“Lạm phát” điểm chuẩn đại học năm 2024 đến mức 29 điểm vẫn trượt nguyện vọng: Trường đại học lý giải

“Lạm phát” điểm chuẩn đại học năm 2024

Với phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội năm 2024 có mức điểm chuẩn khá cao. Hai ngành Sư phạm Lịch sử và Sư phạm Ngữ văn lấy cao nhất và so với năm ngoái, điểm chuẩn tăng khoảng 0,88-2,9, tùy tổ hợp. Trong nhóm ngành đào tạo giáo viên, Sư phạm Mỹ thuật có đầu vào thấp nhất – 22,69, nhưng đã tăng 4,39 điểm.

Ở nhóm đào tạo ngoài sư phạm, ngành Văn học có điểm chuẩn cao nhất – 28,31 và Sinh học thấp nhất – 22. Các mức này đều tăng mạnh so với năm trước.

Điểm chuẩn Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội từ 26,73 đến 29,1. Ba ngành trên 29 điểm gồm Báo chí, Quan hệ công chúng và Hàn Quốc. Ngành Quan hệ công chúng có điểm cao nhất – 29,1 ở khối C00 (Văn, Sử, Địa). Mức này cao hơn năm ngoái 0,32 điểm.

Năm nay điểm chuẩn đại học cao gần kịch trần. Ảnh minh họa: Tào Nga

Hai ngành Hàn Quốc học và Báo chí có điểm chuẩn lần lượt là 29,05 và 29,03. Các ngành còn lại lấy đầu vào phổ biến khoảng 27,38 – 28,83 điểm.

Tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM, điểm chuẩn đại học 2024 dao động từ 22.00 đến 28,88 điểm, trung bình tăng nhẹ so với năm 2023. Đặc biệt, các ngành xét tuyển khối C00 có mức điểm chuẩn trung bình tăng từ 2-3 điểm so với điểm chuẩn năm 2023 như dự đoán. Ngành tôn giáo học tăng 5 điểm (điểm chuẩn khối C00 năm 2023 là 21 điểm, năm 2024 là 26 điểm).

Ngành Báo chí là ngành có điểm trúng tuyển cao nhất với 28,8 điểm, tiếp đến là Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành với 28,33 điểm, ngành Văn hóa học 28,2 điểm, ngành Nghệ thuật học 28,15 điểm và ngành Lịch sử với 28,1 điểm. 

Năm 2024, điểm chuẩn Học viện Ngoại giao từ 25,37- 29,2 điểm cao nhất là ngành Trung Quốc học ở tổ hợp C00 (Văn, Sử, Địa). Trong 8 ngành đào tạo, hai ngành có điểm chuẩn từ 29 trở lên ở tổ hợp C00, gồm Truyền thông quốc tế và Trung Quốc học. So với năm trước, điểm chuẩn của hai ngành này tăng khoảng 0,59 đến 0,78.

Điểm chuẩn trúng tuyển vào ngành Luật Kinh tế (tổ hợp C00) của Trường Đại học Luật Hà Nội năm nay cao nhất với 28,85 điểm. 

Năm nay, ngành Truyền thông đa phương tiện của Học viện Báo chí và Tuyên truyền cũng có điểm chuẩn cao nhất là 28,25 điểm, tiếp đến là ngành Truyền thông đại chúng với 28,05 điểm.

Ở khối các trường Quân đội, năm 2024, thí sinh xét tuyển vào trường Sĩ quan Chính trị bằng tổ hợp C00 (Văn, Sử, Địa) phải đạt 28,55, đồng thời có điểm thi môn Ngữ văn từ 9,5 trở lên mới trúng tuyển. Đây cũng là mức điểm chuẩn cao nhất trong 17 trường quân đội trong năm 2024.

Các trường lý giải nguyên nhân điểm chuẩn tăng

Nói về “lạm phát” điểm chuẩn đại học 2024, TS Trần Bá Trình, Trưởng phòng Đào tạo Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, cho biết trước đó đã nhận định điểm chuẩn năm nay của trường sẽ tăng. Lý do là số nguyện vọng đăng ký vào trường khoảng 40.000 trong khi chỉ tiêu chỉ khoảng 4.000. Trong khi đó, phổ điểm thi tốt nghiệp ở nhiều môn tăng, số chỉ tiêu một số ngành giảm.

TS. Trần Mạnh Hà, Trưởng phòng Đào tạo, Học viện Ngân hàng chia sẻ: “Ngành Luật Kinh tế là ngành duy nhất của trường có khối C và cũng là ngành có điểm chuẩn cao nhất, 28,13 điểm. Năm ngoái, ngành này lấy điểm chuẩn là 27. Như vậy, dù 9 điểm mỗi môn nhưng nhiều thí sinh vẫn bị trượt đại học.

Về nguyên tắc xét tuyển đại học rất công bằng vì tiêu chí điểm rõ ràng, công bố trước cho thí sinh, lấy từ trên cao xuống thấp. Như vậy, chúng ta tưởng 27 điểm là cao nhưng có bạn điểm còn cao hơn và do chỉ tiêu hạn chế nên nhiều bạn điểm thấp hơn sẽ không có cơ hội dù lực học rất ổn”.

Đa phần các ngành có điểm chuẩn cao khiến thí sinh đạt 9 điểm/môn cũng trượt nguyện vọng đều xét tuyển tổ hợp C00, đặc biệt ở nhóm ngành Sư phạm, điểm chuẩn năm nay rất cao.

Theo phân tích của các chuyên gia, điểm chuẩn vào khối C00 xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT năm nay tăng mạnh xuất phát từ nhiều lý do. Trong đó, phổ điểm các môn thi tốt nghiệp Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý năm nay đều tăng mạnh, số lượng bài thi đạt điểm từ 9 trở lên nhiều. Thứ hai là chỉ tiêu xét tuyển vào một số ngành hot khối C không tăng trong khi nhiều trường lại sử dụng thêm các phương thức xét tuyển sớm khác như thi đánh giá năng lực, học bạ, chứng chỉ IELTS… khiến cho chỉ tiêu xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT giảm.

Đối với nhóm ngành Sư phạm, tỷ lệ thí sinh đăng ký xét tuyển vào nhóm ngành Khoa học giáo dục, đào tạo giáo viên tăng đột biến ở mức trên 80% so với năm 2023. Điều này cho thấy, các chính sách đối với ngành Sư phạm như miễn giảm học phí, hỗ trợ sinh hoạt phí cho sinh viên đã bước đầu tác động tích cực đến việc lựa chọn ngành nghề của thí sinh, khiến các em ngày càng quan tâm hơn.


Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *