Gia đình ông Ngô Văn Bình, thôn Thanh Hương 3, xã Lộc Thanh, TP Bảo Lộc đang thu hoạch ớt. Ông Ngô Văn Bình cho biết, khác hoàn toàn với các loại ớt thường được biết đến tại Việt Nam như ớt chuông, ớt xiêm, ớt cao sản…, ớt Habanero có nguồn gốc từ châu Phi, với hình dáng lạ và hương vị đặc biệt.
Hái một trái ớt Habanero trong tay, ông Ngô Văn Bình chia sẻ: “Trái ớt Habanero này có hình dạng tương tự trái ớt chuông nhỏ. Nhưng hương vị của ớt rất đặc biệt, vô cùng cay, vị cay khác hẳn với ớt truyền thống Việt Nam. Hiện tại, gia đình chúng tôi đang canh tác ớt Habanero theo hợp đồng với doanh nghiệp, chuyên phục vụ sản xuất tương ớt”.
Theo ông Ngô Văn Bình, gia đình ông trồng ớt theo hợp đồng với một doanh nghiệp chuyên chế biến tương ớt. Với những loại tương ớt đặc biệt, ớt Habanero cho hương vị và màu sắc đạt chuẩn. Theo lời giới thiệu của Công ty Mimosa Tek, doanh nghiệp chuyên hỗ trợ các giải pháp nông nghiệp thông minh tại Lâm Đồng, gia đình ông Vũ Văn Bình đã ký kết hợp đồng trồng ớt Habanero. Theo đó, doanh nghiệp giao cho nông dân cây ớt giống. Đồng thời, chuyển giao kĩ thuật canh tác cho nông dân và bao tiêu sản phẩm hoàn toàn.
Khác với các loại ớt cay thường được trồng trên đất, ớt Habanero trồng tương tự với ớt chuông, cây được trồng trong bịch giá thể. Ông Ngô Văn Bình chia sẻ: “Như gia đình tôi trồng hai gốc ớt trong một bịch. Chế độ chăm sóc của cây ớt khá dễ, tưới nhỏ giọt cũng như phân bón thông qua hệ thống tưới. Ớt Habanero có đặc thù là lớn nhanh, cây rất ít bệnh, chỉ cần chú ý làm lá, đảm bảo chế độ tưới là có ớt trái thu hoạch”.
Theo ông Ngô Văn Bình, từ cây ớt giống cao 15 cm, sau hai tháng, gia đình đã bắt đầu được thu hoạch ớt. Ớt Habanero có nhiều hình dáng tùy từng chủng loại, trong đó có cả trái ớt có hình dáng nhăn, thường được gọi là ớt “mặt quỷ” siêu cay. Mỗi sáng, gia đình thu hoạch ớt, chọn trái chín đỏ để thu hoạch.
Theo ông Bình, doanh nghiệp yêu cầu hái ớt chín đỏ bởi khi đó, trái ớt mới đạt hương vị và vị cay đậm đà nhất, phù hợp với quy trình làm tương ớt. Theo thông tin từ doanh nghiệp cung cấp khi ký hợp đồng, năng suất mỗi gốc ớt đạt 2 kg. Gia đình có thể thu hoạch liên tục trong 7 tháng, sau đó vườn ớt sẽ giảm dần năng suất. Một sào, với số lượng 2.500 gốc ớt, gia đình ông Bình sẽ thu được 6 tấn trái. Hiện tại, ông đang thu hoạch đến tháng thứ tư và theo ông, năng suất sẽ đạt tương tự với thông tin từ doanh nghiệp đưa ra.
“Giá doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm ớt Habanero là 63 ngàn đồng/kg. Đây không phải là một con số quá cao nhưng bù lại, người nông dân rất ổn định bởi khi trồng xuống đã biết thu nhập thực tế từ vườn ớt”, ông Ngô Văn Bình chia sẻ.
Bên cạnh đó, cây ớt Habanero rất dễ chăm sóc, ít bệnh. Người trồng chỉ cần ngừa nấm và bọ trĩ, nhện đỏ khi cây ớt còn bé. Sau 30 ngày xuống giống, khi đã khá cứng cáp, cây ớt gần như không còn bệnh. Đồng thời, Công ty Mimosa Tek hướng dẫn nông dân cách chăm sóc ớt hiệu quả, sử dụng thuốc sinh học, cách ly đúng thời gian. Vì vậy, trồng ớt luôn đảm bảo sức khỏe cho người nông dân cũng như đảm bảo chất lượng trái ớt Habanero.
Hiện tại, tại xã Lộc Thanh đã có một số nông hộ chuyển từ canh tác các loại rau trong nhà kính khác sang trồng ớt Habanero theo hợp đồng với doanh nghiệp, bà Vũ Thị Yến – Chủ tịch Hội Nông dân xã Lộc Thanh cho biết. Cây ớt Habanero yêu cầu được trồng trong nhà kính, trồng trên giá thể, tương tự như các loại ớt chuông. Tuy nhiên, đây là một giống cây mới, trồng với mục đích chế biến tương ớt, rất khó bán trên thị trường tự do nên vì vậy, nông dân cần đảm bảo có hợp đồng tiêu thụ đầu ra trước khi xuống giống, bà Yến thông tin.
Nhiều nông dân tại khu vực Lộc Thanh đã có hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp, xuống giống trồng ớt Habanero, mang lại một nguồn thu nhập mới, đồng thời cũng cung cấp cho doanh nghiệp những trái ớt siêu cay đạt chuẩn, đảm bảo chất lượng tương ớt mang thương hiệu Việt.
Bà Vũ Thị Yến cũng cho biết, Hội Nông dân luôn vận động nông dân trồng nông sản theo hợp đồng, đảm bảo đầu ra an toàn, mang lại thu nhập ổn định cho nông dân, đồng thời nông dân cũng được phía doanh nghiệp hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật canh tác hiện đại.
Leave a Reply