Đầm Ao Châu trên địa bàn huyện Hạ Hòa (tỉnh Phú Thọ) nhìn từ trên cao. Toàn bộ thủy vực, đầm Ao Châu rộng tới 1.500 ha, tức là gấp 3 lần hồ Tây.
Nếu ai chưa tìm hiểu kỹ, sẽ nghĩ rằng cái tên Ao Châu có nghĩa là ao châu ngọc. Tuy nhiên, xung quanh tên gọi Ao Châu có nhiều giả thuyết.
Theo một số người dân địa phương, ngày xưa chưa có đầm, vùng nước này là một phần của sông Thao (tên đoạn sông Hồng chảy qua địa phận Phú Thọ).
Để tạo nguồn tưới tiêu cho đồng ruộng, đồn điền, trong những năm đầu thế kỷ, một địa chủ trong vùng là Lê Thượng Quát đã cho đắp đập hình thành nên đầm nước.
Về sau người dân tiếp tục đắp nối từ Vũ Cầu đến Vũ Ẻn để lấy nước tưới ruộng cho 6 xã của huyện Hạ Hòa, giúp mùa màng tươi tốt nên đầm quý chẳng kém gì châu báu. Vì vậy mà có tên gọi Ao Châu.
Trong đầm Ao Châu có nhiều ngõ ngách, luồng lạch. Để ngắm nhìn toàn cảnh Ao Châu hoặc phải dùng flycam, hoặc leo lên núi Buồm. Ảnh: X.N.
Nhưng theo tài liệu của UBND tỉnh Phú Thọ, tương truyền vào thời dựng nước, các vua Hùng khi đi chọn đất lập kinh đô đã đến vùng đất này, nơi có 99 ngọn đồi và 99 ngách nước, sơn thuỷ hữu tình.
Trong lúc vãn cảnh, vua Hùng và các quần thần đã bắt gặp cuộc giao đấu quyết liệt bất phân thắng bại giữa hai con trâu vàng, sau đó chúng lặn xuống đầm nước mất tăm.
Từ truyền thuyết này, đầm Ao Châu còn được gọi là hồ Kim Ngưu nghĩa là hồ Trâu Vàng. Từ cái tên “Kim Ngưu hồ” hay “ao trâu vàng” thành Ao Trâu và sau này bị đọc chệch thành Ao Châu.
Nhìn từ trên cao, chiêm ngưỡng toàn cảnh Ao Châu, người ta dễ bị thuyết phục bởi giả thuyết thứ hai: Đầm hao hao giống đầu một con trâu, hai sừng trỏ về phía sông Thao và sông Lô, hợp lại với một hồ chính và một số hồ nhỏ xung quanh.
Một ngày đầu hè, chúng tôi ghé thăm Ao Châu. Muốn thưởng ngoạn cảnh vật của đầm nước được ví như Hạ Long trên cạn của Phú Thọ, chỉ có cách thuê thuyền.
Cả khu vực thị trấn Hạ Hòa chỉ có một cơ sở kinh doanh thuyền du lịch. Ông Hồng, chủ cơ sở Hồng Lan, điều khiển thuyền máy dẫn khách đi dạo một góc đầm. Ông nói nếu đi hết các ngóc ngách có khi phải mất mấy ngày. Theo lời ông Hồng, đầm hiện vẫn có kênh nối với sông Hồng, có cửa chắn nước.
Tôi vốn đã nghe nhiều câu chuyện liên quan đến Ao Châu, mà giai thoại ấn tượng nhất là những con giải khổng lồ. Giải, có nơi gọi là thuồng luồng, là loài rùa mai mềm khổng lồ, khi trưởng thành có thể nặng vài tạ. Dân trong vùng ngày xưa vẫn thường kể chuyện giải nổi lên đớp chân trâu kéo xuống.
Câu chuyện này có căn cứ, bởi đầm vốn là một phần của sông Hồng, mà sông Hồng vốn là thủy vực có loài giải khổng lồ, sau này được gọi là rùa Hồ Gươm, tên khoa học là rùa mai mềm Thượng Hải (rafetus swinhoei).
Chẳng phải ngẫu nhiên mà các hồ đầm có dấu tích con giải đều liên quan đến sông Hồng: Đầm Hậu (đầm Minh Quân) ở Yên Bái, đầm Ao Châu ở Hạ Hòa, hồ Suối Hai, Hồ Gươm…
Anh Nguyễn Tài Thắng, cán bộ Chương trình Bảo tồn Rùa châu Á (ATP) cho biết Ao Châu là một trong những trọng điểm bảo tồn gen giống giải rafetus swinhoei và cho đến nay các cuộc tìm kiếm vẫn đang được tiếp tục.
Ông Hồng ngày ngày lái thuyền đưa khách vãn cảnh đầm. Ảnh: X.N.
Ông Hồng, ngoài 60 tuổi, nói ngày trước vùng này có nhiều giải, nhưng vài chục năm nay thì không thấy nữa. “Đầm này sâu trung bình khoảng 10 m, chưa bao giờ cạn dưới 3 – 4 m nước cả. Cá tôm còn nhiều, nhưng rùa lớn thì tuyệt nhiên không thấy”, ông Hồng nói.
