Sáng 27/6, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Phòng không nhân dân.
Phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm, Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cho biết, việc xác định các phương tiện bay ở độ cao 5.000 mét không phải khó.
“Chúng tôi có các phương tiện rađa xác định được các phương tiện có độ cao dưới 10 mét và lên tất cả các độ cao khác, mà càng cao càng dễ xác định, càng thấp càng khó vì bị ảnh hưởng địa hình rất nhiều”, ông Giang cho hay.
Về vấn đề cấp phép bay, theo Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ Công an cấp phép bay cho các phương tiện bay siêu nhẹ, các phương tiện bay không người lái của Bộ Công an; Bộ Quốc phòng cấp phép bay cho các phương tiện bay của Bộ Quốc phòng. Các phương tiện bay khác do Bộ Công an cho đăng ký nhưng do Bộ Quốc phòng quản lý, bởi Bộ Quốc phòng có các phương tiện trang bị để bảo đảm và được Chính phủ giao nhiệm vụ này.
“Kể cả các phương tiện bay quá cảnh qua vùng trời Việt Nam đều do Bộ Quốc phòng quản lý”, ông Giang nói.
Theo người đứng đầu Bộ Quốc phòng, từ trước đến nay, Cục Tác chiến là cơ quan cấp phép bay. Tuy nhiên, những năm trước đây các phương tiện bay siêu nhẹ, các phương tiện bay không người lái còn ít. Hiện nay, số lượng các phương tiện bay siêu nhẹ, các phương tiện bay không người lái đã nhiều nên Bộ Quốc phòng sẽ tính toán, quy định cho các cấp dưới cấp phép, đến cấp tỉnh, cấp quân khu, quân chủng hoặc Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội…
“Thế nhưng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Bộ trưởng Bộ Công an thấy cần thiết phải đình chỉ chuyến bay đó thì Bộ trưởng có quyền, chứ không phải chỉ cấp cấp phép mới có quyền. Tức là cấp trên có quyền bác quyết định của cấp dưới”, Đại tướng Phan Văn Giang nhấn mạnh và cho biết đây cũng là điều lệnh tác chiến của quân đội.
Về quy định điều khoản “quét” ở Điều 7 về các hành vi bị nghiêm cấm, Bộ trưởng bày tỏ hoàn toàn nhất trí và sẽ bổ sung thêm quy định này vào dự thảo Luật để đảm bảo đầy đủ, toàn diện hơn.
Về vấn đề xác định phương tiện bay siêu nhẹ, thế giới quy định phương tiện bay nhẹ hơn 25 gram thì gọi là phương tiện bay siêu nhẹ, chủ yếu phục vụ cho các hoạt động văn hoá, nghệ thuật, tương tự như màn trình diễn drone ở Hà Nội trong thời gian qua.
Về việc tập huấn, theo Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, nội dung chương trình được thống nhất nhưng từng chỉ huy, từng cơ quan đơn vị phải xác định nội dung nào cần tập huấn, từ nội dung cơ bản, nội dung chuyên sâu, nội dung nâng cao, nội dung đặc thù.
“Nội dung này phải được thống nhất chứ không phải anh muốn tập huấn cái gì không phải theo nội dung thống nhất là không được”, theo ông Giang.
Về nội dung quyền bắn khi thực hiện chế áp, Bộ trưởng Phan Văn cho biết, đã có quy định cụ thể trường hợp chế áp để hạ cánh, trường hợp nào không chấp hành thì quân đội có quyền bắn để đảm bảo tính răn đe và cưỡng chế, đảm bảo an toàn an ninh, đây cũng là quy định được áp dụng phổ biến tại nhiều nước trên thế giới. Áp dụng nghiêm quy định này “thì ta mới bảo vệ được vùng trời của chúng ta”, Đại tướng Phan Văn Giang khẳng định.
Về độ tuổi, Bộ trưởng Giang cho biết, hiện đang vận dụng tương tự như quy định độ tuổi của lực lượng dân quân tự vệ, người có độ tuổi lớn hơn, có nguyện vọng tham gia cũng sẽ được hoan nghênh. Lực lượng phòng không nhân dân chủ yếu do lực lượng dân quân tự vệ làm nòng cốt. Về khái niệm, bảo vệ vùng trời là nhiệm vụ rất quan trọng, do nhiều lực lượng phối hợp thực hiện ở các độ cao khác nhau, từ xa đến gần, ở các tầng và nhiều hướng.
Bộ trưởng cho biết, khu vực dưới 5.000 mét là khu vực cực kỳ quan trọng trong tác chiến, vì thế, qua nghiên cứu đầy đủ các quan điểm, chủ trương của Đảng, thực tiễn kết quả thực hiện nhiệm vụ phòng không nhân dân, ý kiến tham gia của các bộ, ngành, địa phương, các chuyên gia, các nhà khoa học, tham khảo kinh nghiệm quốc tế, cơ quan soạn thảo đã đề xuất khái niệm như trong dự thảo.
Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội, cơ quan soạn thảo đã tiếp thu, chỉnh lý lại và nêu khái niệm như sau: Phòng không nhân dân là hoạt động của toàn dân, do bộ đội địa phương, dân quân tự vệ, quân nhân dự bị làm nòng cốt nhằm thực hiện tổng thể các hoạt động và biện pháp để bảo đảm an toàn, tính mạng, tài sản của nhân dân, giảm thiểu thiệt hại cho nền kinh tế quốc dân, góp phần bảo toàn tiềm lực quốc phòng và tham gia quản lý, bảo vệ vùng trời, phòng chống khắc phục hậu quả tiến công đường không của địch.
Dự thảo Luật Phòng không nhân dân được xây dựng gồm 8 chương với 54 điều, gồm các quy định về: Nguyên tắc tổ chức hoạt động phòng không nhân dân; chính sách của Nhà nước về phòng không nhân dân; nhiệm vụ phòng không nhân dân; trọng điểm phòng không nhân dân; hành vi bị nghiêm cấm trong xây dựng, huy động, hoạt động phòng không nhân dân; xây dựng, huy động lực lượng phòng không nhân dân; hoạt động phòng không nhân dân.
Đặc biệt, dự thảo luật dành riêng một chương quy định về việc quản lý tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ và bảo đảm an toàn phòng không; quyền, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đối với phòng không nhân dân và quản lý tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ…
Theo Chương trình xây dựng luật và pháp lệnh năm 2024, dự án Luật sẽ được trình Quốc hội khóa XV cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7 và xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 8.
Leave a Reply