Từ “hiện tượng Thích Minh Tuệ”: Đường giác ngộ không phải là đại lộ Bắc

Sau nhiều ngày trở thành hiện tượng ầm ĩ trên mạng xã hội với mỗi bước chân đi, mỗi cử chỉ, hành vi đều được quay, chụp, livestream, anh Lê Anh Tú/hành giả Thích Minh Tuệ (xin được ghi đầy đủ như vậy để làm rõ đây không phải một tu sĩ Phật giáo – NV) đã quyết định tự nguyện dừng bước vào ngày 3/6, theo thông báo của Ban Tôn giáo Chính phủ. 

Nhưng đằng sau cái gọi là “hiện tượng Thích Minh Tuệ” (chúng tôi tạm dùng chữ “hiện tượng” không với hàm nghĩa tiêu cực-NV) là gì? Liệu những sự kiện liên quan có ảnh hưởng gì đến đạo Phật như nhiều lo lắng hay không?

Trước hết phải khẳng định rằng, không tồn tại cái gọi là “tăng đoàn Thích Minh Tuệ”. Theo thông tin từ Ban Tôn giáo Chính phủ, anh Lê Anh Tú/hành giả Thích Minh Tuệ tự tu, thực hành hạnh khất thực và đã 3 lần đi bộ từ Nam ra Bắc và ngược lại.

Cả 3 lần đó, anh Lê Anh Tú/hành giả Thích Minh Tuệ đều đi một mình, không có khó khăn, cản trở và không gây ảnh hưởng tới an ninh trật tự. Chỉ đến lần đi bộ thứ tư này mới xảy ra hiện tượng tụ tập đông người, đi theo anh Lê Anh Tú/hành giả Thích Minh Tuệ.

Từ

Ông Thích Minh Tuệ trên đường bộ hành Bắc Nam qua địa phận Hà Tĩnh trò chuyện với PV Dân Việt. Ảnh: Trần Anh

Những người đi theo tự thừa nhận muốn tu tập theo phương pháp của anh Lê Anh Tú/hành giả Thích Minh Tuệ hoặc đi theo để “hộ pháp” (?). Cũng có nhiều người đi theo anh Lê Anh Tú/hành giả Thích Minh Tuệ chỉ để livestream đưa lên các mạng xã hội kiếm like hay thu nhập như lời đồn đại trên các hội nhóm thời gian gần đây.

Một phần nhờ đó mà “hiện tượng Thích Minh Tuệ” đã tạo trend trên mạng xã hội. Từ một vài dòng trạng thái thông thường, “hiện tượng Thích Minh Tuệ” đã biến cư dân mạng thành hai phe. Một phe ca ngợi anh Lê Anh Tú/hành giả Thích Minh Tuệ như một vị Bồ Tát. Phe còn lại không ngớt lời miệt thị, thậm chí xúc phạm một công dân theo chúng tôi chưa từng bị cơ quan chức năng nào kết luận là có vi phạm pháp luật.

Một trong những lập luận của phe phản đối anh Lê Anh Tú/hành giả Thích Minh Tuệ là nếu ai cũng bỏ nhà đi như vậy thì ai làm việc, ai xây dựng đất nước. Đây là một kiểu ngụy biện so sánh ẩu. 

Lập luận này sai ở chỗ “ai” (không có kịch bản cả xã hội đi theo anh Lê Anh Tú/hành giả Thích Minh Tuệ, đây chỉ là giả định để tấn công việc khất thực). Sai ở chỗ “khất thực” (thiếu điều kiện, cần có thêm điều kiện chứ không phải khất thực là không lao động). Nó cũng sai ở chỗ “làm việc” (tự định nghĩa làm việc là tất cả những thứ ngoài khất thực)…

Người “tu học theo lời dạy của đức Phật” hay thực hành phương pháp tu tập “Hạnh đầu đà” cũng có thể không phải tu sĩ Phật giáo nên chúng ta cũng không cần mất nhiều thời gian xem anh Lê Anh Tú/hành giả Thích Minh Tuệ có phải là “nhà sư”? Cũng không cần phân tích bình luận việc thực hành này có đúng giáo lý, giáo luật hay không? Vì chính chủ thể cũng không coi mình là người tu hành của một tôn giáo.

