Đây là ông vua độc nhất vô nhị trong lịch sử phong kiến Việt Nam đem vợ gả cho công thần, ông là ai?

Trong các triều đại phong kiến, người được tin dùng và ưu ái nhất thường là người trong hoàng tộc. 

Nhà Trần còn hơn thế nữa, đây là triều đại rất chú trọng đến việc bảo vệ quyền lực của dòng họ, thể hiện ở mọi lĩnh vực, trong cả việc dựng vợ, gả chồng (trong họ lấy nhau). Tuy nhiên, việc sử dụng người tài ở ngoài dòng họ là điều tất yếu.

Trong trường hợp của Lê Phụ Trần, vua Trần Thái Tông không chỉ là việc dùng người tài, hơn nữa còn là dùng người tâm phúc.

Danh tướng bảo vệ tính mạng vua

Câu chuyện xảy ra vào những ngày đầu quân dân nhà Trần dốc sức ngăn cản vó ngựa của quân Mông Cổ trong kháng chiến chống giặc Nguyên Mông lần thứ nhất năm 1257.

Trước đó, đại binh Mông Cổ do Ngột Lương Hợp Thai sau khi chiếm được Đại Lý, thanh thế đang lên, sai sứ giả đến nước Đại Việt dụ hàng. 

Nhà Trần, một mặt nhốt sứ giả vào ngục, mặt khác tăng cường lực lượng, khí giới… phòng bị. Trước đó, Trần Quốc Tuấn đã được lệnh chỉ huy quân phòng thủ biên giới.

Ngột Lương Hợp Thai sau khi biết chiêu dụ nhà Trần không được nên chia quân hai cánh, một cánh do đích thân chỉ huy, cánh kia do Triệt Triệt Đô nắm giữ tiến xuống sông Thao. Thế giặc vô cùng hung hãn, với khí thế của kẻ bách chiến bách thắng.

Đây là ông vua Trần, vua duy nhất lịch sử phong kiến Việt Nam đem vợ gả cho công thần, ông là ai?- Ảnh 2.

Khu di tích đền thờ các vị vua nhà Trần ở huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình.

Tháng 12/ 1257, vua Trần Thái Tông tự mình dẫn quân nghênh chiến. Vua cho bày trận gồm tượng binh, kỵ binh, bộ binh ven bờ sông Hồng chờ giặc. Quân giặc dũng mãnh đánh nhanh, bắn vào mắt voi, khiến tượng binh bỏ chạy…

Lúc này quân nhà Trần nao núng. Sách sử chép lại, khi quân tướng rút lui trong hoảng loạn, tướng Lê Phụ Trần đang ở cạnh vua, sắc mặt không thay đổi. 

Dài dòng như vậy để thấy, trong cuộc chiến sinh tử, và đang ở bên yếu thế, nhưng Lê Phụ Trần vẫn hết sức bình tĩnh, chứng tỏ ông tin vào khả năng chiến đấu của mình, tin cuộc chiến sẽ không kết thúc sớm như quân giặc mong đợi.

Khi vua Trần lui quân đóng ở sông Lô, quân Nguyên bắn loạn xạ vào thuyền của vua, Lê Phụ Trần bóc ván thuyền che cho vua.

Trước đó, trong nguy cấp, có người khuyên vua Trần dừng lại, chỉ huy quân tiếp tục chiến đấu, chặn bước tiến của địch. 

Lê Phụ Trần đã nói với vua “Nay thì bệ hạ chỉ đánh một ván dốc túi thôi! Hãy nên tạm lánh chúng, sao lại có thể dễ dàng tin lời người ta thế!”.

Lời khuyên vua của Lê Phụ Trần chứng tỏ ông không chỉ là vị tướng có võ công trác tuyệt mà còn là người giỏi binh pháp, biết địch biết ta, trăm trận trăm thắng. 

Trong tình thế giặc khí thế đang hăng, quân lính tinh nhuệ như vậy, quân nhà Trần nếu dừng lại chiến đấu, chắc chắn bị tiêu diệt, kiểu “đánh một ván dốc túi”. Nhờ lời khuyên của Lê Phụ Trần, quân đội nhà Trần có cuộc rút lui chiến lược, vừa bảo toàn lực lượng, vừa chờ thời cơ phản công.

Sau đó, nhà Trần đã có cuộc rút lui chiến lược lần nữa, bỏ thành Thăng Long với phương châm “vườn không nhà trống”. 

Để sau đó, quân nhà Trần phản công. Ngày 28/1/1258, từ nơi trú quân ở đoạn sông Hồng thuộc Hà Nam, Trần Thái Tông dẫn quân ngược sông, bất ngờ đánh thẳng vào quân Mông Cổ, khiến giặc không kịp trở tay và tháo chạy.

Ở cuộc rút lui chiến lược lần thứ hai này, không biết vua tự quyết định hay nghe lời khuyên của ai. Tuy nhiên, Đại Việt sử ký toàn thư, có nhắc: “Khi vua Thái Tông triệt binh về sông Thiên Mạc, Lê Tần đã thảo luận với ông những chuyện cơ mật, không mấy người biết tới”. 

Đây là chi tiết chứng tỏ, khi mưu bàn việc quân, trong đó có việc rút khỏi thành Thăng Long, Lê Phụ Trần chắc chắn có dự.

Trong lịch sử, việc lui binh chiến lược không phải là hiếm. Lạ ở chỗ, trong những ngày đầu kháng chiến, vua Trần Thái Tông lại tin dùng người ở ngoài hoàng tộc nhất. 

