Lễ hội Sen Hà Nội đạt doanh thu hơn 11 tỷ đồng, mở ra kỳ vọng mới cho nông nghiệp Thủ đô

Lễ hội Sen Hà Nội năm 2024 diễn ra mới đây tại Không gian sáng tạo Tây Hồ được xem là sự kiện độc đáo nhằm quảng bá, tôn vinh những nét đẹp, giá trị văn hoá của Thăng Long Hà Nội; đồng thời nhằm tăng cường liên kết, sản xuất và tiêu thụ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm các sản phẩm sen Hà Nội với các tỉnh, thành trên cả nước.

Phát triển cây sen gắn với nông nghiệp đô thị và du lịch

Phát biểu tại buổi lễ khai mạc, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, từ bao đời, hoa sen trong tâm thức của người Việt là biểu tượng của sự thuần khiết, trong sáng, tượng trưng cho khí phách, bản sắc tâm hồn Việt. Bởi vậy mà người Việt Nam luôn tự hào thể hiện nét đẹp của sen trước bạn bè quốc tế. Ngày nay, cây sen được phát triển ở nhiều huyện ngoại thành Hà Nội gắn với du lịch sinh thái và làm nguyên liệu cao cấp cho ngành dệt may, chế biến hương liệu, tinh bột…

Lễ hội Sen Hà Nội đạt doanh thu hơn 11 tỷ đồng, mở ra kỳ vọng mới cho nông nghiệp Thủ đô- Ảnh 1.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền phát biểu khai mạc buổi lễ.

“Thành phố Hà Nội đang tập trung phát triển cây sen như một phần trong chiến lược tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với phát triển nông nghiệp đô thị và du lịch. Đây là một trong những nội dung quan trọng trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng và vật nuôi để phù hợp với tiến trình đô thị hóa và xây dựng đô thị sinh thái bền vững” – ông Quyền nhấn mạnh.

Đây cũng là một trong những hoạt động nhằm hiện thực hóa Chương trình 04 của Thành ủy Hà Nội về “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025”; Chương trình số 06 về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025” và Nghị quyết số 09 về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” của Thành ủy Hà Nội.

Trước đó, tại Hội thảo “Bảo tồn và phát triển hoa sen Việt Nam” do Sở NNPTNT Hà Nội phối hợp với UBND quận Tây Hồ và Viện nghiên cứu Rau quả tổ chức, đại diện Sở NNPTNT Hà Nội cho biết, Việt Nam có rất nhiều loại sen đã được trồng, tùy mục đích sử dụng mà người ta trồng giống sen khác nhau, trên những chân đất khác nhau… Miền Nam nổi tiếng có sen hồng Đồng Tháp; miền Trung có sen trắng Huế; miền Bắc có sen bách diệp hồ Tây. Đặc biệt, sen bách diệp hồ Tây được xếp vào nhóm nguồn gen đặc sản, quý hiếm cần được bảo tồn, phát triển.

Lễ hội Sen Hà Nội đạt doanh thu hơn 11 tỷ đồng, mở ra kỳ vọng mới cho nông nghiệp Thủ đô- Ảnh 2.

Đông đảo đại biểu, khách mời và người dân đến tham dự buổi lễ khai mạc Lễ hội Sen Hà Nội năm 2024.

Phó Giám đốc Sở NNPTNT Hà Nội Nguyễn Đình Hoa thông tin, toàn thành phố hiện có hơn 600ha trồng sen, tập trung ở các địa phương: Mỹ Đức, Ba Vì, Mê Linh, Phúc Thọ, Ứng Hòa, Bắc Từ Liêm, Tây Hồ, Quốc Oai… Hà Nội cũng có nhiều đặc sản tinh túy được chế biến từ sen, vừa mang lại giá trị kinh tế, vừa là nét văn hóa đặc sắc của người Hà thành.

Trong đó, có 18 sản phẩm từ cây sen đã được đánh giá, phân hạng trong Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Điển hình phải kể đến sản phẩm lụa tơ sen “độc nhất vô nhị” do nghệ nhân Phan Thị Thuận (xã Phùng Xá, huyện Mỹ Đức) sáng tạo nên. Khăn lụa tơ sen do nữ nghệ nhân này sản xuất được đánh giá là sản phẩm tiềm năng 5 sao và được Văn phòng Chính phủ sử dụng làm quà tặng nguyên thủ các quốc gia. 

Ngoài ra, còn nhiều sản phẩm OCOP từ sen có giá trị kinh tế cao, như: Sen trà Hiền Xiêm, quận Tây Hồ; chè sen Quảng An, quận Tây Hồ; hạt sen Đầm Long, huyện Ba Vì; trà lá sen, huyện Sóc Sơn; trà tâm sen, huyện Thanh Trì; xôi cốm hạt sen Ngô Thức, quận Nam Từ Liêm…

Lan tỏa những giá trị thiết thực từ cây sen

Lễ hội Sen Hà Nội năm 2024 diễn ra với nhiều hoạt động sôi nổi như: chương trình nghệ thuật bán thực cảnh “Chuyện của Sen”, trao giải cuộc thi ảnh “Người đẹp áo dài và sen”, hội thảo “Bảo tồn và phát triển hoa sen Việt Nam”; Lễ khánh thành Trung tâm giới thiệu và quảng bá sản phẩm OCOP quận Tây Hồ, đêm nhạc “Trịnh Công Sơn và những người bạn”…

Lễ hội Sen Hà Nội đạt doanh thu hơn 11 tỷ đồng, mở ra kỳ vọng mới cho nông nghiệp Thủ đô- Ảnh 4.

