Nhiều cá thể động vật hoang dã trở về tự nhiên
Vườn quốc gia Cúc Phương nằm trên địa phận 3 tỉnh là Hòa Bình, Thanh Hóa và Ninh Bình. Đây cũng chính là vườn quốc gia đầu tiên của Việt Nam, được thành lập từ năm 1962.
Clip: Độc lạ nhiều cá thể vượn hót đồng thanh tại Vườn quốc gia Cúc Phương.
Cúc Phương có thể coi là một trong những vườn quốc gia top đầu nước ta về độ đa dạng sinh học. Theo số liệu điều tra gần đây, khu vườn là ngôi nhà của hơn 2.200 loài thực vật bậc cao và rêu, với nhiều loài được ghi trong sách đỏ của Việt Nam.
Ngoài ra, nơi đây có hơn 120 loài bò sát và lưỡng cư, gần 70 loài cá, gần 2.000 loài côn trùng, hơn 330 loài chim và 135 loài thú. Trong số đó, voọc đen mông trắng là loài thú linh trưởng quý hiếm được chọn làm biểu tượng của Vườn quốc gia Cúc Phương.
Được biết, kể từ ngày thành lập đến nay, Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và Phát triển sinh vật-Vườn quốc gia Cúc Phương tiếp tục triển khai các hoạt động cứu hộ, với mục tiêu cao nhất là đưa được nhiều cá thể động vật hoang dã trở về môi trường tự nhiên, nơi chúng thuộc về.
Trong 10 năm gần đây, Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và Phát triển sinh vật-Vườn quốc gia Cúc Phương đã tiến hành hàng trăm đợt tiếp nhận và cứu hộ được trên 4.500 cá thể động vật hoang của gần 100 loài. Đồng thời, cho ghép đôi sinh sản được gần 2.250 cá thể của 40 loài động vật hoang dã.
Đặc biệt, số lượng chuyển giao, tái thả về tự nhiên sau quá trình cứu hộ, nhân nuôi sinh sản đã tiến hành nhiều đợt tái thả lại về môi trường sống và vùng phân bố tự nhiên được gần 2.300 cá thể động vật hoang dã của gần 100 loài.
Hiện, Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và Phát triển sinh vật đang cứu hộ, bảo tồn 78 loài động vật với tổng số hơn 2.900 cá thể tại các chương trình.
Ngỡ ngàng nghe tiếng vượn hót tại Cúc Phương
Riêng công tác cứu hộ, bảo tồn các loài linh trưởng nguy cấp, quý hiếm, đây là một Chương trình cứu hộ thuộc dự án “Bảo tồn Linh trưởng nguy cấp của Việt Nam” của Vườn quốc gia Cúc Phương hợp tác với Vườn thú Leipzig, Cộng hòa LB Đức.
Đến nay, Chương trình đã tiếp nhận và cứu hộ trên 460 cá thể của 15 loài và phân loài linh trưởng quý hiếm, nguy cấp; cho sinh sản thành công 12 loài với tổng số 382 cá thể.
Trong đó, có 3 loài lần đầu tiên được sinh sản trong điều kiện nuôi nhốt ở trên thế giới đó là voọc mông trắng, voọc chà vá chân xám, và voọc Hà Tĩnh.
Chương trình đã tiến hành tái thả về tự nhiên 154 cá thể (5 loài) và chuyển giao 6 cá thể của (3 loài) về các trung tâm cứu hộ linh trưởng, vườn thú trong nước.
Thông tin tới Dân Việt, anh Đỗ Đăng Khoa-Điều phối viên của Dự án Bảo tồn các loài linh trưởng quý hiếm của Việt Nam (tại Vườn quốc gia Cúc Phương) cho biết: “Hiện chúng tôi cứu hộ, bảo tồn 17 cá thể vượn đen má trắng và 13 cá thể vượn đen má hung. Tại Cúc Phương chỉ có 2 cá thể vượn bán hoang dã”.
“Thức ăn của những cá thể vượn này chủ yếu: Các loại quả, củ…ngày cho ăn 3 bữa chính và 1 bữa phụ. Đến Cúc Phương người dân và du khách sẽ được trực tiếp nghe tiếng vượn hót không kể thời gian vào buổi sáng, trưa hay chiều tối”, anh Khoa chia sẻ.
Theo anh Khoa, những cá thể vượn hót này như kiểu chúng giao tiếp, truyền thông tin cho nhau, thông báo về lãnh thổ và có thể là đang tìm kiếm bạn tình…Thời gian mỗi cá thể vượn hót khoảng 1 phút, đặc biệt khi 1 cá thể hót là các con khác đồng thanh hót theo.
Được thành lập ngày 7/7/1962 theo Quyết định 72/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Cúc Phương đã trở thành vườn quốc gia đầu tiên và cũng là đơn vị bảo tồn thiên nhiên đầu tiên của Việt Nam.
Vườn quốc gia Cúc Phương trong 5 năm liên tiếp (từ năm 2019 – 2023) đã xuất sắc giành danh hiệu “Vườn quốc gia hàng đầu châu Á” của Giải thưởng Du lịch uy tín thế giới World Travel Awards.
Hiện nay, Vườn Quốc gia Cúc Phương vẫn đang triển khai 3 chương trình bảo tồn, đó là: bảo tồn các loài linh trưởng nguy cấp, quý hiếm của Việt Nam; bảo tồn thú ăn thịt nhỏ và tê tê; bảo tồn các loài rùa nước ngọt và bảo tồn một số loài động vật hoang dã khác.
Leave a Reply