Việc tin dùng này không chỉ vì tướng thân cận của vua giỏi võ nghệ mà còn giỏi mưu lược và hơn thế nữa là người đáng tin cậy, người tâm phúc cho nên mới: “Bàn chuyện cơ mật không mấy người biết tới”.

Vua tin cây Lê Phụ Trần (tên thật là Lê Tần, được vua đổi tên là Lê Phụ Trần), coi vị này như, thậm chí hơn cả, anh em ruột thịt là mệnh đề thứ nhất để giải những nút thắt tưởng chừng vô cùng éo le sau này.

Vua đem vợ gả cho công thần

Sau kháng chiến chống Nguyên Mông lần thứ nhất, vua định công để thưởng: Trần Thái Tông ban cho Lê Phụ Trần làm Ngự sử đại phu, tước Bảo Văn hầu; lại đem Chiêu Thánh công chúa gả cho. Với việc ban thưởng này cho Lê Phụ Trần, vua nói: “Trẫm không có khanh, thì đâu có ngày nay. Khanh hãy cố gắng để cùng được trọn vẹn về sau”.

Việc vua ban cho người con gái để làm vợ, đối với bề tôi là một ân sủng lớn; ban cho công chúa thì ân sủng lại càng lớn hơn. Tuy nhiên, uẩn khúc ở đây là Chiêu Thánh công chúa chính là Lý Chiêu Hoàng, vợ của Trần Thái Tông – Trần Cảnh.

Đây là sự việc mang lại nhiều lời chê bai, đàm tiếu, nhất là trong mắt của các nhà sử học, nhà nho thời phong kiến, bởi đây là việc trái với lẽ thường. Hơn nữa, trong mắt các nhà nho, vua Trần Thái Tông là bạn của Lý Chiêu Hoàng từ lúc còn nhỏ, sau đó là vợ – chồng. 

Điều này có nghĩa là họ nên nghĩa vợ chồng từ ban sơ, tình thắm, nghĩa đầy. Tuy nhiên, sau đó Trần Thái Tông bỏ Lý Chiêu Hoàng lấy vợ của Trần Liễu vì hai người không có con chung.

Lý Chiêu Hoàng từ là hoàng đế, làm hoàng hậu, rồi bị giáng xuống làm công chúa.

Đến đây, sự việc có thể giải thích: Vua Trần Thái Tông phải nghe lời Thái sư Trần Thủ Độ, người nắm thực quyền, phải lấy vợ của anh trai đang có mang 3 tháng vì để có người nối ngôi báu.

Lạ ở chỗ, Trần Thái Tông lại đưa vợ cũ ban thưởng cho Lê Phụ Trần.

Tuy nhiên, xét kỹ ở vị vua có Phật tâm như Trần Thái Tông, đây là hành động hợp tình, hợp lý của ông. Vị vua này từng vì áy náy việc lấy vợ của người khác mà bỏ cả ngai vàng để lên núi ở ẩn. Một vị vua như vậy không thể không nhớ người bạn sắt cầm của mình. 

Như đã nói, Lê Phụ Trần là người ngoài hoàng tộc nhưng được ông tin cậy nhất, trong quan hệ đã khác xa lẽ vua – tôi bình thường. 

Người sau này được ông mời dạy cho con mình là thái tử Trần Khâm, tức vua Trần Nhân Tông. Lê Phụ Trần là người ông có thể gửi gắm trọng trách: Giúp cho Lý Chiêu Hoàng có cuộc sống hạnh phúc ở cuộc đời còn lại.

Và đúng như những gì vị vua này mong ước: Lý Chiêu Hoàng có được người chồng dũng mãnh, văn võ toàn tài, được vua tin cậy, giữ Tam ty viện (Đô vệ phủ), người mà Ngô Sĩ Liên nhận xét: “Lê Phụ Trần dũng lược đứng đầu ba quân, một mình một ngựa xông pha trong lúc gian nguy, mà tài văn học của ông đủ để dạy bảo thái tử”. Hai người sau đó có hai người con, một trai, một gái, gia đình hạnh phúc viên mãn.

Tinh ý một chút, nhà Lý thời kỳ vừa mất vương quyền chưa hoàn toàn mất hết lòng dân. Do vậy, Lý Chiêu Hoàng lấy Lê Phụ Trần thì hoàng tộc nhà Trần vô cùng yên tâm, không sợ binh biến xảy ra, dù vị tướng này tài giỏi.

Như vậy, để ban thưởng cho công thần, để mưu cầu hạnh phúc cho người yêu cũ, Trần Thái Tông đã làm một việc “khó hiểu” trong mắt của những sử gia thời xưa và không hiếm người đọc sách hiện nay. Ông đã chịu phần cay đắng về mình, để dành phần ngon ngọt cho những người ông yêu quý.

Tin người, dùng người một cách sáng suốt, đó là đức tính quý của vị vua tài năng – hiền hậu Trần Thái Tông. Dùng Lê Phụ Trần trong sự tin cậy không thua gì với người trong hoàng tộc mà nổi bật là Trần Quốc Tuấn, Trần Quang Khải… sau này, chứng tỏ vua là người khoáng đạt trong một thời đại có nhiều điều luật thành văn, bất thành văn để bảo vệ vương vị.

Tin người, dùng người một cách sáng suốt, đó là đức tính quý của vị vua tài năng – hiền hậu Trần Thái Tông. Dùng Lê Phụ Trần trong sự tin cậy không thua gì với người trong hoàng tộc mà nổi bật là Trần Quốc Tuấn, Trần Quang Khải… sau này, chứng tỏ vua là người khoáng đạt trong một thời đại có nhiều điều luật thành văn, bất thành văn để bảo vệ vương vị.


Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *