Nam sinh TP.HCM với dự án khởi nghiệp xuất sắc: “Cho cần câu hơn cho con cá”

Nam sinh “đặc biệt” với ấp ủ hỗ trợ khó khăn cho người khuyết tật 

Nguyễn Ngọc Nhứt hay còn gọi là “Cụt yêu đời” – sinh viên ngành Marketing, Viện Công nghệ Việt – Hàn, Trường Đại học Công nghệ TP.HCM. Nam sinh là một người không may mắn khi khiếm khuyết đôi bàn tay nên thấu hiểu hơn ai hết những khó khăn mà mình và những người cùng hoàn cảnh phải đối diện.

Xuất phát từ chính câu chuyện của bản thân, Nhứt đã cùng các bạn bàn bạc và đưa ra sáng kiến phát triển công cụ hỗ trợ cho người khuyết tật chi trên trong sinh hoạt thường ngày, để họ có thể tự chăm sóc bản thân. Và đó là cách mà bộ khớp đa năng ra đời.

Nam sinh TP.HCM với dự án khởi nghiệp xuất sắc:

Nguyễn Ngọc Nhứt gặp tai nạn trong lao động từ năm lớp 9 nhưng luôn nỗ lực mỗi ngày để trở thành người có ích. Ảnh: NVCC

Với ý tưởng khả thi, truyền cảm hứng mạnh mẽ, có kế hoạch phát triển cụ thể, phần trình bày thuyết phục, nhận được sự nhất trí cao từ Hội đồng Giám khảo, dự án Bộ khớp đa năng – Hỗ trợ cho người khuyết tật vận động chi trên do Nguyễn Ngọc Nhứt đã xuất sắc giành giải cao nhất của cuộc thi HUTECH Startup Wings 2024 vừa qua. Cuộc thi hiện thực hóa ước mơ khởi nghiệp – làm chủ của sinh viên, khuyến khích tư duy sáng tạo cũng như kết nối người học với doanh nghiệp mà Nhứt từ lâu đã ấp ủ tham gia.

Ngọc Nhứt cho biết, sản phẩm bộ khớp đa năng gồm hai bộ phận chính là phần kết nối trực tiếp với mỏm cụt của tay (hay còn gọi là socket) và bộ phận khớp. Các khớp này có nhiều tính năng khác nhau và có khả năng thay thế sao cho phù hợp với từng công việc người khuyết tật muốn thực hiện như: cầm muỗng, gõ phím, sử dụng chuột máy tính. Trong suốt khoảng một năm, cả nhóm đã liên tục nghiên cứu, mang cho người khuyết tật ở nhiều nơi thử nghiệm, khắc phục những hạn chế và sản phẩm hiện tại được xem như là đã hoàn thiện. Bên cạnh bộ khớp đa năng, Ngọc Nhứt và các bạn đang ấp ủ phát triển thêm những sản phẩm mới có nhiều công dụng khác để phục vụ người khuyết tật.

“Em nghĩ nên cho cần câu hơn cho con cá, em mong muốn làm sao để người khuyết tật tự tin nhất có thể. Để được như vậy thì họ phải có khả năng tự làm tất cả mọi việc, và khi đó họ sẽ sẵn sàng bước ra ngoài để tiếp cận và nắm bắt những cơ hội. Khi người khuyết tật độc lập thì cũng góp phần làm giảm áp lực lên gia đình và xã hội”, Nhứt nói.

Nam sinh TP.HCM với dự án khởi nghiệp xuất sắc:

Từ trải nghiệm bản thân, Nhứt luôn trăn trở làm sao để hỗ trợ tốt nhất cho người khuyết tật và dự án xuất sắc giành giải thưởng, mang niềm vui đến cho mọi người. Ảnh: NVCC

Hành trình vượt khó trở thành sinh viên đại học

Đối với một người bình thường, việc học tập tốt đã đòi hỏi sự cố gắng, nỗ lực lớn nhưng với Nguyễn Ngọc Nhứt thì càng khó khăn hơn gấp bội. Ba Nhứt làm nghề thợ sắt, mẹ làm nội trợ. Năm học lớp 9, nam sinh thấy ba mẹ lao động khó khăn, đã nghỉ học để đi phụ việc với ba. Một lần theo ba đi làm công trình, không may cậu bị thanh sắt vướng vào dây điện và bị điện giật. Gia đình đưa đi chạy chữa trong hai tháng, từ Cần Thơ lên TP.HCM, nhưng cứu không được, buộc phải cưa bỏ đôi tay.

Đó là một cú sốc lớn với Nhứt, là thời gian sống trong bế tắc. Cậu tự thu mình lại trong không gian kín khi tuổi đời đang còn quá trẻ, nhiều hoài bão tương lai nhưng phải dừng lại khi đôi tay không thể tự xúc ăn cơm. Do không thể tự sinh hoạt, cậu lại phải theo chân ba mẹ đi làm. Nhiều lần bật khóc trước sự vất vả của người thân. 

Nam sinh TP.HCM với dự án khởi nghiệp xuất sắc:

Nhứt tham gia các hoạt động thiện nguyện để cảm ơn cuộc đời. Ảnh: NVCC

Trong một lần tình cờ thấy các anh chị khuyết tật dạy học ở trường tiểu học, Nhứt chợt nhận ra khi không có đôi tay con đường duy nhất chỉ có thể học mởi trở thành con người có ích. 

Nhứt quyết định quay trở lại trường, hoàn thành chương trình phổ thông và chinh phục ước mơ đại học mà chưa bao giờ nghĩ tới trước đó. Trong quá trình học cập, Nhứt luôn thể hiện là một học sinh có học lực rất đáng nể và đặc biệt luôn góp phần truyền động lực tích cực, thúc đẩy phong trào ở trường, lớp.

Không những thế, Nhứt còn nhờ người chế đôi tay giả gắn cố định trên xe máy để có thể tự đi đến những nơi mà mình muốn đến, tăng cơ hội cho bản thân để được nghe nhiều, được học tập nhiều hơn.

Nhứt còn nỗ lực tham gia các hoạt động thiện nguyện như tham gia trao quà cho bà con khó khăn ở Đắk Lắk, phát quà cho trẻ khó khăn, người già neo đơn tại TP.HCM và nhiều tỉnh thành khác. Hiện nay, Nhứt còn hoạt động với vai trò như một diễn giả truyền cảm hứng trong nhiều chương trình.

Trao đổi với PV báo Dân Việt, PGS.TS. Phan Đình Nguyên, Phó Hiệu trưởng Trường Đại Học Công Nghệ TP.HCM, Viện trưởng Viện Công nghệ Viện – Hàn nhận xét: “Nguyễn Ngọc Nhứt là một trong những sinh viên rất đặc biệt của Viện. Dù gặp nhiều khó khăn do khiếm khuyến về đôi tay nhưng nghị lực sống vượt qua nghịch cảnh của Nhứt là rất đáng khâm phục. Trong suốt thời gian tại đây, em rất lạc quan, chăm chỉ và nỗ lực không ngừng, có thành tích học tập khá tốt, luôn tích cực tham gia các hoạt động phù hợp với thể chất của em và là tấm gương truyền cảm hứng cho các em sinh viên khác”.


Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *