Lo ngại mức sinh giảm “chưa từng có”

Ngày 11/7, Bộ Y tế và Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc – UNFPA tổ chức Lễ mít tinh hưởng ứng Ngày Dân số thế giới (11/7).

Tại lễ mít tinh, ông Lê Thanh Dũng – Cục trưởng Cục Dân số (Bộ Y tế) cho biết, dân số Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức. 

Điều đáng lưu ý là sau thời gian dài duy trì mức sinh thay thế (2,1 con/phụ nữ ở độ tuổi sinh đẻ), mức sinh của Việt Nam đang ngày càng thấp.

Năm 2023, mức sinh trên toàn quốc còn 1,96 con/phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, thấp nhất trong lịch sử và được dự báo là sẽ tiếp tục giảm trong các năm tiếp theo.

Lo ngại mức sinh giảm

Dân số thế giới và Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức. (Toàn cảnh lễ mít tinh. Ảnh CTV)

“Mức sinh thay thế là mức sinh trung bình của người phụ nữ trong toàn bộ cuộc đời của mình sinh đủ số con để thay mình thực hiện chức năng sinh đẻ và duy trì (nòi giống). Khi tổng tỷ suất sinh là 2,1 con/phụ nữ, sẽ được coi là đạt mức sinh thay thế. 

Khi mức sinh thấp, ảnh hưởng suy giảm quy mô dân số, cơ cấu tuổi của dân số trong tương lai, suy giảm nhóm dân số trong độ tuổi lao động; tác động mạnh vào quá trình di cư, tăng nhanh quá trình già hóa dân số, mất cơ hội tận dụng cơ cấu dân số vàng…”, ông Dũng đánh giá.

Ngoài ra, dân số Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều vấn đề về an sinh khi tốc độ già hóa dân số nhanh và sớm trở thành quốc gia dân số già.

Năm 2011, Việt Nam chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số và là một trong các Quốc gia có tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới. Dự báo đến năm 2038, nghĩa là chỉ còn 15 năm nữa, nước ta sẽ bước vào thời kỳ dân số già, tức là cứ 5 người dân thì có một người trên 60 tuổi.

Lo ngại mức sinh giảm

Năm 2023, mức sinh trên toàn quốc còn 1,96 con/phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, thấp nhất trong lịch sử và được dự báo là sẽ tiếp tục giảm trong các năm tiếp theo. (Một em bé chào đời tại Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh. Ảnh BVCC_

Bên cạnh đó, tình trạng mang thai ở người chưa thành niên còn cao. Theo điều tra năm 2021, tỷ lệ phụ nữ 20-24 tuổi có con ở tuổi chưa thành niên cả nước ở mức 8,2%, trong đó khu vực Tây Nguyên là 16,6% và Trung du miền núi phía bắc là 19,9%.

Tại Lễ mít tinh, Pauline Fatima Tamesis, Điều phối viên Thường trú Liên Hợp Quốc tại Việt Nam đã phát biểu: “Chúng ta phải hành động quyết liệt và ngay lập tức để đảm bảo rằng mọi phụ nữ đều có thể tiếp cận các dịch vụ chăm sóc cần thiết khi mang thai và sinh con. Đầu tư vào sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục chính là đầu tư chấm dứt đói nghèo và chấm dứt bất bình đẳng”.

Theo bà Pauline Fatima Tamesis, trong ba thập kỷ qua, thế giới đã đạt được những thành tựu đáng kể. Từ năm 2000 đến năm 2020, tỷ số tử vong mẹ trên toàn cầu đã giảm 34%. Số lượng phụ nữ sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại đã tăng gấp đôi trong khoảng thời gian từ năm 1990 đến năm 2021.

Tỷ lệ sinh con ở nhóm vị thành niên trong độ tuổi 15 đến 19 tuổi đã giảm khoảng một phần ba kể từ năm 2000. Đã có 162 quốc gia thông qua Luật phòng, chống bạo lực gia đình, một con số đáng khích lệ trên phạm vi toàn cầu.

Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều người chưa được hưởng lợi từ các thành quả phát triển. Tỷ lệ tử vong mẹ đang là một thách thức mang tính toàn cầu. Từ năm 2016 đến năm 2023, mức giảm tỷ lệ tử vong mẹ chững lại và thậm chí còn tăng ở một số nơi. Ước tính mỗi ngày có khoảng 800 phụ nữ tử vong vì những nguyên nhân có thể phòng tránh trong khi mang thai và sinh con, tương đương với khoảng hơn 290 ngàn phụ nữ tử vong mỗi năm.

Tại các nước đang phát triển, bình quân có khoảng gần 1/3 số phụ nữ sinh con ở tuổi vị thành niên. Ước tính mỗi năm có khoảng 21 triệu ca mang thai ở tuổi vị thành niên và một nửa số đó là có thai ngoài ý muốn. Khoảng 5,7 triệu ca mang thai ở tuổi vị thành niên đã phá thai, hầu hết là phá thai không an toàn.


Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *