Olympic có bao nhiêu môn? Các môn thể thao ở Olympic được lựa chọn thế nào?
Tại Olympic đầu tiên được tổ chức vào năm 1896 có 9 môn thể thao, bao gồm 43 nội dung thi đấu với tổng cộng 241 vận động viên (tất cả đều là nam giới). Đến năm 2024, tại Olympic Paris có 32 môn thể thao, bao gồm 329 nội dung thi đấu với tổng cộng 10.500 vận động viên cả nam và nữ.
Bên cạnh sự gia tăng về số vận động viên, các môn thể thao ở Olympic cũng thường xuyên thay đổi. Trong lịch sử chỉ có đúng 3 môn thể thao chưa bao giờ vắng mặt ở các kỳ Olympic mùa hè: điền kinh, thể thao dưới nước và thể dục. Kéo co từng xuất hiện trong 5 kỳ Olympic đầu tiên sau đó biến mất. Breaking, bộ môn lạ lẫm lần đầu xuất hiện ở Paris 2024 nhưng sẽ không tiếp tục có mặt ở Los Angeles 2028. Bóng chày xuất hiện ở Tokyo 2020, vắng mặt ở Paris 2024 nhưng sẽ quay trở lại ở Los Angeles 2028. Nói vậy để thấy việc các môn thể thao ra/vào chương trình thi đấu ở 1 kỳ Olympic là rất bình thường.
Tuy nhiên Olympic không giống như SEA Games, nơi các nội dung mới được bổ sung liên tục theo từng năm chủ yếu là theo yêu cầu của nước chủ nhà. Môn cờ ốc tại Campuchia 2023 là ví dụ điển hình.
Từ năm 2020, Ủy ban Olympic quốc tế IOC có sự thay đổi lớn liên quan đến số môn thi đấu ở Olympic. Có 28 môn thể thao được xác định là “chủ đạo” – “core” và một số lượng các môn thể thao (không quá 5 môn) “không chủ đạo” được xem xét bổ sung vào mỗi kỳ Olympic. Danh sách 28 môn nói trên có thể tìm thấy ở website chính thức của IOC. Tại Paris 2024, 4 môn được bổ sung bao gồm breaking, trượt ván (skateboarding), leo tường và lướt sóng. Tại Los Angeles 2028, 5 môn được bổ sung gồm bóng chày, cricket, squash, lacrosse và flag football (bóng bầu dục giật cờ). Việc quyết định 5 môn này phải được tiến hành trong khoảng 4-6 năm trước khi kỳ Olympic diễn ra và tùy thuộc vào nhiều điều kiện.
Điều kiện tiên quyết là môn thể thao phải có một liên đoàn quốc tế chịu trách nhiệm quản lý và liên đoàn này phải trực thuộc IOC. Ví dụ như breaking đang thuộc về Liên đoàn Dancesport thế giới quản lý. Liên đoàn này chịu trách nhiệm ban hành luật, các bộ quy tắc liên quan đến tổ chức thi đấu, phòng chống doping… tương ứng với quy định của IOC.
Tuy nhiên đó mới chỉ là bước đầu tiên. Liên đoàn thể thao này phải gửi kiến nghị tới IOC để đưa nó vào chương trình thi đấu Olympic và chờ xét duyệt. Có rất nhiều tiêu chí mà IOC đặt ra trong quá trình xét duyệt: độ phổ biến, đối tượng người chơi,… Môn thể thao phải được thi đấu trên phạm vi toàn cầu: ít nhất 75 quốc gia trên 4 châu lục (với nam) và 40 quốc gia trên 3 châu lục (với nữ) để được xem xét có mặt ở Olympic mùa hè. IOC cũng không chấp nhận những môn không mang tính thể lực ví dụ như cờ vua, hay những môn sử dụng công cụ hỗ trợ mang động cơ ví dụ như đua xe.
Ngoài ra cũng còn một số yếu tố tác động khác như tính thương mại hay tầm ảnh hưởng của nước chủ nhà kỳ Olympic.
Vì sao bi-a không thi đấu ở Olympic?
Hãy cùng xét lần lượt theo các quy định của IOC nói trên. Từ năm 1998, IOC đã công nhận WCBS – “World Confederation of Billiards Sports” là tổ chức điều hành tất cả các hoạt động billiard trên toàn thế giới. WCBS bao gồm 3 “thành viên” quản lý 3 mảng: WPA, hiệp hội pool thế giới, UMB, hiệp hội carom thế giới, và IBSF, tổ chức dành cho snooker và bi a kiểu Anh. Có thể nói vai trò của WCBS gần như chỉ mang tính biểu tượng và không rõ ràng như các “thành viên” bên dưới là WPA, UMB và IBSF. 3 đơn vị này là đầu mối quản lý các Liên đoàn khu vực bên dưới cũng như các giải đấu lớn.
