Cảm ơn Liên Liên đã dành cho chúng tôi một cuộc trò chuyện ngay trước thềm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6. Nhìn từ thực tế ngành báo chí trong khoảng 20 năm trở lại đây, có rất ít nữ nhà báo tham gia vào lĩnh vực điều tra, bởi sự khốc liệt không phải ai cũng có thể chịu đựng được. Lý do đặc biệt nào đã giữ chân chị ở lĩnh vực điều tra lâu như vậy?
– Khi tôi mới tham gia vào mảng này, đã có nhiều người thân đưa ra cho tôi những dấu mốc. Đó là dấu mốc để tôi dừng lại, hoặc giảm dần, thí dụ như việc kết hôn, sinh con thứ nhất, rồi sinh con thứ hai… Tuy nhiên, sự thật là, tới giờ này tôi vẫn ở đây và đang đi tiếp.
Đôi khi nhìn lại chặng đường đã qua, chính bản thân tôi cũng ngạc nhiên bởi mình vẫn còn nhiệt huyết và nhiều đam mê tới vậy. Thú thật, có những khoảnh khắc, trong từng vụ việc cụ thể, tôi đã nghĩ rằng mình phải từ bỏ thôi, sao lại tự để mình rơi vào tình thế nguy hiểm tới như vậy? Thế nhưng, khi sự sợ hãi qua đi, trí tò mò còn ở lại, tôi cứ thế tiếp tục lên đường.
Tôi đến với điều tra xuất phát từ bản tính tò mò, luôn muốn tìm hiểu sâu, tới tận gốc rễ của vấn đề. Còn để trả lời câu hỏi vì sao mình lại gắn bó với lĩnh vực này đến gần 20 năm, chắc có lẽ là vì mình đã quá đam mê, mình đã coi đó là điều quen thuộc và hiển nhiên mất rồi.
Với tư cách là người đưa tin, định hướng dư luận xã hội, đòi hỏi nhà báo phải có bản lĩnh vững vàng, biết phân định thông tin đúng, sai và có kiểm chứng bởi chính nhà báo trong một rừng thông tin ấy, chỉ họ mới quyết định đưa đến cho độc giả nội dung gì. Đã có khi nào chị băn khoăn về sự xác thực của thông tin, rằng một nửa sự thật không phải là sự thật?
– Rất nhiều chứ. Tôi có thể đưa ra một ví dụ điển hình cho mọi người thấy ranh giới mong manh và cực kỳ nguy hiểm khi làm nghề. Đó là khi tôi và đồng nghiệp thâm nhập vào đường dây buôn bán ma tuý, chứng kiến cảnh rất nhiều người có biểu hiện lạ, đang sử dụng các loại có hình dạng giống với ma tuý, thuốc lắc, ke…
Nếu chứng kiến sự việc như vậy, bất cứ ai trong chúng ta cũng chắc chắn đó là ma tuý phải không? Thế nhưng nhà báo điều tra không có quyền khẳng định như vậy, một nửa sự thật đâu phải là sự thật.
Mắt thường và tư duy mách bảo chúng ta rằng đó là ma túy, người trước mắt cũng là người sử dụng ma túy. Thế nhưng, thứ cần để vào cuộc là chứng cứ, không phải điều chỉ có thể xác nhận bằng mắt thường. Đây cũng là bài học cực kỳ đắt giá cho những ai rơi vào tình huống tương tự.
Vậy trong những trường hợp có ranh giới mong manh như thế, chị sẽ làm thế nào?
– Lúc nào cũng phải có căn cứ xác thực, đó là điều tôi luôn tâm niệm. Khi còn nghi ngờ và chưa thực sự yên tâm về một vấn đề, việc cần làm là dừng lại, tìm hiểu thêm và sau đó tiếp tục tiến hành.
Một tác phẩm báo chí có thể nhận được lời khen chê, những ý kiến trái chiều. Theo quan điểm của chị, khi có nhiều ý kiến phản hồi không tích cực, đó đã phải là một tác phẩm thành công chưa?
