Theo chia sẻ từ gia đình, TS Nguyễn Văn Khải – “ông già ozone” đã qua đời vào ngày 24/6, hưởng thọ 77 tuổi. Lễ viếng TS Nguyễn Văn Khải vào ngày 26/6 tại Nhà tang lễ số 5, Trần Thánh Tông, Hà Nội và an táng tại Lạc Hồng Viên, Hòa Bình.
“Ông già ozone” Nguyễn Văn Khải sinh năm 1948, sống cùng gia đình tại quận Hoàng Mai, Hà Nội. Ông là người khởi xướng việc áp dụng công nghệ ozone ở Việt Nam. Ông đã đi khắp các vùng nông thôn để hướng dẫn nông dân sử dụng ozone bảo vệ nông phẩm, gia súc.
Ông sinh ra trong gia đình hoạt động cách mạng và truyền thống khoa bảng. Bố của ong là ông Nguyễn Văn Nguyện, từng là Chủ tịch Ủy ban Hành chính Kháng chiến huyện Ứng Hòa. TS Nguyễn Văn Khải là em của GS.VS Nguyễn Văn Hiệu – nhà Vật lý hàng đầu của Việt Nam, Viện trưởng Viện Khoa học Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban nghiên cứu vũ trụ Việt Nam, Giám đốc Trung tâm Khoa học tự nhiên và Công nghệ Quốc gia, Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ.
Gia đình ông có tất cả 10 anh em, đều tốt nghiệp đại học. Ngoài GS Hiệu còn có 6 người là tiến sĩ, 2 người là viện sĩ, 1 người là phó giáo sư. Điều đáng quý là tất cả anh em đều có thành tựu khoa học ứng dụng với thực tiễn.
Quan điểm sống của TS Khải là sống phải lao động. Muốn lao động phải học nghề, từ đó ngày càng nâng cao kỹ thuật, số lượng và chất lượng tăng lên. Và nữa, lao động thì phải lao động với cộng đồng. Vì vậy, sau thời gian ngắn bước vào nghiệp khoa học, ông đã sớm nhận hai bằng sáng chế là “Đầu thu laser CO2” năm 1982 và “Vật liệu quang dẫn sử dụng năng lượng mặt trời” năm 1991.
Các đề tài của TS Nguyễn Văn Khải luôn có tính ứng dụng cao và được sử dụng đại trà, như bảng không loá màu xanh lá cây, đèn học đường… Trong số đó, thành quả hợp tác với một số nhà khoa học Trung Quốc đã cho ra đời bóng đèn compact huỳnh quang làm sạch không khí (công suất tiêu thụ điện năng 0,01W) đã đăng ký thương hiệu tại Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam năm 2006. Tiếp đó, việc sáng chế ra máy sản xuất nước ozone (có khả năng tiêu diệt vi khuẩn, vi trùng, siêu vi trùng, nấm và bào tử nhưng không gây tác hại cho người và động thực vật) để giúp nông dân bảo quản hoa quả tươi lâu, mang lại lợi ích kinh tế khá lớn được ông coi là sản phẩm tâm đắc nhất trong sự nghiệp nghiên cứu.
Sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, lại là TS Vật lý, song thời gian ông gắn bó với người nông dân nhiều hơn cả thời gian ông làm khoa học. “Từ bé cho đến khi ra trận chiến đấu, đi học… tôi luôn gắn với nông dân. Cho tới giờ, tôi vẫn coi họ là những người bạn tốt cần giúp đỡ”, TS Khải chia sẻ. Cái tên ông già ozone cũng xuất phát từ đây.
Ngoài đóng góp của TS Khải cho người nông dân, khi làm Giám đốc Trung tâm Tư vấn tiết kiệm điện và dung dịch hoạt hoá điện hoá năm 2011, ông còn lăn lộn vào các điểm nóng và chế ngự đại dịch tay chân miệng, được nhiều người ghi nhận…
Leave a Reply