Tất nhiên không phải cầu thủ nào chơi ở hạng Nhất cũng được trả giá cao, mà họ phải là những cầu thủ được chọn lọc cho mục tiêu của ông chủ. Cụ thể như Đặng Văn Lâm, Thanh Thịnh hay Huỳnh Tấn Sinh… được “săn” từ các đội V.League xuống chơi hạng Nhất, với cái giá cao hơn khi chơi ở hạng cao hơn, để phục vụ cho mục tiêu của đội bóng hạng dưới mà họ đầu quân.
Thêm một nghịch lý của bóng đá Việt Nam, trong lúc nhiều đội bóng tại V.League đang khó khăn trong việc tìm nhà tài trợ và kinh phí cho mùa giải mới thì ở hạng Nhất, có đội bóng lại đầu tư rất mạnh để lên hạng bằng mọi giá và biến thành thỏi nam châm thu hút tài năng.
Tất nhiên, nguồn tài chính mạnh ở những đội bóng như thế không phải do “đội ăn nên làm” ra mà chỉ là mục đích của ông chủ. Họ tập trung đầu tư vào đội bóng địa phương, nhằm tính toán phát triển thêm những dự án lớn tại địa phương ấy mà thôi.
Cụ thể rõ nhất ở những mùa trước, một đại diện miền Trung rất rủng rỉnh tiền bạc nhờ ông chủ phất lên cùng những dự án lớn ở địa phương, nhưng sau này khi nguồn thu ở địa phương đã cạn hoặc đã hết thì đường ai nấy đi. Không hề có sự tồn tại bền vững giữa doanh nghiệp gắn với CLB!
Trước đây, nghịch lý của bóng đá Việt Nam từng được chuyên gia Đoàn Minh Xương ví von theo kiểu không giống ai. Đó là phát triển theo “mô hình siêu mẫu” chứ không phải hình chóp như các quốc gia trong khu vực và thế giới vẫn làm. Theo mô hình chuẩn này, tuyến dưới phải nhân rộng và có nhiều đội bóng tham gia, càng lên cao thì phần trên lên đỉnh phải càng nhỏ lại.
Cụ thể ở các quốc gia khác, nếu giải vô địch quốc gia có 14 đội thì hạng dưới (kiểu hạng Nhất của Việt Nam) sẽ có từ 18 đến 20 đội, và hạng Nhì là 25-30 và thậm chí là nhiều CLB hơn. Đằng này ở Việt Nam, trong khi V.League cố duy trì 14 đội thì giải hạng Nhất càng lúc càng teo tóp. Từ quân số 12 đội nhưng đến nay vài đội đã báo với VPF là không thể tham dự, khiến giải đứng trước nguy cơ không đủ 12 đội tham gia tranh tài.
Với mặt bằng hạng dưới teo tóp theo “mô hình siêu mẫu”, bóng đá Việt Nam khó lòng có được những tuyến kế thừa đảm bảo trong khi phần phình ra ở V.League nhiều lúc cũng chỉ mang tính chữa cháy. Cụ thể, có những đội vô địch Cúp quốc gia nhưng khi AFC khảo sát lại không đủ chuẩn chuyên nghiệp để tham dự giải đấu cấp CLB châu Á.
Leave a Reply