao của VTVcab, VTC, hoặc phải “cắt bớt” nhu cầu hoặc “cố” thêm một chút thêm thuê bao K+.
Nhưng thế vẫn chua đủ, với sự xuất hiện của Viettel Telecom với TV360 và FPT, muốn tận hưởng đầy đủ mọi sự kiện thể thao, trong đó có các trận đấu của ĐT Việt Nam, V.League, người dân lại phải thêm 2 gói cước nữa.
Và không loại trừ khả năng trong tương lai, còn một đơn vị XYZ nào đó ra đời và cạnh tranh có bản quyền một giải đấu nào đó và người hâm mộ lại phải tiếp tục “chạy đua” (?!).
Cái khó là ngay cả khi “chạy đua” thành công thì vẫn có thể đứng trước cảnh phải… xem lậu! Vì như Dân Việt đã dẫn thông tin ở trên, ASIAD 19 và Olympic Paris 2024, không có nhà đài nào tại Việt Nam có bản quyền.
Thật là dở khóc dở cười nếu là thuê bao của 4-5 nhà đài mà vẫn phải rơi vào cảnh phải đi xem lậu!
Rõ ràng, đã đến lúc các nhà đài cần phát huy tối đa sức mạnh tập thể, có đơn vị cầm trịch, đủ uy tín đứng ra đàm phán với các đối tác quốc tế sau đó về chia sẻ với các nhà đài trong nước, đặt lợi ích của người hâm mộ, các khách hàng của mình lên hàng đầu, thay vì đặt yếu tố lợi nhuận của mình lên vị trí cao nhất.
Tránh trường hợp như trong quá trình đàm phán mua bản quyền Ngoại hạng Anh 2016-2019, 10 đài truyền hình Việt Nam đã thống nhất lập ra Ban đàm phán với vai trò chủ trì của Hiệp hội truyền hình trả tiền Việt Nam (VNPayTV), với mong muốn mua tất cả các trận đấu, không độc quyền và giá tăng không quá 20% so với ba mùa trước, tức vào khoảng 48 triệu USD.
Nhưng cuối cùng K+ lại rút ra khỏi Ban đàm phán, chủ động đàm phán riêng như những mùa trước và có bản quyền Ngoại hạng Anh 2016-2019 với giá khoảng 46 triệu USD!
Khó khăn lớn nhất khiến Ban đàm phán mua bản quyền Ngoại hạng Anh “tan vỡ” là nếu cùng nhau mua, các đơn vị truyền hình phải tiết lộ con số kinh doanh, số lượng thuê bao thực của mình với các “đối thủ”. Đó là chưa nói tới việc Ban đàm phán chưa có quy chế hoạt động, tư cách pháp nhân, tiền ở đâu… để đứng ra đàm phán…
Theo số liệu thống kê của Trung tâm Bản quyền nội dung số, Cục Phát thanh – Truyền hình và Thông tin điện tử – Bộ Thông tin và Truyền thông, hiện nay vi phạm bản quyền tại Việt Nam đang diễn ra hết sức phức tạp, với hàng loạt website vi phạm bản quyền đăng phát các giải bóng đá cũng như phim.
Số liệu từ SimilarWeb thời điểm cuối năm 2023 cho biết có khoảng hơn 70 website bóng đá lậu, với hơn 1,5 tỷ lượt view trong các năm 2022, 2023.
Việt Nam đứng thứ 3 trong khu vực về tỷ lệ vi phạm bản quyền, với 15,5 triệu người thường xuyên truy cập các website lậu; vi phạm trên các nền tảng số hiện là hình thức vi phạm chủ yếu với 80%.
Tại Việt Nam, chỉ riêng năm 2022 đã thiệt hại 348 triệu USD do vi phạm bản quyền! Thời điểm năm 2016-2017, VTVcab đã hai lần phải ngừng phát sóng Champions League và Europa League vì không bảo vệ được bản quyền. Nhà cung cấp bản quyền giải đấu cho VTVcab là KJ Investment Group Inc (Hàn Quốc) đã ngừng cung cấp tín hiệu.
Leave a Reply