Và cũng không nên có cái nhìn cực đoan đối với giáo hội cũng như những nhà sư khác. Nếu pháp tu của anh Lê Anh Tú/hành giả Thích Minh Tuệ là đúng không có nghĩa là các pháp tu của những tăng ni Phật tử khác là sai. Phật giáo có đến 84.000 pháp môn đó cũng chính là 84.000 con đường với điểm đến là sự giải thoát. 

Tuy nhiên, ủng hộ anh Lê Anh Tú/hành giả Thích Minh Tuệ hay pháp tu “Hạnh đầu đà” có thể bằng cách chụp ảnh vui với lõi nồi cơm điện, chứ không nên và không thể bằng cách bỏ nhà bỏ cửa tạo thành đoàn người đi theo. Điều này không chỉ tác động xấu đến quá trình tu tập, giác ngộ của anh Lê Anh Tú/hành giả Thích Minh Tuệ mà còn gây ít nhiều ảnh hưởng tiêu cực tới xã hội.

Cụ thể, có thể việc anh Lê Anh Tú/hành giả Thích Minh Tuệ hành trì, đi bộ là việc tu học theo lời dạy của đức Phật. Nhưng việc hành trì trên đường quốc lộ của anh Lê Anh Tú/hành giả Thích Minh Tuệ lại vô tình gây ra tình trạng mất trật tự giao thông và thậm chí cả mất trật tự xã hội khi cả một đám đông bám theo, trong đó người muốn thực hành tu tập thật sự thì ít mà người muốn đu bám, hiếu kỳ, tò mò thì nhiều, gây ra không ít hệ luỵ cả trong đời thực và trên mạng ảo.

Thậm chí, trong những ngày nắng nóng vừa qua, có người “đi theo đoàn” vì sốc nhiệt mà ngất xỉu do không quen với việc hành bộ. Và có người bị tử vong do sốc nhiệt, suy đa tạng, xuất huyết tiêu hóa. 

Từ

Tác giả bài viết – nhà báo Trần Anh Tú. Ảnh: DV

Nhưng khách quan mà nói, thông qua “hiện tượng Thích Minh Tuệ” gần một tháng qua, nhiều người đã hiểu hơn về đạo Phật, một tôn giáo gắn liền với quá trình xây dựng và phát triển đất nước. Đó tuyệt nhiên không phải những thứ gọi là “giác ngộ” mà chúng ta thấy nhan nhản trên mạng xã hội những ngày gần đây, khi mà nhiều người bỗng dưng trở thành Phật tử online, chăm chỉ post những dòng trạng thái về Phật giáo, về những đúng sai trong phép tu hành…

Mà đó là việc công chúng quan tâm hơn đến đạo Phật và tìm đến những thông tin đúng đắn về đạo Phật. Những thông tin này đến từ những kênh chính thống của Giáo hội hay từ các vị minh sư đức cao vọng trọng, những bậc chân tu. Đây chính là cơ hội để xiển dương chánh pháp.

Tóm lại, mỗi bước chân của anh Lê Anh Tú/hành giả Thích Minh Tuệ là những bước chân “theo lời Phật dạy” như anh tự nhận, cũng là sự tiếp cận những đạo lý của Đức Phật theo cách riêng của mỗi người.

Nhưng sự ầm ĩ của dư luận, của những người “ăn theo”, những Youtuber, TikToker kéo hàng đoàn người dài gây mất trật tự công cộng, ảnh hưởng đến cuộc sống bình thường của những công dân khác khiến anh Lê Anh Tú/hành giả Thích Minh Tuệ dừng bước trên đường thiên lý.

Đạo Phật là con đường giác ngộ và tu Phật là đi trên đường giác ngộ. Đường giác ngộ đôi khi không phải là đại lộ Bắc – Nam đầy bụi bặm mà là con đường đấu tranh với chính mình.

Hành giả Thích Minh Tuệ đã chấp nhận từ bỏ hành trì tu tập vì lợi lạc của chúng sinh. Chúng ta cũng nên buông chấp niệm và hãy để ông với pháp tu của mình, với con đường học Phật của mình. 

Đức Phật chẳng từng nói, ai cũng có thể thành Phật đó sao!


Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *