Gia đình ông Nguyễn Xuân Ngụ, trú tại thôn Hương Phố, xã Kỳ Tiến, là một trong những hộ dân đầu tiên của xã tham gia chương trình nâng cao chất lượng đàn bò bằng biện pháp thụ tinh nhân tạo được huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh triển khai trong 2 năm qua.
Nhờ bò nuôi được thụ tinh nhân tạo, gia đình ông Nguyễn Xuân Ngụ, trú tại thôn Hương Phố, xã Kỳ Tiến, Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh đã cho ra những con giống bò 3B khỏe mạnh, thích nghi tốt với môi trường sống, tăng trọng nhanh. Ảnh: PV.
Giống bò 3B sức vóc lớn, sản lượng thịt cao
Ông Nguyễn Xuân Ngụ, chia sẻ: “Từ khi áp dụng phương pháp thụ tinh nhân tạo, kết hợp được đặc tính tốt của con bố 3B nên bê lai F1 sinh ra khỏe mạnh, thích nghi tốt với điều kiện môi trường sống, vóc dáng to, hệ cơ và u vai phát triển. Bê có trọng lượng bình quân là từ 25 – 35 kg (so với bê phối giống trực tiếp, trọng lượng tăng từ 10 – 15 kg), giá trị kinh tế cao hơn hẳn”.
Còn chị Nguyễn Thị Thủy, trú tại thôn Đông Sơn, xã Kỳ Phong, cũng đang có 3 con bò cái mang thai nhờ biện pháp thụ tinh nhân tạo.
Chị Thủy, cho biết: “Một số hộ dân trên địa bàn xã áp dụng phương pháp thụ tinh nhân tạo, cho ra những con bê đẹp, to lớn nên khi được cán bộ thú y xã tư vấn, tôi đã mạnh dạn áp dụng ngay”.
Tiến hành thụ tinh nhân tạo trên đàn bò cái ở Hà Tĩnh đã cho ra đàn bò 3B với tầm vóc cao lớn, béo khỏe, cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: PV
Sau gần 2 năm thực hiện, xã Kỳ Phong có 50 con bò cái được áp dụng phương pháp thụ tinh nhân tạo, bê con ra đời đẹp, tầm vóc to lớn, bán được giá cao nên bà con nông dân rất phấn khởi.
Bà Võ Thị Xuân – Chủ tịch Hội Nông dân xã Kỳ Phong, cho biết: “Tổng đàn bò của xã là hơn 300 con, chính quyền địa phương đang tiếp tục rà soát, lựa chọn bò cái nền đủ tiêu chuẩn và tuyên truyền bà con áp dụng biện pháp thụ tinh nhân tạo, nâng cao chất lượng đàn bò”.
Từ khi thụ nhân tạo giống bò 3B, đàn bò gia đình chị Nguyễn Thị Thủy, trú tại thôn Đông Sơn, xã Kỳ Phong, Kỳ Anh, Hà Tĩnh đem lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: PV
Huyện Kỳ Anh là một trong những địa phương có lợi thế phát triển chăn nuôi và tổng đàn bò khá lớn (trên 10.000 con).
Để tạo động lực cho người dân đẩy mạnh chăn nuôi, huyện đã tập trung triển khai, tuyên truyền sâu rộng về phương pháp thụ tinh nhân tạo (lấy tinh trùng của các giống bò nước ngoài như: Brahman, Droughtmaster, Red Angus, B.B.B… để phối với giống bò Việt Nam) nhằm tạo ra bê con có năng suất, chất lượng cao.
Theo đó, huyện phối hợp với Cục Chăn nuôi (Bộ NN& PTNT) và một số đơn vị khác cung cấp nguồn tinh bò có chất lượng để chủ động thực hiện công tác thụ tinh có hiệu quả tại địa phương.
Huyện Kỳ Anh cũng là một trong số ít địa phương tại Hà Tĩnh cử các dẫn tinh viên đi đào tạo theo chương trình liên kết với Cục Thú y nhằm nâng cao tay nghề, đáp ứng nhu cầu “nâng chất” đàn bò. Đến nay, huyện đã có 5 dẫn tinh viên với kỹ năng tốt, được phân về các địa phương để hỗ trợ phối giống cho đàn bò khi người dân có nhu cầu.
Cùng với đó, Trung tâm Ứng dụng Khoa học kỹ thuật và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi huyện đã phân công cán bộ rà soát tổng đàn bò đạt tiêu chuẩn làm nái phối giống nhân tạo, chủ động phân bổ, cung cấp nguồn tinh kịp thời cho người dân.
Trong tổng số 720 con bò nái được rà soát xác định đủ tiêu chuẩn làm nái nền của 316 hộ, huyện đã phối giống được trên 300 con, cho ra đời 75 con bê thuộc các dòng chất lượng cao như: 3B, Brahman, Senepol… Qua đánh giá, khảo nghiệm, đàn bê sinh ra đẹp, tầm vóc to lớn, dễ nuôi và thích nghi với điều kiện thời tiết khí hậu.
Trao đổi với PV Dân Việt, bà Nguyễn Anh Thùy – Phó Giám đốc Trung tâm Ứng dụng Khoa học kỹ thuật và Bảo vệ cây trồng vật nuôi huyện Kỳ Anh, cho biết: “Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp, đến nay, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện đã thay đổi tập quán sản xuất cố hữu, biết cách ứng dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, góp phần tăng thu nhập và nâng cao đời sống”.
“Thời gian tới, trung tâm sẽ tiếp tục hướng dẫn, tập huấn để bà con tích cực sử dụng các loại tinh bò có giá trị kinh tế cao (tinh bò 3B, tinh bò Red Angus,…) phối giống cho đàn bò tại địa phương. Chú trọng tuyển chọn những con bê cái lai F1 nhằm phát triển đàn bò nái có tầm vóc, sinh sản tốt hơn, khuyến khích nông dân mở rộng quy mô, tiến tới xây dựng các trang trại, nông trại chăn nuôi bò lớn”, bà Nguyễn Anh Thùy – Phó Giám đốc Trung tâm Ứng dụng Khoa học kỹ thuật và Bảo vệ cây trồng vật nuôi huyện Kỳ Anh, cho hay.
Leave a Reply