– Có hai loại tác phẩm báo chí tôi thường thực hiện. Nếu là phóng sự điều tra, tôi thường tính toán ngay từ ban đầu rằng đối tượng mình điều tra là ai? Sau khi phát sóng, liệu họ có bị xử lý gì không, hiệu ứng của tác phẩm như thế nào? Đó chính là câu trả lời về việc tác phẩm đó có đạt hiệu quả tác động xã hội hay không.
Còn khen, chê là chuyện bình thường của khán giả, quan trọng là tác phẩm được thu thập đầy đủ thông tin, khách quan, trung thực và mình luôn giữ lại chứng cứ để bảo vệ mình về sau khi có các thông tin sai lệch về tác phẩm của mình. Làm 1 phóng viên điều tra thì phải học cách chịu được áp lực vì những đối tượng mà mình điều tra chắc chắn sẽ không yêu thích gì mình rồi, qua nhiều năm thì số lượng đó lại càng nhiều hơn.
Trước giờ tôi vẫn luôn nhìn nhận một thực tế như thế này: Cuộc sống chúng ta không có gì hoàn hảo, 100 người ngoài kia có 10 người yêu mình đã quá quý giá rồi, nhất là khi công việc của mình sẽ chạm vào lợi ích của không ít người. Mọi thứ chỉ là đánh giá chung, rất khó để mà định lượng.
Gần 20 năm dấn thân ở mảng điều tra khốc liệt như vậy, “gia tài” lớn nhất của chị là gì?
– Về tuổi đời, chị biết đấy, tôi chưa quá kỳ cựu để gọi là nhiều tuổi. Thế nhưng, nói về sự chuyên sâu trong lĩnh vực báo chí điều tra, tôi nghĩ mình đã có một hành trình dài, ngay từ khi bắt đầu với nghề báo, để tới hiện tại có thể chia sẻ với đồng nghiệp, với mọi người được một “gia tài” đặc biệt – đó chính là góc nhìn quan sát và đánh giá vấn đề.
Đương nhiên bất kỳ ai cũng có góc nhìn, nhưng cách nhìn của một người làm điều tra lâu năm sẽ rất kỹ lưỡng, cẩn trọng và bao gồm nhiều khía cạnh. Đó là thứ đúc kết bằng cả kiến thức trau dồi mỗi ngày lẫn kinh nghiệm thực tế trong quá trình tác nghiệp.
Ví dụ như trong phóng sự “Bảo kê chợ Long Biên”, khi thu thập hình ảnh các đối tượng thu tiền bảo kê từ tiểu thương, bằng chứng lấy được là các hình ảnh đưa tiền, tuy nhiên mình phải phòng tránh việc sau khi phát sóng, tiểu thương bị doạ dẫm từ đó các đối tượng có thể biến việc tiền đó là thoả thuận vay mượn với nhau. Góc nhìn quan sát ở đây chính là nhìn hành vi, hiện tượng để đặt ra những tình huống có thể xảy ra, và lúc này nhà báo sẽ phải biết cách thu thập thêm những bằng chứng gì để bảo vệ mình sau khi tác phẩm đến với công chúng.
Chị có thể điểm lại những vụ án rất lớn mình đã từng tham gia?
– Có nhiều vụ tôi đã theo đuổi trong một khoảng thời gian dài, mang lại hiệu ứng cao trong xã hội như mọi người đều đã biết. Đó là phóng sự điều tra vụ “bảo kê” chợ Long Biên, Hà Nội – với việc khởi tố các đối tượng nguy hiểm như Nguyễn Kim Hưng (tức Hưng kính), Nguyễn Hữu Tiến (tức Tiến hói)… Hoặc là loạt phóng sự “Phá rừng quy mô lớn tại Kon Tum”, giúp cơ quan chức năng bắt giữ nhiều đối tượng vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản, giành Giải A Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XV – năm 2020.
