Xin chào anh Võ Tự Đức, trên tài khoản cá nhân anh tự giới thiệu mình là “nông dân”, nên hiểu thế nào về danh xưng này, thưa anh?
– Trước tiên phải nói rằng, tôi là một nông dân thực thụ, tuổi thơ của tôi đã trải qua những công việc đồng ruộng ở một vùng quê của Hà Tĩnh.
Trong quá trình làm việc sau này, tôi được đi học tập, trải nghiệm ở các nước khác nhau, tôi quan sát và thấy rằng có nhiều đức tính rất tốt của người nông dân Việt Nam, trong đó là đức tính cần cù và kiên nhẫn.
Thêm nữa, nông dân Việt Nam rất ham học. Từ những đức tính tốt đẹp của nông dân, cộng với cội rễ của mình cũng là nông dân, nên tôi đã giới thiệu về bản thân mình như vậy trên trang facebook cá nhân.
Ngoài ra ở một khía cạnh nào đó, “Nông dân” cũng là từ khóa mà tôi theo đuổi, và được truyền cảm hứng từ những người khác, ví dụ như ở FPT có anh Nguyễn Thành Nam cũng sáng lập chương trình làm thế nào để nông dân viết code (code là hành động mã hóa được sử dụng nhiều nhất, code cũng được hiểu là ngôn ngữ lập trình cơ bản). Bản thân anh Nam cũng được truyền cảm hứng bởi sự thành công của Infosys – một trong những công ty phần mềm có tiếng của Ấn Độ và phạm vi toàn cầu, với từ khóa làm thế nào để mọi người có thể code được.
Và xét trong những nền kinh tế mới nổi như Việt Nam, dù sao những người làm trong các lĩnh vực như công nghệ thông tin cũng mang lại những giá trị thặng dư tốt hơn, bởi vậy khi có nhiều người viết code thì mức độ hòa nhập với thế giới cũng như là khả năng mang lại những giá trị thặng dư tốt hơn. Nói tóm lại, tôi cũng là người được truyền cảm hứng từ từ khóa “Nông dân”, và từ khóa đấy trong một chừng mực nào đó nó cũng dẫn dắt mình làm thế nào để những công việc mình làm có thể tạo ra những tác động cho những người mà ở đầu vào họ không có nhiều kỹ năng nhưng mình vẫn tạo ra những tác động như vậy để họ có thể gần hơn với lập trình, gần hơn với những giá trị của công nghệ thông tin, được tiếp cận với công nghệ thông tin với giá rẻ hơn. Đấy cũng là hướng mà tôi tiếp cận.
Công việc đầu tiên anh làm là gì và khi nhìn lại thì đâu là những bước ngoặt lớn trong sự nghiệp của anh?
– Trở lại với câu chuyện thuở ban đầu, tôi nhớ đến thời điểm lần đầu tiên mình thiết lập địa chỉ email Yahoo, đó là năm 2002 lúc đó tôi là sinh viên đại học năm 2. Đó cũng là lần đầu tiên tôi tiếp cận với internet, với công nghệ. Thời điểm đó tôi rất bỡ ngỡ về những gì mà internet mang lại. Sau khi lập email, tôi được tiếp cận nhiều hơn với công nghệ và sau khi ra trường, công việc đầu tiên tôi làm cũng là startup với công nghệ.
Tôi tò mò về cách các sản phẩm công nghệ được làm ra như thế nào. Ở thời điểm đó tôi tham gia vào công việc chỉ đóng vai trò phát triển kinh doanh, nhưng tôi lại tò mò về cách làm thế nào để tạo ra sản phẩm. Trong cả hành trình đi như vậy, tôi đã trải qua nhiều công việc khác nhau nhưng tất cả đều gắn với công nghệ. Có thời tôi làm về nội dung số, công nghệ viễn thông, đặc biệt là làm về các ứng dụng trên di động từ rất sớm (năm 2008)… Trong phần viễn thông, tôi cũng tham gia rất nhiều vào phần thiết bị viễn thông, đầu tiên là đi bán phần mềm, bán thiết bị có phần mềm và làm thế nào để đưa phần mềm đấy vào thiết bị công nghệ, rồi không chỉ đóng gói các câu chuyện về code mà đóng gói tích hợp các thiết bị công nghệ, cả hành trình dài như vậy tôi đã tích lũy được rất nhiều và có nhiều quan sát về nhiều công ty làm về startup công nghệ được Google đầu tư vào thời điểm 2008, 2009. Sau đó tôi đã được đi qua nhiều công ty về nhà mạng. Tuy nhiên bước ngoặt nhất vẫn là giai đoạn tôi tiếp cận toàn diện với các công nghệ của Google. Đặc biệt là năm 2012-2015 lúc tôi tiếp cận với Amazon Web Service, công ty chuyên về điện toán đám mây sau đó 3 năm sau bắt đầu tiếp cận với Google Cloud và Google WorkSpace, tham gia các hội thảo nước ngoài… tôi mới thấy bức tranh mở ra, thấy rất nhiều thứ phải học và thấy có rất nhiều cách để nhận sự giúp đỡ của người khác.
Có hai từ khóa phải học, đầu tiên là “có rất nhiều thứ phải học”, thứ hai là “nhận được rất nhiều cách giúp đỡ từ những cộng đồng nước ngoài”. Thế giới phần mềm đầu tiên là có rất nhiều người dành thời gian để phát triển các nguồn mở, sau đó là cho phép mọi người được sử dụng miễn phí. Có những người sử dụng một sản phẩm nào đó, sau đó họ trở thành người am hiểu mọi ngóc ngách của sản phẩm đó và họ trở thành người dành thời gian hướng dẫn cho những người đi sau.
Một trong vố số các tiện ích của Google, ngoài Gmail ra thì có Apps Script, AppSheet cũng là một sản phẩm tăng thêm của Google WorkSpace, và mình tham gia vào sản phẩm đấy từ lúc số lượng người dùng trên toàn thế giới đối với sản phẩm đó chỉ mới có 50 người mà ở thời điểm hiện tại đã lên đến 3 triệu Apps trong các doanh nghiệp sử dụng. Qua quá trình tham gia vào Google tôi có sự đánh giá và sau đó đi sâu vào sản phẩm ngành dọc.
Sau khi tôi đã vào guồng đó, mọi thứ cứ thế vận hành như dòng chảy. Cho đến cuối năm ngoái (2023), việc Google vinh danh, ghi nhận tôi trở thành chuyên gia đầu tiên ở Đông Nam Á trong lĩnh vực WorkSpace cũng là một bước ngoặt nữa.
Điều gì đã dẫn lối để anh trở thành chuyên gia Google WorkSpace đầu tiên của Google tại Đông Nam Á?
– Trên con đường đi, tất cả những người tôi đã gặp, đã học hỏi đều có thể xem đó là những người thầy, nhưng để tổng kết lại thì Internet là người thầy vĩ đại đối với tôi. Nhưng phải nói rằng, rào cản đầu tiên khi tôi tiếp cận Internet đó là ngôn ngữ. Thực tình thì khả năng tiếng Anh của tôi không có gì quá xuất sắc so với các bạn trẻ hiện nay. Tôi cũng phải vượt qua trở ngại đó.
Nhớ lại thời điểm của năm 2015, mỗi ngày trung bình tôi đọc khoảng 300 trang tiếng Anh, ngày nào cũng duy trì được tính liên tục mà không phải trang nào cũng hiểu, tôi phải vượt qua được những khó khăn đó. Nói sâu một chút về kỹ thuật, nó có sự liên kết chéo giữa các câu hỏi và vấn đề, khi tìm hiểu về vấn đề này sẽ liên quan đến những vấn đề khác và không phải cái nào tôi cũng hiểu. Vấn đề ở đây là phải đọc, tìm hiểu và tham chiếu với nhau để tìm ra sự liên quan và tìm thấy đáp án của mình. Trong những trường hợp không tìm thấy đáp án, kênh cuối cùng là phải gửi report (báo cáo) lên Google và lúc đó tôi phải ngồi chờ để ông chuyên gia nào đấy thấy được vấn đề tôi đang gặp phải, đưa lên thì người ta trả lời, nếu người ta không trả lời thì cũng chịu luôn.
Đó là điều tôi muốn định nghĩa người thầy lớn nhất là Internet và cách tôi đã khai thác Internet thế nào. Ngoài câu chuyện mình khai thác được hết tiềm năng của nó thì quay trở lại với câu chuyện đức tính kiên nhẫn của người nông dân. Có nhiều lúc đọc không hiểu, bạn hãy tưởng tượng là một người tiếng Anh không giỏi, tôi phải tự vượt qua những trở ngại đó.
Số lượng người giỏi về kỹ thuật thì ở Việt Nam rất nhiều, nhưng chỉ số đóng góp về mã nguồn mở cho cộng đồng như thế nào, cá nhân tôi nghĩ rằng, chắc vẫn còn nhiều điểm cần cải thiện. Cứ tưởng tượng ngược lại nếu không có sự hỗ trợ của các chuyên gia nước ngoài thì tôi không thể có được những điều hiện tại. Bởi tôi nhận được những sự giúp đỡ đó từ năm 2015 và sau đó tôi cố gắng đóng góp ngược lại cho cộng đồng. Việc Google ghi nhận là chuyên gia có hai thành tố quan trọng nhất, thành tố thứ nhất là bạn hiểu sâu sắc một sản phẩm nào đó, một công nghệ nào đó của họ. Hiểu đến ngưỡng là mình không phải là người tham gia làm sản phẩm đó từ đầu nhưng bây giờ mình hiểu toàn bộ kiến trúc của nó, hiểu khả năng của sản phẩm đó có thể làm được những gì và thậm chí hiểu cả khả năng nó không làm được gì.
Thậm chí bây giờ khi đã trở thành GDE rồi tôi cũng sẽ có những phiên họp để input (cung cấp tài liệu) lại cho những người đã tạo ra sản phẩm đó, thảo luận với nhau là nên điều chỉnh chỗ nào, nên nâng cấp chỗ nào để cho người dùng tốt hơn. Để trở thành một GDE, điều quan trọng là phải có sự đóng góp ngược lại cho cộng đồng như thế nào, được ghi nhận thông qua các chỉ số trên diễn đàn, trên các bài nói chuyện, cách bạn mô tả những công nghệ của Google ra sao để người dùng dễ hiểu….
Ngược lại sau khi mình đã được tham gia vào Google rồi mình sẽ được tham gia vào các dự án, thậm chí các bước liên quan đến legal (về luật) để giúp mình tiếp tục tham gia vào các bước phức tạp của Google.
Từ thời điểm anh được Google vinh danh đến giờ đã có chuyên gia thứ 2 là người Việt hay ở khu vực Đông Nam Á chưa?
– Ở khu vực Đông Nam Á thì chưa có người thứ 2 được vinh danh là chuyên gia trong lĩnh vực Google WorkSpace, còn ở trên thế giới tính từ thời điểm tháng 12/2023 tôi được vinh danh cho đến này thì mới có thêm được 2 người.
Trên danh bạ chuyên gia thì tổng số các chuyên gia Google trên lĩnh vực WorkSpace hiện có có 30 người.
Từ thời điểm đó, cuộc sống của anh có thay đổi nhiều không?
– Xét về phương diện cá nhân thì cuộc sống của tôi không thay đổi nhiều sau khi trở thành chuyên gia Google, vì tôi vẫn luôn cố gắng để làm công việc của mình một cách âm thầm nhất. Trên thực tế, thì sự thay đổi lớn nhất là khi tôi tham gia vào chuỗi Google tôi phải có trách nhiệm nhiều hơn với cộng đồng, đặc biệt là được làm việc chung với những người thực sự rất giỏi khắp nơi trên thế giới.
Trước đây người ta tiếp xúc thuần túy qua internet, họ có thể trả lời hoặc không trả lời, nay thì mình đã tham gia trực tiếp vào hệ thống qua các group, các nơi có thể thảo luận hoặc networking trong đó, có rất nhiều cơ hội mở ra.
Theo anh, một người “low tech –thấp công nghệ” liệu có thể sống yên ổn trong thời đại 4.0?
– Tôi vẫn nghĩ đến tận cùng thì công nghệ cũng chỉ để giải quyết một vấn đề nào đó của con người thôi. Nên vấn đề công nghệ thấp hay công nghệ cao khác nhau ở chỗ là nếu ai đó biết cách sử dụng công nghệ một cách thuần thục thì họ sẽ biết cách tăng được năng suất lao động.
Nói về công nghệ thì có nhiều lớp khác nhau: Có người chế tạo (hay là kiến tạo) ra công nghệ, có người đi phổ biến công nghệ, có người sử dụng công nghệ đó một cách thành thục phục vụ cho công việc của họ. Mỗi ngữ cảnh khác nhau đã cho ra các kết quả khác nhau. Câu chuyện ở đây là, AI (trí tuệ nhân tạo) ra đời đã thay đổi nhiều thứ. Mới đây tôi đọc một báo cáo ở bên Singapore khi quốc hội họp họ có nói một ý là, bây giờ họ sử dụng ngân sách để đào tạo lại lực lượng lao động trên 40 tuổi có khả năng sử dụng AI để thích nghi với bối cảnh mới, công nghệ mới. Khi một đất nước mà họ đã định hình ra như vậy thì hiển nhiên họ cũng có những đánh giá và phân tích về tác động.
Ở đây không phải là câu chuyện ‘low tech’ hay là ‘high tech’ nữa mà là ai cũng phải sử dụng công nghệ ở một mức độ nào đó áp dụng cho không chỉ công việc của mình mà còn chỗ trong đời sống cá nhân.
Ví dụ, giả sử một gia đình nào đó có con đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài, họ muốn kết nối với con cháu thì bắt buộc phải sử dụng một công nghệ nào đó một cách thuần thục chứ không thể không biết cách mà vẫn kết nối được hàng ngày…
Tôi cho rằng, bất cứ người nào cũng bị chi phối về công nghệ và ai sử dụng công nghệ cũng sẽ giúp cho người đó tăng tiềm năng hiểu biết. Nhưng câu hỏi đặt ra là, khi một người nào đó tăng được tiềm năng ở mức cực đại, vậy liệu người đó có hạnh phúc hay không thì câu chuyện hoàn toàn khác. Trong triết học phương Đông, quay trở về câu chuyện bên đạo giáo hay nói làm thế nào đó để vô vi, tức là bàng quan với những thứ xung quanh, trong Phật giáo cũng có nói làm thế nào để cân bằng với đời sống thực tại, để tìm kiếm sự an yên, hạnh phúc trong đời sống thực tại, hiện tại. Tổng kết là, ai cũng phải cần trang bị cho mình được kỹ năng thích nghi với sự thay đổi của công nghệ, nhưng mà phải biết làm thế nào để cân bằng khi có quá nhiều thiết bị công nghệ.
Và có một câu hỏi mà tôi hay nhận được, làm thế nào để đơn giản hóa ngôn ngữ của công nghệ hơn?
Mình nên bắt đầu vào việc thực tế đã đơn giản hóa ngôn ngữ của công nghệ rồi. Tôi giả sử bây giờ có một bác nông dân Việt Nam đi sang Singapore để du lịch vào một siêu thị toàn bộ các sản phẩm trong đó đều được niêm yết bằng tiếng Anh, miễn là bác có điện thoại thông minh, trong đó có phần mềm Google language, Google Lens, bác có thể sử dụng phần mềm đó để dịch ra ngôn ngữ tiếng Việt để hiểu về các thông tin về hàng hóa ra sao, công nghệ thế nào… Bản thân công ty như Google, sứ mệnh của các kỹ sư là làm thế nào để các công nghệ đó dễ dùng và dễ dùng đến mức… gây nghiện.
Chúng ta vừa bước vào năm 2024, năm mà người ta đánh giá AI sẽ khiến hàng triệu người thất nghiệp. Anh nghĩ sao về điều này?
