Ngày 1/7, Sở GDĐT Hà Nội chính thức công bố điểm chuẩn vào lớp 10 của 117 trường THPT công lập năm 2024.
Theo thống kê của Sở GDĐT Hà Nội, năm học 2023-2024, có khoảng 133.000 học sinh tốt nghiệp THCS, tăng hơn 5.000 so với năm 2023. Dự kiến, chỉ có khoảng 81.200 học sinh sẽ được tuyển vào trường THPT công lập (chiếm hơn 60%). 40% thí sinh còn lại thi trượt hoặc chọn con đường khác ngay từ đầu.
Thi trượt vào lớp 10, không được học trường công lập, với nhiều thí sinh 15 tuổi, đây là cú sốc đầu đời.
Chia sẻ với PV báo Dân Việt, em Nguyễn Vân Anh, ở quận Thanh Xuân, Hà Nội thổ lộ: “Em thiếu 0,75 điểm nên trượt cả 2 nguyện vọng. Từ ngày bước vào lớp 9, em đã không cho mình được nghỉ ngơi. Em luôn cố gắng hết sức mình để học thêm mỗi tối và giải quyết hết bài tập cô giáo giao. Em thương bố mẹ lo lắng cho em, đưa em đi thi, kỳ vọng vào em… và điều đó càng làm cho em thấy có lỗi. Em đã khiến bố mẹ mất ăn mất ngủ thời gian qua, bây giờ lại vất vả tìm trường tư cho em học”.
Lê Thu Hà, thí sinh thi vào lớp 10 Hà Nội năm nay chia sẻ: “Em luôn tự trách bản thân mình sao điểm thi lại như thế. Thời gian thi xong, em luôn hóng từng ngày để biết khả năng của mình. Nhưng mà đến lúc biết điểm thi thì em rất buồn. Em tủi thân và cảm thấy thất vọng về bản thân mình. Em sợ cảm giác phải đối mặt với mọi người, sợ bạn bè hỏi han. Em không dám đối mặt với cú sốc này. Em cũng muốn được đi học như các bạn thôi mà sao khó quá”.
Hụt hẫng, thất vọng, chán chường, sốc…. cũng là tâm trạng chung của nhiều thí sinh thi trượt vào lớp 10 Hà Nội và đang phải tìm con đường đi khác với dự định ban đầu. Nhiều năm nay, cuộc thi vào lớp 10 công lập ở Hà Nội là nỗi ám ảnh của các học sinh, phụ huynh.
“Hãy cố gắng từng chút một để trở thành phiên bản hoàn hảo nhất”
Chia sẻ với PV báo Dân Việt, TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý giáo dục Hà Nội, chia sẻ: “Trước mỗi kỳ thi, học sinh và phụ huynh đều có những kỳ vọng. Đó đều là những kỳ vọng chính đáng, nhưng không phải lúc nào kết quả cũng được như mong đợi”.
TS Lâm ví dụ nhiều trường hợp học sinh có sức học tốt nhưng không đạt được nguyện vọng vào các trường top đầu. Song, “trong cái rủi lại có cái may”, khi học tại những ngôi trường top dưới, học sinh này nhờ lực học tốt, được thầy cô động viên, em luôn dẫn đầu trong các kỳ thi của trường. Nhờ đó, em đã thuận lợi đỗ vào những trường đại học tốt trong nước.
“Ngược lại, có không ít trường hợp học sinh đỗ vào những ngôi trường top đầu nhưng vì chủ quan mình giỏi, cuối cùng lại không có ý chí phấn đấu và gặp thất bại về sau. Cho nên chúng ta không nên ân hận về những điều không làm được. Điều quan trọng, các em cần phải rút kinh nghiệm. Trước thất bại, bạn cần phải vững vàng để tiếp tục vươn lên”, TS Lâm nói.
TS Lâm cũng nhắn nhủ thêm: “Bản thân đứa trẻ khi thi trượt đã rất đau buồn. Lúc này, cha mẹ cần phải “kìm nén” những kỳ vọng để chia sẻ và đồng hành cùng con. Việc chọn một ngôi trường tư phù hợp cũng là bài toán quan trọng nhất lúc này. Phụ huynh cần động viên, tiếp thêm cho con ý chí, nghị lực để bước tiếp và nỗ lực về sau. Mọi sự chỉ trích, mắng mỏ trong thời điểm này đều không có tác dụng, thậm chí sẽ khiến đứa trẻ càng thêm tổn thương, phẫn uất, dẫn tới những hành động dại dột”.
Cô Tô Thị Hải Yến, Hiệu trưởng trường THCS Giảng Võ, quận Ba Đình, Hà Nội, nhắn nhủ với các học trò: “Cho dù kết quả có thế nào, các em hãy ghi nhận sự nỗ lực của chính mình, trân trọng quá trình các em đã cố gắng để trưởng thành hơn. Trong chặng đường ấy, các em hãy biết ơn bố mẹ vì đó là những người thân yêu đã luôn bên các em, biết ơn mái trường vì đó là nơi có thầy cô, bạn bè – những người đã cùng các em viết nên những kỷ niệm ngọt ngào.
Ngày mai, trong hành trình mới, các em hãy “sống thật sâu” để cảm nhận cuộc sống đa sắc muôn hình tươi đẹp, tìm thấy giá trị riêng biệt của bản thân mình. Mỗi ngày trôi qua, hãy gieo cho mình thêm chút tự tin và hy vọng để trở thành một “cái tôi” mới tốt hơn ngày hôm trước.
Các em hãy nhớ rằng nỗi buồn và niềm vui không phải hai thái cực đơn lập, những trạng thái cảm xúc ấy nhiều khi đan xen, hòa quyện vào nhau, thậm chí tạo nên nhau. Có những nụ cười nghẹn ngào nước mắt và cũng có những niềm đau khiến ta thêm vững chãi, trưởng thành. Quan trọng là các em hãy chú tâm nhận diện chất liệu của hiện thực và cố gắng từng chút một để trở thành phiên bản hoàn hảo nhất của chính mình. Bố mẹ, thầy cô, bè bạn yêu mến, trân trọng các em bởi các em là như thế”.
Leave a Reply