Một doanh nghiệp Việt Nam thu 25 triệu USD từ xuất khẩu sầu riêng đông lạnh
Là chủ doanh nghiệp có thế mạnh về xuất khẩu sầu riêng, dừa, bưởi, thanh long hàng đầu tại Việt Nam, ông Nguyễn Đình Tùng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Vina T&T Group cho biết, doanh nghiệp đang có 10 cơ sở đóng gói phân bố ở các vùng nguyên liệu lớn tại ĐBSCL, Tây Nguyên.
Bên cạnh đó, Vina T&T còn có 2 nhà máy chế biến nông sản cùng các dây chuyền, kho lạnh hiện đại, được đầu tư 50-60 tỷ đồng/kho tại tỉnh Bến Tre.
Quy trình xử lý, đóng gói tại các nhà máy đạt tiêu chuẩn quốc tế ISO 9001:2015, HACCP, vì vậy Vina T&T tự tin đáp ứng được yêu cầu của các khách hàng khó tính nhất.
Trao đổi với PV Dân Việt, ông Tùng nhận định trái sầu riêng đang có rất nhiều cơ hội tiến sâu hơn vào thị trường nội địa của Trung Quốc cũng như các thị trường lớn khác.
Trước đó, Vina T&T đã xuất khẩu sầu riêng đông lạnh đi nhiều nơi, chủ yếu là những vùng xa mà sầu riêng tươi không thể tới được. Vì thế, ngay khi Nghị định thư xuất khẩu sầu riêng đông lạnh sang Trung Quốc được kí kết, Vina T&T đã trong tâm thế sẵn sàng để đưa hàng sang thị trường tỷ dân này.
“Đây là cơ hội tuyệt vời cho các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu sầu riêng, khai thác tốt hơn giá trị của loại trái cây này. Vina T&T đang làm nhiều dạng sản phẩm cấp đông, như sầu riêng nguyên trái, sầu riêng nguyên múi còn hạt, nguyên múi không hạt; cấp đông dạng kem, vỡ vụn để dùng chế biến. Nói chung tuỳ theo nhu cầu của khách hàng Trung Quốc, cứ có tiêu chuẩn, báo giá cụ thể thì doanh nghiệp Việt Nam sẵn sàng” – ông Tùng cho biết.
Công nhân bóc tách múi sầu riêng trước khi đưa vào cấp đông tại nhà máy của Vina T&T. Ảnh: Vina T&T Group
Đánh giá về lợi thế của mặt hàng sầu riêng đông lạnh, ông Tùng cho biết, hàng cấp đông có thể bảo quản thời gian dài, dễ dàng len lỏi vào nội địa Trung Quốc, còn sầu riêng tươi chỉ có thể bán ở những nơi thuận tiện, không đi được xa và nếu giá xuống thấp đột ngột thì doanh nghiệp sẽ rất bị động.
Điều quan trọng nhất là sầu riêng đông lạnh vào được thị trường tỷ dân sẽ hóa giải áp lực nguồn cung khi vào cao điểm thu hoạch.
Mặc dù Trung Quốc là thị trường rộng lớn và Việt Nam đã xuất khẩu lượng lớn sầu riêng tươi sang nước láng giềng, nhưng vẫn chỉ tiếp cận được một tệp khách hàng nhỏ.
Các vùng phía Bắc xa xôi, khu tự trị Nội Mông…, gần như doanh nghiệp Việt Nam chưa thể tiếp cận được do vấn đề bảo quản sản phẩm. Thực tế sầu riêng Việt Nam bây giờ có quanh năm, sản phẩm cấp đông của Việt Nam đã xuất khẩu đi nhiều nước xa xôi như Mỹ, các nước châu Âu.
“Vấn đề cần quan tâm hiện nay là thị trường có nhu cầu như thế nào, chứ không phải kí Nghị định thư xong là xuất đi được ngay” – ông Tùng nói.
Mặc dù vậy, ông Tùng tin tưởng với hệ thống đối tác lớn tại Trung Quốc mà nổi bật là Tập đoàn Sunwah, năm nay T&T sẽ đạt kim ngạch khoảng 25 triệu USD từ xuất khẩu sầu riêng đông lạnh. Cùng với việc dừa tươi cũng được xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc, Vina T&T dự kiến sẽ thu thêm khoảng 10-17 triệu USD.
Trung bình mỗi ngày, kho sầu riêng của Vina T&T xuất khẩu 1 container đi Trung Quốc. Ảnh: Vina T&T
Hiện, doanh nghiệp của ông Tùng đang tập trung thu mua sầu riêng tại Tây Nguyên. Năm ngoái, trung bình mỗi ngày Vina T&T xuất khẩu 1 container sầu riêng sang Trung Quốc loại 18 tấn.
“Để có đủ nguyên liệu phục vụ sản xuất, chế biến, Vina T&T đã liên kết với hàng ngàn hộ nông dân từ Sơn La cho tới các tỉnh Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, ĐBSCL. Chúng tôi “trày da tróc vảy” để xây dựng được vùng nguyên liệu rộng lớn, mùa nào thức đó, giúp nhà máy luôn hoạt động hết công suất” – CEO của Vina T&T tiết lộ.