– AI đang làm thay đổi cuộc sống, đặc biệt là đối với những người trước đây có những rào cản tiếp cận công nghệ khó khăn, nay AI còn giúp họ bước qua những rào cản đó nữa. Đây là kỷ nguyên của AI thì mọi công nghệ còn đơn giản hóa hơn nữa. Câu hỏi ở đây là bạn có đủ tò mò, có đủ kiên nhẫn để vượt qua được những rào cản có hay không, chỉ có điều bạn có muốn làm điều đó hay không.
Để nói về việc AI sẽ khiến hàng triệu người thất nghiệp, vừa rồi có thống kê trước thời điểm ChatGPT ra đời thì số lượng công việc về viết tăng trưởng đều, sau khi ChatGPT ra đời thì khối lượng công việc đó giảm đi 20% trong vòng khoảng 8 tháng. Nhưng đổi lại AI tạo ra những cơ hội mới. Trước đó người ta nói về công việc tạo ra video editing thì lại thấp nhưng sau khi ChatGPT ra đời và ở thời điểm này có trí tuệ nhân tạo cộng sinh thì khối lượng công việc này lại tăng hơn 20%. Từ những số liệu này nói rằng, AI vừa tạo ra những công việc mới nhưng cũng làm giảm hẳn nhu cầu của những công việc cũ. Điều tôi muốn nói là AI ra đời vừa tăng công việc mới nhưng giảm công việc cũ vậy vấn đề ở đây là làm thế nào để thích nghi.
Một chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ lãng mạn. Tôi không dùng từ “nhưng” bởi hình như chẳng có quy luật nào rằng công nghệ thì không thể đồng hành cùng lãng mạn. Anh có thể chia sẻ một chút về sự lãng mạn của mình, đặc biệt là trong tình yêu không?
– Khi nói về lãng mạn người ta hay nghĩ đến những người nào đó gắn liền với nghệ thuật. Thực tế tôi cũng có nhiều hứng thú với âm nhạc, từ thời sinh viên đã có thể chơi được một số nhạc cụ, như chơi đàn, từ nhỏ đã tự học thổi sáo… Trở lại những năm 2007, 2008 lúc đó tôi đang trong giai đoạn tìm hiểu bà xã bây giờ. Bạn gái lúc đó đang sống ở Pháp xa xôi thì gọi điện thoại rất tốn tiền nhưng đôi khi chỉ gọi điện thoại để hát cho bạn gái nghe vài câu, hay chơi một bản nhạc. Bạn gái tôi ở Pháp cũng đi làm thêm và lúc đi trên tàu điện ngầm chúng tôi gọi điện cho nhau và đôi khi chỉ hát một bài cho bạn gái nghe.
Sau khi kết hôn, tôi vẫn cố gắng duy trì sự lãng mạn đó cho đến bây giờ. Cứ lúc nào tụ tập bạn bè đều có một cây đàn, ca hát.
Có người nói rằng, định nghĩa thành công là tạo ra giá trị cho xã hội và tạo ra tiền của, danh tiếng cho bản thân. Anh có đồng tình với ý kiến này? Anh tự thấy bản thân có phải là một người thành công không?
– Đến thời điểm này tôi thấy rằng bản thân thực sự là một người chịu khó, tò mò về những thứ xung quanh. Chính sự tò mò đó đã dẫn dắt tôi trải qua nhiều chủ đề khác nhau, giúp tôi có những trải nghiệm đa dạng, làm dày về những điều mình muốn học.
Không có cuộc đời nào là hoàn hảo, điều gì giúp anh có thể bỏ qua những khiếm khuyết để nhìn thấy ánh sáng trong cuộc đời mình?
– Mình đọc nhiều, và chiêm nghiệm, thì thấy rằng, để đạt được trạng thái rằng mình nhìn khiếm khuyết của một người thông qua lăng kính khiếm khuyết của mình trước mình cũng khiếm khuyết như họ thì mình phải trang bị cho mình kỹ năng trước. Kỹ năng đó là gì? Tôi cho rằng đó là kỹ năng luôn luôn đặt câu hỏi điều gì là quan trọng nhất với bản thân mình? Tôi muốn nhấn mạnh đó là tính liên tục thì trải qua một quá trình dài như vậy mình sẽ vỡ ra được những thứ quan trọng.
Xin cảm ơn anh!
Leave a Reply