Những năm gần đây, tôi có làm các phóng sự mà có thể khán giả ít quan tâm hơn, nhưng trong lĩnh vực báo chí điều tra, đó đều là những vụ việc khó, đòi hỏi kỹ năng nghiệp vụ cao mới thực hiện được. Ví dụ như cách đây vài tháng, tôi triển khai loạt phóng sự “Mập mờ trong biến hóa đất khai hoang” ở Hà Nội.
Đất đai là một lĩnh vực vô cùng nhạy cảm. Người xử lý thông tin phải tìm hiểu rất kỹ, đủ khả năng xâu chuỗi thông tin, bởi đối tượng mình điều tra là những người có chuyên môn, đang làm việc tại các cơ quan nhà nước. Khai thác lĩnh vực này, mình phải tìm hiểu sâu hơn họ thì mới có thể tìm ra những sai phạm, chỉ ra các điểm mâu thuẫn trong hồ sơ, giấy tờ, tài liệu mà mình thu thập. Tuy không tạo nhiều ấn tượng về mặt hình ảnh như thể loại điều tra nhập vai và mật phục mà tôi từng thực hiện, nhưng đây là loại hình báo chí điều tra khó nhằn nhất với người làm báo, đó là loại hình báo chí điều tra dữ liệu.
Ở trên, chị vừa nói đến loạt phóng sự về chợ Long Biên gây chấn động dư luận một thời gian dài và một số quan chức ở Hà Nội cũng lao đao sau vụ việc đó. Đấy có phải là vụ việc lớn nhất, nguy hiểm nhất mà chị từng làm điều tra không?
– Khi tiến hành điều tra sự vụ này, đúng là tôi và đồng nghiệp từng nhận được những lời đe dọa. Đó là vào một đêm giữa tháng 12/2019, màn hình điện thoại của tôi bỗng nhiên hiện lên loạt tin nhắn: “Mày dừng lại đi đừng cố tình quay bọn tao nữa cũng chẳng làm được gì đâu. Tao nói một lần duy nhất và nếu mày không nghe lời thì cả nhà mày sẽ phải chết vì mày”; “Mày nên nhớ là cả nhà mày sẽ chết nếu cố tình chọc bọn tao”. Ngay sau đó, tôi làm việc với phòng Cảnh sát Hình sự, Công an TP.Hà Nội, lãnh đạo Đài, đề nghị cơ quan điều tra vào cuộc làm rõ nội dung tin nhắn nặc danh khủng bố tinh thần và đồng thời có biện pháp bảo vệ an toàn cho mình.
Thế nhưng, trên thực tế, đó cũng chỉ là một trong rất nhiều lần tôi nhận tin nhắn, cuộc gọi đe dọa trong gần 20 năm qua. Họ thậm chí nắm rõ lịch trình gia đình, cách tôi và người thân di chuyển. Sau nhiều năm, có lẽ biết được tính cách và sự kiên định của tôi, sự dọa nạt này càng thưa thớt dần.
Nói về cảm giác nguy hiểm, đáng sợ, có lẽ ký ức lớn nhất trong tôi tới lúc này là lần đi làm loạt phóng sự điều tra “Phá rừng quy mô lớn tại Kon Tum” vào năm 2020, bắt nguồn từ thông tin của một người dân cung cấp. Người ta có câu “Muốn biết can đảm hay không hãy vào rừng sâu ngủ”. Dù đã dự đoán trước tình hình, đề phòng các biến cố xảy ra, chúng tôi vẫn không ngờ mọi thứ lại nguy hiểm và đáng sợ đến như thế.
Để ghi lại những hình ảnh phá rừng với quy mô lớn vào ban đêm, nhóm PV chúng tôi đi bộ suốt cả ngày, đợi tới đêm, khi lâm tặc bắt đầu vào làm việc. Độ tối trong rừng khủng khiếp tới mức, khi bạn để màn hình điện thoại ở độ sáng 0%, nó hoàn toàn có thể trở thành một chiếc đèn pin soi sáng dẫn đường. Thời điểm ấy, thú thật sự sợ hãi đã khiến tôi nghĩ trong đầu: “Đi nốt chuyến này về phải bỏ nghề thôi, chỉ có bỏ nghề mình mới bỏ được cái tính tò mò này”.