Từ năm 2008, Vina T&T đã đi đầu xuất khẩu thanh long vào Mỹ và sau đó liên tục tăng trưởng, trở thành doanh nghiệp chiếm thị phần lớn nhất tại Mỹ (chiếm 50% sản lượng trong khoảng 15 doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu trái cây tươi vào thị trường này). Vina T&T cũng nổi tiếng với các đơn hàng xuất khẩu trái cây tươi hàng đầu của Việt Nam vào các thị trường lớn như Trung Quốc, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia,…
Là người buôn bán thu mua sầu riêng từ hơn 20 năm trước, anh Trịnh Đình Đức – Phó Giám đốc Công ty TNHH Đức Huệ Lâm Đồng được biết đến là người đầu tiên ở Lâm Đồng thử nghiệm cấp đông sầu riêng nguyên trái để xây dựng chuỗi sầu riêng bền vững theo dự án của tỉnh.
Theo đó, năm 2011 công ty của anh Đức được tỉnh hỗ trợ thiết bị máy móc để xây dựng kho lạnh công suất 200 tấn; 1 tủ khí Nito công suất 30 tấn/ngày để cấp đông múi và quả làm hàng đi châu Âu, Hoa Kỳ.
“Người châu Âu thích ăn sầu riêng và họ muốn nhìn thấy quả sầu riêng, do đó công ty đã áp dụng phương pháp cấp đông nhanh, sâu bằng Nito lỏng theo công nghệ của Đức. Theo đó trái sầu riêng được làm lạnh siêu nhanh, chỉ gần 2 tiếng ở nhiệt độ rất thấp (-110°C).
Phương pháp này giúp giữ nguyên hình dáng của từng múi sầu riêng, không tạo tinh thể đá hay làm thay đổi cấu trúc, chất lượng và hương vị múi sầu. Biện pháp cấp đông thông thường chỉ lưu trữ được từ 3-5 tháng, còn cấp đông bằng khí Nito thời gian bảo quản dài hơn” – anh Đức cho biết.
Theo anh Đức, cấp đông nguyên trái đòi hỏi việc chọn trái phải cầu kỳ hơn. Theo đó phải lựa những vườn canh tác đúng quy chuẩn, áp dụng biện pháp canh tác an toàn, hoàn toàn không có dư lượng những thuốc bảo vệ thực vật bị cấm. Trái sầu riêng phải đạt độ chín đều, độ đường cao, mẫu mã đẹp, để khi rã đông, tách múi sầu không bị sượng, chất lượng hương vị đạt ít nhất 90%.
Hiện, Công ty Đức Huệ áp dụng cả 2 công nghệ cấp đông thường và bằng khí Nito lỏng. Anh Đức cho biết, cấp đông nguyên quả chi phí cao hơn so với cấp đông múi, tuy nhiên người bán được lợi hơn bởi bán cả vỏ, không mất nhiều công tách vỏ, trong khi giá bán không chênh lệch nhiều.
Ví dụ sầu riêng cấp đông nguyên quả xuất đi châu Âu dao động từ 200 – 240.000 đồng/kg; trong khi sầu múi cấp đông cũng chỉ 250.000- 300.000 đồng/kg.
Đối với thị trường Trung Quốc, hiện Công ty Đức Huệ đã hoàn thiện hồ sơ theo Lệnh 248, 249, chỉ còn chờ cơ quan chức năng hai bên kiểm tra, xem xét là sẵn sàng đưa hàng đi Trung Quốc.
“Cùng với Trung Quốc, nhu cầu trái sầu riêng cấp đông tại thị trường Mỹ, Australia, Đài Loan rất lớn. Ngoài giá cả tốt, dễ vận chuyển, cấp đông sầu riêng giúp doanh nghiệp và nông dân giảm sức ép mùa vụ, có thể chủ động điều phối các đơn hàng quanh năm” – anh Trịnh Đình Đức thông tin.
Đầu tư hàng trăm tỷ đồng xây dựng kho đông lạnh trữ sầu riêng
Mới đây, nữ “đại gia” trong ngành xuất khẩu trái cây, bà Ngô Tường Vy – CEO Tập đoàn Chánh Thu (Bến Tre) thông tin, công ty đã khánh thành Nhà máy chế biến trái cây xuất khẩu Chánh Thu Đắk Lắk. Nhà máy đặt tại thôn Nam Kỳ, xã Ea Drơng, huyện Cư M’gar, có công suất 70.000 tấn nguyên liệu/năm với tổng số vốn đầu tư hơn 476 tỷ đồng.