Dân địa phương nói kể từ ngày vỡ đập do lũ sông Hồng vào năm 1971, rùa khổng lồ ở đầm Ao Châu ít hẳn và nay không còn dấu tích. Có thể chúng đã ra sông Hồng hết.
Một người đánh cá trên đầm Ao Châu kể rằng ngày xưa đã từng chứng kiến săn con giải ở đầm Ao Châu. “Thợ săn phải nắm được quy luật đi lại, sinh hoạt của giải thì mới hòng bắt được chúng”, ông Hà Văn Tuấn (67 tuổi) nói.
Dấu ấn của giải Ao Châu còn lại đến ngày nay chỉ là những chiếc xương sọ được thợ săn trong vùng lưu làm kỷ niệm. “Nhưng ngày xưa, con giải khá nhiều.
Chúng to lớn, dữ tợn, nên phải là phường săn có kinh nghiệm mới bắt được”, ông Tuấn kể. Theo lời ông, giải giống ba ba ở đặc tính hay nổi lên phơi nắng và khi có động, chúng lặn xuống ngay. Tuy nhiên, chúng chỉ chìm xuống đúng chỗ vừa nổi lên chứ không bơi đi đâu cả.
Chính đặc điểm này đã dẫn đến cái chết thê thảm của giải. Phường săn chỉ cần xác định chính chỗ giải vừa nổi, bơi thuyền đến, dùng lao có ngạnh sắt, đầu kia buộc dây, đâm thẳng xuống, nhiều khả năng trúng lưng vì một con giải có thể lớn bằng cái nong phơi lúa.
Mũi lao xuyên qua chiếc mai mềm, găm sâu vào thịt. Con giải vùng chạy, mang theo cây lao trên lưng cho đến khi đuối sức. Lúc đó phường săn sẽ dùng lao móc khống chế, bắt giải làm thịt. “Thịt giải đỏ au như thịt bò”, lời ông Tuấn.
Theo con thuyền du lịch của ông Hồng, chúng tôi ghé thăm dấu tích một trại giam cũ. Các buồng giam lâu ngày không còn được sử dụng đã hoang tàn, đổ nát, chỉ khu văn phòng vẫn còn hình dáng cũ.
Cách trại giam cũ không xa là đài thờ do dân trong vùng xây dựng thờ các bậc anh linh với tấm đại tự “Từ hàng quảng tế” mang ý nghĩa “con thuyền từ bi luôn tế độ cho sinh linh thoát khỏi những cái xấu”. Hai bên quả đồi xây đài có các dải đồi, trước mặt là 5 cửa nước tụ về, tạo thế phong thủy đẹp.
Chúng tôi dừng thuyền bên một bờ nước, nơi có bóng cây râm mát cạnh ngôi chùa đang xây dở. Theo các thông tin dự án liên quan đến Ao Châu, chùa cũng được đặt tên là Ao Châu, do tập đoàn Trung Nam làm chủ đầu tư.
Tôi đem cần câu mang theo từ trước thả mồi kiếm cá. Đầm rất sâu, ngay bên bờ đã 3 – 4 m nước. Chỉ một lát đã có vài chú cá ngạnh dính câu.
Theo khảo sát của các chuyên gia, vùng Ao Châu sở hữu hệ sinh thái đa dạng với 702 loài thực vật, 22 loài động vật, 71 loài chim. Ao Châu còn là nơi sinh sống của 29 loài cá, trong đó nổi bật là cá chép, cá trắm cỏ, cá măng, cá ngạnh, trạch trấu, cá trê và rùa, ba ba…
Thiên nhiên kỳ vĩ xen lẫn bí ẩn, hoang sơ, khí hậu ở Ao Châu mang những đặc điểm của vùng núi Tây Bắc với bầu không khí mát mẻ, lượng mưa trung bình khoảng 1.850 mm/năm và nhiệt độ trung bình khoảng 23°C. Kết hợp với những câu chuyện sinh thái, văn hóa, lịch sử, đầm Ao Châu luôn được coi là tiềm năng du lịch lớn của Phú Thọ.
Xét về góc độ liên kết tour tuyến theo cách nhìn của những người làm du lịch, Ao Châu có thể được kết nối với khu Ao Giời – Suối Tiên (cách dó khoảng 15 km) và Đền Mẫu Âu Cơ (khoảng 16 km) cùng nằm trong tuyến du lịch Hạ Hòa, Phú Thọ.
Năm 2001, tỉnh Phú Thọ và Tổng cục Du lịch Việt Nam phối hợp khảo sát, lập quy hoạch chung Khu du lịch hồ Ao Châu và tỉnh đã phê duyệt quy hoạch chi tiết với diện tích 1.500 ha.
Nhưng từ đó đến nay, chưa có dự án đáng kể nào được thực hiện ở đầm Ao Châu, cho dù tỉnh Phú Thọ liên tục chào mời. Khách đến thăm Ao Châu chỉ có thể lên thuyền dạo một vòng ngắm cảnh rồi dời đi, vì trong khu vực không có dịch vụ gì đáng kể, từ lưu trú đến ăn uống, vui chơi giải trí. Ao Châu, dù hấp dẫn, đến nay vẫn chỉ là một “viên ngọc ẩn”.
Leave a Reply