Các đại biểu nhấn nút khai mạc Lễ hội Sen Hà Nội 2024.

Đến tham quan và động viên các chủ thể tham gia Lễ hội sen Hà Nội 2024 và sự kiện giới thiệu sản phẩm OCOP gắn với văn hóa các tỉnh miền núi phía Bắc, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan đánh giá cao những nỗ lực của Sở NNPTNT đã phối hợp với quận Tây Hồ và một số đơn vị lần đầu tiên tổ chức Lễ hội sen Hà Nội gắn với sự kiện giới thiệu sản phẩm OCOP và văn hóa các tỉnh miền núi phía Bắc có quy mô, ấn tượng và lan tỏa những giá trị thiết thực.

Bộ trưởng gặp gỡ trao đổi và góp ý với nhiều chủ thể sản xuất kinh doanh đổi mới công tác thiết kế áo bì, nhận diện sản phẩm, nâng cao giá trị gia tăng và chất lượng sản phẩm gắn với khai thác các giá trị văn hóa bản địa tại bản sắc cho sản phẩm.

Lễ hội Sen Hà Nội đạt doanh thu hơn 11 tỷ đồng, mở ra kỳ vọng mới cho nông nghiệp Thủ đô- Ảnh 5.

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan đánh giá cao những nỗ lực của Sở NNPTNT đã phối hợp với quận Tây Hồ và một số đơn vị lần đầu tiên tổ chức Lễ hội sen Hà Nội.

Theo ông, đằng sau mỗi sản phẩm OCOP có sự chung tay của rất nhiều con người, góp phần kích hoạt khu vực kinh tế nông thôn, chuyển dịch theo hướng tạo ra những sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Mỗi sản phẩm OCOP hướng tới “kích hoạt” sự năng động, “hồi sinh sức sống” của cộng đồng nông thôn, thông qua đó đào tạo một thế hệ doanh nhân mới là những người trẻ khởi nghiệp với sản phẩm OCOP, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Trong mỗi sản phẩm OCOP có tích hợp đa giá trị, có niềm tự hào về giá trị văn hóa bản địa – yếu tố phân biệt giá trị sản phẩm OCOP của từng vùng, miền. “Ngày nay người ta không mua sản phẩm nữa mà mua cách tạo ra sản phẩm đó, gồm tâm thế, văn hóa, câu chuyện, cảm xúc trong quá trình tạo ra sản phẩm” – Bộ trưởng nói.

Lễ hội Sen Hà Nội đạt doanh thu hơn 11 tỷ đồng, mở ra kỳ vọng mới cho nông nghiệp Thủ đô- Ảnh 6.

Bộ trưởng và lãnh đạo Sở NNPTNT Hà Nội thích thú khi nghe chủ thể sản phẩm OCOP chia sẻ về sản phẩm.

Người đứng đầu Bộ NNPTNT cho rằng, nếu bán cái hữu hình thì có giá để so sánh, nhưng sẽ không có cái giá nào để so sánh khi bán niềm tự hào của người dân, những giá trị văn hóa bản địa được lồng ghép tinh tế trong các sản phẩm OCOP.

Bộ trưởng nhận xét, Hà Nội đang đi đúng hướng trong việc khai thác những giá trị văn hóa bản địa, thế mạnh địa phương để phát triển các sản phẩm OCOP. Việc giới thiệu quảng bá sản phẩm OCOP gắn với các các sự kiện, lễ hội được tổ chức ngày càng chuyên nghiệp và hấp dẫn.

Lễ hội Sen Hà Nội đạt doanh thu hơn 11 tỷ đồng, mở ra kỳ vọng mới cho nông nghiệp Thủ đô- Ảnh 7.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan trò chuyện với nghệ nhân Phan Thị Thuận (xã Phùng Xá, huyện Mỹ Đức) – người sản xuất sản phẩm lụa tơ sen “độc nhất, vô nhị” ở Việt Nam.

Tại buổi khai mạc Lễ hội Sen Hà Nội, tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã trao 2 chứng nhận Kỷ lục là số lượng người đạp xe tham gia hành trình xanh sắc sen Tây Hồ đông nhất Việt Nam với 7.000 người và số lượng người mặc áo dài truyền thống có họa tiết hoa sen đông nhất Việt Nam là 1.000 người.

Cùng với đó, sự kiện giới thiệu sản phẩm OCOP gắn với văn hóa các tỉnh miền núi phía Bắc với trên 100 gian hàng của 33 tỉnh, thành trong cả nước trưng bày quảng bá hơn 1.000 sản phẩm OCOP và các đặc sản vùng miền hội tụ về đây. 

Đặc biệt là không gian trưng bày, giới thiệu các sản phẩm về sen với điểm nhấn là bức tranh kính chân dung Bác Hồ có kích thước 1,7 m x 2,5 m được ghép từ gần 2.000 bức ảnh về sen của các vùng miền và bức tranh “Thăng Long Huyền Diệu Hoa” được tạo tác từ 10.000 bông hoa sen. Hai bức tranh này lần đầu tiên được ra mắt người dân Thủ đô và du khách trong nước và quốc tế.

Theo UBND quận Tây Hồ, lễ hội đã thu hút hơn 50.000 lượt người tới tham quan, mua sắm, tham gia các hoạt động. Doanh thu của các đơn vị tham gia lễ hội và tổng giá trị hợp đồng, biên bản ghi nhớ cam kết thu mua, tiêu thụ các sản phẩm OCOP và các sản phẩm từ sen, các loại trà đạt hơn 11 tỷ đồng (doanh thu bán hàng trực tiếp trong những ngày diễn ra sự kiện khoảng trên 6 tỷ đồng).


Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *