Trồng dứa mật Cayen thu nhập gấp 5 lần ngô, khoai, sắn…
Từ 1 hộ tiên phong khởi nghiệp, đến nay một vùng sản xuất dứa mật Cayen theo hướng hàng hóa tập trung đang được hình thành, giúp bà con nông dân ở xã Phú Khê (huyện Cẩm Khê, Phú Thọ) nâng cao thu nhập, từng bước thoát nghèo, vươn lên làm giàu.
Cả một đồi dứa mật Cayen của gia đình bà Nguyễn Thị Hồng ở khu Đồng Mười xã Phú Khê đang nhộn nhịp bước vào mùa thu hoạch. Từ diện tích 1ha đất vườn đồi trồng chủ yếu ngô, khoai, sắn với hiệu quả kinh tế thu 30-40 triệu đồng/ha trước đây, gia đình bà Hồng đã chuyển đổi sang trồng loại giống cây rất mới – dứa mật Cayen, mang lại nguồn thu đến hơn 200 triệu đồng/ha.
Vừa thoăn thoắt cắt quả dứa mật to, chín vàng, với mắt dứa tròn mẩy, mùi thơm lừng, bà Hồng kể, trước đây, cuộc sống khó khăn lắm, thu nhập bấp bênh. Vườn đồi chỉ biết trồng ngô, khoai, sắn… nhưng khi thu hoạch bán giá rẻ, thậm chí có vụ ế ẩm, chẳng ai mua, đành làm thức ăn chăn nuôi phục vụ gia đình hoặc nghiền nát ngâm ủ làm phân bón cho vụ mới.
“Năm 2020, tôi xem trên truyền hình về hiệu quả mô hình trồng dứa mật Cayen ở khu vực miền Trung, Tây Nguyên, thích lắm. Quan tâm, tìm hiểu, thấy dứa trồng trên thổ nhưỡng đất khô hạn ở trong đó, có vẻ giống với chất đất đồi của quê hương mình. Thế là, tôi gom hết tiền vốn trong nhà lúc đó được hơn 10 triệu đồng, đi xe ô tô khách xuyên ngày đêm hơn 1.000 cây số (km) vào tận Gia Lai, và chỉ đủ tiền mua vỏn vẹn 5 nghìn chồi giống dứa mật, đem về trồng ở quê Phú Thọ”, bà Hồng nói.
Từ ngày trồng dứa mật Cayen, gia đình bà Hồng vừa làm vừa học từ cách chọn giống, kỹ thuật trồng, đến chăm sóc, bảo vệ thu hoạch. Chỉ sau 18 tháng trồng, 5 nghìn cây dứa mật đã bắt đầu cho thu hoạch quả. Những quả dứa to, căng mọng, quả nào quả nấy đều chằn chặn, thơm lừng cả một vùng đồi núi. Những quả dứa khi thu hoạch nặng 1,5-2kg/quả, mỏng vỏ, lõi nhỏ, mọng nước, khi ăn vị ngọt mát; cùng vì vậy mà được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng.
“Vụ dứa năm nay, bán giá cao hơn năm trước, với trung bình 20.000 đồng/kg (mỗi quả dứa bán thành tiền dao động từ 30.000-40.000 đồng/quả). Trên diện tích 1 ha dứa quả đang cho thu hoạch khoảng 7.000-10.000 quả, trừ tất cả chi phí, đút túi lãi hơn 200 triệu đồng/ha. Hiệu quả kinh tế từ trồng dứa mật Cayen cao gấp 5 lần trồng ngô, khoai, sắn…; nếu so với giống dứa thường (bán giá 5.000 – 10.000 đồng/quả), cũng gấp 3-4 lần.
Điều vui, hạnh phúc nhất, sản phẩm dứa quả thu hoạch chín đến đâu, thương lái, khách hàng về tận ruộng cân thu mua, mang đi tiêu thụ khắp nơi. Nhờ đó, người trồng dứa không mất thêm khoản chi phí vận chuyển, nhân công tăng thêm; nhờ đó càng thu lời nhiều hơn. Hiện nhu cầu thị trường đang cao, dứa mật Cayen của nhà tôi chín không đủ bán…”, bà Hồng phấn khởi nói.
Mô hình trồng dứa mật Cayen hướng đến sản xuất đại trà, xây dựng thương hiệu
Với hiệu quả kinh tế từ cây dứa mật Cayen mang lại, gia đình bà Hồng đã chuyển toàn bộ diện tích hơn 3ha đất còn lại sang trồng dứa mật. Từ đó, mở rộng diện tích trồng mới đến nay hơn 15.000 gốc dứa, nâng tổng diện tích lên đến 4ha, với 20.000 gốc dứa mật Cayen.
