Hiện nay, huyện Thăng Bình đang tập trung mọi nguồn lực để đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng, phấn đấu xây dựng thành công huyện nông thôn mới vào năm 2026.
Nông thôn khởi sắc
Hơn 12 năm qua, huyện ủy, UBND huyện Thăng Bình đã quyết liệt trong công tác chỉ đạo; kịp thời củng cố, kiện toàn hệ thống bộ máy chỉ đạo, giúp việc thực hiện Chương trình nông thôn mới các cấp trên địa bàn huyện, xã; cụ thể hóa các quy định của Trung ương, tỉnh; ban hành đầy đủ các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc triển khai xây dựng nông thôn mới.
Qua đó kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện để đảm bảo hoàn thành các mục tiêu đề ra.
Ông Nguyễn Văn Húy – Phó Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình cho biết: “Tính đến nay, huyện Thăng Bình có 20/20 xã đã đạt chuẩn nông thôn mới, trung bình toàn huyện đạt 18,2 tiêu chí/xã. Năm 2023, huyện xây dựng 2 xã nông thôn mới nâng cao là Bình Phú và Bình Chánh. Hiện nay, cả 2 xã trên đã hoàn thiện xong hồ sơ minh chứng kết quả thực hiện Bộ tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao và đang chờ UBND huyện tổng hợp hồ sơ trình UBND tỉnh đánh giá, xét công nhận”.
Về tiêu chí huyện nông thôn mới, Thăng Bình đạt 4/9 tiêu chí gồm: quy hoạch, thủy lợi, điện, an ninh trật tự – hành chính công. Đối với các tiêu chí chưa đạt, huyện chủ động xây dựng kế hoạch, giải pháp thực hiện cụ thể, phấn đấu đến năm 2026 hoàn thành 100% tiêu chí.
Ngoài ra, huyện Thăng Bình có 29/94 thôn được công nhận đạt chuẩn thôn nông thôn mới kiểu mẫu, tỷ lệ đạt 30,8%. Ước tính đến cuối năm 2024, có thêm 10 thôn được công nhận thôn nông thôn mới kiểu mẫu, nâng số thôn đạt chuẩn lên 39/94 thôn, đạt tỷ lệ 41,4%.
Hạ tầng kinh tế – xã hội trên địa bàn huyện cơ bản đồng bộ, hiện đại, đảm bảo kết nối nông thôn – đô thị và kết nối với các địa phương khác, diện mạo nông thôn ngày càng khang trang.
Đồng thời, huyện Thăng Bình đang dần bắt kịp nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội khu vực thành thị, rút ngắn khoảng cách với khu vực đô thị. Đến nay, 100% số xã đạt chuẩn về các tiêu chí: giao thông, thủy lợi và phòng chống thiên tai, điện, trường học, hạ tầng thương mại nông thôn, thông tin truyền thông, nhà ở dân cư.
Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và nguồn lực đầu tư từ ngân sách trong những năm đầu triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, song các địa phương vẫn duy trì và tăng cường đầu tư các nguồn lực, nâng cấp, xây mới, phát triển các hạng mục hạ tầng kinh tế – xã hội ở nông thôn. Từng bước xây dựng các thôn nông thôn mới kiểu mẫu trở thành những “miền quê đáng sống”, đó mới là đích đến của nông thôn mới.
Ông Nguyễn Tấn Thu – Giám đốc Ban quản lý dự án – đô thị huyện Thăng Bình cho hay: Thời gian qua, các dự án đầu tư xây dựng cơ bản, nhất là giao thông, trường học… đã giúp cho diện mạo nông thôn tại huyện Thăng Bình đổi thay từng ngày.
Đặc biệt, các dự án thực hiện theo nguồn vốn từ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt, phát triển kinh tế – xã hội của người dân, góp phần rút ngắn khoảng cách giữa thành thị và nông thôn. Cơ sở hạ tầng được đầu tư ngày càng hoàn thiện là nền tảng để Thăng Bình hướng đến huyện nông thôn mới vào năm 2026.
Tập trung cải thiện thu nhập cho người dân
Là huyện thuần nông, Thăng Bình tập trung điều chỉnh quy hoạch phát triển sản xuất phù hợp, xây dựng các khu sản xuất nông, lâm, ngư tập trung; đẩy mạnh tích tụ ruộng đất, áp dụng cơ giới hóa trong nông nghiệp; xây dựng các vùng nguyên liệu nông sản gắn với cấp mã vùng trồng, mã vạch…. Đây là tiền đề và cơ sở để thúc đẩy người dân hợp tác, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với sơ, chế biến và tiêu thụ nông sản hàng hóa.
Ông Đoàn Thanh Khiết – Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thăng Bình cho hay: “Những năm qua, địa phương tập trung thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng mở rộng quy mô tập trung, ứng dụng công nghệ cao, sản xuất theo chuỗi giá trị. Phát triển đồng bộ nông nghiệp, nông thôn, từng bước nâng cao đời sống vật chất – tinh thần của người dân.
Một số địa phương có nhiều đột phá, nhất là các xã vùng Đông của huyện với kinh tế thủy sản phát triển ngày càng lớn mạnh. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, sản xuất đã chuyển dần sang hướng sản xuất hàng hóa, nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, liên kết trong sản xuất tiêu thụ sản phẩm được hình thành”.
Từ đó, kinh tế nông thôn có bước phát triển lớn. Đến cuối năm 2023, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn của huyện Thăng Bình đạt 50,8 triệu đồng (tăng 7 triệu đồng so với năm 2021).
Cùng với đó, Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) được huyện đặc biệt quan tâm, triển khai hiệu quả với 31 sản phẩm đạt chuẩn. Trong đó, nhiều sản phẩm OCOP được đưa vào các siêu thị, nhà hàng, khu du lịch ở Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Đà Nẵng… và một số sản phẩm được xuất khẩu sang nước ngoài như: Yến tinh chế sấy khô, tinh bột nghệ Tabitha, bột rau má sấy lạnh Tabitha….
Bên cạnh phát triển kinh tế, UBND huyện đã chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức triển khai thực hiện kịp thời, đồng bộ, hiệu quả các chương trình, dự án, chính sách về hỗ trợ giảm nghèo bền vững. Qua đó, hộ nghèo toàn huyện giảm còn 1.269 hộ, chiếm tỷ lệ 2,27%, giảm 0,42% so với năm 2021. Hiện nay, toàn huyện có 20/20 xã đạt tiêu chí số 11 về nghèo đa chiều.
Ông Nguyễn Văn Húy – Phó Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình nhấn mạnh: “Để sớm đạt mục tiêu trở thành huyện nông thôn mới, Thăng Bình tiếp tục nâng cao vai trò của hệ thống chính trị trong xây dựng nông thôn mới, quyết tâm giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt.
Đẩy mạnh công tác xã hội hóa, huy động mọi nguồn lực thực hiện các công trình giao thông nông thôn; xây dựng đời sống văn hóa; giải quyết việc làm, giảm nghèo; đẩy mạnh đầu tư y tế, giáo dục, cơ sở hạ tầng…”.
Leave a Reply