Là nữ doanh nhân có kinh nghiệm xuất khẩu trái cây tươi vào Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, EU…, bà Vy cho biết mục tiêu đặt nhà máy ở Đắk Lắk là nhằm thu mua, đóng gói các loại trái cây tươi tại khu vực Tây Nguyên như sầu riêng, chanh dây, khoai lang, bơ; sản xuất, chế biến các loại trái cây đông lạnh theo công nghệ tiên tiến, đáp ứng nhu cầu của các thị trường xuất khẩu; xây dựng chuỗi liên kết với các nhà vườn, HTX trong khu vực…
Bà Vy bày tỏ niềm vui khi các cơ quan chức năng của Bộ NNPTNT, đặc biệt là Cục BVTV đã rất quan tâm, chú trọng mở cửa thị trường và đã thành công với mặt hàng sầu riêng – loại trái cây có giá trị kinh tế lớn của nước ta.
“Hiện chỉ có khoảng 40% người dân Trung Quốc được ăn sầu riêng, và chủ yếu là những người ở thành phố lớn, người có tiền mới mua được. Còn với người dân Trung Quốc ở các nơi xa hơn, trái sầu riêng tươi vẫn là món quà xa xỉ. Do đó, còn rất nhiều cơ hội cho trái sầu riêng Việt Nam, nhất là sản phẩm đông lạnh thâm nhập sâu hơn vào Trung Quốc” – bà Vy thông tin.
Trước đó, năm 2023, Công ty CP Sầu riêng Tây Nguyên (SARITA) đã tổ chức lễ khánh thành nhà máy chế biến sầu riêng tại Cụm công nghiệp Tân An, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk. Nhà máy có công suất 40.000 tấn/năm, được đầu tư hơn 100 tỷ đồng, chuyên chế biến trái sầu riêng tươi và bóc múi với dây chuyền hiện đại để xuất khẩu.
Nếu như các vùng sầu riêng ở ĐBSCL, Tây Nguyên nổi tiếng có những vườn lâu năm, bà con nhiều kinh nghiệm chăm sóc thì các tỉnh đi sau như Bình Phước, Đồng Nai lại khiến nhiều người trầm trồ bởi những trang trại sầu riêng rộng lớn, đầu tư bài bản, đạt được các tiêu chuẩn khắt khe. Tiêu biểu phải kể đến Công ty TNHH MTV Ba Đảo (thị xã Phước Long), với thương hiệu nổi tiếng là sầu riêng Ba Đảo.
Đây cũng là đơn vị duy nhất của tỉnh Bình Phước có mã số kép về vùng trồng và cơ sở đóng gói để xuất sầu riêng thẳng đi Trung Quốc từ năm 2023.
Lão nông Trương Văn Đảo – Phó Giám đốc Công ty, đồng thời cũng là Giám đốc HTX cây ăn trái Bàu Nghé phấn khởi cho biết, sau gần 30 năm gắn bó với mảnh đất Phước Long, ông đã gầy dựng được diện tích 30ha sầu riêng theo tiêu chuẩn VietGAP, với các giống chủ lực Chín Hóa, Ri6, Monthong.
Tuy nhiên, khi nhận thấy đa số sầu riêng của nông dân ở địa phương thiệt thòi do bị thương lái thao túng, muốn bứt phá, cần phải chế biến sản phẩm tại chỗ theo hướng chuyên sâu để gia tăng giá trị sản phẩm nên ông đã bỏ tiền xây dựng nhà máy sơ chế, chế biến quy mô 5.000m2, với năng lực sản xuất 200 tấn/ngày.
Theo đó, phương thức chủ yếu nhà máy HTX áp dụng là cấp đông nguyên trái và tách múi, toàn bộ kho chứa ứng dụng công nghệ cấp đông bằng khí Nito lỏng. Tổng kinh phí đầu tư cho dây chuyền chế biến, đóng gói, kho đông lạnh nhà máy của công ty hiện đã hơn 30 tỷ đồng.
Vụ sầu riêng 2023, công ty đã thu mua hơn 2.000 tấn sầu riêng tươi của thành viên HTX và nông dân để xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc.
Mặc dù vậy, theo ông Đảo, làm ăn trong ngành sầu riêng không phải một ngày một bữa mà là dài lâu. HTX khuyên bà con cố gắng trồng sầu riêng sạch và đặc biệt là giữ chữ tín trong mua bán.
“Các cá nhân trong chuỗi ngành hàng phải loại bỏ tư duy mùa vụ, thương vụ; cùng đoàn kết thì sầu riêng Bình Phước và Việt Nam nói chung mới có thể cạnh tranh được với các nước khác”, ông Đảo nói.
Hiện tổng diện tích trồng sầu riêng tỉnh Bình Phước đạt gần 6.000ha, đứng thứ 2 khu vực Đông Nam bộ, chỉ sau Đồng Nai.
Đáng chú ý, nhờ đi sau, hầu hết các nhà vườn trồng sầu riêng ở Bình Phước đã chủ động thay đổi phương thức sản xuất, đầu tư công nghệ cao, áp dụng các tiến bộ khoa học – kỹ thuật canh tác bền vững theo hướng GAP, trong đó có 831ha đạt tiêu chuẩn VietGAP và 184 GlobalGAP. Nhiều nhà vườn ở đây đã được cấp mã số vùng trồng để xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.
Leave a Reply