Bi-a là môn thể thao rất rộng, với rất nhiều khác biệt giữa 3 loại từ cách chơi tới bàn chơi. Carom chơi trên bàn không có lỗ, tất cả chỉ có 3 bi. Pool có 6 lỗ trên bàn, gồm 1 bi cái và 15 bi màu sắc khác nhau đánh số từ 1 tới 15. Bàn snooker lớn hơn 2 loại kia, nhưng có chiều cao thấp hơn và các hốc nhỏ hơn. Tổng cộng có tới 22 bóng trên bàn snooker. Luật chơi cũng rất đa dạng và nhiều phiên bản, từ Anh, Mỹ, Trung Quốc tới Nga. Snooker rất phổ biến ở Anh, Trung Quốc và các nước thuộc địa cũ của Anh trong khi carom phổ biến ở châu Âu, Việt Nam, Thổ Nhĩ Kỳ, và Hàn Quốc.
Việc có quá nhiều cách chơi, luật chơi, cộng đồng chơi khác nhau là một trở ngại khiến cho môn thể thao người Việt vẫn gọi chung là bi-a xuất hiện tại Olympic. Rất khó có chuyện cả 3 nội dung này cùng xuất hiện ở Olympic, và nếu có thì phải lựa chọn chơi theo thể thức nào, luật nào trong bối cảnh “phân mảnh” của 3 tổ chức nói trên.
Tuy nhiên đây chưa phải là yếu tố quyết định. Có rất nhiều môn thể thao Olympic với rất nhiều nội dung khác nhau. Ví dụ như thể thao dưới nước gồm 6 nội dung: bơi, bơi biểu diễn, nhảy cầu, bóng nước, bơi ngoài trời và nhảy cầu cao trong đó 5 cái tên đầu tiên xuất hiện ở Olympic mùa hè. Tất cả đều thuộc quản lý bởi Liên đoàn thể thao dưới nước thế giới (World Aquatics).
Phải bổ sung rằng WCBS đã có cố gắng đưa vào bi-a vào thi đấu Olympic nhưng đều thất bại. Khẩu hiệu được đăng tải trên website của tổ chức này là “đưa môn thể thao này tới đấu trường Olympic và đoàn kết cộng đồng bi-a toàn cầu”. Như đã nói tổ chức này chỉ mang tính biểu tượng, đồng thời cũng đang tồn tại nhiều mâu thuẫn nghiêm trọng. WPA gần như đang trong trạng thái “chiến tranh” với Matchroom, nhà phát triển sự kiện thể thao hàng đầu của môn này với các giải đấu như World 9 ball hay US Open, dẫn đến án phạt dành cho các cơ thủ Việt Nam mới đây.
Chốt lại, dù có nhiều vấn đề nhưng bi-a đã đáp ứng tiêu chí đầu tiên để có thể nộp hồ sơ lên ICO dự Olympic. Vậy còn các tiêu chí khác thì sao? Về độ phổ biến, có lẽ bi-a nói chung và 1 trong 3 nội dung của nó sẽ đáp ứng được tiêu chí về số quốc gia thi đấu. Tuy nhiên như đã nói cộng đồng 3 nội dung bi-a phân biệt khá rõ rệt và điều này sẽ ảnh hưởng tới tiềm năng thương mại. Liệu số người xem bi a tại Olympic qua truyền hình có thể vượt qua những môn như cricket? Liệu các nhãn hàng đồ thể thao như giày, trang phục có muốn tài trợ cho vận động viên bi-a thay vì các môn khác?
Bi-a rõ ràng là môn đòi hỏi sự vận động thể lực, nhưng hình ảnh của nó thường đi kèm với những yếu tố như quán bar, cờ bạc hay những căn phòng tối đầy khói thuốc. Đây chắc chắn không phải là những giá trị mà IOC muốn nhắm đến.
Hiện tại Bi-a chỉ xuất hiện ở World Games, sự kiện được IOC tổ chức dành cho các môn không xuất hiện ở Olympic, cũng với tần suất 4 năm 1 lần. Cả carom, pool và snooker cùng xuất hiển ở World Games 2025 tổ chức tại Thành Đô, Trung Quốc, bên cạnh những môn giàu tính địa phương như đua thuyền rồng, muay thái, petanque (bi sắt)…
Cơ hội lớn nhất để bi-a xuất hiện ở Olympic có lẽ là dành cho Pool, nội dung bi-a nhiều người chơi nhất, và cũng tập trung ở 2 cường quốc thể thao là Mỹ và Trung Quốc. Điều này chỉ có thể trở thành hiện thực nếu WPA, tổ chức điều hành pool, phối hợp của WCBS trong việc nộp hồ sơ tới IOC xin tổ chức. Và qua trọng không kém là phải có một nước chủ nhà “đủ máu mê” với Pool, hay rộng hơn là bi-a, để tích cực vận động IOC đưa nó vào nội dung thi đấu Olympic tổ chức trên sân nhà. Đây là điều đã xảy ra với bóng chày ở Nhật Bản tại Olympic 2020.
Năm 2018, Breaking được đưa vào chương trình thi đấu Olympic trẻ 2018 ở Argentina và đây chính là tiền đề quan trọng cho sự xuất hiện của môn thể thao đặc biệt này tại Paris 2024. Liệu có cơ hội nào cho bi-a, có lẽ là tại Olympic 2032?
Leave a Reply