Thế nhưng, lúc khoảnh khắc đó đi qua, tôi lại nghĩ: “Mình không bỏ cuộc được, người dân kỳ vọng ở mình, ê-kíp cũng không thể mất công lặn lội”. Động lực ấy đã khiến tôi thực hiện phóng sự trong 3 tháng, với khoảng 2,5 tháng ngủ trong rừng, nay chỗ này, mai chỗ khác, nằm nghỉ và rồi lại tác nghiệp ở bất cứ nơi nào có thể.
Những tình huống nguy hiểm ở mỗi vụ việc lại có diễn biến rất khác nhau. Chị đã phải ứng biến linh hoạt như thế nào để vừa đảm bảo an toàn cho chính mình nhưng cũng có thể xử lý được những thông tin mang được sự thật đến công chúng?
– Trước khi tác nghiệp, tôi luôn lên kế hoạch rất kỹ lưỡng, tính trước mọi tình huống sẽ xảy ra, dù đương nhiên đôi khi nó xảy ra y hệt như tính toán, nhưng lại nặng nề và khó khăn hơn mình mong muốn.
Ở trong mọi trường hợp nguy hiểm, cách giải quyết luôn là bình tĩnh, không được mất kiểm soát. Để đối tượng điều tra tin rằng chúng ta không gây hại cho họ, cần hướng câu chuyện theo một cách tích cực, vui vẻ, thay đổi suy nghĩ của họ.
Lần điều tra vụ phá rừng tại Kon Tum mà tôi vừa kể là một ví dụ. Trong một chuyến đi, cả ê-kip 5 người của đoàn chúng tôi bị phát hiện, phải đối diện với 11 tên lâm tặc. Dù đã chuẩn bị từ trước, không ít người trong đoàn vẫn run rẩy, buộc tôi dù đã giấu mình vẫn phải lên tiếng. Trước câu hỏi tra xét của một tên, tôi vui vẻ trả lời: “Bọn em đi phượt tìm cảm giác lạ ấy mà anh”. Rồi thấy một người trong đoàn tay run rẩy, run tới mức không thể mở chai nước, tôi nhanh tay lấy rồi mở chai nước ra và nói: “Các anh có ngồi uống nước cùng bọn em cho vui không”. Cách xử lý lúc đó của chúng tôi đã khiến lâm tặc lầm lì bỏ đi, sau đó chúng tôi rút lui một cách thành công.
Việc phải thường xuyên xuất hiện trên kênh truyền hình có khiến cho chị gặp khó khăn khi tác nghiệp những vụ việc khác không, bởi hình ảnh và giọng nói của chị đã quá quen thuộc với công chúng?
– Nhìn nhận một cách tích cực, việc mọi người biết tới một cách rộng rãi giúp nhà báo điều tra thu thập được nhiều thông tin, từ đó có đa dạng trong nguồn tin, đề tài để khai thác. Càng đa dạng thì càng chất lượng.
Đương nhiên, khi nhiều người nhận ra, quá trình tác nghiệp của người phóng viên sẽ ít nhiều gặp ảnh hưởng, cần thay đổi cách làm. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là chúng ta lựa chọn cái gì: Chọn nhiều đề tài hay ưu tiên việc tác nghiệp? Đối với tôi, tôi chọn đề tài.
Cũng bởi chọn đề tài, khi xuất hiện nhiều, tôi có thêm những nguồn tin, từ đó cho ra đời những tác phẩm hiệu quả. Đi cùng với đó, tôi cũng phải nghĩ nhiều cách để lần tác nghiệp về sau hiệu quả hơn. Trong lĩnh vực báo chí điều tra, nhà báo cũng hoàn toàn có thể đứng phía sau, làm với ê-kíp mà vẫn tạo nên hiệu quả của phóng sự mình mong muốn.
Sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội có giúp ích chị trong quá trình điều tra?
– Tôi khai thác nhiều đề tài qua mạng xã hội, bởi được người dân tin tưởng và cung cấp. Họ nhắn tin cho tôi qua Facebook, tôi cũng không thể trả lời hết nhưng vụ việc nào thấy hay, đủ cơ sở dữ liệu, tôi sẽ trao đổi lại và yêu cầu họ gửi thông tin để mình tiến hành công việc.
Loạt phóng sự về cải cách hành chính, liên quan tới thủ tục cấp sổ đỏ là một ví dụ. Tất cả những trường hợp người dân tôi tiến hành điều tra sau đó đều được cấp sổ, bởi tôi đã nghiên cứu tài liệu một cách chắc chắn, đầy đủ trước khi đăng tải. Đặc biệt, một hộ dân chờ ròng rã 12 năm, thế rồi được cấp sổ chỉ sau chưa đầy 48 tiếng phóng sự phát sóng. Khi gửi thông tin cho tôi qua Facebook, những người dân này cũng không ngờ rằng mình được tiếp nhận thông tin và xử lý, càng không ngờ họ có thể giải quyết sự việc nhanh tới vậy.
Ở phía ngược lại, thời đại 4.0 có khiến người làm báo áp lực hơn, khi rất nhiều thông tin trái chiều xuất hiện sau khi một tác phẩm lên sóng?
– Trong một môi trường bùng nổ công nghệ số như hiện tại, chúng ta cần chuẩn bị tâm lý rằng bất kỳ ngành nghề nào đều có thể bị tấn công. Theo tôi, nên coi đó là một tiêu chí yêu cầu công việc để mình vượt qua nó, chứ không phải việc đến rồi mình mới ngỡ ngàng, bị động. Khi “khủng hoảng truyền thông” diễn ra ở mức độ nào, chúng ta sẽ xử lý ở mức độ đó.
Cuộc đấu tranh với cái xấu luôn chứa đựng những cám dỗ nhất định. Cũng có một thực tế đáng buồn trong ngành báo chí, có nhiều nhà báo lợi dụng nghề nghiệp của mình để trục lợi cho cá nhân, tổ chức. Chị có từng gặp phải những lời đề nghị thương lượng không, và lúc đó chị ứng xử ra sao?
– Cả một quá trình dài làm phóng sự điều tra, việc tôi trải qua những tình huống có sự thương lượng về mặt lợi ích cũng khá nhiều.
Thông thường, các đối tượng bị điều tra luôn muốn gặp nhà báo để đưa ra thỏa hiệp. Cũng bởi vậy, tôi có một nguyên tắc rất rõ ràng khi làm nghề: Không bao giờ gặp trực tiếp nhân vật khi tiếp nhận vụ việc.
Khi nhận đơn, tôi sẽ đọc, tìm hiểu, xác minh bằng nghiệp vụ, sau đó mới quyết định tiếp cận nguồn tin. Điều này giúp tôi hạn chế được các thông tin không minh bạch, hoặc người cung cấp thông tin có động cơ phía sau, hoặc mang đến các ảnh hưởng tiêu cực tới quá trình tác nghiệp.
Rất nhiều người bằng cách nào đó tìm được số điện thoại của tôi, đưa ra những lời thương lượng. Lúc này, nhà báo điều tra cần phải tinh tế trong cách xử lý. Nếu từ chối, các đối tượng có thể tìm mọi cách để gây khó khăn trong việc tác nghiệp tiếp theo. Nếu giả vờ đồng ý (dù đương nhiên bản thân minh bạch), chẳng may họ ghi âm, chúng ta sẽ rắc rối về mặt pháp lý. Là người có kinh nghiệm nhiều năm, những câu chuyện ấy không hề làm khó được tôi, tôi luôn tìm cách để trì hoãn thời gian giúp mình hoàn thiện nhanh nhất tác phẩm để lên sóng.
Đối tượng bị điều tra cũng rất đa dạng, có khi là những người rất giỏi, là quan chức, có quyền lực. Đã có vụ việc nào mà chị “thất bại” trước những đối tượng như thế?
– Như tôi đã nói, quá trình làm điều tra dạy cho tôi sự kỹ lưỡng, nghĩa là tôi đã tính tới nhiều chiều, nhiều tình huống trước khi đưa ra một vụ việc.
Làm điều tra dữ liệu khó và cần nhẫn nại, đặc biệt khi đối tượng của mình là người có chuyên môn sâu. Tôi không ngại dành thời gian thu thập, hỏi không chỉ một chuyên gia mà nhiều chuyên gia. Có những vấn đề tôi hiểu sâu tới mức chuyên gia còn ngạc nhiên. Họ bảo: “Liên ơi, em hiểu hơn cả một người trong nghề mất rồi. Chắc chắn không phải ai cũng nghiên cứu sâu tới vậy”.
Sự kỹ lưỡng mang lại cho tôi thành công. Cũng bởi vậy, khi làm phóng sự điều tra dữ liệu, tôi chưa từng thua cuộc, tính cho tới thời điểm này.
Có thể nói chị là một trong những phóng viên nữ điều tra hàng đầu ở Việt Nam, lại làm việc ở một kênh truyền hình lớn nhất cả nước. Đã bao giờ chị nghĩ, mình thiệt thòi hay may mắn hơn, khi là phụ nữ?
– Tôi nghĩ, ở thời đại này, trong nghề báo cũng như bất kỳ nghề nghiệp nào, không nên giữ các phân biệt về giới tính. Làm điều tra, đúng là mọi người luôn nghĩ phụ nữ sẽ vất vả hơn nam giới, thế nhưng tôi cũng chưa bao giờ quan niệm rằng “mình là nữ, mình đặc biệt”. Điều kiện mọi người khác nhau, tôi có lợi thế của mình và nam giới cũng vậy, theo đuổi hay không là do lựa chọn của mỗi người.
Vậy phía sau của một nữ nhà báo nổi tiếng là một Liên Liên như thế nào?
– (Cười). Nói về mình thật khó, thú thật tôi cũng không quen với điều này. Hình ảnh mà khán giả biết về tôi hầu hết là qua các tác phẩm ở trên sóng truyền hình. Để phác họa một cách ngắn gọn, đủ để mọi người hiểu một phần nào đó, thì có lẽ tôi là một người thích sự yên tĩnh. Nghe hơi mâu thuẫn phải không? Thế nhưng thực sự ở ngoài đời, tôi khác xa với người phụ nữ vẫn xuất hiện trên màn hình. Dù cuộc sống, công việc luôn gắn với ồn ào, nhưng tôi thích sự tĩnh lặng.
Căn nhà nhỏ của chị ngập tràn hoa lá quanh năm. Dường như đó là một góc trú ngụ an yên, giúp chị cân bằng lại sau những thời gian dành hết tâm sức cho công việc?
– Ngoài đời, bạn bè bảo tôi trái ngược hoàn toàn với hình ảnh xuất hiện trên sóng truyền hình. Tôi thích đọc truyện ngôn tình, chơi đàn, múa, trồng cây, may vá, nấu nướng, trang trí nhà cửa… Nhiều sở thích, nhiều đam mê có lẽ cũng là cách để tôi cân bằng lại, giải tỏa những áp lực và sức ép của công việc.
Nói thật, với làm vườn, tôi như một người nông dân đích thực. Tôi tìm hiểu rất kỹ từng loại cây mình trồng như có phù hợp với khí hậu miền Bắc hay không, thường bị sâu bệnh như thế nào, cây ưa nắng hay ưa râm, phù hợp với đất trồng như thế nào….
Tôi mát tay trồng cây và có thể ngắm vườn cây cả ngày không chán.
Cảm ơn những chia sẻ của chị!
Leave a Reply