“Thấy nhà tôi trồng thành công dứa mật Cayen, một số người dân trong xã làm theo. Năm nay, dứa mật trồng được mùa được giá hơn năm trước. Bên cạnh đó, từ diện tích trồng dứa mật Cayen đầu tiên đã cho thu hoạch quả, mỗi gốc dứa mật có thêm 3-5 chồi. Những chồi dứa này, vừa để gia đình tôi cắt ra làm nguồn giống cho vụ mới, số chồi giống còn thừa tận dụng bán giá 2.500-5.000 đồng/chồi; từ đó giúp tăng thu nhập từ việc trồng dứa mật Cayen”, bà Hồng nhấn mạnh.
Ông Vũ Ngọc Mạnh – Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Khê cho biết: “Đến nay, có thể khẳng định cây dứa mật Cayen phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của xã. Toàn xã hiện có gần 20 hộ tham gia trồng dứa mật Cayen. Trong đó có 6 hộ trồng nhiều với số lượng từ 10-50.000 gốc, tập trung chủ yếu ở các khu Đồng Mười, Đoài Trong, Luông Lữu…
“Mô hình trồng dứa mật Cayen tại địa phương đã và đang mang lại hiệu quả, được không chỉ người dân trong tỉnh đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm mà người dân ở một số địa phương của các tỉnh như Yên Bái, Lào Cai… cũng đến học tập và làm theo thành công”, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Khê cho biết thêm.
Trước hiệu quả thiết thực của mô hình dứa mật Cayen, mới đây, Hội nông dân huyện Cẩm Khê đã có buổi kiểm tra thực tế, đưa ra phương án hỗ trợ cho người dân nhân rộng, mở rộng quy mô mô hình.
“Chắc chắn rằng, thời gian tới, với sự vào cuộc của địa phương, phối hợp tập huấn, hướng dẫn và chuyển giao quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc dứa mật Cayen cho người dân. Cùng với thổ nhưỡng đất phù hợp trồng cây dứa mật; tăng cường quảng bá, giới thiệu, tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm dứa mật; sự động viên, khuyến khích người dân liên kết, thu hút doanh nghiệp vào đầu tư xây dựng cơ sở sơ chế, chế biến, chất lượng và giá trị của quả dứa mật Cayen sẽ nâng cao hơn nữa. Từ đó phát huy lợi thế và tiềm năng của địa phương, tiến tới xây dựng nhãn hiệu, sản phẩm OCop cho dứa mật Cayen Phú Thọ…”, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Khê Vũ Ngọc Mạnh nói.
Giống dứa mật Cayen có nguồn gốc từ Thái Lan, được nhập nội vào nước ta từ năm 2000. Dứa mật Cayen có khả năng sinh trưởng phát triển tốt, ít bị nhiễm bệnh héo khô đầu lá và thối nõn. Giống dứa này đã được trồng khảo nghiệm và cho thấy có sự thích nghi rộng rãi tại các vùng đất thổ nhưỡng của tỉnh Tiền Giang, Long An, Bình Chánh thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Kiên Giang và vùng đất xám bạc màu ở các tỉnh miền Đông Nam bộ; đất đồi khô cằn ở khu vực miền Trung, Tây Nguyên.
Cây giống đem trồng với trọng lượng 200g, cao cây 28-30 cm, 14-15 lá. Sau 12 tháng trồng, cây đạt chiều cao trung bình là 106 cm, có 40 lá; khi lá dài khoảng 86 cm, xử lý ra hoa, tạo quả.
Trọng lượng quả dứa mật Cayen không chồi đạt từ 1,5-2 kg, quả có dạng hình trụ dài, tỷ lệ thịt quả cao (68,5%), đột brix thịt quả 15,9%, hàm lượng vitamin C là 9,1 mg/100ml, axít tổng số 0,74g/100mg, thịt quả có màu vàng thích hợp cho ăn tươi và chế biến.
Giống dứa Cayen đã được Viện Cây ăn quả miền Nam tổ chức khảo nghiệm, đánh giá tính thích nghi trong điều kiện các tỉnh Nam bộ; được Bộ NNPTNT công nhận và cho phép đưa vào sản xuất chính thức từ năm 2006.
Leave a Reply